Vận động dân lập bàn thờ Bác
Mạnh tay cắt hàng loạt cành hoa sứ đang trổ những bông cuối cùng, bà Trần Thị Tám - 80 tuổi, bí danh Nguyễn Thị Thanh Hà, Tám Hà, cựu cán bộ Ban Trí vận Khu 8 (Trung Nam bộ) - mỉm cười hồn hậu: “Phải cắt hết cành, dốc rễ lên, rồi 100 ngày trước tết mình đặt cây vô chậu, tạo thế, bón phân cho nó, mới có rộ bông đúng tết. Mấy năm nay, cứ gần ngày 2/9, cô lại chăm vườn sứ. Hồi xưa, những ngày tháng Tám này rộn rã lắm con ơi”.
|
80 tuổi, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Tám Hà (bên trái) vẫn miệt mài giúp những người có hoàn cảnh khó khăn chữa bệnh, xây nhà và tìm lại nhân thân |
“Hồi xưa” mà bà Tám Hà nói đến là những mùa thu trong kháng chiến. Bà là con gái thứ tám trong gia đình có đến mười anh chị em tham gia cách mạng. Cha bà là ông Trần Quang Thải - Phó tỉnh đội Dân quân Sóc Trăng thời kháng Nhật - với nhiều chiến công lừng lẫy trên cửa sông Bát Sắc (Bassac, một trong chín cửa sông Mê Kông đổ ra biển nay đã bị phù sa bồi lấp). Lên bảy tuổi, bà Tám Hà và người em trai kế được cha gửi vào Trường Thiếu sinh quân Khu 9. Bà kể: “Hồi bị bắt đi học, cô giãy nảy không chịu, má cô phải cho đồng bạc Bác Hồ màu đỏ, rồi thuyết phục: “Con đi học là đi theo Cụ Hồ”, cô với em trai mới chịu lên trường”.
13 tuổi, bà tập kết ra Bắc, lại được đưa đi học suốt mười năm. Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm, bà được điều về trường cấp III Tân Yên, Hà Bắc làm giáo viên. Năm 1965, bà được lệnh đi B (vào Nam). Bốn tháng vượt Trường Sơn, bà về thẳng Bạc Liêu, vào phân khu Tây Nam bộ công tác trong vùng kháng chiến. Năm 1968, lúc chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, một đồng đội bị lộ, bà được tổ chức phân công về Khu 8 hoạt động công khai, đơn tuyến ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang). Để làm tròn sứ mệnh, cô giáo Thanh Hà phụ trách lớp tiếp liên (lớp chuyển từ cấp I lên cấp II thời đó) tại chùa Phật Ân.
Ban ngày đứng lớp, đêm đến, bà Tám Hà vào từng nhà vận động người dân nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, treo cờ nước, ủng hộ cách mạng. Bà nhớ lại: “Hồi đi học, vượt Trường Sơn rồi về công tác tại Bạc Liêu, những lần kỷ niệm ngày Quốc khánh, chúng tôi luôn bận rộn vì phải nghĩ đủ cách thức tuyên truyền cho ngày lễ lớn nhất của dân tộc Việt Nam mình. Mọi người phải thức đêm làm báo tường, in ấn tài liệu, truyền đơn, vận động người dân nghe đài…”.
Nhưng bà Tám Hà nhớ nhất là ngày 2/9/1969. Từ ngày 19/8 năm ấy (kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám), cả Khu 8 háo hức công tác tuyên truyền. Ngày 2/9, truyền đơn đã được rải khắp Mỹ Tho. Một ngày sau đó, hay tin Bác mất, 39 đồng đội trong nhánh hoạt động do bà Tám Hà phụ trách khóc đến lịm cả người. Khóc thương Bác, nhưng bà Tám Hà và đồng đội không quên nhiệm vụ. Họ chuyền di ảnh Bác cho các hộ dân lập bàn thờ. Hàng trăm bức ảnh cùng bàn thờ Bác Hồ đã được lập ngay trong lòng TP.Mỹ Tho vào mùa
thu ấy.
Nhớ những ngày nuôi bộ đội
85 tuổi, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông - ở ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TPHCM - vẫn còn minh mẫn. Sáng nào, bà cũng ra sân chăm sóc, ngắm mấy chậu cây trước nhà, hít thở không khí trong lành của làng quê Củ Chi - nơi bà gắn bó từ lúc sinh ra đến nay. Trên mảnh đất này, chiến tranh đã cướp đi sinh mạng người cha, người chồng, người em trai và cả đứa con gái ở tuổi trăng tròn của bà. Sau ngày miền Nam giải phóng, mẹ ruột, mẹ chồng và bản thân bà đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam
anh hùng.
|
Hằng ngày, bà Kiều Thị Nông ra sân chăm sóc, ngắm vườn cây |
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, thuở nhỏ, bà tham gia tổ chức Nhi đồng chống Pháp, làm giao liên và theo dõi hoạt động của địch. Sau ngày lập gia đình, bà làm ruộng nuôi chồng con và tiếp tục làm giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội. Như biết bao bà mẹ ở vùng đất Củ Chi này, cả thời thanh xuân, bà Nông miệt mài đào hầm bí mật, nuôi quân, giấu cán bộ, tiếp tế lương thực cho cách mạng. Ngày hòa bình, bà và các con tiếp tục làm nghề nông.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà Nông “ở yên trong nhà” nhưng lòng không yên. Bà nói: “Giờ mẹ còn hai người con, một người làm nông, một người đang làm công an. Đứa cháu nội mẹ cũng đi theo ngành công an. Mấy tháng qua, con trai út và cháu nội của mẹ chưa thể về nhà”.
Biết bà lo lắng, ngày nào, các con, cháu cũng gọi điện thoại về. Bà ân cần động viên, nhắc mấy đứa cẩn thận vì có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào. Bà thường nói: “Cả đời ông bà, cha mẹ của các con đã cống hiến cho cách mạng, cho đất nước, giờ đến đời mấy đứa cũng phải vậy, phải sống, phải làm vì trách nhiệm với dân”. Nói vậy nhưng bà vẫn sốt ruột lo cho sức khỏe con, cháu.
Nhắc con đi giúp dân mùa dịch
Mùa thu năm 1945, ông Nguyễn Ngọc Cẩm - 94 tuổi, ở P.Tân Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM - tròn 18 tuổi nhưng đã có sáu năm tham gia kháng Pháp, chống Nhật. Sau 1945, ông vào bộ đội và bắt đầu cuộc đời chinh chiến. Ông tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó tiếp quản kho Long Bình thuộc Tổng cục Kỹ thuật của Bộ Quốc phòng.
|
Ông Nguyễn Ngọc Cẩm cùng con gái, cháu ngoại và cháu cố |
Bây giờ, ở tuổi 94, ông Cẩm vẫn hào hứng khi nhắc về kỷ niệm những mùa thu đã đi qua trong cuộc đời. Ông bị lãng tai nặng. Để nói chuyện cùng ông, chúng tôi phải viết vào giấy cho ông đọc. Đọc xong, đôi mắt đầy vết chân chim của ông lấp lánh ánh cười. Ông nói: “Nay bộ đội vô thành phố giúp dân chống dịch. Bộ đội Cụ Hồ mà, thời nào cũng giúp dân thôi”. Noi theo ông, năm 1979, con gái ông - chị Nguyễn Ngọc Yến, khi đó là y tá - đã tình nguyện lên biên giới phía Bắc giữa những ngày chiến tranh khốc liệt để chăm sóc thương bệnh binh tại Bệnh viện 109, tỉnh Vĩnh Phúc.
Khi cùng gia đình chị Yến vào Nam sinh sống, thấy con gái nghỉ hưu rảnh rỗi, ông hối thúc con tham gia hoạt động địa phương. Bây giờ, chị Yến là Bí thư chi bộ, Trưởng ban điều hành khu phố 1, P.Tân Thành, Q.Tân Phú. Mấy tháng nay, dịch bệnh hoành hành, ngày nào cũng vậy, sau khi ăn sáng xong, ông Cẩm lại nhắc chị đi “giúp dân”.
Vừa mong muốn góp sức vào công cuộc phòng, chống dịch, vừa để cha vui lòng, mỗi ngày, chị Yến tranh thủ dậy sớm để nấu bữa sáng cho ông Cẩm rồi mới rời khỏi nhà, tiếp sức cho các lực lượng chống dịch của phường, vận động quyên góp nhu yếu phẩm hỗ trợ cho người dân trong khu cách ly, phong tỏa. Ông Cẩm tỏ ra ưng bụng: “Vậy mới xứng là con cháu của bộ đội Cụ Hồ”.
Song An - Hạnh Chi