Malala và khát vọng thay đổi thế giới

02/11/2013 - 15:55

PNO - PNO - Malala Yousafzai vừa nhận được giải thưởng Người phụ nữ của năm do tạp chí Glamour bình chọn. Câu chuyện về Malala tiếp tục tạo cảm hứng cho nhiều người trên thế giới

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói rằng: “Bằng cách tiêu diệt mục tiêu của mình, các phần tử cực đoan chỉ ra những gì họ sợ nhất, đó là một cô gái với một cuốn sách. Malala đã thể hiện sức mạnh của giáo dục trong việc xây dựng hòa bình. Cô thực sự là một hình mẫu cho chúng ta".

Malala va khat vong thay doi the gioi

Malala tại một trường nữ ở Bronx, New York, nơi tên cô được danh dự đặt cho một lớp học (ảnh: Glamour)

Câu chuyện về Malala bắt đầu vào ngày 9/10/2012, khi người đàn ông bịt mặt lên chiếc xe buýt chở 20 bé gái đang ca hát, trò chuyện từ trường về nhà tại thung lũng Swat, miền bắc Pakistan. "Ai là Malala?", khi các cô gái vô tình liếc về phía người bạn 15 tuổi của họ, người đàn ông rút khẩu Colt 45 ra và bắn ba phát, một viên đạn xuyên vào đầu cô gái.

Nhưng Malala là ai? Câu chuyện này phải bắt đầu từ những năm trước nữa.

*Được đặt theo tên của thánh nữ

Malala Yousafzai được đặt theo tên của một vị thánh nữ tử vì đạo Malalai của người Afghanistan. Khi Malala sinh ra, cha cô, thầy giáo Ziauddin, đã từ chối làm theo cách truyền thống khi có con gái, thay vào đó ông ghi tên con gái vào gia phả, việc chỉ dành riêng cho con trai. Lúc còn nhỏ, nhìn thấy trẻ em sống trong bãi rác, Malala đã viết một bức thư gửi Thượng đế, trong đó cô xin cho mình sức mạnh và lòng can đảm, vì “con muốn làm cho thế giới này tốt đẹp hơn”.

Malala va khat vong thay doi the gioi

Lúc còn nhỏ, Malala viết thư cho Thượng đế, xin cho mình sức mạnh và lòng can đảm để "làm cho thế giới này tốt đẹp" (ảnh: Blogspot)

Vùng thung lũng Malala ở rất bảo thủ. Phụ nữ phải che mặt và không thể ra ngoài mà không có đàn ông đi cùng, dù đó chỉ là một cậu bé 5 tuổi. Cuộc sống trở nên khủng khiếp hơn khi khu vực đó bị Taliban chiếm đóng, lúc cô mới lên 10. Malala kể: “Tôi đã rất sợ, không phải sợ Taliban, mà sợ bị buộc nghỉ học”.

Trường học đóng cửa, đánh bom nhiều nơi, xác của những người phản đối chất đống ở góc đường. Phe Taliban phát những lời chúc mừng với tên những cô gái đã bỏ học trên hệ thống loa phát thanh. Tuy trường của cha cô vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng để an toàn, các nữ sinh không mặc đồng phục, tránh trở thành mục tiêu của Taliban.

*Malala xuất hiện

Đó chính là lúc “Malala là ai” thực sự xuất hiện. Khi phóng viên của BBC đề nghị cha cô giới thiệu một giáo viên hoặc học sinh viết về chủ đề khủng bố, Malala đã tình nguyện. Cô nói: “Đây là cơ hội tốt, chủ nghĩa khủng bố sẽ lan tràn nếu bạn không lên tiếng”. Dưới bút danh Gul Makai, cô viết chân thật, chi tiết về cuộc sống hàng ngày của mình dưới chế độ Taliban. Dù rất nhiều người khuyên cô nên dừng lại, một số khác lại chỉ trích cha cô khi khuyến khích cô làm điều đó, Malala không hề lo lắng.

Được ủng hộ, cô bắt đầu diễn thuyết ở Pakistan để ủng hộ giáo dục. Cô giành giải thưởng quốc gia Vì hòa bình và được gặp thủ tướng, thay mặt trẻ em trình bày với ông yêu cầu xây dựng lại trường học, nhất là trường nữ. “Tôi đã nói với bản thân rằng, tôi không chờ đợi bất kỳ vị thủ tướng nào, khi tôi là một chính trị gia, tôi sẽ tự mình làm những điều này”. Từ đó, cuộc sống của Malala phát triển song song theo hai hướng : một mặt, Malala là cô gái thích xem “Betty xấu xí” như các bạn, mặt khác trong cô luôn có một lời nhắc nhở về việc chống lại những kẻ cực đoan. Cô cũng nhận ra việc mình làm rất nguy hiểm, nên luôn tự động viên mình can đảm hơn. Mẹ của cô đã quyết định đến lớp để học chữ khi chứng kiến những việc cô làm.

Cái ngày 9/10 định mệnh ấy cũng đến. Cha mẹ cô hết sức hoảng sợ. Nhờ vào hai bác sĩ người Anh đang thăm Afghanistan lúc đó, cô được đưa đến Anh để phẫu thuật. Toàn thế giới cầu nguyện cho cô. Hàng ngàn lá thư gửi đến cô, có thư chỉ đơn giản ghi “Gửi cô gái bị bắn vào đầu”, người dân khắp nơi lo lắng “Cô có sao không? Cô sẽ khỏe lại chứ?”…

Malala va khat vong thay doi the gioi

Malala trên giường bệnh vì Taliban ám sát (ảnh: The Guardian)

*Chiến đấu

Malala, và cuộc đấu tranh của cô không còn đơn độc. Một năm sau vụ ám sát, bằng mọi cách có thể, như diễn thuyết, viết sách, cô đã chiến đấu theo cách của mình và đã đi vào lịch sử. Cô trở thành nhà hoạt động giáo dục hàng đầu thế giới. Điều này không hề bình thường chút nào, nó thật phi thường.

Tháng Bảy năm nay, cô gửi thông điệp đến Liên Hiệp Quốc: “Một đứa trẻ, một người thầy, một cây bút, và một cuốn sách có thể thay đổi được thế giới”. Sau đó là hàng loạt hoạt động như trò chuyện với trẻ em Syria qua skype, viết hồi ký “Tôi là Malala”, gặp Tổng thống Barack Obama, và trở thành một trong những ứng cử viên trẻ nhất cho giải Nobel Hòa bình. Trong tất cả những hoạt động này, cô luôn tập trung vào đề tài chính: Hãy để các cô gái được đi học.

Ước tính có khoảng 66 triệu trẻ em gái trên toàn thế giới bị tước mất quyền được giáo dục. Bằng niềm tin của mình, Malala cho rằng mỗi cô bé, cậu bé đều cần được giáo dục. Nếu được giáo dục, các bé gái sẽ biết bảo vệ mình trước nạn tấn công tình dục hay kết hôn sớm. Hơn nữa, họ biết cách giáo dục con của mình sau này. Được giáo dục là có lợi cho bản thân. Cô nói: “Tôi không biết tại sao Taliban lại quên điều này”.

Malala va khat vong thay doi the gioi

Malala và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon (ảnh: AFP, Getty Images)

Với tiêu chí đó, cùng những nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi thế giới, Malala đã giành được giải Người phụ nữ của năm 2013 do Glamour vinh danh. Số tiền của giải thưởng này được chuyển vào dự án mang tên cô, Quỹ Malala, nhằm mục đích giúp đỡ trẻ em trên toàn thế giới có quyền được giáo dục. Hiện tại, quỹ đã tài trợ cho các bé gái tại chính quê hương Malala, 40 bé gái trong thung lũng Swat. Malala còn muốn mở rộng ra các khu vực khác và các nước như Syria, Afghanistan, Nigeria. Cô khẳng định: "Không thể thay đổi gì khi một nửa dân số vẫn sống lạc hậu, tôi tin rằng, khi phụ nữ được thụ hưởng từ giáo dục, thế giới này có thêm những đổi thay".

*Bạn có thể thay đổi thế giới

Riêng đối với Malala, cuộc sống của cô đã thay đổi rất nhiều, từ việc sinh sống ở một thị trấn nhỏ không ai biết đến việc bước ra thế giới rộng lớn. Cô lên kế hoạch học đại học, có thể là Oxford, Cambridge, hay Harvard, "để học, học, học và học”.

Dù rất nổi tiếng và đi nhiều nơi trên thế giới, Malala rất nhớ nhà. Cô tâm sự: “Tôi nhớ căn phòng của tôi, nhớ cả tiếng xe cộ, thậm chí cả chỗ đổ rác!" Nhưng việc đó quá nguy hiểm. Một phát ngôn viên của Taliban đã tuyên bố hồi tháng Mười: “Chúng tôi tiếp tục nhắm vào mục tiêu của mình và sẽ tấn công bất cứ khi nào có cơ hội". Đáp lại lời đe dọa trên, Jody Williams (giải Nobel Hòa bình năm 1997, cũng là Người phụ nữ của năm) tuyên bố: “Nếu chống lại Taliban là những gì Malala làm để gây nguy hiểm cho cuộc sống của chính cô, thì không có lý do gì mà tất cả chúng ta không cùng làm để thế giới tốt đẹp hơn".

Malala va khat vong thay doi the gioi

Khi được hỏi cô muốn độc giả biết về cô như thế nào, Malala cười đáp: “Hãy kể câu chuyện tưởng tượng của tôi. Khi Thượng đế tạo dựng người nam và người nữ, ông đã nghĩ nên trao quyền cho ai để cho ra đời những con người tiếp theo? Và thượng đế đã chọn người nữ. Đây chính là bằng chứng phụ nữ là người có quyền, phụ nữ rất mạnh mẽ. Họ có khả năng làm bất cứ điều gì. Hãy đấu tranh cho quyền lợi của chính các bạn, sẽ không có gì xảy ra nếu bạn không tranh đấu cho nó”.

"Đừng trông chờ tôi sẽ làm gì cho quyền lợi của bạn. Thế giới này là của bạn, và bạn có thể thay đổi nó”.

ANH THƯ (Theo Glamour)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI