Tôi tần ngần trước nhà hàng có tấm bảng “Hẻm 12” trên đại lộ Nguyễn Huệ, TP.HCM. Đây mà hẻm à? Liệu lời bạn mách bảo có sai không? Ngại ngần quá, nhưng rõ ràng là tấm biển hiệu “hẻm”. Tấm bản đồ Sài Gòn thời Pháp ngay trên tường; những áp phích gương mặt giai nhân, hàng quảng cáo tiếng tăm một thuở mà có lẽ thế hệ cha chú mình mới biết. Những chiếc lồng cu, lu nước, bức tường nát vỡ xi măng, lộ ra những viên gạch bạc bệch. Ánh sáng ngoài đường hắt vào chỉ đủ làm cho bước chân mạnh dạn hơn để trí óc bắt đầu chạm vào chuyến xe hoang vu đi cho hết những tò mò.
Phía tay trái là Phở Tư Đạt trên chiếc xe đẩy bằng gỗ; Bé Chè 1968; Cà phê 50 Trưng Trắc... những cái tên mà ngày đó đi trên phố là thấy. Bước lên gác, bạn rùng mình như xây xẩm. Căn nhà cũ ngày đó, nay mình đã thành khách lạ.
Ngày đó, cũng ngay chỗ này đây, bộ bàn gỗ tròn, ghế đẩu vuông, ghế băng mà người ở quê gọi là con ngựa, chiếc đèn măng-sông treo cao, giữa bàn là chiếc lon sữa Guigoz đựng đũa, muỗng; cánh cửa gỗ lá sách sơn xanh mà bên kia là hàng xóm có một ẩn hoa thấp thoáng, không thấy mặt, chỉ nghe tiếng cười trong như thủy tinh và con mắt nhìn hé qua cánh cửa...
Bữa tối bắt đầu. Cha hỏi chuyện từng đứa học hành, khen đứa này nẹt đứa kia, chị em tị nạnh chọc ghẹo nhau, chỉ có mẹ là hối thúc ăn, lo bới cơm cho từng đứa rồi lui cui dọn...
Nếu như O’Henri cứu rỗi được linh hồn chỉ bằng một chiếc lá, thì trưa nay, chiếc lá trên trang sách đêm qua, lại hóa thành hình giọt nước, khi bước chân vô hình như bị xô đi tiếp bằng cơn thác lũ cảm xúc đưa đến gian bếp trong Hẻm 12. Nơi đó có nền gạch xi măng một thời ở phố là nơi ưu tiên cho sàn nước, mà đã có người một bữa tình cờ lạc chân nhà khách, nhìn thấy và hét lên “nó đây rồi”, làm chủ nhà hốt hoảng.
Đúng, cái sàn nước bằng xi măng, có cái vòi đồng đã chuyển màu xanh xám. Nước mắt không đủ sức níu một thuở mãi mãi không về trong căn nhà ấm, khi bao biến động cuộc đời chưa đến gõ cửa trái tim và đòi đoạn những giấc mơ hư ảo. Nước mắt như cái quàng tay, siết chặt. Cố nhân đây rồi, có mất đi đâu... Người quản lí kiệm lời, rằng những ai thèm một giấc mơ xưa cũ trên con phố đắt nhất Sài Gòn này, thì ghé vào đây. Món ăn đường phố ba miền có đủ, cũng không đắt lắm.
Làm để sinh lời chứ, nhưng cũng để mời, hãy ngồi xuống đây, trú nắng, tránh một cơn mưa, như khi chạm vào mưa thì nhớ nắng, chan chan mồ hôi thì thèm gió bấc đông về; mỏi mệt chưa, vào đó đi, và đừng cố tâm đi tìm cái gì cả, hãy nhìn nó, để gió ngày cũ len trong từng vi mạch.
Thương xá Tax đang xây dựng lại. Hàng rào bằng tôn quây kín. Bạn lách xe lọt vào con đường chỉ đủ một người đi. Một đoàn khách Tây đi ngược. Kẻ dựa tường, người nghiêng vai tựa vào vách tôn. Con phố lớn được “dát vàng” ở đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi thành lối đi chung, nhường nhịn. Đứng nhìn vị khách Tây to béo ráng so vai để khỏi đụng tường tôn, mới thấy sự thích nghi của thành phố này là vô hạn. Khách lạ như tôi chỉ biết lẩm nhẩm với suy nghĩ bâng quơ đó vừa ập đến, bởi mai này quay lại, chắc gì đã thấy nữa.
Bạn ngẩn ngơ nhớ, ngày đó, dưới cái nền tòa nhà Vincom này, là hẻm Eden, ở đó có rạp hát, chiếu phim, những quầy sách cũ. Biết làm sao. Hãy nhớ đi, một chút thôi, đừng hành hạ trí não bằng áo cơm và tiếng xe gầm rú, chia sớt cho ký ức một chút nhớ, bởi cả ký ức bây giờ cũng hiếm hoi và hãy tìm đến hẻm.
Người ta nói hẻm là “đặc sản” của đất này, con số thống kê nghe được là năm 2014, người sống trong hẻm chiếm 80% dân số thành phố. Đủ thành phần, công việc, sắc màu. Giàu bậc nhất, mà nghèo thì cũng tận đáy, cũng là chuyện thường, bởi ở đời, sống có sang trọng không mới là đáng nói. Đó là triết lí của trường phái chuyên chơi cảm xúc, coi mọi thứ là phù du.
Muốn chơi cho cạn đáy của những cơn đòi hỏi không gọi tên được, khi mọi thứ xung quanh thấy như vô nghĩa, thì hãy đến hẻm... Tôi bỏ ngoài tai hết những điều đã nghe, chỉ tò mò khi bạn nói hẻm 53 ở đại lộ Nguyễn Huệ có quán cơm bà Cả Đọi nức tiếng một thời. Cứ vào đó ngó thử. Đầu hẻm là quán cơm. Một vùng tối ám khói, nặng mùi chiên xào. Bước nhanh qua để trườn đến chỗ ánh sáng như khối hình chữ nhật đổ dài.
Một người đàn bà, như đã quen với những tìm kiếm, khẽ khàng rằng bà Cả mất rồi, con cái đã bán nhà và đi đâu không biết. Cầu thang mòn vẹt, có cây dương xỉ cố trân mình lên hớp nắng. Cánh cửa đóng kín, cũ càng. Đằng sau cánh cửa đó là giấc mơ đã mất, là luyến nhớ trong dư tàn của một ngày đã xa.
Bao bước chân đến đây, bao gương mặt tao nhân mặc khách với hỉ nộ ái ố, để rồi tan trong dư vị một trái cà pháo đậm mùi xứ Bắc... Con hẻm cụt, nhà bà Cả ở điểm cuối cùng, như thể nó trấn giữ và mặc định tất thảy những cử động của cư dân hẻm. Tôi ngó cách đó hai căn, một ngôi nhà kiểu Pháp với con dọi bê tông kiểu cũ giờ chỉ có thể tìm thấy ở Bưu điện, UBND thành phố... Màu vàng cố hữu đã không còn, miết trên đó là rêu cũng hóa vàng, như hơi thở tàn của một cơ thể đã đến phút tận cùng của gió bụi.
Màu thời gian như tiếng dương cầm đổ trên căn gác cũ; những cái nhìn không bụi màu của người già; chút bâng quơ mà giấu đi háo hức của cô gái mới lớn; tiếng tụng kinh từ chiếc máy nhà ai đó gõ đều đều như những viên gạch chồng lớp mà không lèn chặt, đủ để dệt một giấc mơ vô ảnh nhưng không thiếu bình an.
Trong cái khẽ khàng lao xao của khách và chủ, lời thầm thì như làm ấm thêm, như thể chỉ đủ cho hẻm nghe thôi, bỗng chú gà trống nuôi trong lồng cất tiếng gáy. Điệu thức đã từng đi vào thi ca ở làng quê bát ngát, những cánh đồng trải dài phía chân trời, những rặng tre chiều muộn hăng hăng khói rơm bếp nhà ai đó, như được bưng bê nguyên vẹn về đây, trên cái nền “đất vàng” của Sài Gòn và đang thúc dội.
Chú ngẩng cao đầu, cổ kéo dài ra, dõng dạc như kèn thúc trận, lại thách đố không kém phần kiêu bạc “sinh ra để chơi một cuộc chơi riêng”, không cần gác tía lầu son, không cần vườn rộng rào thưa, không cần có con tía con ô thách thức. Gáy, để chỉ gáy mà thôi. Chỉ có khách là ngẩn ngơ. Tôi ngẩn ngơ như mất hồn khi tỉ mẩn đếm từ căn nhà gà lơ lửng ấy, 24 bước chân, đi qua một vòm trần tối, là chạm ngay đại lộ Nguyễn Huệ sáng choang, rộng rãi.
Gà gáy trên đại lộ Nguyễn Huệ, một cái tít đủ gây tò mò giữa thời buổi báo chí đua nhau này. Đây hoàn toàn không phải là một show trình diễn. Gáy xong, nó liếc mắt nhìn mấy bụi ớt, rau mùi ở dưới, cả bà chủ mà gương mặt đã bắt đầu có màu của bức tường cũ, cả ông chủ như mặc kệ tiếng xe tiếng người, chú mục kỉnh vào tờ báo sáng chưa kịp đọc. Bình thản như bao buổi trưa trong ca dao, chỉ thiếu vắng con bướm vàng lơ lửng đậu rồi bay. Còn lữ khách thì quay quắt giày vò, muốn trút muốn bỏ hết cái thì hiện tại mệt nhoài. Ngày ấy xa rồi, thị thành cuốn hút mà không chịu về...
Từ phố vào đến căn gác nhà bà Cả Đọi, chỉ 76 bước chân. Mỗi bước ở đây, tính ra vàng là bao nhiêu? Tính được và mua được, nhưng mua làm sao được cơn gió ở hẻm như gầy hơn, mua làm sao được bản giao hưởng dặt dìu đến nhức cả tim gan khi mình muốn hỏi đi qua bao giấc mơ để có được một buổi chiều như chiều nay? Vừa quay lưng để nhìn người đàn bà đang cột tóc cho con gái nhỏ, bỗng như nghe trên cánh cửa sổ ấy, tiếng thạch sùng tặc lưỡi gọi tàn phai.
Đây là cuộc chơi của tàn phai. Phai mà không nhạt. Rồi bãi bể nương dâu sẽ đến, những dấu tường rêu, gạch lở, vết xước cố tình và vô tình, cái nhìn vô tư lự, tất cả sẽ hóa thành bụi, chỉ có con thuyền ký ức của ai đó cơn gió mang mùi nhớ là chòng chành. Và để đãi đằng những đứa con xa, những bằng hữu viễn phương dấn bước tình cờ, để mùi nhớ ấy mãi mãi được chạm tay vào, hẻm Sài Gòn như một kẻ minh triết với trí và lòng đủ rộng để bày tiếp một cuộc chơi giản dị giữa tráng lệ.
Nối nhà 88 Nguyễn Huệ và 51 Đồng Khởi, cũng là một con hẻm, hai đầu bán hàng lưu niệm, nhưng khúc ruột là quán cơm với những người đàn bà ngồi xếp bằng ăn cơm như bữa tan đồng ở làng quê xa lắc; người đàn ông ngủ gục trên ghế bố sau một đêm tất tả kiếm ăn.
Chỉ cần xịch một bước chân, là thế giới của sắc màu đóng khung trên toan vải với cúc đại đóa đổ trên cửa sổ nhà ai, gương mặt thiếu nữ như sen sớm không muốn buông giọt sương to như giọt nước mắt vừa đi qua một đêm thao thức... Không u tối nhưng không sáng rỡ; không nhộn nhịp nhưng chẳng lặng như tờ, tôi nhìn thấy ở đó, hẻm phố này tự thân nó là một linh hồn, một kẻ ham chơi và chỉ chơi trò cút bắt.
Nhìn vô tối om, chật chội, đủ dệt một chút đắn đo ngập ngừng, nhưng chỉ một quãng bằng một nhịp thở, đất trời mênh mông mở ra như vừa đi qua một cuộc phong trần. Một bầu chân không, tịnh nhưng không mở ra những đôi mắt như chưa từng ngó thời gian, xa lạ với chiều kích ngoài phố kia, đóng khung trong lãng đãng nhưng không loãng ra, lại có thêm chút kiêu hãnh của kẻ thư nhàn.
Gọi tên những mảng sáng tối biến ảo, những phủ phê trong mấy trăm bước chân mình đã đến, là gì? Vừa kịp nhận ra, bạn ở phố, ta nơi phương xa, có khác gì đâu, thảy đều vang động rưng rưng từ trong xa xăm những khóc cười của bụi, một thứ bụi trang sức lộng lẫy chẳng đến từ cuộc chơi vô tiền khoáng hậu của tạo hóa, mà chính từ những chòi đạp, cựa quậy để bày một cuộc chơi có tên là Bụi giữa hoa lệ.
Bụi cho một chỗ nằm, một chỗ ngồi ngó, một chỗ để thở, một chỗ để bình an. Tựa vào bụi ấy để thêm năng lượng yêu chốn bụi bặm trần gian này…