Mức thu nhập cố định của những giọng ca từng được giải cao ở các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ chỉ khoảng 2,7 - 2,8 triệu đồng/tháng. Lương thấp, cộng những vấn đề trong khâu tổ chức biểu diễn, dựng vở… đang mài mòn dần đam mê của người làm nghề. Nỗi lo một ngày không còn ai hát cải lương không phải là vô căn cứ.
|
Ngày đó họ đều còn trẻ - vở diễn khá hay về đề tài xuân Mậu Thân vẫn chưa có kế hoạch biểu diễn |
Nghệ sĩ không sống nổi bằng lương
Không máy móc áp dụng mức thù lao nghệ sĩ theo Quyết định 14/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đã linh động tạo cơ chế nhằm nâng cao đời sống nghệ sĩ, diễn viên.
Theo đó, mức bồi dưỡng cao nhất của nghệ sĩ, diễn viên có thể vượt 1 triệu đồng/suất diễn. Tuy nhiên, những suất diễn này cũng không nhiều. Mức cát-sê phổ biến cho những buổi diễn phục vụ từ 400 - 600.000 đồng/suất. Với việc có trung bình mỗi tháng 2-4 suất diễn, tổng thu nhập của những Chuông vàng, Chuông bạc cũng chỉ chừng 5 triệu đồng/tháng.
Nghịch lý ở chỗ, một nhà hát được cấp gần 6 tỷ đồng/năm cho hoạt động thường xuyên (chưa kể kinh phí dựng vở), nhưng nghệ sĩ, diễn viên lại không thể sống được bằng lương. Ngoài những bất cập trong quy định về thu nhập, chế độ đãi ngộ dành cho người làm nghệ thuật, không thể không đặt ra câu hỏi về tính hợp lý trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch hoạt động của Nhà hát Trần Hữu Trang.
Nhà hát Trần Hữu Trang hiện có đến ba đoàn, kéo theo bộ máy hành chính phục vụ chiếm gần nửa biên chế. Điều này vừa làm quỹ lương đội lên, vừa chia nhỏ số suất diễn phục vụ vốn không nhiều theo kế hoạch hằng năm, khiến khoản bồi dưỡng càng thu nhỏ.
Liệu các ông hoàng, bà chúa lộng lẫy trên sân khấu sẽ sống ra sao trong đời thực với khoản thu nhập còn thua cả lao động phổ thông? Có thể đòi hỏi nghệ sĩ phải toàn tâm toàn ý, dốc hết sức lực và tài năng cho cải lương khi trên sàn tập họ vẫn canh cánh nỗi lo: ngày mai làm sao có đủ tiền trả tiền nhà, rồi từ nay đến cuối tháng sống bằng gì để có sức mà ca hát...
|
Nhiều nghệ sĩ cải lương hiện phải lấn sân nhiều hoạt đọng khác vì thu nhập không đủ sống |
Không sống được bằng đồng lương nhà nước, nhiều nghệ sĩ phải làm đủ việc để có thêm thu nhập. Người tham gia đóng phim truyền hình, người hát show đám tiệc, phụ diễn game show… Dù biết hát như thế rất ảnh hưởng đến làn hơi, chất giọng, nhưng để tồn tại ở thành phố, chờ cơ hội làm nghề, họ không còn lựa chọn nào khác.
Thực tế đáng buồn là nhiều giọng ca đã không còn giữ được phong độ so với thời điểm đoạt giải, dù từng nhận được nhiều kỳ vọng sẽ đi xa. Nhiều lời trách móc họ sớm tự mãn, không chịu rèn luyện để nâng cao nghề nghiệp… Đúng, nhưng nếu hiểu thấu đáo các khó khăn, sẽ thấy họ cũng ngổn ngang nỗi niềm.
Thiếu động lực làm nghề
Nhà hát Trần Hữu Trang đang có những diễn viên không đủ khả năng làm nghề, nhưng cũng không thiếu diễn viên chấp nhận đồng lương ít ỏi để được tập luyện, nâng cao khả năng.
Những đợt tập vở mới (từ 20 ngày đến hơn 1 tháng), nghệ sĩ phải gác show riêng để dồn sức tập. Mỗi buổi tập từ 9g đến 15-16g, dù chỉ được bồi dưỡng vài chục ngàn, họ vẫn miệt mài tập luyện; để rồi sau phúc khảo, vở diễn hoặc xếp lại để đó, hoặc diễn vài suất rồi “lưu kho”.
Lâu dần, nghệ sĩ đến sàn tập với tâm lý: “Tập hết sức cũng chẳng để làm gì, cứ đại khái cho xong”. Có công bằng không khi đòi hỏi nghệ sĩ phải dốc sức tập luyện rồi hết vở này, đến vở khác sớm thành “của để dành”.
Không phải nhà hát không muốn tổ chức biểu diễn, nhưng nhiều suất diễn mở màn, nghệ sĩ còn đông hơn khán giả. Dù có được bù lỗ cát-sê, khó mà yêu cầu nghệ sĩ hào hứng ca diễn trong một khán phòng trống vắng.
|
Chân mệnh - vở cải lương tư nhân, được quảng bá với nhiều hình thức |
Trong số các tác phẩm của nhà hát, có những vở chỉ phù hợp để diễn phục vụ, nhưng cũng có những vở nội dung gần gũi với nhu cầu thưởng thức của khán giả cải lương như Hiu hiu gió bấc, Tiếng vạc sành, Đời Như Ý, Cõng mẹ đi chơi… Đây cũng là những vở được chuyển thể từ kịch bản rất ăn khách của sân khấu kịch. Nhưng số phận của chúng lại hẩm hiu khi về sân khấu cải lương.
Trong khi đó, nhiều vở cải lương xã hội hóa như Đường gươm Nguyên Bá, Chân mệnh… có thể bán được đến vài trăm vé/suất, khán phòng chật kín, dù giá vé từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng. Thành phần nghệ sĩ tham gia những vở này cũng là nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang: Minh Trường, Nhã Thy, NSƯT Lê Tứ, Điền Trung, Võ Minh Lâm, Thu Vân, Nguyễn Thanh Toàn…
NSƯT Hùng Minh:
Ngày xưa, chỉ cần có giọng ca đặc biệt, nghệ sĩ đã được bầu gánh hát nâng niu, mời về ký hợp đồng với số tiền đủ để giúp cả gia đình đổi đời. Ông bà bầu bỏ tiền mang giọng ca đó về đoàn cũng sẽ tìm đủ mọi cách để truyền nghề và lăng-xê, để nghệ sĩ nổi tiếng, kiếm tiền cho đoàn. Mọi thứ đều đã được sắp xếp, con đường đã được trải thảm sẵn sàng, cũng không mảy may lo chuyện cơm áo, nghệ sĩ khi đó chỉ có một nhiệm vụ là học hỏi, trau dồi nghề nghiệp để sớm thành đào, kép chánh.
Khi đã là đào kép chánh, nghệ sĩ càng phải cố gắng rèn luyện, tìm cho mình thêm những nét độc đáo trong ca, diễn, để không bị lẫn lộn với nghệ sĩ khác. Có vậy, nghệ sĩ mới giữ vững ngôi vị và sớm được bầu gánh tăng lương. Cái vòng xoay của ngày xưa luôn tiến về phía trước. Có lẽ nhờ vậy mà cải lương thời trước có rất nhiều nghệ sĩ giỏi nghề và mỗi nghệ sĩ là một sắc màu riêng, không trùng lặp.
|
Thực tế, các đơn vị xã hội hóa đã dành nhiều công sức để quảng bá tác phẩm trên các trang cá nhân: từ thông tin nghệ sĩ, trailer giới thiệu đến lịch diễn… thì những vở của nhà hát cứ lặng lẽ. Website của nhà hát - cầu nối duy nhất giữa nhà hát và khán giả vốn đã không nhiều thông tin, từ vài tháng nay cũng không còn tìm được trên Google.
Không diễn, không doanh thu, lương thấp, diễn viên chạy show, mất tập trung… là cái vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát. Sợ rằng đến một lúc, những nghệ sĩ có giọng chỉ còn chạy show ca lẻ mà không còn ai hát cải lương.
Thảo Vân