Mẹ cho ánh sáng khi đời con tối tăm
Lương Tuyết Nhi là đứa trẻ mồ côi được một phụ nữ ở P.3, Q.6 nhận về nuôi từ bé. Năm em 12 tuổi, mẹ mất, em rơi vào trầm cảm và mất phương hướng, suốt ngày tự giam mình trong nhà, không giao tiếp với ai. Buổi tối, em ra ngoài lang thang, ai cho gì ăn nấy. Biết hoàn cảnh của em, cảnh sát khu vực và Hội Phụ nữ P.3 đã tiếp cận, thuyết phục em vào mái ấm, nhưng em không chịu.
Biết được câu chuyện về Nhi, chị Nguyễn Thị Lệ Thúy đã tìm đến. “Khi tôi bước vào ngôi nhà ấy thì thấy khắp nơi toàn rác, mùi hôi thối bốc lên. Con bé 13 tuổi mặt mày lem luốc, đầu tóc bù xù, khuôn mặt ngơ ngác. Con không biết cách tự vệ sinh thân thể, không biết dọn dẹp nhà cửa, không tiếp xúc với người lạ. Sau khi mẹ mất, con đau đớn và không có chỗ dựa trong cuộc sống. Con không tin tưởng ai nên không cho ai tiếp xúc với mình trừ cô cảnh sát khu vực. Tôi trăn trở và nghĩ phải giúp con” - chị Thúy kể lại.
|
Chị Lệ Thúy (hàng đầu, bìa trái) cùng các con gái trong ngày khai giảng năm học mới 2019-2020 |
Phải mất nửa ngày thuyết phục chị Thúy mới đưa được Nhi về mái ấm. Thế nhưng, chưa được một buổi thì em lại đòi về, dỗ dành kiểu gì cũng không được. Cuối cùng, chị Thúy ra điều kiện: cho em về nhưng mỗi ngày phải đến mái ấm ăn sáng. Cứ thế, mỗi ngày, chị Thúy lại ra thêm điều kiện: đến mái ấm ăn bữa sáng, rồi bữa trưa, tắm rửa… Khoảng một tháng thì Nhi ngủ lại mái ấm.
Các con là con tôi
Nhi có biểu hiện rất lạ so với những đứa trẻ khác. Từ những việc làm đơn giản như vệ sinh cá nhân, để dép đúng nơi quy định, rửa tay trước khi ăn, lau quét nhà, giặt quần áo… cô bé đều không biết làm. Chị Thúy đưa Nhi đi khám và bác sĩ kết luận em bị khuyết tật trí tuệ mức độ nhẹ.
Tuy nhiên, qua thời gian, khi Nhi dần hòa nhập với các bạn, chị Thúy bắt đầu dạy con gái những kỹ năng cơ bản như tự vệ sinh bản thân, dọn dẹp cái bàn, phòng ngủ… Cô bé làm theo nhưng chậm chạp, chệch choạc và không theo hướng dẫn. Nhưng mẹ Thúy vẫn tin em sẽ tiến bộ nên đã làm hồ sơ cho em vào học lớp Sáu tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Q.6.
Và Nhi đã không phụ lòng mẹ Thúy. Cô bé đã kiên trì học đến lớp Mười (dù có lớp phải học đến 2 năm) và rất có ý thức trong tìm việc làm như đi phát tờ rơi, gia công tăm bông, phụ bán hàng… để tạo thu nhập, không lệ thuộc vào mái ấm.
Mẹ Thúy cùng Hội LHPN và cảnh sát khu vực cũng đang hỗ trợ về mặt pháp lý để Nhi được quyền thừa kế căn nhà từ người mẹ quá cố. Sự cưu mạng của mẹ Thúy đã thật sự cứu cuộc đời Nhi.
17 năm gắn bó với Mái ấm Hướng Dương là 17 năm chị Thúy phải thức khuya dậy sớm để lo cho đàn con nhỏ. Nhưng chị không chút nề hà, bởi với chị niềm vui chính là nụ cười và hạnh phúc của những đứa trẻ. Bản thân chị cũng từng là một đứa trẻ mồ côi mẹ từ nhỏ và trưởng thành từ sự cưu mang của ông bà nội.
Chị nhớ lại: “Năm 2002, khi các dì bên Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM gợi ý tôi hỗ trợ các dì về làm giáo dục viên ở mái ấm Hướng Dương, tôi xúc động và đồng ý ngay. Nhớ những ngày đầu gặp gỡ, cô trò mới biết nhau, còn nhiều bỡ ngỡ, 25 em là 25 tính cách đặc biệt. Có em cười nói chọc ghẹo bạn suốt ngày; có em ngồi một chỗ không nói chuyện với ai, thậm chí không hợp tác với cô giáo; đa số các em rất lười học, thích gì làm nấy… Tôi dành một tuần để làm quen, quan sát và ghi chép đặc điểm, sở thích, thói quen, tính cách của từng em. Mỗi tối tôi ngủ chung với một nhóm em có cùng sở thích để cô trò được gần gũi, hiểu nhau hơn. Khi các em còn ngon giấc, tôi đã phải dậy để chuẩn bị đồ ăn sáng rồi đánh thức các em để chuẩn bị đến trường… Tôi chưa lập gia đình, chưa từng làm mẹ, nên khi tiếp cận công việc tôi rất lo lắng, sợ rằng mình sẽ không gắn bó được lâu dài với các em. Thế nhưng khi tiếp xúc, hiểu hoàn cảnh của từng em, trong tôi vỡ òa, tôi đã khóc như nhìn thấy hình ảnh của chính mình lúc nhỏ, đó chính là động lực thúc đẩy tôi cố gắng vượt qua những lo âu và đồng hành cùng các em cho đến hôm nay”.
Làm mẹ 25 đứa trẻ quả là chẳng chút dễ dàng. Chỉ riêng chuyện bệnh dịch theo mùa như đau mắt, sốt siêu vi, một trẻ bệnh là cả nhà lăn ra bệnh cũng khiến chị mất ăn mất ngủ. Sự hết lòng của chị khiến các con cảm mến, tin tưởng và mở lòng. Mỗi khi có chuyện buồn vui, mẹ Thúy luôn là người đầu tiên chúng chia sẻ.
Để làm tốt công việc “làm mẹ”, chị Thúy tranh thủ tự học các kỹ năng về nuôi dạy con, giáo dục trẻ đặc biệt, tâm lý tuổi dậy thì… để kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm, chuyển biến tâm sinh lý ở các em. Vì đa số các em đều học trễ, mất căn bản, nên mỗi tối bà mẹ ấy lại dành 2-3 giờ để kiểm tra bài vở và kèm cặp, giúp các con tự tin trong học tập.
Mái ấm có sáu em bị rối loạn tâm lý, khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức, chị Thúy tìm đến các chuyên gia để trao đổi, tìm cách giải “khó” và định hướng cho các con vào đời. Cả sáu đứa trẻ ấy lần lượt vượt qua những khó khăn để vào học tại các trường nghề. Để các con được phát triển toàn diện nhất, mẹ Thúy còn mời các giảng viên, chuyên gia, bác sĩ về nói chuyện, trao đổi về giới tính, cách vệ sinh phụ nữ, phòng chống xâm hại tình dục và các kỹ năng sống...
Khi được ngợi khen về những thành quả của mình, chị Thúy lắc đầu: “Mái ấm là gia đình của tôi, các con là con tôi. Tôi phải có trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ các con nên người. Tôi nguyện dành trọn tình thương yêu và cuộc đời cho các con với mong muốn xóa đi những nỗi đau và ươm mầm xanh cho tương lai”.
Hạnh Chi