Hình như cũng đã lâu rồi, mỗi lần đi ngang ngôi trường nhỏ dành cho tuổi mầm non nằm trên góc đường Tú Xương - Trương Ðịnh, tôi lại tò mò về cái tên trường “Học viện mầm non quốc tế - The First Academy”. Cái từ Academy rất hàn lâm dành cho những cô bé cậu bé còn nhỏ xíu, mới ở tuổi chỉ cần “biết ăn biết ngủ đã là ngoan” gây ấn tượng cho tôi và khiến tôi ghi nhớ trong muôn vàn ngôi trường mầm non đang được mở ra ở TP.Hồ Chí Minh. Và đó chính là cơ duyên đưa tôi đến với Hồng Nhung để nghe chị kể về niềm đam mê và những ấp ủ với ba học viện dành cho trẻ em mà chị đã mở ra từ ba năm nay.
|
Hồng Nhung |
Người nối nghiệp thành công
“5 năm đầu đời của trẻ là hết sức quan trọng. Nếu có một môi trường dạy và học thật phù hợp, khoa học, trẻ sẽ học được nhiều thứ bổ ích trong quá trình hình thành tính cách, nhận thức, kỹ năng” - đó là điều mà Hồng Nhung, một người mẹ trẻ của hai cậu con trai nhận ra khi theo chồng sang làm việc tại Malaysia và phải chạy đôn chạy đáo tìm cho các con một ngôi trường phù hợp.
Đó cũng chính là lý do mà Hồng Nhung lấy tên The First Academy đặt cho hệ thống các trường mầm non mà chị mở ra ở TP.HCM theo mô hình những ngôi trường mầm non sử dụng phương pháp giáo dục Montessori mà chị đã quan sát, nghiên cứu từ những nơi con mình đã học.
Rất nhiều người mẹ trẻ bắt đầu một công việc, một sự nghiệp kinh doanh của mình từ chính nhu cầu của con cái. Hồng Nhung là một trong số đó. Năm 2007, từ Malaysia trở về Việt Nam với quyết tâm làm một cái gì đó. Chị buộc phải đưa con rời xa những ngôi trường tuyệt vời đã từng khiến chị bất ngờ và ngạc nhiên với những hình thức giảng dạy hết sức thực tế, và quyết định mở trường Wonderland Preschool tại Hà Nội.
Những gì đã học tập được trong khi quan sát như một bà mẹ và nghiên cứu như một người chớm đam mê nghiệp giáo dục trong thời gian ở Malaysia cùng với mong muốn những trẻ khác cũng phải được hưởng môi trường giáo dục tốt như con mình đã khiến chị gặp không ít khó khăn, vất vả, thậm chí là sốc khi nhiều phụ huynh không tin vào những gì chị làm.
Thậm chí, cách giáo dục cho trẻ tiếp xúc càng nhiều với thực tế càng tốt, cách chăm sóc không phải là chăm bẵm mà giúp trẻ tự lập, tự chăm sóc mình của Wonderland Preschool đã khiến nhiều phụ huynh khó chịu. Và vì thế mà mãi đến bốn năm sau, khi những đứa trẻ đầu tiên của trường “tốt nghiệp”, bước vào cuộc đua dành chỗ vào những trường điểm của Hà Nội thì thương hiệu của Wonderland Preschool mới được khẳng định.
Năm 2010, chồng của Hồng Nhung kết thúc công việc ở Malaysia về Việt Nam. Cùng với chồng, chị cũng chuyển vào Sài Gòn để sinh sống và từ đây, một bước ngoặt mới lại mở ra cho sự nghiệp của người phụ nữ đã chọn trẻ em làm mục đích sống của mình. Từ những gì mình đã nghiên cứu, học hỏi và cả kinh nghiệm thực tiễn với Wonderland Preschool, chị bắt đầu xây dựng một mô hình mới cao cấp với cái tên The First Academy (viết tắt là TFA).
Thế nhưng, khi bắt đầu đi kêu gọi vốn đầu tư, chị vấp phải những thất bại đầu tiên. Nghe ý tưởng, kế hoạch của chị, nhiều người cười nhẹ, bạn thân thì bảo chị là người cõi trên, có người còn nói thẳng: “Em hạ cánh đi cho anh nhờ”. Bởi, những ý tưởng về giáo dục của chị bắt đầu từ việc phải xoay chuyển, thay đổi cả suy nghĩ và hành động của các phụ huynh.
Nhưng rồi may mắn cũng đến khi chị gặp được một người bạn gái cũng đang đi tìm một ngôi trường phù hợp để gửi gắm con mình. Nghe Hồng Nhung nói về TFA, người bạn bảo: “Bà mở trường đi, tôi với bà chung vốn. Mở trường cho con mình học”.
Sau câu nói ấy của người bạn, 45 ngày đêm, Hồng Nhung lao vào việc chuẩn bị, xin giấy phép, sửa chữa một ngôi nhà, thậm chí tự tay mình làm những món đồ trang trí cho những lớp học đầu tiên. 45 ngày đêm bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến 2 giờ sáng hôm sau, những đầu ngón tay tê dại đến mức cầm đũa lên là rơi, ngày nào chị cũng ngủ quên trên taxi. Thế nhưng với chị, đó là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất, đáng nhớ nhất của cuộc đời chị, bởi chị đang làm điều mình muốn.
Bây giờ ngồi nghĩ lại và trả lời câu hỏi của mọi người, rằng vì sao một người học ngành quản trị kinh doanh lại chuyển hướng sang làm giáo dục, Hồng Nhung bảo rằng đó chẳng phải là một điều tình cờ. Nó là cái nghiệp của gia đình chị khi cả đời cụ, đời ông của chị đều là những nhà nho dạy chữ cho con trẻ.
Đã từng có những lựa chọn khác trong bước đường vào đời, thế nhưng ai dám khẳng định rằng, những âm ỉ, ấp ủ của niềm đam mê ấy không phải bắt đầu trong cô bé Hồng Nhung bằng việc được bố chỉ cho thấy tên của cụ nội được khắc trên bia đá ở Văn Miếu. Niềm tự hào về nền nếp, truyền thống của gia đình bắt đầu từ việc cô bé Hồng Nhung từ khi học đọc, học viết chưa thông thạo, đã “bị” bố bắt phải học cho thuộc những câu đối của dòng họ.
Cùng với tất cả những hành trang ấy của tinh thần, của việc tiếp thu một nền giáo dục vừa cổ vừa tân của bố mẹ, một cách tưởng như rất tình cờ, nhưng ngẫm lại hoàn toàn không đơn giản như thế, Hồng Nhung bước vào con đường tiếp nối sự nghiệp của dòng họ, bằng lòng đam mê và tình yêu gấp đôi. Và vì thế, bây giờ Hồng Nhung hay đùa rằng mình trả nợ nghiệp thay cho cả bố mình.
Mang theo vào nghiệp một chữ “nhẫn”
Tính đến năm 2017 này, Hồng Nhung đã có gần tròn 10 năm đeo đuổi nghiệp giáo dục. Những ngày đầu tiên vào nghề, với Hồng Nhung là biết bao điều gian khó. Bắt đầu công việc, chị nghĩ về nó với một tình yêu rất đơn giản: mình sẽ yêu con của người giống như yêu con mình, làm mọi điều cho con người giống như cho con mình.
Thế nhưng, chỉ nội việc phải nghe tiếng khóc của hàng chục đứa trẻ trong một lúc, với Nhung cũng đã là điều bất ngờ ghê gớm. Kể về thời gian ấy, Nhung cười nhẹ nhàng: “Đến lúc ấy mới biết, chăm con mình khác với chăm con của người. Tôi đã bị trầm cảm một thời gian chỉ vì nghe tiếng trẻ khóc”.
10 năm trôi qua, giờ đây với Hồng Nhung, trường lớp, tiếng trẻ em nô đùa, những ánh mắt của trẻ, những câu hỏi ngây thơ và những cuộc trò chuyện trong trẻo đã trở thành một nguồn năng lượng mãnh liệt cho cuộc sống của cô. Trở thành một tổng giám đốc của ba trường mầm non, đã có văn phòng riêng cách biệt hẳn với những ngôi trường, thế nhưng Hồng Nhung không thể nào tách biệt mình ra khỏi nguồn năng lượng đó để chỉ làm công việc trên bàn giấy, với máy tính hay với những nhân viên của mình.
Xuống thăm từng lớp, chơi với từng trẻ, để nhìn ngắm, lắng nghe, quan sát, ghi nhận những gì cần làm, phải làm đã trở thành một hoạt động sống quen thuộc và cần thiết nhất của chị. Hơn thế nữa, từ lúc nào đó, Hồng Nhung nhận ra giáo dục không đơn thuần là kinh doanh như chị đã suy nghĩ và chọn lựa. Giữa bầy trẻ nhỏ hồn nhiên, tươi tắn, trong trẻo, chị thấy mình được sống chậm lại, được quên đi mọi khó khăn, vất vả.
10 năm “chấp nhận” theo cái nghiệp của ông bà, giờ đây, đôi khi Hồng Nhung nhớ lại ngày cưới của mình năm xưa, cha mình đã tặng mình một chữ “nhẫn” với ngầm ý dạy con gái cách cư xử trong đời sống vợ chồng. Thế nhưng chữ “nhẫn” ấy cũng đã giúp chị thành công trong sự nghiệp của mình: “Chính sự nghiệp giáo dục đã thay đổi con người mình. Làm việc với trẻ em cần phải kiên nhẫn; không có chữ nhẫn ấy, không thể nào điềm tĩnh, công bằng và chân thực với trẻ.
Chữ “nhẫn” đã giúp mình thay đổi cả những cá tính riêng. Mình vốn là người nóng tính, thẳng tính và khó tính, nhưng giờ đây mình biết lắng nghe, số điện thoại hotline của nhà trường là số của mình, mình chấp nhận nghe mọi người trên đường dây đó là chấp nhận nghe nhiều điều không vui, nhiều điều có thể trái chiều với mình. Mình biết thông cảm, biết tìm cách hiểu và làm cho người khác hiểu mình, biết điều chỉnh sự cứng rắn của mình một cách uyển chuyển, phù hợp với công việc. Những khi gặp khó khăn, mình đã có thể trầm tĩnh ngồi một mình, tự đặt những câu hỏi để tự trả lời và bình tĩnh giữ cho mình không rơi vào trạng thái bất ổn”.
Chẳng những thay đổi cá tính, công việc giờ đây còn thay đổi cả ngoại hình của Hồng Nhung. Từ một cô gái cá tính, thích ăn mặc tự do, thoải mái, Hồng Nhung đã ngày càng chăm sóc, thay đổi ngoại hình mình nhiều hơn. Như chị bảo: “Công việc khiến mình thay đổi đến cả những điều riêng tư nhất. Mình không còn khép kín như trước. Mình đến các show thời trang, làm quen, tìm hiểu và chọn lựa những nhà thiết kế phù hợp với mình ở từng góc độ rồi kết hợp chúng lại với nhau để tạo nên một hình ảnh mới của mình hôm nay. Đó là kết quả của rất nhiều nỗ lực, hy sinh, giữ mình là mình và thay đồi mình để bước tới”.
Song Văn
Thực hiện