Mái ấm truyền nghề cho trẻ khuyết tật

21/02/2023 - 12:13

PNO - Từ nhiều năm nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM đã đón nhận, nuôi dạy và truyền nghề hoàn toàn miễn phí cho hàng ngàn trẻ khuyết tật khắp cả nước. Với sự dìu dắt tâm huyết của thầy cô, nơi đây đã thực sự trở thành mái ấm của những trẻ thiệt thòi, bất hạnh.

Là cô, là mẹ, là chuyên gia tư vấn

Đều đặn cứ 2-3 ngày mỗi tuần, cô Nguyễn Thị Bảy lại chạy xe vượt hàng chục cây số để đến ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn dạy nghề làm hoa đất cho các học viên khuyết tật, mồ côi của trung tâm. Lớp học của cô ngập tràn những sản phẩm hoa, lá đủ sắc màu bằng đất sét được nặn bởi đôi bàn tay của những đứa trẻ không lành lặn. Một học sinh cụt cả 2 chân ngồi xe lăn đang tỉ mỉ nặn, ghép từng cánh hoa dưới sự chỉ dạy nhẫn nại của cô Bảy. 

Năm nay, cô đã 73 tuổi và gắn bó với công việc này gần 15 năm, từ khi trung tâm vừa hình thành. Học viên ở đây nhiều em khuyết tật hoặc không nói được nhưng rất thông minh, cũng có em khiếm khuyết trí tuệ nhưng lại vô cùng nhẫn nại. Thương các em, cô Bảy dùng tất cả tâm huyết truyền nghề cho học trò, từ cách pha màu, nhào nặn cơ bản, dần dần các em đã có thể sáng tạo được sản phẩm đẹp mắt, đặc sắc.

Tương tự, ở các lớp vẽ, lớp tranh gỗ, lớp may, các học viên với đủ loại khuyết tật khác nhau cũng đang say mê học hỏi, sáng tạo. Cô Nguyễn Thanh Hiền - giáo viên lớp tranh ghép gỗ - chia sẻ từ nhỏ cô hay theo ba vào dạy học ở trung tâm. Khi lớn lên, cha truyền con nối, cô lại theo nghề và tiếp nối cha truyền dạy cho học viên khuyết tật. Từ những thớ gỗ vô hồn, cô dẫn dắt, chỉ dạy các em sử dụng đôi bàn tay khéo léo để cắt, mài, tô màu, ghép nối thành những bức tranh gỗ sống động.

Cô Nguyễn  Thị Bảy đang hướng dẫn  các học viên khuyết tật  làm hoa đất  Ảnh: P.T.
Cô Nguyễn Thị Bảy đang hướng dẫn các học viên khuyết tật làm hoa đất Ảnh: P.T.

Công việc dạy dỗ các em khuyết tật đòi hỏi nhẫn nại, nỗ lực gấp nhiều lần học trò bình thường, thế nhưng tất cả giáo viên ở đây đều chỉ nhận lương tượng trưng 2 triệu đồng/tháng. Riêng thầy Nguyễn Văn Hoàng - dạy lớp vẽ hơn chục năm nay - không hề nhận một đồng lương nào. Thầy chia sẻ, dạy các em khuyết tật vẽ nhưng chính thầy đã học được rất nhiều từ các em. Có em thể trạng yếu ớt, đầu óc chậm chạp, song em có thể ngồi hàng giờ đồng hồ chỉ để tô vẽ một chi tiết nhỏ. Sự kiên nhẫn, ý chí của các em khiến thầy vô cùng cảm động, là động lực để thầy gắn bó với công việc này, bởi “cho đi là nhận lại”. 

Gắn bó với trung tâm gần 10 năm, cô Vương Thị Duyên Hương - phụ trách công tác đào tạo và quán xuyến việc hậu cần - cho hay, trung tâm luôn mở rộng vòng tay đón nhận các học viên khuyết tật. Nhiều em khuyết tật nặng, bị nơi khác “chê” nhưng trung tâm vẫn nhận, bố trí lớp dạy nghề phù hợp. Theo cô Hương, nhiều em không biết cha mẹ là ai, bị vứt bỏ ngoài đường từ nhỏ, được đưa về trung tâm bảo trợ, khi lớn lên thì đưa về trung tâm dạy nghề. Tết đến, có em không có nơi để về, cho nên bảo vệ, giáo viên vẫn thường tổ chức tết cho các em, ở nhà có bánh trái gì lại mang vào cho “tụi nhỏ”. 

Không chỉ chăm sóc, bảo vệ học viên như con, mà cô Hương còn được các học viên tin tưởng và thường xuyên nhờ tư vấn tâm lý. “Đủ kiểu bạn bè, người yêu giận hờn lại tìm đến nhờ cô “gỡ rối tơ lòng”. Thậm chí có em mùng Hai tết về nhà nhưng gặp chuyện buồn gia đình cũng gọi cho cô tâm sự. Tôi phải mày mò tìm hiểu, lắng nghe các em rồi đặt mình vào vị trí người mẹ để đưa ra lời khuyên” - cô Hương tâm sự.

Mong các em sống được bằng nghề 

Cô Nguyễn Thị Bảy cho biết dù lớn tuổi, sức khỏe giảm nhưng vẫn cần mẫn với công việc vì “mình nghỉ thì không có ai dạy các em”. Học viên ở đây không được lành lặn, bình thường như người ta, nhiều em còn mang những tổn thương tinh thần vì bị chính người thân coi như gánh nặng. Cô kể: “Có một em bị tật cả 2 tay, 2 chân, ở nhà cha mẹ đi làm cả ngày, trước khi đi để cho em tô cơm để tự ăn, có bữa em bị ụp mặt vào tô, cơm dính đầy mặt, nhưng đến buổi tối cha mẹ về mới giúp em phủi được. Khi em được nhận vào đây, có thầy cô quan tâm, dìu dắt, dần dần em tập cầm bút bằng chân, tập cho mình những nét vẽ đầu tiên trong cuộc đời... Mỗi em có khiếm khuyết riêng, thầy cô muốn giúp các em vượt lên những khiếm khuyết đó. Nhiều em vào trường rất vui, vì có thầy cô, bạn bè, được học, được làm việc để thấy mình có ích”.

Có đợt mất tiền trong ví, cô Nguyễn Thị Bảy lẳng lặng quan sát, biết được một em đã lén lấy tiền. Nhưng cô tìm hiểu thêm, thì biết em không có gia đình, không được hỗ trợ chi phí hằng tháng, nên không có tiền để mua các vật dụng cá nhân, em thường phải nhận giặt đồ giúp bạn để có xà bông giặt ké đồ của mình. Sau đó, cô đề xuất trung tâm cấp cho các em nhu yếu phẩm, đồng thời dần dần trung tâm tạo điều kiện để học viên bán được các sản phẩm của mình, giúp các em có thu nhập riêng.

Thầy Nguyễn  Văn Hoàng dạy vẽ cho các em  khuyết tật  ẢNH: P.T.
Thầy Nguyễn Văn Hoàng dạy vẽ cho các em khuyết tật - Ảnh: P.T.

Cô Vương Thị Duyên Hương cũng cho biết trước đây, sản phẩm các em làm ra phải cất vào kho, bỏ không rất lãng phí. Do đó, những năm gần đây, thầy cô trong trung tâm trăn trở tìm đầu ra, xin các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày để bán các sản phẩm của học viên. Tiền bán sản phẩm được chia lại cho học viên để các em có tiền tích góp, cũng có động lực để học nghề, tạo ra các sản phẩm chất lượng hơn. 

Trung tâm vừa đưa ra sản phẩm mới là tranh vẽ hoa đất, là sản phẩm tập thể của lớp vẽ và lớp hoa đất. Sản phẩm này ở phòng trưng bày được rất nhiều khách hàng yêu thích, đặt mua. Nhiều sản phẩm khác của học viên cũng có đầu ra tốt, như tác phẩm tranh ghép gỗ được xuất khẩu đi châu Á, châu Âu; sản phẩm của lớp kim hoàn cũng được xuất khẩu đi châu Á... Trung tâm cũng làm việc với các doanh nghiệp, xưởng sản xuất để đảm bảo học viên tốt nghiệp có việc làm ngay. Hiện nay, các lớp dạy mát xa cho người mù, lớp may, gần như học viên cứ ra trường là có việc làm. 

Cô Nguyễn Thị Bảy cũng trăn trở: “Có em học nghề rất giỏi, nhưng thời gian sau gặp lại thấy đang bán vé số ngoài đường. Hỏi ra mới biết em không có gia đình, không nhà cửa, không tiền khởi nghiệp nên phải đi bán vé số kiếm thêm. Do đó, tôi mong có thể mở xưởng sản xuất ngay trong trung tâm để tạo điều kiện cho các em học xong có chỗ để làm nghề. Khi đó, các em có thể dùng tiền mình kiếm được để trả chi phí ăn ở cho trung tâm. Các em khuyết tật, mồ côi, nếu chỉ dạy nghề rồi “đẩy” ra đời thì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, tôi rất tâm huyết với mô hình chuỗi dạy nghề và xưởng sản xuất khép kín cho người khuyết tật”. 

Còn nhiều khó khăn 

Ông Tô Tấn Đức - Giám đốc trung tâm - cho biết năm 2022, trung tâm tuyển sinh được 70 học viên thuộc 6 ngành, nghề: mát xa, may gia dụng, tranh ghép gỗ, hoa đất, vẽ và nông nghiệp. Năm 2022, có 26 em tốt nghiệp và toàn bộ đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Năm 2023 trung tâm mở mới 2 ngành nghề là kim hoàn và làm nail với quy mô tuyển sinh 20 học viên/nghề. 

Trung tâm hiện chỉ có 1 cán bộ quản lý và 5 nhà giáo thỉnh giảng, không có giáo viên cơ hữu. Hầu hết đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên trung tâm đều có tinh thần trách nhiệm, tận tụy, có tâm với nghề. Tuy vậy, tình hình chiêu sinh học viên mới còn khó khăn, ít người biết đến trung tâm, thiếu người học, khó mở lớp mới như dự kiến. Đội ngũ giáo viên có tay nghề nhưng lại chưa có chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm nên khó khăn trong việc cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho học viên sau khi tốt nghiệp. 

Về cơ sở vật chất hiện đã xuống cấp vì đưa vào sử dụng từ năm 2006, các phương tiện, thiết bị, máy móc phục vụ việc dạy và học đa phần được tài trợ từ lâu nên đã cũ kỹ, lạc hậu và hư hỏng nhiều. Do đó, đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm, cấp kinh phí sửa chữa, tu bổ, tránh nguy cơ sập mái, rỉ sét, dột mưa... Bên cạnh đó, hiện nay định mức tiền ăn mỗi học viên là 15.000 đồng/3 bữa ăn/ngày. Để duy trì bữa ăn tương đối cho học viên trong tình hình trượt giá, trung tâm đề nghị nâng định mức tiền ăn lên 20.000 đồng/3 bữa ăn/ngày. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI