PNO - Những người trong độ tuổi lao động lần lượt rời bỏ xóm đảo, đi tìm cuộc sống mới. Từ một ngôi làng đông đúc giữa sông Lam, nay làng chỉ còn lại vài trăm người già sống khắc khoải giữa bốn bề sông nước cùng nỗi lo ngôi làng hơn 500 năm tuổi này bị xóa sổ.
“Chú sang xóm đảo à? Ráng đợi thêm chút xem còn ai không, tui đỡ uổng công” - ông Trần Đình Huynh nói. Ông Huynh năm nay 54 tuổi, có gần 20 năm làm nghề lái đò, đưa người ra vào xóm đảo Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông bảo, ngoài mấy chuyến đò đưa đón học sinh, hầu hết thời gian còn lại trong ngày, ông chỉ ngồi chơi, thỉnh thoảng mới có vài phụ nữ rời xóm đảo đi chợ, hoặc ít khách vãng lai ra đảo chơi.
Người dân đảo Hồng Lam vất vả đi đò ra ngoài mỗi ngày
Giá đi đò chỉ 2.000-3.000 đồng/khách. Nhiều hôm ế khách, tiền đò không đủ bù tiền xăng dầu, nhưng ông Huynh chưa bao giờ có ý định bỏ nghề: “Bỏ thì bà con ra ngoài bằng gì? Dân ở đây đã khổ lắm rồi”. Ngay khi vừa bước chân lên xóm đảo, đập vào mắt du khách là những căn nhà cấp 4 loang lổ, chờ sập nằm san sát nhau. Ông Hồ Sỹ Khiêm - cư dân xóm đảo - nói: “Họ đi rồi định cư luôn, không về nữa nên số nhà bỏ hoang ngày càng nhiều”. Ông cho hay, theo gia phả của dòng họ Hồ ở xóm đảo Hồng Lam, người họ Hồ đến khu đất nổi rộng 3km2 này sinh sống từ năm 1516. Đất đai ở đây màu mỡ bởi thường xuyên được sông Lam bồi đắp phù sa nên dân số xóm đảo này tăng rất nhanh. Thậm chí, có thời điểm, chính quyền phải vận động giãn dân.
Thời hoàng kim ấy kéo dài đến đầu những năm 1990. Sau đó, cư dân bắt đầu rời xóm đảo đi làm thuê bởi cuộc sống thuần nông quá khó khăn. Người ta ồ ạt bán nhà, dắt theo con cái vô miền Nam lập nghiệp hoặc người trẻ bỏ vô Nam làm công nhân, để người già ở lại đảo. Trẻ em trên xóm đảo thưa dần, 3 ngôi trường được xây dựng khang trang trên đảo phải đóng cửa từ nhiều năm trước do không đủ học sinh.
Ông Nguyễn Thế Lục - Trưởng xóm Hồng Lam - nói, xóm đang được ví là ốc đảo già, bởi trong số vài trăm người đang sống trên đảo, chỉ có 42 người trong độ tuổi đi học, còn lại là ông già bà lão. Không đủ sĩ số nên từ nhiều năm nay, các em đành phải đi đò sang cơ sở chính ở trung tâm xã để học. “Cứ kiểu này, rồi xóm sẽ ra sao? Người già ở đây sẽ trụ được mấy năm nữa?”.
Đất đai màu mỡ và an toàn, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm số lượng lớn nhưng do biệt lập, giao thông cách trở nên người dân không mặn mà với việc làm ăn trên đảo. Ngoài việc phải “lụy đò” mỗi khi ra ngoài, khi muốn xây mới hoặc tu sửa nhà, người dân cũng tốn kém gấp đôi so với bên ngoài. Ông Nguyễn Thế Lục nói: “Nông sản làm ra cũng rất khó đưa đi tiêu thụ, thương lái vào đây cũng mua với giá rẻ hơn bên kia sông”.
Nóng ruột vì sợ mớ tôm mới bắt dưới sông Lam mất tươi, bà Ngô Thị Hóa (65 tuổi) vội gói lại, đón đò mang ra khu chợ ở trung tâm xã để bán. Bà cho hay, người dân trong xóm đảo vốn quen “tự cung tự cấp” nên mỗi khi con trai đánh bắt được tôm cá, bà lại phải cất công mang ra ngoài bán. Chồng mất, sức khỏe ngày một kém nhưng bà Hóa không muốn rời xa mảnh đất cha ông để lại, cậu con trai duy nhất của bà đang làm ăn ở miền Nam đành bỏ việc, đưa vợ con quay về nhà để chăm sóc mẹ. Bà nói: “Nhiều khi cũng thương con. Giờ trong xóm không còn ai ngang tuổi nó để chơi, nên rảnh cái là nó lại ra sông đánh bắt tôm, cá cho đỡ buồn”.
Người trẻ lần lượt bỏ quê vô Nam khiến ốc đảo Hồng Lam chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ
Cần đánh thức tiềm năng du lịch
Nghỉ tay hóng mát dưới rặng tre bên đường, ông Trần Văn Chương (53 tuổi) chỉ tay một vòng tròn: “Cả vùng đất nhà tui đó, nhưng già rồi, vợ chồng làm không nổi”. Vợ chồng ông có 4 người con, nay 3 người đã lập gia đình và định cư ở xa, cô con gái út đang học đại học cũng không có ý định quay về nhà sau khi tốt nghiệp. Không ít lần, các con đề nghị vợ chồng ông chuyển vào Nam ở cùng để an dưỡng tuổi già nhưng ông đều lắc đầu bởi không nỡ rời xa quê hương.
Ngoái nhìn về phía dòng sông Lam đang cuồn cuộn chảy, ông nói, nếu có một cây cầu, chắc gì người dân xóm đảo này đã phải ồ ạt di cư, để lại toàn ông già, bà lão. “Chúng tôi hiểu chứ, nên cũng đâu dám đòi hỏi gì. Chỉ mong bến đò vào xóm được đầu tư lại bài bản hơn, lên xuống đò thuận tiện hơn là vui rồi” - ông Chương nói.
Xóm đảo Hồng Lam nằm giữa trung tâm huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) và TP Vinh (tỉnh Nghệ An). Chỉ cách một dòng sông nhưng cuộc sống 2 bên bờ sông Lam trái ngược hoàn toàn. Cuộc sống trên đảo lại càng khác biệt so với 2 bên bờ. Khi con đò chở lũ trẻ tới trường rời đi, xóm đảo này chỉ còn lại một không gian thanh tĩnh, những con đường làng vắng bóng người. Đầu hè, tiết trời Hà Tĩnh nắng nóng, hanh khô nhưng trên đảo vẫn mát rượi nhờ hơi nước sông và những rặng tre xanh mướt trên đảo.
Hàng chục hộ dân di cư mà không quay về, để nhà cửa hoang tàn trên đảo
Theo ông Nguyễn Thế Lục, sự khác biệt này khiến những năm gần đây, đã có một số du khách tìm đến xóm đảo vui chơi, trải nghiệm. Thấy được hướng đi mới, ông Lục ấp ủ kế hoạch làm du lịch từ lâu, nhưng phải đến đầu năm 2023, sau một thời gian tìm hiểu, ông mới mạnh dạn liên kết cùng 10 gia đình khác trên đảo thành lập hợp tác xã để phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Giám đốc một công ty du lịch ở tỉnh Nghệ An nhận định, không gian yên tĩnh, riêng tư trên ốc đảo Hồng Lam là một lợi thế rất lớn để thu hút du khách dịp cuối tuần. Hơn nữa, nơi đây còn có những cánh đồng lạc mênh mông, ruộng lúa bạt ngàn, có những loài thủy sản do người dân đánh bắt được từ sông Lam.
Ông Nguyễn Thế Lục hy vọng hợp tác xã sẽ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân từ việc bán vật nuôi, nông sản của xóm cho du khách: “Trước mắt, chúng tôi dự kiến sẽ phục vụ tối đa 50-70 du khách mỗi ngày. Ngoài cắm trại thư giãn bên bờ sông, du khách cũng sẽ được tham quan, trải nghiệm việc sản xuất nông nghiệp cùng người dân. Hiện chúng tôi vẫn đang hoàn thiện các thủ tục để bắt đầu đón khách vào mùa hè này”.
Vài năm trước, từng rộ tin đồn một tập đoàn lớn về khảo sát, thực hiện dự án khu du lịch, vui chơi giải trí trên đảo Hồng Lam nhưng đến nay, người dân vẫn chưa rõ thông tin về dự án. Ông Nguyễn Xuân Thường - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giang - cho biết, nếu dự án được triển khai, bộ mặt của ốc đảo sẽ thay đổi hoàn toàn, đời sống người dân cũng sẽ khác. Tuy nhiên, hiện dự án này vẫn chỉ dừng ở bước khảo sát.
Ông thông tin, đảo Hồng Lam nay chỉ còn 160 hộ với hơn 450 nhân khẩu. Chính quyền xã đã nhiều lần đề xuất xây một cây cầu để người dân Hồng Lam đỡ khổ nhưng không được do không có kinh phí. “Mùa mưa lũ, người dân phải di dời đến nơi an toàn. Dù có tiềm năng về du lịch nhưng nếu khai thác, cũng chỉ được mùa khô, còn mùa mưa thì xóm đảo thường bị ngập” - ông nói.
Những năm gần đây, hoạt động khai thác cát cùng những tác động của thiên tai khiến xóm đảo Hồng Lam bị sạt lở đất ngày một nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thế Lục cho hay, ốc đảo rộng chừng 3km2 nay chỉ còn khoảng 2,7km2. Do được quy hoạch thực hiện dự án nên nguồn ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xóm cũng bị cắt, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn hơn.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.