Mãi là “em bé” trong vòng tay bà

29/10/2022 - 06:00

PNO - Vợ chồng tôi muốn than trời. Chúng tôi đoàn kết lập kế hoạch từ từ “cách ly” con trai với bà ngoại.

Bo là đứa cháu đầu tiên của cả bên nội và bên ngoại nên rất được cưng chiều. Vợ chồng tôi sống cùng ba mẹ vợ, từ khi cu Bo chào đời, con đã được bà ngoại chăm sóc, ẵm bồng. 

Nhà bà nội chỉ cách bà ngoại 5km nên hầu như ngày nào ông bà nội cũng ghé qua thăm, chơi đùa cùng cháu. Khi vợ tôi hết thời gian thai sản đi làm lại, việc chăm sóc cu Bo phải nhờ cậy hết vào ông bà. Nhiều đồng nghiệp nói vợ chồng tôi số sướng, có ông bà giúp trông con cái nên thoải mái tung tăng. 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Mua tã gì, cho cháu uống sữa gì - bà ngoại quyết định. Rồi thời điểm nào ăn dặm bột, lúc nào ăn cháo, ăn cơm… - bà đều lên tiếng: “Để bà lo”. Nghĩ bà thương cháu, lại từng làm mẹ của bốn đứa con, vợ chồng mình không có kinh nghiệm nên có bà lo toan mọi việc càng an tâm. Riết rồi thành quen, cu Bo quấn quýt bà hơn ba mẹ. Con làm gì sai, vợ chồng tôi la dạy thì bà lên tiếng nói cháu còn bé “biết gì mà la, cứ từ từ chờ lớn thêm chút nữa”. 

Về khoản ăn uống thì khỏi phải bàn. Cho con ăn gì, uống gì, khi bệnh chăm sóc ra sao bà giành hết, không cho vợ chồng tôi can thiệp. Có lần, thấy bà cứ cắt nhỏ thức ăn, trộn vào cơm đút cháu, vợ tôi góp ý cháu lớn rồi bà nên để cháu tự xúc ăn, đừng cắt nhỏ thức ăn nhưng bà gạt đi và nói lớn chút nữa cháu sẽ biết tự ăn, lo gì. Bà lý giải thức ăn phải cắt nhỏ vì bao tử trẻ chưa hoàn thiện, cho ăn thức ăn to không tiêu hóa được. Cứ vậy dần quen, hễ ăn miếng nào to là y như rằng Bo ói ra hết. 

Điều chúng tôi lo lắng nhất chính là thói quen xem ti vi mọi thời điểm, xem iPad lúc ăn của Bo. Bà cho con thoải mái xem, nên cứ ra phòng khách là con nằng nặc đòi mở ti vi, mỗi buổi ăn nếu thiếu iPad thì con la khóc cho đến khi đạt ý muốn. 

Khi Bo lên hai tuổi, vợ chồng tôi cho con đi nhà trẻ, bà nội bà ngoại lại cản, nói chờ 4-5 tuổi hãy đi. Bà nêu lý do vì lo cháu chưa nói rành, đi học bị đánh hay có chuyện gì thì không biết mách ông bà. 

Cứ thế, cu Bo lớn lên dần trở thành đứa trẻ chỉ biết hưởng thụ sự chăm bẵm của bà. Nhớ hồi con chập chững bước đi, bà cứ lo cháu té nên ẵm mãi trên tay khiến cho sự cứng cáp của con cũng thua sút bạn bè. 

Đến khi đưa vợ con đi nghỉ mát cùng công ty, nhìn thấy những đứa trẻ trạc tuổi, thậm chí nhỏ hơn con mình đều tự cầm đũa gắp thức ăn, riêng con mình phải xé nhỏ, có người đút, các bạn chơi đùa dưới làn nước mát, con mình thì rụt rè sợ nước… tôi mới giật mình lo lắng. Nhớ cái đêm trước khi đi du lịch, bà ngoại chạy qua phòng để nhắc nhở hết chuyện này đến chuyện kia. Nào là thằng Bo không ăn được tôm, thịt phải xé nhỏ không cháu ói, có lấy quần áo dài tay chưa, coi chừng ra biển gió nhiều cháu cảm lạnh… 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Bà chỉ thôi lo lắng khi vợ tôi lên tiếng: “Cu Bo đã năm tuổi rồi ngoại, cháu phải học cách tự lập như bạn bè cùng trang lứa. Chứ giữ khư khư thế này ở nhà mãi thì cháu sẽ nhút nhát, thụ động”. 

Xưa kia, nghe nhiều đồng nghiệp nhỏ to về những đứa trẻ “công nghiệp”, chỉ biết điện thoại, ti vi, bởi lớn lên từ nỗi lo của bà nội, bà ngoại, tôi chưa hình dung ra. Nay thấy con mình trước mặt, vợ chồng tôi muốn than trời. Chúng tôi đoàn kết lập kế hoạch từ từ “cách ly” con trai với bà ngoại. Biết là bà sẽ phản đối, nhưng chúng tôi cũng sẽ kiên trì giải thích cho bà hiểu. 

Linh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI