Malaysia trục xuất người Đài Loan về Đài Loan: Điều dễ hiểu

17/04/2016 - 08:38

PNO - Kuala Lumpur đang thay đổi lập trường, trở nên ngày càng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, thậm chí là "quyết đoán một cách bất thường"

Malaysia truc xuat nguoi Dai Loan ve Dai Loan: Dieu de hieu
Malaysia tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc

Ngày 15.4, chính quyền Malaysia quyết định trục xuất 20 người Đài Loan bị cáo buộc lừa đảo, mặc dù trước đó Bắc Kinh yêu cầu Kuala Lumpur trao trả những công dân trên cho Trung Quốc. Sự cố tranh chấp công dân này cho thấy lập trường khác biệt giữa Bắc Kinh và Đài Bắc về vấn đề Đài Loan.

Sự việc xảy ra khi trong tháng 4.2016. Malaysia bắt giữ 52 người Đài Loan bị cáo buộc tham gia vào các hoạt động lừa đảo. Một trong số này phải bị trục xuất khỏi Malaysia. Ngay lập tức Bắc Kinh đã can thiệp đòi Kuala Lumpur phải trục xuất số người Đài Loan về Trung Quốc, với lý do là đối tượng vụ án xảy ra ở Hoa lục.

Tuy nhiên, cơ quan ngoại giao Đài Loan cho hay, Malaysia đã quyết định vẫn trao trả những người người Đài Loan nói trên cho chính quyền Đài Bắc và sẽ tiếp tục đàm phán để Malaysia trục xuất những người còn lại về Đài Loan.

Trước đó, chính quyền Kenya quyết định trao trả 45 người Đài Loan, cũng tham gia vào một vụ lừa đảo trên mạng, cho chính quyền Bắc Kinh. Ngay lập tức Đài Bắc đã phản đối và coi đó là hành động "bắt cóc" công dân của họ. Đài Bắc tố cáo tư pháp Kenya đã "hợp tác bất hợp pháp" với chính quyền Bắc Kinh trong vụ trục xuất người Đài Loan về Trung Quốc.

Với Đài Loan, hành động trục xuất người Đài Loan về Trung Quốc là vi phạm thô bạo chủ quyền đối với công dân. Trong khi đó, Bắc Kinh lại coi đây là một thắng lợi trong việc khẳng định lập trường chỉ có một nước Trung Quốc duy nhất và Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc.

Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện dưới thời chính quyền của cựu lãnh đạo Mã Anh Cửu thuộc Quốc dân Đảng. Nhưng từ khi bà Thái Anh Văn, thuộc đảng Dân Tiến, một người có xu hướng ủng hộ Đài Loan độc lập, lên nắm quyền hồi tháng 1.2016, Bắc Kinh muốn tỏ ra cứng rắn trên lập trường về vấn đề Đài Loan.

Malaysia và Trung Quốc được biết đến với mối "quan hệ đặc biệt". Tuy nhiên, gần đây trước nguy cơ bị đe dọa bởi những hành động bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông đã khiến Kuala Lumpur phải tỏ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein đã từng tuyên bố: Nếu các báo cáo của Bộ Quốc phòng về hoạt động xây dựng và triển khai thiết bị quân sự của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa là đúng sự thật, chúng ta sẽ buộc phải phản kháng lại Trung Quốc.

Ông Hishammuddin Hussein còn tiết lộ những nỗ lực của ông nhằm gặp gỡ với những người đồng cấp từ Australia, Philippines và Việt Nam để thảo luận về các hành vi quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trên thực tế, sự thay đổi đã bắt đầu từ tháng 6/2015, khi nghị sĩ kiêm Bộ trưởng An ninh Quốc gia Shahidan bin Kassim, người đứng đầu Cơ quan Thực thi pháp luật hàng hải Malaysia (MMEA), lên tiếng cảnh báo về việc tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập cụm bãi cạn South Luconia. Ông cũng cho biết MMEA đã triển khai các tàu tới bãi cạn này để bảo vệ an ninh.

Tháng 11/2015, Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cũng khẳng định Malaysia "sẽ không im lặng khi một cường quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi".

Những phản ứng của Malaysia đã khiến cho nhiều chuyên gia khu vực nhận định rằng Kuala Lumpur đang thay đổi quan điểm, trở nên ngày càng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, thậm chí là "quyết đoán một cách bất thường".

Như vậy, đặt trong bối cảnh mối quan hệ của Malaysia và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng trước vấn đề biển Đông, việc Malaysia bất chấp phản ứng của Trung Quốc, trục xuất người Đài Loan về Đài Loan là điều dễ hiểu. Nó giống như một thông điệp gửi tới Bắc Kinh về lập trường của Kuala Lumpur trong quan hệ hai nước thời điểm hiện tại.

Khánh Ly (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI