Trước năm 2016, từ Trường tiểu học xã Khánh Hà (H.Thường Tín, TP.Hà Nội), phóng tầm mắt là mênh mông đồng chết, cỏ dại lưu niên bao phủ. Cánh đồng ấy, bà con xã Khánh Hà bỏ hoang đã nhiều năm, bởi họ chán cảnh hạt thóc bán ra không bù được chi phí đổ xuống. Ngày Nguyễn Thị Thu thuê lại cánh đồng, cả làng bảo chị điên. Bố mẹ, chị em trong gia đình cũng không ai ủng hộ. Quyết tâm, Thu thuê người làm cỏ, cày ải vỡ đất. Riêng chi phí cho hai công đoạn ấy đã đủ để người dân Khánh Hà càng tin là Thu “điên”. Nhiều người rỉ tai nhau: “Hay cái Thu rửa tiền? Chứ cánh đồng này đất chết rồi, có cây gì sống được đâu”.

Trưởng thôn Ðinh Văn Khang nhớ: “Năm đầu tiên, không một loại cây nào sống được, ngay cả cây chuối - loài được biết đến với sự “dễ tính” cắm đâu sống đó cũng lụi dần mòn. Năm sau, cả cánh đồng này chị Thu cho trồng cỏ, nào nhọ nồi (cỏ mực), mần trầu, ngũ sắc (dân gian gọi là cây cứt lợn)… Thấy Thu trồng toàn cỏ, làng tôi càng kháo nhau “cái Thu rửa tiền”. Phải đến cuối năm 2018, cây cối trên cánh đồng này mới bắt đầu xanh trở lại. Gian nan và cả núi công, núi của đổ xuống mới hình thành được nông trại như hôm nay”. Dưới ruộng, ngang tầm mắt là chùm ngây xanh ngắt; tầng dưới ngải cứu, tía tô mọc thành tán tròn xoe. Khắp mương nước nhỏ chạy quanh các luống là hoa tím bèo tây, góc ruộng um tùm bụi chuối. Phía khác, cải bó xôi múp míp; lá xanh mơn mởn, che kín cả mặt người.

"Hội nghị đầu bờ" luôn là những buổi bà con mong đợi để học hỏi phương pháp canh tác hữu cơ, trả lại sự giàu có cho đất mẹ.

Cánh đồng này được gieo đỗ tương để cải tạo đất trước khi canh tác, mỗi nốt sần trên bộ rễ của đỗ tương đều chứa đạm hữu cơ để 'tặng' lại cho đất mẹ.

Cánh đồng này được gieo đỗ tương để cải tạo đất trước khi canh tác, mỗi nốt sần trên bộ rễ của đỗ tương đều chứa đạm hữu cơ để 'tặng' lại cho đất mẹ.

Ðang vãi hạt giống, Thu cười giòn: “Hạt vừng rất rẻ, cây dễ sống, lúc trưởng thành, rễ đâm xuống đất 5-10cm. Rễ cây giống bác thợ cày, khi thu hoạch, đất theo gốc, rễ mà tơi. Nhọ nồi cũng rễ chùm, nên khi thu hoạch, đất theo rễ bung lên. Nhọ nồi là một trong những nguyên liệu để tôi sản xuất nước gội đầu cô đặc, nó còn che phủ ngăn không cho các loại cỏ khác mọc. Thế là đỡ tốn hai công: làm cỏ và cày đất…”. Ðể hiểu được cây vừng, cây nhọ nồi và tìm ra “hệ sinh thái” các loại cây tương hỗ lẫn nhau, người phụ nữ tròn ba mươi tuổi này đã mất hai năm ròng vừa học hỏi, vừa thực nghiệm, nghiên cứu trên đồng đất quê mình.

Từ thuở tạo thiên lập địa, mọi cây cối trong tự nhiên vốn đã mang “sứ mệnh” của riêng mình. Như bèo tây hoa tím dưới mương, nhiệm vụ chính của nó là dùng bộ rễ để lọc, giảm ô nhiễm của nước. Khi cần, bèo tây được vớt lên, dùng để che phủ bề mặt luống, giúp giữ ẩm và cố định dinh dưỡng cho đất. Cây đỗ tương lớn lên trên đất, bản thân bộ rễ của nó cũng sinh ra lượng đạm tự nhiên để làm giàu cho đất rồi. Hay cây chuối sống được trên mọi địa hình, mọi chất đất. Ngoài phục vụ con người, phục vụ chăn nuôi, cây chuối còn “tặng” lại đất kali vô cùng quý giá. Nguồn kali tự nhiên ấy, không một loại phân NPK từ bàn tay con người nào có thể sánh bằng.

Chắt chiu từng cái lá, ngọn cây với sứ mệnh riêng của chúng.

Chắt chiu từng cái lá, ngọn cây với sứ mệnh riêng của chúng.

Không phải bây giờ Thu mới “nổi tiếng” khắp xã Khánh Hà, mà từ hai mươi năm trước. Chỉ có điều ngày đó, cả Khánh Hà biết đến chị vì… cái đầu trọc. Khoảng mười tuổi, Thu rụng tóc không rõ nguyên nhân, dù đã đi khắp các bệnh viện, uống đủ loại thuốc. Sang tuổi mới lớn, thì trên đầu Thu đã không còn sợi tóc nào. Cuộc sống tưởng như sẽ gắn với tóc giả đến hết đời, chị nhớ: “Chuyện tôi bị rụng tóc đến trọc cả đầu, phải đội tóc giả quanh năm suốt tháng chỉ thực sự làm tôi ám ảnh khi ra mắt bố mẹ bạn trai. Mẹ bạn ấy đã cấm mối quan hệ này vì biết đầu tôi trọc lóc. Bà sợ tôi mắc phải bệnh gì khủng khiếp lắm, về làm dâu nhà bà, biết có sinh nở được hay không”.

Sau đó, một người bạn (sau này là chồng Thu) mách Thu đến gặp một thầy thuốc hưu trí chữa bệnh bằng Ðông y ở tỉnh Thái Bình. Nhìn Thu gỡ tóc giả xuống, ông lão lẳng lặng đi lấy cho chị một túi đầy bồ kết, hương nhu, sả, cỏ mần trầu… bảo mang về nấu nước “gội” đầu, không phải uống bất kỳ loại thuốc tây, ta nào nữa. Thu kiên trì gội đầu nhưng không dám hy vọng. Rồi bất ngờ, chỉ sau một năm, tóc chị mọc xanh trở lại. Lúc đó, chị đã hiểu được và cũng đã nhận được sự diệu kỳ của cỏ cây, cũng như giá trị của đất đai. Tóc Thu xanh trở lại cũng là khi thầy lang về trời. Một năm ngắn ngủi ấy, Thu đã kịp được ông truyền cho tình yêu và kiến thức ban đầu về cây cỏ. Cái duyên đó, cùng sự tri ân cỏ cây, tri ân Ðất Mẹ cho mình một cuộc đời khác, đã dẫn Thu đến một bước ngoặt táo bạo, thậm chí là điên rồ, ảo tưởng trong mắt mọi người: bỏ vị trí trưởng phòng marketing, về quê thuê đất làm nông nghiệp.

Tôi hỏi sao Thu không thuê một cánh đồng màu mỡ nơi khác, mà lại về làng thuê đất chết? Thu cười, đôi mắt lấp lánh: “Tôi muốn thay đổi suy nghĩ của bố tôi - người đàn ông 55 tuổi đã lên chức cụ được mấy năm, thậm chí của cả xã Khánh Hà”. Quê Thu có nghề “ba toa” (giết mổ, buôn bán thịt lợn) truyền thống. Trạc tuổi các chị của Thu về trước, hầu hết đều học dở cấp II là bỏ về phụ bố mẹ bán thịt lợn. Mười bảy, mười tám tuổi đã tấp tểnh lấy chồng rồi tách ra mở sạp thịt riêng. Lứa của Thu có khá hơn, đã học lên cao hơn, nhưng cũng chỉ dang dở cấp III, hoặc học hết cấp III là dừng. Năm 2008, cả làng chỉ có vài ba đứa thi và học tiếp đại học, cao đẳng, trong đó có Thu.

Như hầu hết đàn ông trong làng, ông Hay, bố chị, luôn quan niệm con gái học nhiều không để làm gì, và con gái chẳng bao giờ làm nên trò trống. Thu đi học và quyết tâm hồi sinh cánh đồng chết làng mình, không chỉ để thay đổi suy nghĩ của ông Hay, của những người đàn ông Khánh Hà; mà Thu còn quyết tâm làm những điều tấm món để ông Hay không phải xấu hổ khi sinh toàn con gái.

Tất tả phía đầu nông trại, bà Nguyễn Thị Bình huơ huơ nón vẫy: “Cô Thu ơi, cho tôi xin ít phân vi sinh. Gớm, cô đi nhận giấy khen, giải thưởng từ xã lên huyện, lên cả thành phố; rồi đi nói chuyện với bà con khắp các nơi, mấy bận tôi qua đều không gặp. Thấy bảo hôm nay cô về, nên tôi phải chạy sang ngay”. Rồi bà khoe một mạch: “Lúc đầu thấy cô Thu trồng rau màu mà không phun thuốc sâu, không dùng phân lân, phân đạm… chúng tôi bảo nhau, mình phun thuốc sâu đến sũng phổi, bón phân như nã đạn mà còn chẳng ăn thua nữa là không dùng hóa chất. Ruộng su hào nhà tôi củ to, mỡ màng. Su hào nhà cô Thu bé tẹo, nom hom hem xấu xí. Nhưng sau thì thấy su hào của cô Thu khỏe hơn, không bệnh tật; thu hoạch về không nhanh hỏng như su hào của chúng tôi. Lúa cũng thế, cô Thu không vãi lân, đạm. Lúc đầu lúa lụi từng chòm, làng tôi đi qua cứ bảo “lúa hói”. Ðến kỳ bón thúc, cô Thu mới xả phân tự ủ vào ruộng. Mà đến lúc thu hoạch, “lúa hói” của cô Thu không kém gì các ruộng khác, bông lúa còn dài hơn lúa của cả làng đấy”.

Toan xách thùng phân vi sinh ra về, bà Bình ngập ngừng: “Mấy lần trước cô dạy mọi người làm phân vi sinh, thuốc trừ sâu thảo dược mà tôi không đi được. Khi nào cô có lớp dạy mới, cô cho tôi đến học với, cùng bà con xã khác cũng được, chứ bà con Khánh Hà ta đã học cả rồi”. Nhìn bà Bình lòng còng đạp xe đi, bất chợt giọng Thu chùng xuống: “Người nông dân mình tội lắm. Ngày trước, tôi rất “ác ý” với họ khi chứng kiến họ phun thuốc trừ sâu, tưới hóa chất vào cây trồng. Nhưng khi tiếp xúc, làm việc với họ nhiều hơn, tôi lại thấy thương. Khi họ trồng trọt, thì cây trồng chính là “đứa con” của họ. Lúa bệnh, họ xót xa, lo lắng và đi mua thuốc trừ sâu về “chữa bệnh” cho lúa. Cũng như khi tôi nuôi đứa con đầu, con đau ốm là tôi ra hiệu thuốc mua kháng sinh về cho con uống, để con không phải đến bệnh viện tiêm truyền. Thuốc kháng sinh tôi mua, thuốc trừ sâu bà con mua đều quá dễ dàng, ai mua cũng bán, mua bao nhiêu cũng có; cũng không người bán nào cảnh báo cho chúng tôi về những tác hại trước mắt hay lâu dài”.

Cánh đồng chết với đất sét bạc phếch dần được hồi sinh.

Cánh đồng chết với đất sét bạc phếch dần được hồi sinh.

Chính sự thấu cảm ấy đã thôi thúc Thu phải hành động nhiều hơn, lan tỏa nhiều hơn để kéo bà con trở lại đồng đất quê mình; giúp bà con hiểu và trân trọng giá trị vốn có của đất đai. Ở Hưng Yên, bốn ngày liên tiếp Thu nói chuyện, tập huấn làm nông nghiệp minh bạch, chuyện hồi sinh cho đất với bà con ở bốn huyện. Có nơi, kết thúc buổi tập huấn, bà con vẫn ngồi im không muốn ra về. Có huyện, bà con kéo áo Thu: “Chúng tôi muốn học thêm buổi nữa”. Nhìn những ánh mắt, những câu nói chân thành tận đáy lòng của bà con, chị hiểu, họ đang khao khát thay đổi. 

Song, Thu cũng như nhiều “nông dân trí thức khác” còn tự xoay xở, tự tìm cho mình được đầu ra; thậm chí là chế biến nông sản công nghệ cao để đảm bảo cả giá trị dinh dưỡng cũng như giá thành. Còn những người nông dân chân chất, chỉ biết chăm bẵm vun trồng, thì việc bảo họ tự tìm đầu ra hiệu quả, ổn định cho nông sản là điều vô cùng khó. Như bà Nhung cùng nhóm hộ gia đình đang sản xuất rau ở bản Áng (H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La) khẩn khoản: “Các cô giúp chúng tôi. Cho chúng tôi trồng cây gì đó an toàn, chứ trồng bắp cải, chủ yếu bón NPK, thuốc trừ sâu cũng phải phun nhiều lắm. Mà có thời điểm giá bắp cải chỉ 2.600/kg thôi. Các cô hướng dẫn chúng tôi với, chúng tôi chịu khó lắm, không lười đâu”.

Bản Áng còn có bà Thuận - người phụ nữ Thái - đang khao khát chuyển sang trồng rau hữu cơ, làm sản phẩm mang thương hiệu bản Áng, kết tinh của núi rừng, của linh hồn người Thái. Bà con bản Áng còn muốn xây dựng sản phẩm cao tắm người Thái từ dược liệu; muốn giữ lại vườn dâu tằm để làm các sản phẩm như bột lá dâu đắp mặt, si-rô dâu, trà lá dâu... hay xây dựng những tour du lịch nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo tồn văn hóa Thái. Ðể từng bước hiện thực từng mong muốn, từng ý tưởng của bà con bản Áng nói riêng và những người nông dân nói chung còn vô vàn gian truân, rất cần những người như Thu dẫn đường, hỗ trợ, truyền cảm hứng. Thu bảo, trước quyết tâm và mong muốn thay đổi của bà con, chị tin tình yêu đất sẽ ngày càng lan tỏa.

Có đêm, ngồi giữa cánh đồng nghe côn trùng van vỉ, ếch nhái “uôm uôm”, chẫu chàng “chẫu chuộc”… Thu cười mãn nguyện, bởi gần hai mươi năm nay, không chỉ Thu, mà cả tôi mới nghe lại được những âm thanh từng thân thuộc ấy. Dường như, đất - cả khi đã chết vẫn cho Thu sức mạnh để vượt qua gian khó nhọc nhằn, đất - dù đã chết vẫn cho trái tim Thu thêm ấm nóng để thay đổi và kết nối cộng đồng. Chị nói không giấu giếm: “Trước đây tôi có ý định tích lũy đất để làm nông nghiệp, xây dựng nguồn nguyên liệu do chính mình làm chủ. Nhưng gần đây, tôi chỉ khát khao giữ người nông dân ở lại trên những cánh đồng của họ, để họ làm chủ mảnh đất của chính mình. Họ, sẽ trở thành một bộ phận trong “hệ sinh thái” của chúng tôi, để cùng tạo ra giá trị bền vững; và để một ngày, Ðất Mẹ được trả lại sự giàu có như trước đây đã từng”. 

 

________________

Uông Ngọc

Kỹ thuật: Minh Duy

Chia sẻ bài viết: