“Trong xã hội châu Phi, khi niềm tin cổ hủ về sức khỏe tâm thần còn tồn tại, một phụ nữ vô gia cư, bị tổn thương tâm lý rất dễ bị xâm hại”, Gregoire Ahongbonon, giám đốc sáng lập trung tâm Saint Camille (gọi tắt là St. Camille) vào năm 1991, bày tỏ. “Đó là lý do vì sao chúng tôi mong muốn giúp đỡ những phụ nữ này, để trao cho họ một mái ấm an toàn”.
|
Ngoài những người lang thang cơ nhỡ, một số bệnh nhân được gia đình hoặc chính quyền địa phương chủ động đưa đến trung tâm St. Camille |
Nay đã ở tuổi 71, Ahongbonon vẫn duy trì thói quen chạy xe quanh Tokan, vùng ngoại ô Cotonou, tìm kiếm bất kỳ ai có dấu hiệu bất ổn tâm lý. Ông cố gắng trò chuyện, giải thích về việc đang làm. Ahongbonon đề nghị đưa họ đến trung tâm để tạm trú cũng như điều trị bệnh. Sau khi được đội ngũ y bác sĩ tại đây kiểm tra sức khỏe bước đầu, họ sẽ có một nơi ăn chốn ở tạm thời.
Ahongbonon cho biết, ông và nhóm nhân viên luôn nỗ lực điều tra, liên hệ với người thân của những bệnh nhân mới nếu có thông tin cụ thể.
Chi phí ăn ở, điều trị tại trung tâm đều miễn phí. Người bệnh được cung cấp quần áo, thực phẩm và thuốc men bởi tổ chức từ thiện. Nguồn quyên góp chủ yếu đến từ các nhà hảo tâm. Dẫu chính quyền địa phương không trực tiếp hỗ trợ tài chính, Ahongbonon tiết lộ chuỗi 6 trung tâm tọa lạc ở Benin được miễn nghĩa vụ đóng thuế nhập khẩu và hóa đơn điện nước.
Cùng với một loạt cơ sở tương tự ở Togo và Bờ Biển Ngà, trung tâm Camille tại Benin đang có nhiều đóng góp thiết thực trong việc cải thiện hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Tây Phi. Tiến sĩ tâm lý học Jibril Abdulmalik, đại học Ibadan (Nigeria), tin rằng các trung tâm này chính là “điểm sáng hiếm có” giữa bối cảnh hiện nay.
“Xét riêng khu vực Tây Phi, trong 10 ca bệnh tâm thần chỉ có 1-2 người được hỗ trợ điều trị đúng cách. Tình huống còn tồi tệ hơn khi người bệnh là phụ nữ mang thai, có con nhỏ hoặc đã nhiễm HIV/AIDS” - tiến sĩ Jibril Abdulmalik nói.
Những mảnh đời bị bỏ rơi
Tại St. Camille, Odette(*) là một trường hợp tiêu biểu với hoàn cảnh đơn chiếc. Tháng 2/2022, cô được tìm thấy trong tình trạng mang thai, đi lại mất phương hướng trên phố. Được chính quyền đưa vào bệnh viện kiểm tra và sau đó đến trung tâm hỗ trợ, Odette hiện đang tiếp nhận điều trị chứng thiếu máu và tâm thần phân liệt.
Cô cho biết mình từng sống lang thang thời gian dài tại khu chợ Saint Benoit, ngoại ô Cotonou. Đây cũng là nơi cô nhiều lần bị xâm hại và mang thai ngoài ý muốn.
Bên cạnh đó, bệnh tật khiến Odette chỉ có thể ghi nhớ vài chi tiết rời rạc về xuất thân. Điều này gây khó khăn cho đội ngũ nhân viên tại trung tâm khi cần liên hệ với gia đình cô.
|
Nữ tu Pascaline Agoton, 40 tuổi, hiện là y tá trưởng tại St. Camille |
Nữ tu Pascaline Agoton, y tá trưởng tại St. Camille nói: “Những ngày đầu điều trị, đã có lúc tâm trạng Odette rất bất an, thay đổi thất thường. Giờ mọi thứ đang khởi sắc hơn. Cô ấy đã ý thức rõ việc mình mang thai và uống thuốc điều độ”.
Từng là bệnh nhân của trung tâm, Agoton thấu hiểu hơn ai hết hoàn cảnh những phụ nữ sống tại đây. Về sau, Ahongbonon đã bảo trợ giúp cô theo học ngành y.
Khác với Agoton vốn may mắn nhận được sự ủng hộ tinh thần từ gia đình để vượt qua bệnh tật, phần đông người bệnh có mặt ở St. Camille sau khi bị thân nhân bỏ rơi. “Một số gia đình sẵn sàng bỏ lại bệnh nhân trước cổng trung tâm vì họ sợ phải trả chi phí điều trị”, nữ y tá cho biết.
Nơi nương tựa sau sóng gió
Nữ bệnh nhân 35 tuổi Ajoke chia sẻ về câu chuyện của cô: “Khi mang thai hai đứa con đầu, tôi chưa nhận ra mình có vấn đề về tinh thần. Tôi thường xuyên mất ngủ và dễ bị hoảng loạn vào ban đêm”.
Khi mang thai lần 3, do không may để mất con, gia đình chồng xua đuổi cô khỏi nhà. Ajoke đi bộ đến Benin từ Lagos (Nigeria), cách đó 140km. Cô được phát hiện rồi đưa vào trung tâm St. Camille trong trạng thái kiệt sức và nhiễm HIV.
Tương đồng với Odette và Ajoke là Abigail, một bệnh nhân đã sống nhiều năm tại trung tâm. Cô bị gia đình bỏ mặc từ nhỏ vì căn bệnh tâm thần phân liệt. Suốt thời gian dài, Abigail bươn chải kiếm sống quanh một khu ổ chuột trong nội thành Cotonou. Cô thuật lại mình thường bị đánh đập, xâm hại. Năm 2015, một người dân đã gọi báo cho trung tâm về trường hợp của Abigail, khi ấy cô đang mang thai và sống cơ nhỡ.
|
Các bệnh nhân tại St. Camille trong một buổi tư vấn trị liệu bằng âm nhạc và hội họa |
Ngoài bệnh tật, khó khăn chung của bệnh nhân nữ mang thai sau khi bị quấy rối chính là nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Đội ngũ nhân viên y tế ở St. Camille đã không ít lần phải điều trị chống lây nhiễm virus từ mẹ sang con cho thai phụ, nhằm đảm bảo những đứa trẻ có thể ra đời khỏe mạnh.
“Dựa vào tiến độ hồi phục sức khỏe của người mẹ, chúng tôi sẽ quyết định có nên để bệnh nhân nuôi con dưới sự tư vấn và hỗ trợ trực tiếp từ trung tâm. Hoặc đứa trẻ sẽ được đưa vào danh sách nhận nuôi để tìm một gia đình mới” - Giám đốc sáng lập St. Camille Ahongbonon chia sẻ.
Ông Ahongbonon cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi tôn trọng quyền lựa chọn của người mẹ. Nếu cô ấy khỏe hơn và muốn tiếp tục chăm sóc con, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết mức. Nhưng trung tâm không ép buộc bệnh nhân đóng bất kỳ chi phí phụ trợ nào”.
Qua vài năm tích cực điều trị, khi sức khỏe tinh thần đã cải thiện, nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh gia đình vẫn chọn gắn bó với St. Camille. Nở nụ cười trên môi, Abigail cho biết đứa trẻ cô sinh ra đã được một gia đình ngoại quốc nhận nuôi. “Ở đây, tôi thấy hạnh phúc”, cô nói.
Ajoke, dù luôn mơ ước ngày nào đó có thể trở về quê hương, cũng bày tỏ: “Trung tâm là mái nhà duy nhất tôi có. Tôi không thể rời khỏi đây, vì tôi biết việc điều trị bệnh lúc này là quan trọng nhất”.
(*) Tên các bệnh nhân trong bài viết được thay đổi nhằm bảo vệ quyền riêng tư.
Như Ý (theo CNN)