Mai này, ai sẽ giúp con tôi?

09/01/2018 - 09:42

PNO - Nếu những lỗi sai của con tôi hôm nay không được thầy cô sửa chữa thì mai này ai sẽ giúp được cho cháu?

Năm nay con tôi vào lớp Sáu. Tôi hiểu con mình không thông minh, học lực chỉ ở mức trung bình. Lúc trước, tôi cũng bắt con phải học thêm để bằng bạn bằng bè và để tôi được tự hào với những phụ huynh khác.

Mai nay, ai se giup con toi?
 

Nhưng sau đó, tôi nhận ra con không còn thời gian dành cho những nhu cầu cơ bản nhất của tuổi thơ, mà kết quả học tập cũng chẳng thay đổi gì, nên tôi chợt tỉnh, không gây áp lực và không đặt nặng chuyện điểm số với con nữa, chỉ mong con nắm được những vấn đề cơ bản nhất trong quá trình học tập.

Đến kỳ thi chuyển cấp, tôi khá lo lắng vì với học lực đó, con tôi sẽ khó bước vào một ngôi trường có nền móng tốt. Tuy nhiên, nỗi lo đó cũng được giải tỏa vì hệ thống trường lớp ở TP.HCM rất đa dạng, nên gia đình vẫn có nhiều lựa chọn. 

Kết thúc học kỳ II lớp Năm, tôi thật sự bất ngờ khi con được điểm 10 cho cả hai môn toán và văn. Cháu hãnh diện đòi quà, gặp ai cũng khoe thành tích. Chỉ riêng tôi là có cảm giác không hài lòng với điểm số của con. Theo sát việc học của con, hơn ai hết, tôi biết khả năng thật sự của con ở mức nào.

Đúng như tôi nghĩ, khi hỏi con làm thế nào để có được hai điểm 10 đó, cháu thành thật trả lời: “Cô giáo ghi đáp án trên tay rồi đứng xoay lưng lại trước mặt con, xòe tay cho con xem. Con viết sai chính tả, cô còn kêu gạch bỏ, bày con viết lại”. Việc đó đã diễn ra ngay trong giờ thi, khoảng thời gian lẽ ra phải nghiêm túc nhất. 

Cũng vì thế, không chỉ con tôi mà 2/3 học sinh của lớp đều có điểm số đẹp. Điều này cho thấy chất lượng giáo dục của chúng ta thực sự là thế nào! Với kết quả đó, con tôi có thể được nhận vào một trường công của quận, nhưng tôi quyết định cho cháu vào một trường tư thục bán quốc tế có học phí khá cao, với mong muốn con không phải suốt ngày vùi đầu vào bài vở mà được học để biết, để hình thành khả năng tư duy độc lập, có cơ hội rèn luyện kỹ năng sống nhiều hơn.

Trong môi trường mới, không bị áp lực bài vở nên con tôi có nhiều thời gian hơn để trau dồi tiếng Anh, chơi thể thao. Kết quả là cháu nhanh nhẹn, hoạt bát hơn rất nhiều.

Mai nay, ai se giup con toi?
 

Lại qua một đợt kiểm tra, con tôi về khoe toàn những điểm 9, 10. Ngay cả với môn ngữ văn, môn học mà tôi nghĩ con rất khó đạt được điểm tốt, thì con cũng được điểm 9. Đọc lại “bài văn điểm 9” của con, thật lòng là tôi vô cùng thất vọng. Cháu kể lại chuyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” nhưng không đâu vào đâu, chi chít lỗi chính tả, câu cụt câu què, trình bày cẩu thả.

Kết bài, cháu còn viết: “Truyện này phải ca ngợi công lao của vua Hùng. Em thấy truyện này rất hay và hấp dẫn” rồi thêm hai chữ “The End” cuối bài. Chẳng hiểu con học hành thế nào mà lại hiểu câu chuyện như vậy! tôi càng thất vọng hơn khi cô giáo không hề chỉ ra những lỗi sai chính tả, sai ngữ pháp; cũng không phân tích, góp ý gì về những yếu kém, sai sót của bài. Tôi đã khuyên con phải chịu khó đọc nhiều hơn, rèn luyện lại kỹ năng viết, thì con tôi phản đối bởi “ở trường cô giáo có nói gì đâu!”. Đúng là quá tai hại.

Ngày trước, chúng tôi cũng đi học mà không có chuyện học thêm học bớt. Ngoài thời gian học ở trường, chúng tôi chỉ làm thêm bài tập ở nhà để củng cố kiến thức, không có sự hỗ trợ nào từ những lớp học thêm hay gia sư. Vậy mà mọi kiến thức đều hiểu kỹ, hiểu đúng. Khi đã có nền tảng cơ bản, chỉ cần chịu khó suy luận, tôi có thể tìm ra cách giải một bài toán khó, tìm ra ý tưởng cho một bài văn.

Còn bây giờ, trước tình hình học tập của con, tôi không biết quy trách nhiệm vào đâu. do giáo viên không đủ trình độ để đánh giá đúng sai? Hay giáo viên thiếu trách nhiệm, sai đúng “mặc bay”? Học sinh chỉ nhìn thấy con số 9 đáng tự hào mà không nhận thức đúng khả năng của mình.

Nếu những lỗi sai của con tôi hôm nay không được thầy cô sửa chữa thì mai này ai sẽ giúp được cho cháu? Tôi muốn con đi học để có kiến thức thật sự, để sau này còn có thể dựa vào những hiểu biết của mình mà làm việc chứ không muốn con cầm một lá đơn xin việc đầy lỗi chính tả, thậm chí còn viết không ra một lá đơn. Nếu thực trạng “lừa dối” trong giáo dục cứ tiếp tục như thế, mai này con cái chúng ta sẽ ra sao? 

Bạch Huệ Linh 
(Q.7. TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI