Malaysia tuyên bố gửi trả 3.000 tấn rác thải nhựa về nơi xuất xứ

28/05/2019 - 19:27

PNO - Bộ trưởng Môi trường Malaysia cho biết hôm thứ ba 28/5 rằng nước này sẽ gửi khoảng 3.000 tấn chất thải nhựa trở lại các nước xuất xứ và gọi những người nhập khẩu rác bất hợp pháp là “kẻ phản bội”.

Bà Yeo Bee Yin, Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu, cho biết 60 container rác nhập lậu sẽ được gửi trả nơi xuất phát.

Bà Yep nói với phóng viên sau khi kiểm tra các container tại Port Klang: "Những container này đã được đưa vào đất nước bất hợp pháp bằng cách khai báo sai và các hành vi tội phạm khác, chúng rõ ràng vi phạm luật môi trường của chúng tôi".

Bà nói rằng lỗi thuộc về các nhà xuất khẩu và đối tác của họ ở Malaysia: "Mỗi container được nhập khẩu đều có người nhận ở đây... nếu không thì họ không thể xuất chúng đến Malaysia; đó là lý do tại sao tôi gọi nhóm người này là kẻ phản bội".

Bộ trưởng cho biết bà không thể tiết lộ có bao nhiêu công ty địa phương tham gia đường dây buôn lậu rác, vì cuộc điều tra vẫn đang trong quá trình thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, bà Yeo hứa rằng tất cả thủ phạm sẽ bị đưa ra công lý.

Malaysia tuyen bo gui tra 3.000 tan rac thai nhua ve noi xuat xu
Bà Yeo Bee Yin (phải) tuyên bố rằng Malaysia sẽ gửi trả toàn bộ số rác thải nhập khẩu bất hợp pháp vào nước này. Thông tin ban đầu cho thấy 3.000 tấn rác thải trên có xuất xứ từ 14 quốc gia.

Năm 2018, Malaysia trở thành điểm đến chính của rác thải nhựa trên thế giới, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu, làm gián đoạn dòng chảy của hơn 7 triệu tấn rác mỗi năm.

Hàng chục nhà máy tái chế đã bị đóng cửa ở Malaysia, nhiều nhà máy không có giấy phép hoạt động và cộng đồng liên tục phàn nàn về các vấn đề môi trường.

Tháng trước, bà Yeo cho biết chính quyền phát hiện các container vận chuyển với số chất thải được khai báo sai là nhóm 3920: nhựa tái chế, loại không cần giấy phép nhập khẩu; trong khi thực tế chứa nhóm 3915: chất thải nhựa, chất thải và phế liệu. Việc nhập khẩu nhựa nhóm 3915 vào Malaysia cần phải có giấy phép.

Các quan chức Malaysia xác định được ít nhất 14 quốc gia xuất xứ, bao gồm Bangladesh, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Canada, Úc và Anh.

Tuần trước, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte cũng ra lệnh cho chính phủ của mình thuê một công ty vận tải tư nhân để gửi 69 container rác trở lại Canada và để chúng trong vùng lãnh hải của nước này nếu xứ sở lá phong từ chối chấp nhận.

Canada cho biết chất thải, được xuất khẩu sang Philippines từ năm 2013 đến 2014, là một giao dịch thương mại được thực hiện mà không có sự đồng ý của chính phủ.

Đầu tháng 5/2019, khoảng 180 quốc gia đã đồng ý sửa đổi Công ước Basel để biến thương mại toàn cầu về chất thải nhựa trở nên minh bạch hơn và được điều tiết tốt hơn. Mỹ, nước xuất khẩu chất thải nhựa hàng đầu thế giới, đã không phê chuẩn hiệp ước 30 năm tuổi này.

Linh La (Theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI