ặc cho gameshow, truyền hình thực tế càn quét, làm biến dạng đời sống văn hóa, thẩm mỹ sáng tạo của không ít nghệ sĩ; thay cho lời than trách về sự xuống cấp, biến mất của nhiều rạp hát hay sự nghèo nàn về thiết chế văn hóa thì vẫn có một mạch ngầm sáng tạo, nuôi dưỡng giá trị nghề nghiệp đang chảy không ngừng. họ giữ cho ngôi đền thiêng nghệ thuật luôn thật và đẹp, như tuyên ngôn của nsnd nguyễn thành châu, một trong những vị tiền bối của nền kịch nghệ việt nam.

Rạp Thủ Đô, những hàng ghế dài hoang vắng, tôi men theo bờ tường hậu trường là những bàn thờ tổ đặt san sát, lẫn giữa mớ đạo cụ nằm chỏng chơ, nào là ngai vàng, nào là cổng lâu đài, biệt thự… Nếu không có tiếng đàn đang réo rắt, tiếng trống thi thoảng dập rời rạc từng tiếng một thì không thể mường tượng nơi đây đã từng đi qua một thời vàng son sân khấu.

Tôi quay ra, đứng lặng từ cánh gà, dõi theo các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật hát bội Thành phố đang đổ mồ hôi trên sàn tập. NSƯT Ngọc Nga và một nghệ sĩ trẻ đang vào trích đoạn Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, NSƯT Ngọc Dung thị phạm cho lớp đàn em trong Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.

Đành là sân khấu cổ truyền dân tộc vốn minh thị qua những lớp diễn, mảng miếng, nhưng riết rồi tìm kiếm một buổi trình diễn trọn vở tuồng hiện là điều không tưởng. Chỉ còn những buổi biểu diễn xếp lớp trích đoạn. Và mấy ai, giữa cái chộn rộn, rảo chơi của công viên, quảng trường, chịu dừng lại, ghé vào mà ngồi xuống tưởng thưởng hồn vía, tường tận điển tích nơi những trích đoạn kinh điển của nghệ thuật hát bội.

Nếu chỉ đem đặt để một vài buổi trình diễn nghệ thuật cổ truyền dân tộc giữa một không gian đô thị hiện đại và bảo đấy là bảo tồn, là hòa hợp xưa nay, là thích nghi giữa truyền thống và hiện đại thì e rằng, cái “công cuộc” giữ gìn bản sắc xem ra cực kỳ nhẹ bâng, dễ như bỡn.

Chị thì khác. Nhà hát lên lịch, anh em kêu cần là chị đón xe buýt 23, ra trạm cầu Tham Lương, lại bắt tiếp xe 62, chạy lòng vòng, tấp ngay ngã tư Châu Văn Liêm - Hùng Vương, chị rảo bộ vô tới rạp Thủ Đô. Đi tay không, gọn ơ. Vậy cho an toàn. Nhiều thứ quý giá lặn cả trong con người, thần thái chị, là vốn nghề 50 năm lăn lộn từ gánh đồng ấu Phước Thành, Cảnh Xuân rồi gá qua cải lương đâu chừng ba năm, vậy mà thẳng tiến vào đại bang Dạ Lý Hương, sau cùng cũng trở về với ngôi nhà cũ, gánh hát bội Hoa Xuân Mười Vàng, Nhà hát Nghệ thuật hát bội Thành phố…

Cư dân Xóm Củi, năm tuổi đầu đã ngồi xổm ở đình Khánh Hội, theo người cô ruột, sau này chị gọi là má, má tái giá với NSƯT Mười Vàng, người cha, người thầy truyền nghề cho chị thuở mới lớn. Ông Mười dạy cho Ngọc Dung bài múa lân, từ lân ngủ cho đến lân thức. Vóc người bé như cái kẹo mà khuân cả cái đầu lân, chưa tính phải dùng kỹ thuật, vũ đạo để xử lý lân lấy chân dụi mắt, hé mắt, kểnh râu… Ấy thế mà, làm ngon ơ, tài tình, thu phục bao nhiêu khán giả đi coi hát chầu.

Ngọc Dung chính là nữ nghệ nhân đầu tiên biểu diễn lân ngủ, một sáng tạo về trình thức của kép Mười Vàng, người nghệ sĩ nổi danh với vai Châu Do, diễn cảnh hộc máu thật mà tuẫn tiết tại Trung ương Hí viện Aristo, ngày nay là khu vực đường Lê Lai - khách sạn New World.

Tôi ôm hết những ký ức một thời nghe tiếng trống chầu mà ngủ thiếp đi lúc nào không hay, sáng ra, cứ tiếc đứt ruột vì không biết nàng Nguyệt Cô có đòi lại được ngọc từ chàng Tiết Giao; ngồi nghe các chị nói về nào hát khách trận, khách tình, hát tẩu; rồi quay cuồng theo từng nhịp múa thương, múa kiếm. Tiếng xe cộ xé ào qua đường, tiếng đờn rao văng vẳng từ bên trong rạp, Ngọc Dung vẫn say sưa nói về vai diễn, về những buổi tập tuồng, về cách chị dốc hết lòng, hết sức làm bệ đỡ cho cuộc đăng quang của Sao nối ngôi nhí Khánh Nhi.

Đường từ rạp Thủ Đô đến rạp Long Phụng xưa (nay đã thành nhà hàng) chị nằm lòng. Tôi vẫn mỗi ngày đi ngang qua, cái rạp hát bội nằm chen giữa lớp lớp cửa hàng xe máy, sau này, ca sĩ Ánh Tuyết mướn làm phòng trà ca nhạc, rồi cũng đến lúc không còn. Nhớ cái hôm coi Ngọc Dung, Kim Thanh hát chầu Kỳ Yên. Vẫn thần thái ấy, vẫn sự nghiêm cẩn ấy nhưng giữa cái sân khấu đình chật chội, nghệ sĩ vừa hát vừa… dọn ghế để vũ đạo; nghệ sĩ đang nhập vai, tiền nhét trong mấy đôi quạt vẫn ném lên, lập tức có người ra nhặt lấy.

Bỗng dưng, lạc quan tếu mà nghĩ tới ông… B.Brecht, thủ pháp gián cách - giữa nghệ sĩ và công chúng - thực dụng đến thế này là cùng! Sự thăng hoa đôi khi rơi tõm vì cái quạt giấy, xem con hát như kẻ chỉ mua vui. Tiếng trống chầu gõ từng hồi chua chát. Không sao. Miễn là còn được hát, được diễn, được sống với nghề. Tiếng chị trên xe buýt rào trong tiếng gió. Nghe như tiếng rít trên bến Phu Văn Lâu hôm nào, cảnh chí sĩ Trần Cao Vân hội kiến nhà vua yêu nước Duy Tân - vai diễn của NSƯT Ngọc Dung trong vở tuồng Trần Cao Vân, Người mang hồn nước (tác giả Lê Duy Hạnh). Vẫn còn đó cái khí phách “chạnh lòng nước non” nơi người nghệ sĩ sống hay chết cũng giữ cái đạo nghề.

Tôi nghe Trác Thúy Miêu hứa rằng, cô sẽ tiết chế cái chất “ghê gớm” của mình, sẽ thôi không “quẳng” cả rổ chữ nghĩa vào tai vào mắt người nghe, người xem như cái hồi mới xuất hiện nữa. Tôi đến xem Đêm hoa lệ của Miêu, nói nôm na là vậy, bởi cho dù nhà đầu tư có cất công thế nào, sự chỉn chu, ân cần của họa sĩ Sỹ Hoàng ra sao thì hai tiếng đồng hồ trong cái rạp hát Chợ Lớn đẹp đẽ, sang trọng ấy, Miêu vẫn tràn lên hết thảy mà dẫn dắt câu chuyện, mà tung tẩy làm dáng với chữ nghĩa, áo xống. Lạ, đi xem hát mà có khi, nói còn nhiều hơn hát, đích thị là chương trình của Miêu. Nói mà như hát, cũng chỉ là của Miêu thôi.

Ô hay, mà không hề phật ý, thậm chí, đôi lần phải bật cười vì xen giữa cái cằn nhằn cưởi nhưởi khó ở của một “mụ o khó tánh” Trác Thúy Miêu (vốn gốc Huế) lại là lòng nhiệt thành, sự nghiêm túc của một người tha thiết yêu thành phố muôn tuổi này.

Miêu cực đoan, cả khi yêu. Nhưng nhờ đó, nếu không là cô, tôi đồ rằng, chẳng ai lại chịu điểm tô son phấn, là lượt áo dài, chạy ngược vào khu người Hoa, Chợ Lớn, mỗi hai tối cuối tuần để rọi từng cây đèn dầu, quét từng pha ánh sáng mà xeo nạy, mà nối lại cái mạch ngầm văn hóa di dân, tuy chỉ là những lát cắt nhưng phần nào cũng gom về cho người thời nay mơ màng một nhịp sống Sài Gòn chưa bao giờ đứt gãy. Nó phong lưu, đa tình mà nào kém văn minh, lại rất dân dã, hồn hậu.

Miêu đi giữ “nhà” cho người khác, từ đờn ca tài tử, hát bội đến cải lương, ca nhạc phòng trà, hát dạo vỉa hè… ôi thôi đủ cả, dĩ nhiên, không thiếu boléro tự tình, sang cả, đỏm dáng của Miêu. Ngôi nhà ấy, đàng hoàng, thời thượng án ngữ một không gian riêng trong Garden Mall - vừa thức giấc sau một đêm ngủ dài đầy ám ảnh của Thuận Kiều Plaza. Đêm vãn hát, khán giả vừa rảo bước ra khỏi rạp, cảm xúc còn bần thần thì từng tốp người, hầu hết là gia đình, bạn bè vừa kéo đến ăn khuya. Anh chàng Grabike, mặt mũi xanh lè cũng bày đặt nghêu ngao, đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ…

Trở vô ngó Le théâtre de Chợ Lớn, mang dáng dấp của Le théâtre Aristo - Trung ương Hí viện đối diện ga xe lửa Sài Gòn, một thời là nơi chốn dập dìu của bao tao nhân mặc khách, trong ấy có nhà báo Trần Tấn Quốc, chồng cô đào Thanh Loan, là chủ nhân sáng lập giải Thanh Tâm - bệ phóng của một thế hệ vàng cải lương Sài Gòn.

Làm lại Điểm của một thời (hồi còn ở Lý Tự Trọng) hay tiếp nối giấc mơ văn hóa Việt, trong đó có một góc của đền đài cải lương, trang trọng, tinh tế, Sỹ Hoàng lại kéo cho bằng được Bạch Tuyết về cùng. Nhớ cái đêm trong cung Diên Thọ, ngự giữa hoàng thành Huế, rồi ngay sân khấu thủy tạ nhà vườn Long Thuận, Sài Gòn; và đêm nay là Le théâtre de Chợ Lớn, vẫn chỉ là cuộc giá lâm của Thái hậu Dương Vân Nga nửa đêm về sáng, để nghe lời độc thoại của một bà hoàng về vận nước, mệnh dân.

Trên đường ra châu Hoan châu Ái, chứng kiến cuộc tương tàn giữa 10 đạo quân của Lê Hoàn với tướng công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền, Dương Vân Nga đã cất lời cảm thán: “Kìa, kìa…Ôi thôi, không có nơi nào như ở đây, người thắng chém được đầu rồi lại khóc vì cái chết của người thua. Ta bàng hoàng sực tỉnh cơn mê. Thời cuộc đã tạo nên những thế cờ hóc hiểm…” (Lê Duy Hạnh).

Để đến lời hiệu triệu toàn dân chống Tống, cái gạch nối mong manh của hai triều đại Đinh - Lê ấy đã dõng dạc tư thế “cài trâm xốc áo đứng lên, thề sống chết cùng quân nghịch tặc… Đôi tay tôi thay cho triệu cánh tay người đã làm nên lịch sử, nâng long bào tiên đế như nâng gánh nặng sơn hà…” (Hoa Phượng), thì toàn thể khán giả đồng loạt đứng lên, vỗ tay, không chỉ là tán thưởng mà trọng vọng một niềm tự hào, bất khuất.

Một Sài Gòn rất nhỏ, một rạp hát vừa được phục sinh, cũng rất bé, nhưng sự nghiêm cẩn cho một màn trình diễn, xúc cảm truyền đi cho trên dưới một trăm khán giả thật lớn lao, vô cùng. Trên sân khấu, Bạch Tuyết chắp tay cảm tạ, Trác Thúy Miêu nghiêng vai cảm ơn; ngay lối ra vào, Sỹ Hoàng cúi chào từng hàng khán giả.

Ái Mỹ
Ngô Tới
Minh Thanh
Chia sẻ bài viết: