Malaysia: Số vụ tảo hôn ngày càng tăng

07/02/2022 - 15:00

PNO - Trong những năm gần đây, số vụ tảo hôn ở Malaysia ngày càng tăng, khiến các nhà lập pháp nước này đang kêu gọi thay đổi độ tuổi kết hôn hợp pháp tối thiểu.

Bảy năm trước, khi Lia (tên của nhân vật đã được thay đổi) chỉ còn vài tháng nữa là dự kỳ thi quốc gia để lấy chứng chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, thì em phát hiện mình có thai. Tuy đã bỏ học, nhưng Lia, khi đó 17 tuổi, vẫn tham gia kỳ thi cuối kỳ, và đạt điểm A môn tiếng Anh, điểm C và điểm D cho các môn khác. Kết quả này đủ để Lia học dự bị đại học, nhưng cô gái đã quyết định kết hôn với bạn trai, khi đó 32 tuổi.

Tảo hôn gia tăng vì nghèo đói do đại dịch gây ra
Tảo hôn gia tăng vì nghèo đói do đại dịch gây ra

Lia, hiện 24 tuổi, cho biết mẹ cô, người đã ly hôn và ở vậy nuôi con, đã ủng hộ quyết định của cô.

“Mẹ em đã đồng ý vì nghĩ rằng việc kết hôn sẽ giúp em “thuần tính” lại. Vì khi em còn là một thiếu niên, mẹ lo rằng em sẽ hay đi chơi khuya và không nghe lời mẹ”, Lia giải thích.

Việc Lia, người theo đạo Hồi, kết hôn năm 17 tuổi là hợp pháp, vì theo luật sharia - tức luật Hồi giáo theo hệ thống pháp luật kép của Malaysia - tuổi kết hôn tối thiểu là 16. Theo luật thế tục áp dụng cho những người không theo đạo Hồi, hiện chiếm hơn 28% dân số 32,7 triệu người của Malaysia, tuổi kết hôn hợp pháp cho cả nam và nữ là từ 18 tuổi.

Nhìn lại quá khứ, Lia nói rằng cô hối hận về quyết định của mình, mặc dù cô vẫn tìm thấy niềm vui trong việc nuôi dạy đứa con trai, hiện đã 7 tuổi.

Lia bị trầm cảm sau sinh và kiệt sức trong những năm đầu của cuộc hôn nhân. Chồng cô là lao động phổ thông tự do trước khi cả hai kết hôn, nhưng đã không muốn tiếp tục những công việc này. Vì vậy, 7 tháng sau khi sinh con, Lia buộc phải nhận việc phụ bán hàng ở một cửa hàng thú cưng. Cô kiếm được 900 Ringgit (tương đương gần 5 triệu đồng) một tháng.

“May mắn là cha của tôi đã chăm sóc cho đứa bé. Ông đã giúp tôi trả tiền viện phí, và trông giữ bé khi cần.

Tôi ước mình có cơ hội được trở lại tuổi thiếu niên, vì khi lớn lên ai cũng bận bịu. Tôi chỉ ở nhà làm vợ, làm mẹ, ngoài ra không có hoạt động nào khác. Đó thật là một trải nghiệm tồi tệ, và tôi rất vui khi có cơ hội kể về câu chuyện của mình như một bài học”, Lia chia sẻ.

Sau khi kết hôn được 18 tháng, Lia đã đệ đơn ly hôn và cô cho rằng Malaysia cần phải thay đổi luật, để thanh thiếu niên dưới 18 tuổi không được kết hôn.

Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo của Malaysia đã từ chối đề xuất từ Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng (WFCDM) của nước này về việc nâng tuổi kết hôn tối thiểu lên 18.

Vị bộ trưởng này - một thành viên nội các cấp cao thuộc Văn phòng Thủ tướng - giải thích rằng, đa số các bang và vùng lãnh thổ của Malyasia (gồm 13 bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang) đều muốn giữ độ tuổi kết hôn tối thiểu là 16 cho người Hồi giáo. Và vì các vấn đề liên quan đến hôn nhân Hồi giáo thuộc thẩm quyền của chính quyền tiểu bang, chính phủ liên bang phải tôn trọng mong muốn của họ.

Hiện, Selangor - trung tâm thương mại của Malaysia - là bang duy nhất đã thay đổi độ tuổi kết hôn hợp pháp của người Hồi giáo, từ 16 lên 18. Ít nhất 5 bang khác và 3 vùng lãnh thổ liên bang, bao gồm thủ đô Kuala Lumpur cũng đã đồng ý sửa đổi luật hôn nhân theo Hồi giáo, nhưng các bang được cho là bảo thủ hơn - như Perlis, Negeri Sembilan, Kedah và Kelantan - vẫn chưa đồng ý nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp lên 18.

Tảo hôn cũng là một vấn đề lâu đời ở Sabah và Sarawak, không chỉ đối với những người theo đạo Hồi, mà còn trong cộng đồng bản địa của nhiều nhóm dân tộc thiểu số, với những phong tục riêng.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2020, Malaysia đã ghi nhận 543 cuộc hôn nhân trẻ em, bao gồm cả đơn đăng ký kết hôn. Trong đó, Sarawak là nơi ghi nhận con số cao nhất, theo WFCDM.

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), năm 2018 Sabah có số vụ tảo hôn Hồi giáo cao nhất, với 334 vụ được ghi nhận.

Lee Lyn-Ni - một chuyên gia về bảo vệ trẻ em tại văn phòng của UNICEF ​​tại Malaysia, cho biết tổ chức này đang làm việc với sự tham vấn của chính phủ liên bang để nâng cao “nhận thức về nguy cơ và các mối đe dọa từ nạn tảo hôn”.

“Việc thay đổi thái độ và hành vi cũng là yếu tố then chốt. Trừ khi có sự thay đổi trong các giá trị xã hội, những người phản đối tảo hôn sẽ luôn lo sợ bị trừng phạt về thể chất hoặc xã hội”, bà Lee nói thêm.

Ngoài ra, bà Lee cho rằng xóa đói giảm nghèo cũng là một giải pháp cho vấn đề tảo hôn. “Nếu các hộ gia đình nghèo và có thu nhập thấp có thể cải thiện phúc lợi cho trẻ em, thì số em phải nghỉ học và kết hôn sớm sẽ giảm xuống”, bà Lee giải thích.

Theo  SCMP, Malaysia không phải là quốc gia duy nhất ở châu Á chấp nhận việc tảo hôn - một khái niệm được Liên Hợp Quốc định nghĩa là hôn nhân chính thức giữa hai người, trong đó có ít nhất một người dưới 18.

Nam Á hiện là khu vực có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới, với 45% phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi kết hôn trước 18 tuổi, và gần 1/5 trẻ em gái kết hôn trước 15 tuổi.

Kết hôn trẻ cũng là một vấn đề phổ biến ở Indonesia, nơi chính phủ đã cam kết giảm tình trạng này.

Các chuyên gia cho rằng, đại dịch COVID-19 cũng góp phần làm cho số lượng các vụ tảo hôn trên toàn cầu tăng lên, khi đói nghèo khiến các gia đình muốn gả con gái sớm để giảm bớt áp lực tài chính.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI