Mai này, họ sẽ trở lại…

08/08/2021 - 06:26

PNO - Đường về nhà của bao người quê trong đại dịch làm thắt lòng thành phố. Đó là cuộc “di cư ngược” chưa từng thấy của đồng bào về miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên. Họ đi bằng mọi phương tiện có thể. Nhiều người may mắn được tỉnh nhà đón về bằng tàu, xe, máy bay nhưng cũng có những hành trình bằng xe máy vượt ngàn cây số, thậm chí bằng xe đạp hoặc đi bộ…

Đường về nhà của bao người quê trong đại dịch làm thắt lòng thành phố. Đó là cuộc “di cư ngược” chưa từng thấy của đồng bào về miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên. Họ đi bằng mọi phương tiện có thể. Nhiều người may mắn được tỉnh nhà đón về bằng tàu, xe, máy bay nhưng cũng có những hành trình bằng xe máy vượt ngàn cây số, thậm chí bằng xe đạp hoặc đi bộ…

Những hình ảnh ấy sẽ mãi mãi ở lại trong tâm thức bao người dẫu mai này hết dịch, dù thời gian có trôi đến trăm năm. Đại dịch quét qua, phận người nghèo được nhìn thấy rõ hơn bao giờ hết. Bao ngày rồi, phố đã vắng những bước chân mưu sinh, những gánh hàng rong qua khắp nẻo đường; vắng tiếng rao vào những hừng đông, những đêm tối: “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ…”, “Chưng gai giò”, “Hột gà nướng, hột vịt lộn, hột vịt vữa, trứng cút lộn, bắp xào đây!”… 

Rạng sáng 29/7, các thành viên Đội SOS sinh viên Đại học Đông Á đã sửa chữa nhiều xe máy hư hỏng, giúp người dân tiếp tục hành trình về quê nhà - ẢNH: ĐÌNH TĂNG
Rạng sáng 29/7, các thành viên Đội SOS sinh viên Đại học Đông Á đã sửa chữa nhiều xe máy hư hỏng, giúp người dân tiếp tục hành trình về quê nhà - Ảnh: Đình Tăng

Tôi nhớ họ. Tự bao giờ, những người quê ấy đã trở thành một phần không thể thiếu của Sài Gòn. Thành phố năng động, hiện đại có sự góp sức của bao người con tứ xứ. Thành phố dang tay cưu mang, bảo bọc tất cả. Ngược lại, họ cũng góp phần làm giàu cho thành phố, làm giàu cho bản sắc của đô thị.

Gánh hàng rong đã trở thành nét đẹp văn hóa của Sài Gòn trong góc nhìn của du khách muôn phương. Những tiếng rao đêm đã trở thành ký ức thân thương của bao người. Những cuộc mưu sinh tần tảo ở Sài Gòn của những người cha, người mẹ là điểm tựa chắp cánh cho các con bước vào đời. Còn mãi trong ký ức tôi là câu chuyện của một người mẹ quê, “khởi nghiệp” từ những tờ bạc lẻ, ngày ngày chỉ mua gối đầu được vài đòn bánh tét đi rảo bán. Vậy mà rồi, từ vài đòn bánh ấy trở thành một gánh hàng rong, rồi thành một tiệm tạp hóa, nuôi được con trai vào đại học…

Tôi nhớ họ, những người quê hiền lành cần mẫn. Góc phố nào ta qua có lẽ cũng từng in dấu những cuộc mưu sinh lặng lẽ của người quê. Những quán ăn tươm tất hay những quán cóc ven đường, những gánh hàng rong, xe đẩy… Nhiều đêm mưa, tôi vẫn nghe tiếng rao: “Hột vịt lộn, trứng cút lộn, bắp xào đây!”.

Nhìn xuống con đường chỉ có ánh đèn vàng và bóng người cô quạnh với chiếc xe chở thức ăn còn bốc khói, thấy thương vô hạn. Phía sau những thức quà ấy cho người phố có thể là nỗi mong chờ có được thêm chút tiền mua sữa, mua sách vở cho các con. Những tiếng rao giản dị đã cất lên cùng thành phố tự thuở nào, nghe thân thương hiền lành và trở nên quen thuộc. Ở góc ngã tư đường về nhà tôi, chiều nào cũng vang lên những tiếng rao từ chú bán gà đến chị bán trái cây… Những tiếng rao hòa vào nhau tạo thành thanh âm của phố chiều, lao xao bình yên.

Nhưng giờ phố không còn được nghe những tiếng rao ấy nữa.

Miền Tây, miền Trung hay Tây Nguyên, cái khoảng cách địa lý tưởng không xa khi đã có đủ loại phương tiện để di chuyển, vậy mà giờ thành thăm thẳm, chỉ có thể tựa vào chính mỗi người, bằng đôi chân, bằng tinh thần và sức mạnh. Trong tất cả sự lựa chọn có thể để vượt qua đợt dịch lần này, họ chọn về lại quê hương. Nơi ấy, ít ra họ có một mái nhà ngủ yên, có ruộng vườn che chở…

Có những giọt nước mắt đã rơi trên những chuyến xe về lại quê nhà. Thành phố này đã trở thành quê hương thứ hai của bao người ly hương. Người phải rời đi nhưng lòng không nỡ bước, gửi lời hẹn sẽ trở lại Sài Gòn khi hết dịch. Mai này khi khỏe lại, đất lành sẽ lại đón người quê. Khi ấy, đường về Sài Gòn sẽ không còn thiên lý nữa… 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI