Theo tổ chức phi chính phủ OrphanCare Foundation, số lượng trẻ sơ sinh bị vứt bỏ ngày càng tăng lên, và các chuyên gia lo sợ rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng.
Tiến sĩ John Teo, cố vấn y tế của Liên đoàn Hiệp hội Sức khỏe Sinh sản Malaysia cho biết rằng cứ mỗi em bé được tìm thấy tương đương 10 đến 20 em bé bị vứt đi và không bao giờ được ghi nhận.
Nhiều bà mẹ tuyệt vọng đã làm điều đó vì thiếu hiểu biết, minh chứng cho việc giáo dục giới tính không đúng đắn, hoặc cảm giác bị cô lập do thái độ bảo thủ từ xã hội.
|
Theo Tiến sĩ Teo, số trẻ sơ sinh bị vứt bỏ có thể nhiều gấp 10-20 lần con số được tìm thấy hằng năm. |
Đối với Rofina (không phải tên thật), sự ra đời của đứa con hoàn toàn là một cú sốc. Cô gái 17 tuổi sinh con trong phòng vệ sinh ở nhà cha mẹ, cô thậm chí còn không biết mình có thai.
Rofina kể: “Tôi nắm lấy dây rốn và cắt nó từng chút một bằng đồ bấm móng tay. Việc đó khá khó khăn, vì vậy tôi đã kéo cho đến khi nó đứt ra”. Cô bị bắt và kết án 12 năm tù vì tội bỏ con mới sinh. Cô là người đầu tiên nhận bản án nghiêm khắc đó.
Tuy nhiên, kể từ trường hợp của Rofina vào năm 2013, giáo dục giới tính không đầy đủ, những điều cấm kị xã hội và nỗi sợ bị kỳ thị ngày càng góp phần nhiều hơn vào việc vứt bỏ con mới sinh của những bà mẹ chưa kết hôn.
Thiếu giáo dục giới tính và sinh sản
Ở Malaysia nơi đa số người dân theo Hồi giáo, việc dạy thanh thiếu niên về tình dục được coi là thúc đẩy tính trăng hoa, vì vậy giáo dục giới tính trong trường học khá cơ bản và tập trung vào việc giữ mình. Cha mẹ cũng cảm thấy khó chịu hoặc ngại ngùng khi con cái hỏi họ về tình dục.
Nhưng theo nhà tâm lý học lâm sàng Vizla Kumaresan, điều đáng lo ngại nhất là nhiều phụ nữ Malaysia không hiểu về giải phẫu hoặc biết em bé đến từ đâu: “Một số phụ nữ bị sốc khi phát hiện ra đứa bé đến từ nơi đặc biệt. Họ hoàn toàn không chuẩn bị cho tình huống này, hay nói cách khác, họ đơn độc”.
|
Bối rối khi đứa trẻ ra đời, những người mẹ chọn cách chối bỏ thay vì đón nhận. |
Đó là những gì đã xảy ra với Rofina, cô không hề biết mình bị chuốc say rồi hãm hiếp bởi một đồng nghiệp.
Ravin Singh, luật sư của Rofina kể: “Cô ấy thiếu kiến thức cơ bản về quan hệ tình dục. Cô ấy hoàn toàn không hiểu điều đó”. Ravin cố gắng kháng cáo để giảm án xuống còn 5 năm cho thân chủ của mình.
Giáo viên tiểu học Y M Raja Nadiah cho biết: “Ngoài hệ thống sinh sản, và rằng con trai phải tôn trọng con gái, rất ít kiến thức khác, bao gồm cả biện pháp tránh thai, xuất hiện trong các lớp giáo dục giới tính ở trường”.
Tiến sĩ Teo nói rằng theo thống kê, trong số khoảng 18.000 thanh thiếu niên có thai mỗi năm, 90% không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc sử dụng các phương pháp hoàn toàn không hiệu quả.
|
Thống kê cho thấy trong 18.000 thanh thiếu niên có thai mỗi năm, khoảng 25% chưa kết hôn. |
Những đứa trẻ “không sạch sẽ”
Thói quen tập trung vào việc kiêng khem có thể duy trì một nền văn hóa về sự xấu hổ, ngăn cản các bà mẹ tìm kiếm sự giúp đỡ thích hợp. Và khi không tìm được sự giúp đỡ, những nạn nhân này có xu hướng đưa ra những quyết định tồi tệ, như bỏ rơi hoặc giết chết em bé.
Vimmi Yasmin Abdul Razak, người sáng lập Rumah Kita, nơi trú ẩn cho phụ nữ mang thai chưa lập gia đình giải thích: “Hầu hết các gia đình sẽ không chấp nhận những đứa trẻ ngoài giá thú. Và vì người phụ nữ ấy đã ảnh hưởng đến sự thánh thiện của cộng đồng, cô ấy sẽ bị chối bỏ”. Do vậy, nhiều trường hợp chọn sanh đứa trẻ trong im lặng.
|
Sheila chọn sinh đứa trẻ trong im lặng, nhưng cô vẫn phải đối mặt với sự ghẻ lạnh từ xã hội. |
Sheila (không phải tên thật) vô tình có con ngoài giá thú. Nhưng dù đã 21 tuổi, cô vẫn cần sự đồng ý của cha mẹ để để được nhận vào các trung tâm hỗ trợ. Kết quả, Sheila giữ bí mật và tự mình sinh con tại bệnh viện, nơi mà cô mô tả rằng mình “bị đối xử như rác rưởi”.
Sheila kể: “Khi tôi vật lộn để vào nhà tắm, cô y tá thậm chí chẳng bận tâm giúp đỡ. Tất cả vì tôi là một bà mẹ đơn thân. Sau khi sinh con, tôi mất hết năng lượng và chỉ muốn chết”.
Không thể phá thai
Những định kiến và thái độ xã hội đối với các bà mẹ có con ngoài hôn nhân thúc đẩy quan điểm cấm kỵ trong việc phá thai, chưa kể đến phá thai là lựa chọn mà phụ nữ không mong muốn phải đối mặt.
Bên cạnh đó, lệnh hạn chế tiếp cận với thuốc phá thai từ năm 2016 khiến nhiều thanh thiếu niên đành phải tìm kiếm thuốc ở chợ đen, vốn có thể không hiệu quả.
|
Việc phá thai rất khó tiếp cận, và cũng bị xã hội xem là hành động xấu. |
Ngoài ra, không nhiều người biết rằng luật pháp cho phép phá thai nếu việc tiếp tục mang thai sẽ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của người phụ nữ.
Ví dụ, một nghiên cứu tại các bệnh viện chính phủ cho thấy 60% nhân viên không biết việc mang thai do hãm hiếp có thể được phá bỏ. Vì thế, tìm một bác sĩ sẵn sàng thực hiện ca phá thai cũng rất khó khăn.
Ngay cả những người sẵn sàng cung cấp dịch vụ phá thai cũng phải đối mặt với áp lực từ các đồng nghiệp và ban quản lý cơ sở y tế.
Những nhà nuôi trẻ sơ sinh không đủ để đáp ứng nhu cầu
Để giải quyết tốt hơn vấn đề vứt bỏ trẻ sơ sinh, cần có những thay đổi, và đối với một số người mẹ, nhà nuôi trẻ sơ sinh là nơi an toàn để từ bỏ em bé. Ngôi nhà đầu tiên như vậy được mở vào năm 2010.
Dù OrphanCare phải mất hơn ba năm để thuyết phục chính quyền thành lập cơ sở, hiện đã có 11 nhà nuôi trẻ sơ sinh trên khắp đất nước. Tổ chức đã nhận được gần 280 em bé và giúp tìm cho chúng những ngôi nhà phù hợp.
Nhưng theo ủy viên hội đồng quản trị OrphanCare, Nor Aishah Osman, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ về tình dục trước hôn nhân, và công chúng không nên đánh giá một người vì cô ấy từng làm sai điều gì đó.
|
Những nhà nuôi trẻ sơ sinh dần trở thành nơi bảo bọc cho những đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi. |
Phó Thủ tướng Wan Azizah Wan Ismail, đồng thời là Bộ trưởng Phát triển Cộng đồng và Phụ nữ, từng đề cao vai trò của nhà nuôi trẻ sơ sinh, để những đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi được bảo vệ an toàn.
Bà Wan nói: “Đó là một lựa chọn tốt, để hạn chế các trường hợp trẻ sơ sinh bị vứt bỏ. Điều này chắc chắn tốt hơn cho các em bé, vì đáng buồn thay trong một số trường hợp, mọi sự giúp đỡ đều đến quá trễ”.
Tiến sĩ Teo nghĩ rằng nhà nước cần một sự thay đổi căn bản trong chính sách, cũng như một kế hoạch quốc gia toàn diện, được tài trợ tốt để giải quyết vấn đề từ quan niệm xã hội và đào tạo thêm cho giáo viên.
|
Phó Thủ tướng Wan Azizah Wan Ismail lên tiếng khẳng định tầm quan trọng của những cơ sở nuôi trẻ sơ sinh trong cuộc chiến chống lại việc vứt bỏ con của các bà mẹ chưa kết hôn. |
Ngọc Hạ (Theo CNA, AFP)