Mải mê chụp ảnh sống ảo, thiếu nữ phải vào bệnh viện

29/06/2019 - 14:41

PNO - N.M.H. (Hà Nội) phải nhập viện vì toàn bộ vùng da "hở nắng" đều bị đỏ rát, châm chích do cháy nắng vì mải mê chụp ảnh “sống ảo” khi đi tắm biển.

Nhiều chị em bị cháy nắng đến bệnh viện cầu cứu

Ngay khi trở về Hà Nội, N.M.H. đã phải thăm khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương và được các bác sĩ chẩn đoán cháy nắng

H. cho biết cô muốn ghi dấu lại kỳ nghỉ hè đáng nhớ khi đi du lịch biển cùng gia đình nên bất chấp nắng gắt bên bờ biển để tạo dáng, chụp ảnh sống ảo. Cô gái trẻ tự tin việc sử dụng kem chống nắng trước đó đã giúp làn da của mình được bảo vệ khỏi nắng hè. Thế nhưng khi chuyến du lịch còn chưa kết thúc, toàn bộ vùng da "hở nắng" như: cổ, mặt, cánh tay, lưng… của H. đã trở nên đỏ lựng và bỏng rát.

H. đau đớn khi làn da tổn thương này không thể tiếp xúc với bất cứ vật liệu gì, kể cả vải bông mềm mịn. Cảm giác châm chích, khó chịu đeo bám khiến cô nằm ngủ cũng khó khăn vì không thể đặt lưng xuống giường.

Mai me chup anh song ao, thieu nu phai vao benh vien
Để có những tấm hình đẹp "sống ảo", nhiều cô gái sẵn sàng chụp ảnh bất chấp điều kiện nắng nóng gay gắt có thể dẫn tới hậu quả khôn lường (ảnh minh họa).

Các bác sĩ đã kê cho H. đơn thuốc để giảm viêm, hạn chế cảm giác khó chịu do cháy nắng. Tuy nhiên, sau 1 tuần, hai bên cánh tay của bệnh nhân H. xuất hiện đầy những đốm đen loang lổ - hậu quả của việc tăng sắc tố sau viêm do cháy nắng gây ra.

Trường hợp của H. chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân bị cháy nắng đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám trong thời gian gần đây. Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Bích Diệp - Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho biết, các bệnh nhân bị cháy nắng hầu hết là những người đi biển, người lao động làm việc nhiều giờ ở ngoài trời dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Mới đây, bác sĩ Diệp cũng vừa tiếp nhận trường hợp của nữ bệnh nhân T.T.K. (45 tuổi, quê ở Bắc Giang). Chị K. là nông dân và thường phải ra đồng vào buổi trưa để làm việc. Dù đã sử dụng mũ nón và khăn để bảo hộ song nhiệt độ quá cao vẫn khiến chị bị đỏ rát, bong tróc toàn bộ vùng mặt và cổ.

Cháy nắng còn dẫn tới ung thư da

Bác sĩ Đặng Bích Diệp cho biết, khi bị cháy nắng, bệnh nhân thường có cảm giác vô cùng đau rát, châm chích ở vùng da tổn thương. Điều này không chỉ gây ra sự bất tiện trong cuộc sống mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề sức khỏe, thẩm mỹ.

“Vùng da bị cháy nắng có thể để lại tình trạng tăng sắc tố sau viêm, gây sạm da, đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Đặc biệt, tiếp xúc kéo dài với tia UV, theo nhiều nghiên cứu, có thể là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư da”.

Mai me chup anh song ao, thieu nu phai vao benh vien
Sau cơn đỏ rát, vùng da của bệnh nhân K. bị bong tróc và có dấu hiệu tăng sắc tố.

Theo các bác sĩ, ngoài điều kiện thời tiết có mật độ tia UV cao, nguy cơ cháy nắng, bỏng nắng dễ dàng xảy ra với nhóm đối tượng có cơ địa nhạy cảm với ánh nắng hoặc những người đang dùng kháng sinh nhóm Cycline hay sử dụng VIT A Acid…

Khi da bị cháy nắng, bệnh nhân nên làm mát cơ thể bằng cách tắm, chườm khăn mát, đắp nha đam… lên vùng da tổn thương. Lưu ý, không chà mạnh lên vùng da này bởi da đang nhạy cảm, có thể gây kích ứng hoặc làm tổn thương thêm trầm trọng. Sau khi làm mát, có thể bôi một lớp kem dưỡng ẩm lên da, đặc biệt là loại kem có chiết xuất nha đam.

Với các trường hợp nặng hơn, cảm giác đau đớn, khó chịu, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định các thuốc chống viêm và giảm đau.

Bác sĩ Diệp cũng nhấn mạnh, bỏng nắng là tình trạng nguy hiểm và nặng nề hơn nhiều so với cháy nắng. Với bỏng nắng, vùng tổn thương thường rộng, lan tỏa. Bệnh nhân có thể xuất hiện các bọng nước trên da, kèm theo các biểu hiện như sốc nhiệt, buồn nôn, mệt mỏi… Đa phần các bệnh nhân này cần phải được đưa vào các khoa cấp cứu, hồi sức để điều trị trước tiên, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI