Mai này là khi nào?

06/11/2022 - 05:49

PNO - Mai này là khi nào? Chị mông lung không biết, nhưng chị sẽ tìm cách nói cho anh biết hãy sống cho hiện tại khi còn có thể.

1. Chị Lan mặc thử chiếc áo mới, nhìn chị như trẻ ra vài tuổi. Chồng chị cau mặt: “Lại mua sắm. Em tưởng nhà mình in tiền được à?”… Chị vội thay áo, xuống bếp nấu cơm. Anh vẫn liên tục “dạy dỗ” chị rằng không phải cất nhà là xong, còn phải cưới vợ cho con trai, gả chồng cho con gái, tích cóp cho tuổi già… 

Anh nói nhà mình không có vốn liếng làm ăn lớn, chỉ có cần cù và tiết kiệm. Sau giờ làm, anh chạy xe ôm, phụ giữ xe. Chị bán hàng ở shop quần áo. Nhà ngoại hay mua thức ăn, quần áo mới cho vợ chồng chị và tụi nhỏ. Anh vui vì chẳng phải tốn kém mà ra đường vẫn tinh tươm. Chị thì tủi thân khi từ thỏi son tới áo quần đều là của cho…

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Cất được căn nhà hai tầng khang trang, còn dư ít tiền, chị nghĩ thời kỳ thắt lưng buộc bụng qua rồi. Chiếc áo mới chị mua với niềm háo hức, tự thưởng cho bản thân sau bao cố gắng. Nhưng với anh, mục tiêu vẫn còn ở phía trước.

Anh hay nói: “Phải lo tích cóp thì mai này mới sung sướng”. Mai này là khi nào? Chị mông lung không biết, nhưng chị sẽ tìm cách nói cho anh biết hãy sống cho hiện tại khi còn có thể.

2. Hồi mới cưới, chồng đưa đón Xuân đi làm. Giữa giờ làm, chồng hay ghé qua, mang cho vợ ly trà sữa, bịch trái cây…

Xuân báo công ty nhiều việc, phải về muộn, chồng ngồi quán cà phê chờ. Xuân đi công tác, chồng gọi video call, bảo vợ lia khắp phòng xem chỗ ở. Chị đồng nghiệp kết luận chồng em thuộc dạng “ghen dữ”.

Chồng nói chỉ quan tâm, yêu thương vợ thôi, nhưng tình thương của chồng khiến Xuân sợ hãi. Vợ đi làm về là chồng ngửi đầu tóc, quần áo xem có mùi gì lạ. Công ty vợ tổ chức đi du lịch, chồng đăng ký ở cùng khách sạn, để “em cần gì thì có anh giúp”… Xuân cảm thấy mệt mỏi, nhưng con gái còn nhỏ, cô không nghĩ đến chuyện chia tay.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Qua tuổi 40, Xuân nghĩ chồng đã đủ lòng tin, vì vợ đã thực hiện “đi thưa về trình”, mọi mối quan hệ đều minh bạch.

Thế nhưng, điệp khúc “bữa nay em đi với ai”, “điện thoại làm gì mà có quá trời cuộc gọi”… tua đi tua lại hằng ngày khiến Xuân mệt mỏi. Má chồng an ủi: “Vài năm nữa nó hết ghen à con. Ai ghen hoài chi cho mệt”. 

Nhưng lần này, Xuân không còn sức chờ chồng đổi khác… Cô thẳng thắn nói rõ cảm xúc bức bối sống như bị “giam cầm” của mình. Nếu ông chồng không còn tin vào sự chung thủy của vợ thì nên chia tay. Dù anh vẫn thương vợ, không muốn mất gia đình, nhưng nghi ngờ ghen tuông là biểu hiện của thái độ không tôn trọng vợ. 

Thấy vợ “làm dữ”, ông chồng không còn nhòm ngó như trước. Dường như sức mạnh từ sự trung thực của người vợ khiến ông chồng dần… tỉnh ra. 

Nhiều người nhẫn nại chịu đựng ông chồng kỳ cục, với hy vọng chồng sẽ thay đổi, yêu thương sẽ lại tròn đầy. Nhưng nếu vợ cứ ngồi chờ, thì chẳng bao giờ thấy được sự thay đổi. 

Phương Quỳnh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI