Biết Vu lan năm nay sẽ ở trong khu cách ly sau chuyến bay từ New Zealand về nước, chị Xuân Triệu (quê ở Q. Thanh Xuân, Hà Nội) đã cùng con cháu làm mâm cơm chay đặc biệt cúng mẹ ruột và mẹ chồng trước ngày trở về.
Mâm cơm cúng mẹ của chị Xuân đẹp tinh tế và sinh động, khiến nhiều chị em nể phục.
|
Tấm lòng hướng về đấng sinh thành của chị Xuân gửi trong các món chay (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Sắp qua tuổi 40, chị Xuân luôn tâm niệm, tất cả những thành công bé nhỏ trong cuộc đời mình đều thừa hưởng từ đức hạnh của 2 người mẹ đã khuất.
Một người khó khăn lắm mới sinh được mình chị, nhưng không cưng chiều con, mà dạy dỗ nghiêm khắc. Trong kí ức tuổi thơ cho đến bây giờ chị vẫn thuộc lòng lời mẹ dặn “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè tằn tiện”. Bà muốn chị cảm nhận được vị mặn của giọt mồ hôi trong lao động thay vì dễ dãi cho con tiền chi tiêu.
|
Đây là 2 người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời của chị Xuân (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Sau này, chị thành công trên con đường kinh doanh một phần do được mẹ huấn luyện buôn bán từ nhỏ. Từ thời tiểu học, thấy cô hàng hoa gói hoa bán cho khách, thế là chị đếm từng ngày cho đến mùng 1, ngày rằm hái hoa trong sân vườn đem ra trước cổng để bán. Thấy cô bé chỉ cao hơn cái chậu đặt hoa 1 chút, ai đi ngang cũng mua động viên.
Người mẹ thứ 2 không sinh ra chị nhưng sinh ra chồng chị. Bà đã yêu thương, bao bọc xoa dịu những nỗi đau trong cuộc đời chị bằng tình thương dịu dàng.
Sự ra đi đột ngột của họ đã để lại trong chị nỗi đau không gì bù đắp. Nhưng những lời giáo huấn của 2 mẹ về đức hạnh, lối sống biết tiết kiệm và yêu thương người đang được con cháu chị nối dài.
|
Nhóm thiện nguyện "Hoa chùm ngây" của chị Xuân và bạn bè lập ra nhiều năm qua để chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Chị cùng bạn bè lập lên nhóm thiện nguyện “ Hoa chùm ngây” nhằm chia sẻ khó khăn với những bệnh nhân ung thư, những hoàn cảnh khó khăn. Chị Xuân không thấy vất vả khi cùng bạn bè chuẩn bị hàng ngàn suất cơm chay mỗi ngày, làm việc không nghỉ từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Chị chỉ lấy đó làm hoan hỉ. Ngoài tình cảm, nụ cười của những bệnh nhân, những hoàn cảnh khó khăn, chị còn học được cách nấu món chay từ những đầu bếp giỏi trong nhóm thiện nguyện.
6 năm nay, vợ chồng chị tạm gác công việc kinh doanh ở Việt Nam để sang hỗ trợ 2 cậu con trai sinh sống lập nghiệp ở New Zealand. Đây là thời điểm chị có nhiều thời gian chăm sóc con cháu và trổ tài ẩm thực, đặc biệt là món chay.
|
Con cháu hào hứng với những món ăn chay thuần Việt chị nấu để thay thế những bữa ăn đạm động vật (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Chị mày mò nghiên cứu, thử nghiệm các món chay sao vừa ngon miệng, bắt mắt nhưng phải đảm bảo yếu tố dinh dưỡng, bắt mắt, ngon miệng. Ẩm thực ở xứ người nhưng nguyên liệu, gia vị, tên gọi món ăn và đồ dùng đều thuần Việt. Chị chiêu đãi cả nhà bằng cơm mẹt, phở nấu từ củ cải, xôi nóng gói lá bồ đề, nộm hoa chuối…
|
Món ăn được biến tấu từ rau củ quả trong vườn (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Chị xem nấu món chay là thời điểm thư giãn, tĩnh tâm. Chị Xuân có nàng dâu nấu ăn cũng chẳng hề kém cạnh mẹ chồng. Chị thương con dâu như con gái, góc bếp là nơi hai mẹ con chị ríu rít đủ chuyện trên đời.
New Zealand đang vào đông, khí hậu rất lạnh, cây cối quanh vườn khó phát triển, chị Xuân tranh thủ thái nhỏ hành sả, chế biến củ cải, ớt cay, cà chua, rau hung, lá tía tô… đóng thành từng bịch bỏ vào ngăn đông để dùng được quanh năm.
Mỗi bữa ăn chị chỉ mất tầm 10 phút chế biến, vì chị Xuân luôn có kế hoạch rõ ràng. Ví dụ, trước khi đi ngủ, chị lấy ra 1 bịch đựng nước cốt rau, sáng dậy chỉ cần bỏ phở khô vào đã có món điểm tâm ngon lành.
Đó cũng là cách chị dạy cho con cháu biết tiết kiệm chi phí và thời gian và đảm bảo chất lượng cuộc sống. Chị chia sẻ: “Phụ nữ không nên suốt ngày trong bếp mà phải biết sắp xếp thời gian thảnh thơi uống trà cùng chồng, xem phim cùng cháu hay ra ngoài thăm thú bạn bè”.
Sát cánh cùng chị suốt 30 năm qua là anh Huy Thắng. Họ lớn lên trên cùng một con phố, là mối tình đầu của nhau và đã cùng nhau qua biết bao sóng gió thăng trầm.
Hành trình vất vả nhưng đầy tự hào của anh chị mang tên “mưu sinh” và “đi tìm con chữ”. Chị kể, sự học của anh chị đều dang dở, bởi lên cấp III, mẹ chị sợ con gái đạp xe đi học xa không an toàn nên cho nghỉ ở nhà. Còn anh sinh ra trong gia đình có 10 người con nên cũng phải nghỉ để phụ giúp cha mẹ.
Khi con trai đầu lòng vào lớp 3, cậu út lên mẫu giáo, thì bố Thắng mẹ Xuân cũng bắt đầu học lại. Ban ngày, anh chị tất tả mưu sinh, tối tối chồng chở vợ đi học lớp bổ túc văn hóa. 2 con cứ thắc mắc, bố mẹ lớn tuổi mà vẫn còn ngồi ôn bài cùng chúng.
|
Sự học của mình bị gián đoạn hồi nhỏ nên anh chị rất chú trọng việc học của các con (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Thời điểm đó, dù kinh tế gia đình khó khăn, nhưng vì ham hiểu biết và muốn làm gương cho con, anh chị tiếp tục thi lên đại học. Anh học luật, chị học chuyên ngành quản trị kinh doanh thuộc Đại học Mở Hà Nội. Ngày bố mẹ nhận bằng tốt nghiệp, cũng là lúc con trai lớn đi du học. 2 năm sau, cậu út lại lên đường sang New Zealand du học giống anh trai.
Để tiếp tục sát cánh cùng con, vợ chồng chị Xuân tiếp tục dắt nhau tới trung tâm Anh ngữ để học ngoại ngữ. Khi bước vào lớp, các bạn trẻ đã đứng dậy chào vì nghĩ chị là giáo viên.
|
Cứ 5 năm vợ chồng chị Xuân lại tổ chức lại đám cưới 1 lần (Ảnh nhân vật cung cấp) |
30 năm đi cùng nhau nhưng chưa có bữa cơm nào thiếu bóng dáng của 1 trong 2 người. Cứ 5 năm anh chị lại tổ chức lại đám cưới 1 lần. Anh Thắng vẫn chu đáo tỉ mẩn sắm chăn drap, chiếu nệm và mua hẳn chiếc giường mới như cưới lần đầu. Anh còn dày công tìm cho được người kết hoa cưới ngày xưa làm lại cho anh bó hoa hồng và hoa lay ơn màu trắng để tặng vợ.
|
Được đặt chân lên mảnh đất quê hương, họ cảm nhận bình yên bên những bữa cơm cách ly (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Đã qua thời chạy ăn từng bữa, đêm đêm chở nhau đi học rồi lại thấp thỏm lo 2 con, giờ thì anh chị đã thảnh thơi đi đi về về thăm con và chơi cùng cháu. Những ngày này, anh chị đang trải nghiệm những giây phút sống chậm đầy hạnh phúc trong một khu cách ly yên bình, trên đất quê hương...
Lâm Hoàng