Mái ấm mẹ đơn hành: Cha mẹ ở đâu khi con vấp ngã?

24/11/2015 - 05:58

PNO - Tôi thường tự hỏi người cha, người mẹ làm gì, ở đâu? Sao không là điểm tựa cho con khi hạnh phúc, thành công và cả khi liêu xiêu, vấp ngã?

Chắp nối những thông tin rời rạc về gia đình mà bạn trai đã kể, sau khi bạn trai “mất hình” từ khi mình có thai, H. đón xe từ Bình Dương lên Tây Nguyên với hy vọng tìm gặp. Mấy ngày lặn lội tìm kiếm, H. đến đúng địa chỉ nhưng chưa nghe hết chuyện, mẹ bạn trai đã chửi bới, nhục mạ và xua đuổi em.

Đau đớn, hoảng loạn, bế tắc và tuyệt vọng, H. tìm ra bờ hồ định gieo mình tự tử, nhưng chính lúc ấy em cảm nhận thai nhi quẫy đạp rất mạnh. Đặt tay lên bụng, H. vừa khóc vừa nói với con. Cứ thế, hai mẹ con lang thang giữa trời khuya mùa đông lạnh buốt. Ý định tự tử dần nguôi ngoai. H. đến nhiều nơi xin phụ việc nhưng ai cũng lắc đầu khi thấy em “bụng mang dạ chửa”.

Mai am me don hanh: Cha me o dau khi con vap nga?
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em đành phải đến các chùa, nhà thờ xin bữa ăn qua ngày, tối nằm ngủ ở bất kỳ hiên nhà nào. Bước chân mở lối cho H. đến một nhà thờ địa phương. Em được đưa đến gặp cha xứ trò chuyện và được gửi đến một mái ấm tại TP.HCM.

Các mái ấm, nhà mở, các tổ chức xã hội, các tổ chức thiện nguyện, chuyên viên xã hội, chuyên viên tâm lý… là những nguồn trợ giúp tích cực cho các bà mẹ mang thai ngoài ý muốn. Vì xấu hổ, mặc cảm, các em thường tìm mọi cách giấu gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, nên thiếu đi sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Khi có chốn nương tựa, không phải lo lắng về việc mưu sinh trong hiện tại, các em sẽ ổn định hơn về mặt tâm lý, bắt đầu hướng về đứa con và ấp ủ dự định tương lai. Đến sống ở mái ấm, các em nhận được sự quan tâm của các nữ tu, trò chuyện với người đồng cảnh ngộ, tham gia nấu ăn, phụ chăm sóc các em bé… giúp vơi bớt những buồn đau.

Các bà mẹ trẻ trò chuyện với thai nhiều hơn, ý thức được đứa con trong bụng là một phần cuộc sống của mình, là động lực giúp mẹ tồn tại và nuôi hy vọng về tương lai. Các em cũng bắt đầu hình dung con sẽ là đứa bé ngoan ngoãn, đáng yêu, cho thấy sự tiến triển rất lớn trong mối quan hệ mẹ con.

Ở rất nhiều trường hợp, thai nhi bắt đầu “máy” là cột mốc quan trọng đánh thức vai trò làm mẹ, giúp các em cảm nhận sâu sắc về sự sống thiêng liêng, về một mầm sống hiện hữu trong cơ thể mình. Việc mang thai lầm lỡ không có nghĩa là các bà mẹ sẽ không yêu thương đứa con của mình, không thể hướng tới tương lai. Có được sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình, người thân, các tổ chức y tế, các tổ chức từ thiện… các bà mẹ trẻ sẽ sớm vượt qua khó khăn và làm lại cuộc đời.

Có những người mẹ trẻ quyết định tự mình nuôi con dù vẫn biết cuộc sống phía trước chồng chất khó khăn. Như trường hợp H., phải trải qua những ngày tháng mang thai đầy nước mắt và sinh con trong hoàn cảnh vô cùng cực nhọc, đứa bé bị suy hô hấp phải nằm lại bệnh viện để theo dõi. Mỗi ngày mẹ chỉ được nhìn con hai lần qua khung cửa sổ.

Nhìn hơi thở con gấp gáp, nặng nhọc, H. càng tăng thêm cảm giác có lỗi, mơ hồ nhận thấy việc suy hô hấp và suy dinh dưỡng của con có liên quan đến những đau khổ và suy sụp tinh thần của mình trong suốt thời gian mang thai. Cảm giác ân hận giày vò khiến H. không màng ăn uống.

Nhờ sự đồng hành và hỗ trợ về tâm lý của các tổ chức xã hội, em mới dần vượt qua khó khăn. Lắng nghe trải lòng của các bà mẹ trẻ mang thai lầm lỡ, mới cảm nhận những đau khổ, mất mát, tủi nhục mà các em phải trải qua. “Giá mà em có thể quay ngược về quá khứ…” là câu nói mà tôi thường nghe các em thốt lên trong tiếng nấc.

Các em vô cùng lo lắng khi cảm nhận rằng mình đã đánh mất đi niềm tin của gia đình, biết rằng bố mẹ rất đau khổ và xấu hổ. Các em không muốn tiếp xúc với bạn bè, đồng nghiệp, những người xung quanh. Các em hoài nghi về tương lai, sợ rằng đứa bé sẽ cản trở sự nghiệp, phá hỏng mơ ước mà các em vun đắp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI