Mài “ngọc”

29/05/2013 - 17:03

PNO - PN - “Mùa thi 1990, ba dắt tôi từ Quy Nhơn ra Huế thi Đại học Y. Hành trang lỉnh kỉnh, ba vẫn ghé chợ mua thêm chiếc quạt nhỏ. Trưa hè Huế oi bức, ba bảo tôi ngủ dưỡng sức để chiều làm bài cho tốt. nghe lời ba, tôi nhắm mắt, giả...

Mai “ngoc”

Ông bà Nguyễn Não - Phạm Thị Cảnh với tuổi già an nhàn

Học giỏi nhờ… mắm

Ký ức mùa thi có ba mẹ tỉ mẩn chăm lo luôn in đậm trong tâm hồn chị Nguyễn Thị Ngọc Lê (thạc sĩ - bác sĩ, công tác tại Bệnh viện đa khoa Bưu điện TP.HCM). 11 người anh em của chị thì đến chín người có bằng đại học, trên đại học ở các ngành “khó nuốt”: y dược, kinh tế, bách khoa... Hai người anh lớn nhất cũng học giỏi nhưng vì kinh tế khó khăn, phải nhường đường cho các em. Các con ăn học, trở thành người hữu dụng là công lớn của hai người “đưa đò” mát tay, ông Nguyễn Não (80 tuổi) và vợ là bà Phạm Thị Cảnh (77 tuổi) ở TP. Quy Nhơn, Bình Định.

Sự thành đạt của “chín viên ngọc”: Ngọc Huệ, Ngọc Lan, Ngọc Quang, Ngọc Hồng, Ngọc Quyền, Ngọc Hường, Ngọc Lê, Ngọc Chí, Ngọc Hiếu đều nhờ ông bà “mài giũa” công phu, bền bỉ và có phương pháp. Ông nhận phần bảo ban, giám sát việc học, trách phạt khi các con ham chơi, chểnh mảng. Bà lo cái ăn cái mặc, tâm sự với con. Các con vẫn còn “ớn xương sống” khi nhắc lại kỷ luật thép của ba, dù ông rất ít la rầy, roi vọt. Mỗi tối, ông kiểm tra tập và chia cặp để các con khảo bài nhau. Ông lật trang vở nào, con phải trả lời được nội dung nấy, chứ không được viện cớ học lâu, quên bài. Mỗi khi con ngoan, học giỏi, phần thưởng của ông cũng nặng giá trị tinh thần: xoa đầu, hôn trán, cho phép sang hàng xóm xem ké ti vi trong một giờ hoặc chỉ nửa giờ. Khi con trai út đậu đại học, ông bà mới tậu ti vi. Chẳng phải ông bà hà tiện hoặc mua không nổi, mà vì sợ con mê xem ti vi, xao lãng việc học.

Tâm nguyện “lo cho con học giỏi, thành tài” chi phối toàn bộ suy nghĩ, quyết định, cách sống của ông bà. Tâm nguyện này khiến cả đời ông không biết đến cà phê, thuốc lá, rượu chè hay hưởng thụ khác; còn bà không dám mơ một chiếc áo mới, một kiểu tóc đẹp ngày Tết. Tiền lời từ hiệu gò hàn không đủ nuôi các con ăn học, ông phải thức khuya dậy sớm thồ hàng, dẫn con vào rừng lượm củi khô; bà bán tạp hóa, ra chợ bán mớ rau, con cá. Không được học nhiều nhưng vai trò làm mẹ của 11 đứa con đã khiến bà giỏi tính toán, liệu lường. Mùa tựu trường, bà mua vải cây may áo cho các con, nhắm sao chỉ mất tiền mua vải cho năm cái áo mà khi may sẽ “té ra” được sáu cái, vừa khít với từng người con, hạn chế ít nhất phần vải bỏ. Trong nghề gò hàn, ông bà cũng tận dụng tối đa nguyên liệu để miếng tôn, mảnh gỗ không còn thừa vụn. Bàn ghế, tấm bảng ở góc học tập của các con được ông tự tay bào, đóng, sơn phết. Hàng đêm, các con ngồi châu đầu học bài bên ngọn đèn dầu, quanh chiếc bàn ba chế.

Đến bữa ăn, ông bà ngồi gần nồi để xới cơm, giữ chừng cho từng người con ăn đủ suất, để có sức đi học. Gọi là cơm cho “sang” chứ thường xuyên độn khoai mì, bắp, bo bo. Vậy mà không ít bữa xới qua một lượt cho con, ông bà chỉ còn lại mỗi phần cháy mỏng dưới đáy nồi. Con đông, kinh tế thắt ngặt nhưng ông bà “liệu cơm gắp mắm”, quyết không để con đói rách. Các con lần lượt vào đại học rồi trở thành bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giảng viên đại học cũng từ ngôi nhà thân yêu ở số 215 Nguyễn Thái Học, TP. Quy Nhơn, từ những hũ mắm, những can nước mắm “made in… nhà mình” được ba mẹ tiếp tế. Ngồi trong căn nhà lầu mấy tầng ở TP.HCM, hồi tưởng lại, chị Ngọc Lan (thạc sĩ - dược sĩ, đang công tác tại Công ty cổ phần dược phẩm OPC) hít thật sâu như để tận hưởng mùi mắm thơm nồng của quê nghèo năm ấy. Ruốc tươi do mẹ mua hoặc các anh chị em đi vớt đem về rửa sạch, trải phơi trên mái tôn cho khô. Bà chia ra, lớp để khô, lớp làm mắm. Khi cá, tép rẻ, bà mua thật nhiều ủ trong khạp. Các con “dòng họ… mắm” ăn miết cũng đâm ra ghiền, hết là thấy thèm, thấy thiếu.

Mai “ngoc”

Đại gia đình ông bà Nguyễn Não - Phạm Thị Cảnh tại ngôi nhà ở Quy Nhơn

Sóng trước bổ sao, sóng sau bổ vậy

Chúng tôi đến thăm khi ông bà Não đang ở nhà các con tại TP.HCM (ông dưỡng mắt sau phẫu thuật đục thủy tinh thể). Các con, dâu, rể, cháu đến thăm, quây quần đông vui. Ông Não bảo ban con cháu phải toàn tâm toàn ý vào đèn sách, không yêu đương sớm. Nếu đã có người yêu và dự định kết hôn, thì phải đưa về nhà trình diện, phải nộp bản photocopy bằng đại học để ông bà góp ý và tư vấn thêm. Thoạt nghe, con cháu đều sốc, nhất là những đối tượng đang ngấp nghé “nộp đơn” xin cưới, gả. Chúng tôi thắc mắc liệu ông có cứng nhắc hoặc quá đặt nặng danh lợi chăng? Ông Não xua tay: “Sự tương đồng về nhận thức, tri thức, vị trí xã hội sẽ tạo nền tảng vững chắc cho vợ chồng trẻ. Tôi không chuộng giàu sang, không đòi hỏi đăng đối về vật chất, chỉ mong con cháu gặp bạn có trình độ ngang tầm, cùng chung chí hướng. Như thế hai người mới hiểu nhau, chia sẻ cho nhau trong sự nghiệp và cuộc sống. Điều quan trọng là con cái sinh ra sẽ tiếp nối cái nếp hiếu học, cầu tiến của cha mẹ”. Hiểu ý, các con cháu đều đồng tình, càng quý trọng và biết ơn ông bà.

Trong căn nhà của ông bà ở Quy Nhơn, nơi trang trọng nhất được dành treo những tấm hình các con cháu nhận bằng tốt nghiệp. Tuổi 80, ông vẫn kể vanh vách từng chặng đường học của các con. Nào chuyện Ngọc Huệ nhận giấy báo kết quả trễ một tháng, mẹ phải dẫn con đến Đại học Y ở Huế khóc lóc, năn nỉ thầy cô để con được nhập học; khi đã có ba người con đầu, dù phải lao động cật lực để kiếm cái ăn cho gia đình, hằng đêm ông Não vẫn tranh thủ đi học “để hiểu biết, mở rộng tầm nhìn, để đổi đời và làm được nhiều việc có ích”. Đêm khuya, ông lại chong đèn cùng con. Đó chính là động lực lớn nhất kích thích các con phấn đấu học tốt.

Mùa thi, ông chuẩn bị đồ đạc dẫn các con lên đường. Ở nhà, bà đặt chiếc bàn thờ giữa trời, cạnh phòng học để thắp hương cầu nguyện cho con mạnh giỏi, thi tốt. Hết anh đến em, sĩ tử nào cũng được ba hoặc mẹ đưa đi thi, nhập trường. Vừa học, các anh chị lớn vừa dạy kèm kiếm sống để đỡ gánh nặng cho ba mẹ, đùm bọc các em trong buổi đầu chập chững. Cứ thế, mọi người soi vào nhau, cộng hưởng và lan truyền đến tận đời các cháu. Trong sự thành công của các cháu, có bài học về sự khổ luyện thành tài của các cô, chú, dì dượng mà ông bà vẫn thường nêu gương. Hạnh phúc cuối đời của ông bà chính là thấy những “viên ngọc” của mình đang góp sáng cho đời.

 TÔ DIỆU HIỀN

Kỳ tới: Đổi đời nhờ con

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI