Mỗi lần có dịp dẫn vợ qua chợ Đông Ba hay ghé chợ An Cựu (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mua quà tặng bà con, ông Tuệ “ôốc dôộc” (từ địa phương, có nghĩa “xấu hổ”, “mắc cỡ”) đến muối mặt khi nghe người bán hạt sen khô tại đây giới thiệu là sen hồ Tịnh Tâm. Một đời ông lội trong bùn, chăm bẵm giống sen hoàng cung ấy, ông lạ gì chuyện các loại hạt sen khô khác nhau “núp bóng” sen Tịnh Tâm (thường được gọi là sen Tịnh) để lừa du khách.
1. Giữa trưa nắng chang chang, ông Nguyễn Văn Tuệ dẫn tôi ra thăm hồ Tịnh Tâm đúng vào thời điểm sen Tịnh đang chết dần. Hơn 40 năm qua, ông lặng lẽ chăm từng gốc sen hồ Tịnh Tâm như cố gắng lưu giữ một nét văn hóa độc đáo của mảnh đất cố đô.
|
Ông Phạm Ngọc Chính - ở đường Tịnh Tâm, TP.Huế - cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sen Tịnh khó trồng là do nước xả thải từ Hộ thành hào gây ô nhiễm nặng |
Sinh ra, lớn lên bên cạnh hồ Tịnh Tâm, ông Tuệ luôn tìm cách duy trì đám sen trên 4,3ha diện tích mặt nước ở hồ này. Ngoảnh mặt liếc nhìn những hàng sen ở hồ Tịnh Tâm đang nối đuôi nhau chết dần, giọng ông buồn bã: “Chú biết răng (sao) không? Hồi trước, người trồng sen ở hồ Tịnh Tâm như gia đình tui đây chỉ trồng một vụ ăn cả năm, bởi có khi sản lượng 5-7 tấn hạt tươi/vụ; trừ mọi chi phí, còn lãi ròng vài ba chục triệu đồng. Chừ thì ngao ngán hết sức...
Cả vùng này còn mỗi mình tui trồng giống sen Tịnh gốc, mấy năm ni sen chết tả tơi, còn sen ngoại lai (sen cao sản) bà con trồng thì cứ sống khỏe ra. Như vụ sen này, gia đình tui chỉ bán được 40kg sen hạt tươi đúng gốc sen Tịnh, giá 200.000 đồng/kg. Hàng trăm cuộc điện thoại người ta gọi đến đặt mua, thậm chí có cả Việt kiều bên Mỹ điện về nhưng tôi cũng từ chối vì lấy đâu ra sen Tịnh để bán?”.
Theo cha đi học nghề trồng sen từ năm 16 tuổi, đến nay, ông Tuệ là một trong những tay kỳ cựu trong làng sen Huế. Với ông, trồng sen Tịnh như một kiểu đánh bạc với trời. “Nghề ngày bạc bẽo, khó học lắm. Ngày trước, theo cha đi trồng sen khắp các ao hồ trong nội thành, mình phải tỉ mỉ quan sát rồi mày mò cấy thử. Nhiều lúc sen mất mùa, tui định bỏ nghề. Ai đời trồng hơn 4ha sen, bỏ ra ngót nghét trăm triệu đồng để giữ giống, rứa mà trắng tay. Nhiều người không có sen để chơi, nghĩ rứa mà buồn lòng. Sen Tịnh chừ (bây giờ) khó trồng lắm” - ông Tuệ tâm sự.
|
Người dân xã Phong An, H.Phong Điền buồn bã vì sen chết đồng loạt |
Chuyện trồng sen Tịnh, với ông Tuệ là hành trình “chơi” không ngơi tay. Tháng Giêng ủ gốc, rồi lo dọn đáy hồ, đến khi chỉ còn một thứ bùn ròng, đợi thời tiết thuận lợi mới đem sen ra trồng. Sen được trồng bằng thân sen (người Huế gọi là mặt sen). Cứ trung bình 1ha, trồng khoảng 1.000 mặt sen là vừa. Tháng Năm, đúng kỳ sen nở rộ thì đổ bông (hái hoa để bán cho khách), rồi đổ hột (ngắt gương sen về, gỡ lấy hạt), phân phối hạt tươi cho khách.
Trên cây sen, hầu như chẳng có bộ phận nào phải bỏ phí. Nhị và tim sen được các cơ sở đông dược thu gom làm thuốc. Ngó sen cùng củ sen là thứ mà các tiệm ăn, quán nhậu liên tục đặt hàng. Lá sen cũng được cắt bán cho người ta dùng gói cốm, gói bún, gói hoa sen hay hạt sen. Giống sen rất khó chịu, chỉ cần đất hoặc nước không hợp là không trồng được. Hạt sen Tịnh sở dĩ nổi tiếng so với hoa sen được trồng ở những vùng đầm lầy khác là vỏ mỏng, hạt thơm, dẻo, khi nấu chín không sượng.
Điều đặc biệt mà ít ai biết về hồ sen Tịnh Tâm là ở lòng hồ, trên bùn dưới cát nên khó cất giữ giống. Vì thế, từ thời xa xưa, những người trồng sen ở hồ Tịnh Tâm đã phải để giống ở các hồ khác tránh lụt. Có những năm, nước lũ dâng cao ở nội thành làm chết cả giống sen, người trồng sen phải ra Quảng Trị mua giống. Trên đất Quảng Trị, loại sen này sống từ mùa này sang mùa khác, nhưng hoa, củ, hạt lại không thơm, ngon như khi được đưa vào trồng ở hồ Tịnh Tâm.
Công phu là thế nên hiện nay, chỉ còn 14 hộ dân trồng sen ở hồ Tịnh Tâm trên tổng diện tích 14,8ha. Nhưng sự khó tính của sen cộng với lợi nhuận ngày càng giảm đã khiến không ít người bỏ sen Tịnh, rước giống khác vào rồi dán mác sen Tịnh.
2. Huế những ngày này đã bước vào giữa mùa sen tháng Bảy nhưng trên mặt hồ Tịnh Tâm vẫn toàn một màu xanh. Ấy là màu xanh của bèo. Lác đác trên mặt hồ là những đóa sen ngoại lai đang vươn mình trong nắng, trong khi giống sen có nguồn gốc từ hồ Tịnh Tâm đã chết khô lá.
Người dân cố đô nhìn vào vườn ngự uyển của hoàng gia được vua Thiệu Trị liệt vào danh sách Thần Kinh nhị thập cảnh (một trong 12 cảnh đẹp của kinh đô Huế) ngày nào, giờ trong tình trạng phế tích, lòng buồn man mác mà nhớ tiếc một thuở vàng son. Nhiều người dân cả đời gắn bó với nghề sen đã khóc khi cứ mỗi mùa sen trôi qua, sen trong hồ Tịnh Tâm ngày một ít đi. Những cống nước đen ngòm chảy vô tội vạ vào hồ như mang “lệnh bài” đến kết liễu đời sen.
Nhiều người thầu mặt hồ để trồng sen, sen không sống nổi nên họ đành thả rau muống với mong muốn vớt vát chút ít vốn liếng. Thời gian đã không làm biến đổi nhiều về phần kiến trúc có một không hai của hồ Tịnh Tâm, nhưng chính ý thức cộng đồng kém đã khiến hồ bây giờ khác xưa. Sen Huế trong những vần thơ của thi sĩ Chế Lan Viên “Trắng muốt mùa sen Huế cố thành/ Ngỡ như mùa hạ Huế chờ anh/ Mượn ai màu áo hay màu lụa/ Bọc lấy mùi hương ấy để dành...” giờ chỉ là hư danh.
Nhìn dòng sen Tịnh “nguyên thủy” đang chết dần trên hồ, ông Phạm Ngọc Chính buồn bã: “Bây giờ, gần như toàn bộ hồ Tịnh Tâm chỉ có giống sen cao sản từ Đồng Tháp Mười hay từ các ven đô của xứ Huế đưa vào đây trồng là sống sót, còn sen Tịnh “thiệt” đã chết. Lấy mô (đâu) ra sen Tịnh gốc? Mỗi năm, chưa tới rằm tháng Tư là trong Nam ngoài Bắc, bà con xin số gọi đặt hàng từ hoa, nhụy, lá. Dù giá đưa ra cao gấp vài ba lần sen cao sản nhưng không có hàng để bán. Tui thấy hạt sen loại khô bán giá từ 250.000-400.000 đồng/kg là cao quá. Sen hồ Tịnh Tâm lấy đâu ra mà bày bán tràn lan thế? Cần phải nói chính xác cho du khách biết, đây là hạt sen Huế hoặc sen được trồng ở các làng quê xứ Huế nhưng địa điểm bán là cạnh bờ hồ Tịnh Tâm”.
|
Những điểm bán sen đa chủng loại ở phía trước hồ Tịnh Tâm |
Theo ông Chính, muốn bảo tồn loài sen quý này, việc đầu tiền là không cho trồng rau muống. Chính rau này làm cho chất dinh dưỡng trong hồ giảm đi rất nhiều. Kế đến là phải làm sạch môi trường hồ Tịnh Tâm vì chất thải và nước bẩn ứ đọng đang giết dần sen Tịnh. “Hết rác rồi đến thuốc diệt cỏ quanh Hộ thành hào, cứ mưa xuống là trôi theo dòng nước đổ ra hồ Tịnh Tâm. Cá tôm cũng chết, huống chi sen Tịnh” - ông Chính than.
Tương tự sen Tịnh, người dân ở những làng chuyên trồng sen như Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Hiền của H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang hoang mang khi sen đồng loạt chết không rõ nguyên nhân trong hơn hai tháng qua. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 500ha sen nhưng đến lúc này, đã có hơn 100ha sen chết héo.
Trong một chuyến kiểm tra mô hình trồng sen tại H.Phong Điền giữa tháng 3/2019, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - nêu mong muốn, sớm tìm lại giống sen gốc của Huế để từng bước hình thành thương hiệu sen Huế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, việc sen chết hàng loạt đang khiến dự tính phát triển nghề trồng sen, đưa sen Huế trở thành đặc sản góp phần phát triển kinh tế như mong muốn của lãnh đạo tỉnh xem ra khó thành hiện thực.
Thuận Hóa