Mãi mãi tuổi đôi mươi

04/01/2025 - 07:12

PNO - “Mãi mãi tuổi đôi mươi” là cách gọi của bọn tôi ngày ấy dành cho bạn - một “hot boy” cực nổi trong 4 năm đại học.

Xin nói ngay để mọi người khỏi hiểu nhầm. Nhân vật tôi nhắc đến trong diễn đàn này không liên quan đến câu chuyện đầy tự hào về những anh hùng liệt sĩ nằm xuống ở tuổi thanh xuân. “Mãi mãi tuổi đôi mươi” là cách gọi của bọn tôi ngày ấy dành cho bạn - một “hot boy” cực nổi trong 4 năm đại học. Nhưng 25 năm sau ngày ra trường, bạn vẫn không khác gì thời sinh viên, có chăng là mái đầu đã điểm thêm nhiều sợi bạc.

Thời đại học, bạn nổi bật trong lớp có gần trăm sinh viên từ tứ xứ. Bạn sống có lý tưởng, có đam mê. Bạn yêu Paven Coocsaghin, ngưỡng mộ Che Guevara, hát nhạc cách mạng cực hay, đánh đàn cực giỏi, là một cây bóng chuyền có hạng. Bạn có tài hùng biện, có những ý tưởng sáng tạo vượt lên những suy nghĩ làng nhàng. Bạn là đối tượng được các chàng trai tôn làm thủ lĩnh và các cô gái thầm thương trộm nhớ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngày ra trường, khi chúng tôi đứa xuôi ngược cố gắng xin một công việc để trụ lại thành phố, đứa chấp nhận về quê lập nghiệp thì bạn chẳng vội vàng gì. Bạn vẫn là ngôi sao sáng trong các câu lạc bộ lý luận ở trường đại học. Bạn được mời lại làm đàn anh để hướng dẫn các em sinh viên tham gia những cuộc thi. Bạn hào hứng với những chuyến công tác tình nguyện, bạn cháy bỏng trong những đêm lửa trại. Bạn tâm sự rằng, bạn coi thường những cạnh tranh, đấu đá khi đi làm. Bạn thích môi trường học tập, thích tương tác với người trẻ chưa vướng bụi đời. Ở đó, bạn nói mình mới thực sự sống.

Cha mẹ bạn ban đầu cũng sốt ruột, nhưng cố an ủi rằng đứa con tài năng, bản lĩnh của họ rồi cũng sẽ tìm thấy nơi thực sự phù hợp. Ngày bạn thông báo sẽ học tiếp văn bằng hai ngành xã hội học, ông bà chép miệng: “Nó sống lý tưởng, làm một người hoạt động xã hội, tình nguyện chuyên nghiệp chắc là hợp”.

Bạn lấy bằng, cũng không thấy đi làm. Một thời gian sau, lại thấy bạn cắp sách đi học ngành truyền thông marketing, rồi các khóa ngắn hạn, dài hạn về quay phim, nhiếp ảnh, đạo diễn điện ảnh… lần lượt có mặt bạn. Hết học trong nước, bạn đăng ký các khóa học từ học bổng của chính phủ nước ngoài. Bạn tìm đủ cơ hội để học, học nữa, học mãi…

Gần 50 tuổi, bạn giật mình nhìn lại: tóc đã pha sương, vợ con chưa có, công việc cũng không, cha mẹ đã già. Ngoài 70 tuổi, mẹ bạn vẫn gom góp từng đồng hoa lợi vườn nhà, gửi lên Sài Gòn tiếp tế cho thằng con trai duy nhất. Lần gần đây nhất đến thăm ông bà, tôi nghe bà thở dài: “Thôi thì còn miếng vườn, mai này thằng H. về thì cũng có cái mà sống”.

Tối đó, mở điện thoại, tôi thấy bạn đăng status về ngày hội xuân của trường đại học. Bạn nhắn mời tôi về dự. Qua video call, tôi thấy mắt bạn vẫn rực sáng như thuở nào.

Lòng tôi chợt lẫn lộn nhiều cảm xúc: vừa thương, vừa trách bạn. “Đời người chỉ sống có 1 lần, phải sống sao cho khỏi sống hoài, sống phí…” - câu nói kinh điển của Paven không biết bạn còn nhớ không?

Thanh Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI