11g30, chiếc xe bán tải đỗ xịch trước sân nhà ông Nguyễn Đình Chi (thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). 13 đứa trẻ khoảng năm - chín tuổi tràn xuống xe, thi nhau chạy vào, “thưa ông ngoại”. “Ông ngoại” ngồi xuống bậc thềm, xoa đầu những đứa trẻ đang cuống quít cởi giày, rồi dí dỏm pha trò, hỏi chuyện trên lớp.
Trong căn bếp có ô cửa sổ nhìn ra mái hiên, “bà ngoại” Nguyễn Thị Kim Liên vừa pha nước, vừa nhìn ra, khi tủm tỉm cười, khi đăm chiêu theo dõi những mẩu chuyện con con mà lũ trẻ đang tranh nhau kể. Gian nhà rộng thênh vừa mới yên tĩnh, vắng lặng bỗng chật chội, rộn rã...
Gom nhặt, chôn cất 11.000 thai nhi
Đó là một buổi tan trường của 13 đứa “cháu ngoại” còn lưu trú lại mái ấm Thiện Tâm trong số hơn một trăm đứa trẻ đã được vợ chồng ông Chi cưu mang cùng những người mẹ lầm lỡ suốt 11 năm trời.
Nhắc đến 11 năm nuôi bầu, lo chuyện sinh nở, rồi hỗ trợ cho hơn 117 cặp mẹ con “tái hòa nhập” với cuộc sống, ông Chi nói nhẹ tênh: “Làm vậy cũng an ủi tôi phần nào”. Hơn trăm đứa trẻ được đỡ đầu, cưu mang mà chỉ đổi bằng sự an ủi, khi nó được nhắc đến bởi một người từng đi thu gom, lượm nhặt hơn 6.000 xác thai nhi.
|
“Ông ngoại” Đình Chi, “bà ngoại” Kim Liên đang chăm sóc một trẻ bị bệnh |
Bắt đầu từ việc chôn cất những thai nhi vô tình nhìn thấy trên những bãi biển vắng, năm 2004, khi con cái thành đạt, vợ chồng ông Chi nghỉ trồng trọt, chăn nuôi, dành trọn “kỳ nghỉ hưu” cho việc kiếm tìm, an táng những bào thai bị nạo phá.
Sau thời gian đào xới ở các bãi rác, ông Chi đến lục tìm trong thùng rác ở những cơ sở y tế tư nhân. Thai nhi bị nạo phá thường bỏ trong những túi ni lông màu đen, hoặc trong bao cao su, khi nằm lẫn lộn trong rác thải thông thường của bệnh viện, khi trong cái xô, đặt cạnh thùng rác. Quen với công việc của vợ chồng ông Chi, thời gian sau, nhân viên y tế lặng lẽ “làm dấu” túi đựng bào thai bằng cách dùng một loại bao bì nhất định, để ở vị trí cố định.
Cùng vài người bạn, ông Chi thu dọn bốn sào đất trên núi Hòn Thơm, làm một nghĩa trang thai nhi. Những cơn rùng mình, khiếp sợ lúc vô tình bắt gặp những thai nhi bên đường đã bớt dần đi. Mỗi ngày, mang những bào thai về nhà, bà Liên dùng rượu để vệ sinh tươm tất, rồi bỏ vào niêu đất, hoặc quách gỗ, đem lên nghĩa trang, cẩn thận chôn cất. Nắm đất được vuông lên, đặt một tấm bia đánh số, ghi tên bệnh xá, ngày giờ qua đời (nếu được nhặt ở trung tâm y tế), giới tính thai nhi...
Năm 2008, số mộ được đánh dấu đến 11.000 thì ông Chi cùng bạn bè đành phải ngưng vì nghĩa trang chưa được cấp phép. Từ đó , trong căn nhà trên đường Vườn Dương, P.Phước Tân, TP.Nha Trang của vợ chồng ông Chi, người ta bắt đầu tìm đến, gửi thai nhi trước cổng, hay đẩy vào bên trong sân nhà.
Lặng lẽ nhận lấy, làm mọi công đoạn, rồi đem hỏa táng như một trách nhiệm trước những sinh linh, ông Chi cứ tự dằn vặt khi nhận thấy việc mình làm chỉ như một người đi sau - câm lặng, yếu đuối và bất lực trước vấn nạn vẫn tiếp diễn mỗi ngày.
Dựng mái ấm nuôi 117 cặp mẹ con
Từ ý muốn bù đắp chút hơi ấm cho những đứa trẻ không kịp chào đời, ông Chi quyết tiến thêm một bước, “đến trước tội lỗi” bằng cách tìm đến những sản phụ đơn độc, hoang mang trước ý định phá thai để khuyên nhủ, rồi đưa về mái ấm, cưu mang.
Vợ chồng ông Chi chuyển từ nội thành Nha Trang về xây một căn nhà rộng tại một khu đất hẻo lánh ở ngoại thành thuộc thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng. Từ những ngày phải tìm đến bệnh viện, bắt chuyện và thuyết phục từng sản phụ, dần dà, vợ chồng ông lại được chính những người cần giúp đỡ chủ động tìm đến, nương nhờ.
Với mục đích ngăn chặn nạn phá thai trong điều kiện hạn chế, mái ấm Thiện Tâm chỉ tiếp nhận những sản phụ mang thai dưới bảy tháng tuổi (khi thai còn nguy cơ bị phá bỏ). Hết lòng khuyến khích người mẹ tiếp tục nuôi con sau sinh, mái ấm cưu mang suốt giai đoạn thai kỳ, chi trả viện phí sinh nở, hỗ trợ tiền thuê nhà với những sản phụ khó khăn khi họ rời đi.
11 năm trời, hết người này đến người khác, có khi, mái ấm cưu mang cùng lúc 70 người, cả mẹ lẫn trẻ. Trong những lượt người “mãn kỳ” mỗi năm, có những người mẹ rời đi một mình, làm lại cuộc đời khi chưa đủ bản lĩnh gánh gồng thêm một cuộc sống nữa. Đứa trẻ được gửi lại cho “ông bà ngoại”, thỉnh thoảng được mẹ đến thăm, rồi đón về hẳn khi đã tạo dựng được cuộc sống vững vàng bên ngoài.