Sáng sớm mà trời đã cao xanh. Thi thoảng, những buổi mai nắng vàng rực rỡ, cỏ cây xanh mướt, chim hót ríu rít, hoa bừng sắc nở, lòng trong mặt sáng, lướt trên đường cảnh sắc tựa thần tiên... như thế này, tôi luôn nghĩ đến mùng Một. Tết ta sắp đến...

Sau lễ tạ ơn, là đón mùa Noel - mùa đoàn viên, sắm sửa. Tết Mỹ đã phảng phất. Nơi nơi bắt đầu hoan ca nhạc Giáng sinh, trong các show ca nhạc, quảng cáo ti vi, các trung tâm thương mại, và rộn ràng từ radio trên xe tôi đang lái. Nắng lóa trắng từng vệt trên các mui xe chạy phía trước. Xe chạy “đội hình” một tốc độ kiểu này hẳn do một bà ngoại nào đó chạy đầu. Hay là một chàng cảnh sát.

Các vệt nắng chuyển dần xuống hông xe khi cả đoàn lượn vào khúc đường cong. Bóng các xe sẫm màu nối nhau trên con đường êm ru, lúc dài ra lúc ngắn lại. Gió vỗ từng đợt rung mặt kính, vù vù. Phía trước xe mươi thước, đôi chim bay cùng cả một đoạn dài, vụt cao vụt thấp, chao trái liệng phải như dẫn đường xe chạy.

Cánh rừng xa, đồng cỏ sẫm cùng các vệt hồ nước ánh gương trời lướt qua hai bên xe vùn vụt. Nắng tỏ khiến thảm cỏ úa mênh mông sau trận lụt đang ngái ngủ đầu đông cũng hừng lên sắc xanh, dưới thảm sương tuyết nhung mờ bạc. Khung cảnh thắm xanh tựa sắc màu chủ đạo của mùa cũ - lá mạ 2017. Đó là màu Pantone greenery (15-0343) - màu xanh của khởi đầu tươi mới, nối kết với thiên nhiên và môi trường. Ở nước Mỹ, mọi thứ thường được hiển thị trực quan, nhất là qua các con số, thông số.

Như hiện giờ, xu hướng màu sắc thiết kế thời trang, dệt, nhà và nội thất cho mùa xuân này là một bảng màu cổ điển: xanh hải quân, xám bồ câu, cát nóng và sữa dừa. Còn giờ này màu của năm mới 2018 do học viện màu Pantone công bố, là Ultra Violet (18-3838). Đó là thứ màu tím bí ẩn của sáng tạo và tưởng tượng, khơi gợi chút huyền bí tâm linh. Không bao lâu nữa, đời sống của màu và sắc này mau được thấy trước hết từ các cửa hàng, trên các đường phố sấm uất, để rồi lan tỏa nơi nơi.

Dù cuộc sống giàu sắc màu của xứ sở đa văn hóa này phong phú, nhưng người ta vẫn luôn nhận thấy màu sắc chính được nhấn mạnh trên các phương tiện truyền thông, hay tại các trung tâm văn hóa, thương mại - đó là xanh đậm, đỏ tươi và điểm trắng - đặc trưng quốc kỳ Mỹ.

Một chị bà con do lỗi cơ địa, không thể giữ được thai nhi bốn tháng tuổi, đau lòng từ biệt. Bác sĩ đã lấy cháu ra, rồi in dấu chân màu đỏ lên giấy ánh kim. Cả ê-kíp bác sĩ, y tá đứng trao chứng sinh tượng trưng, chia sẻ bồi hồi. Dấu chân màu đỏ ám ảnh.

Anh bạn làm báo bên Cali có trưởng nam tuấn tú đoạt học bổng toàn phần khó khăn của đại học có tiếng University of California San Diego, hớn hở mặc áo thun có logo, và dán nhãn hiệu UCSD Dad (xe của cha một sinh viên UCSD) màu xanh đậm lên kính trước xe hơi khi cùng con dự khai giảng - nước Mỹ khéo tiếp thị lòng tự hào.

Người từng biết Mỹ, hay muốn biết Mỹ, chỉ cần nhắc đến, hay ghé quán là biết mùi - cà phê Starbucks. Đượm mùi chocolate nướng với chút hương thảo mộc; dày vị, nó quyến rũ cả đàn ông, đàn bà và… các đàn khác - ấm áp và đáng tin. Nó là một phần mùi Mỹ hôm nay.

Đưa thiên nhiên vào đời sống bằng văn minh mùi, khiến ai cũng cảm thấy sự thanh khiết trong trẻo luôn hiện hữu nơi đây - trong nhà, ngoài phố, nơi công sở, trung tâm thương mại... trên nền chính, là hương và vị thảo mộc các loại.

Tôi cảm giác rằng, người ta thưởng thức mùi trong điệu bộ và tư thế ra sao.

 

Đi - với nước hoa La vie est belle từ một phụ nữ thoáng qua, bạn nhận thấy mùi tươi mát, sành điệu. Nhắm mắt, bạn còn cảm thấy những người đi ngang qua có dáng vẻ thanh thoát, đường bệ, gợi tình, đôn hậu, hồn nhiên, kín đáo, rực rỡ... qua các mùi khác nhau. Đi dạo - mùi cây cỏ, đượm họ mùi hoang dã; hương rừng, mùi của tươi sáng hay ấm trầm hợp cho không gian ngồi đăm chiêu, của người đang làm việc, trao đổi.

Ngồi khoan thai - là vui chơi, nghỉ dưỡng, hết mình. Đó là Hawaii nồng nàn hoang dại, mùi khét BBQ, hương Starbucks đậm đà, mùi Scotch Whisky cay đằm loang vòm mũi. Ngả người thư giãn - dễ chịu với hương gỗ Kashmir, mùi thơm cay của gỗ sồi, thanh khiết của vải lanh. Oải hương trộn vanilla, mùi gió núi, hay hương vị giục giã, ấy là lúc nằm. Khi mát-xa, nằm sấp - mùi nến ngọt ngào, mùi gió biển, hay mùi tre Himalaya được chuộng.

Mũi của người Mỹ nhạy mùi hơn xưa? Chỉ bằng mùi thơm, họ đã đẩy trí tưởng tượng đi thật xa.

Mùi của Spiced Apple toddy. Là tổ hợp của rượu táo, nam việt quất và quế, nó là một thứ mùi thơm lựng cay ấm đầy đặn, quyện chút vị gỗ rừng xa ngái - mùi thơm của mùa tết Mỹ.

Mùi tết của người mình? Là mùi hương bài xa xôi khắc khoải, mùi hương trầm u uẩn bồi hồi, của mơ hồ đau đáu, hay dằn vặt đan quyện nguôi ngoai - mùi của quê cha đất tổ. Khi mùi nhang lan tỏa, là lúc thiêng liêng đã phảng phất. Tết đến.

Tết Việt của tôi còn có mùi khói bếp ngún rơm rạ cay mắt lúc chổng mông thổi lửa, tung tăng giữa các cụm khói đốt đồng ngai ngái chiều heo may, là tần ngần mùi hoa bưởi canh khuya cuối xuân, là sực nức mùi cây trái trên tay, dậy mùi của đại tiệc gia vị trong bếp, là mùi mồ hôi khi gánh nước, bổ củi, ẵm em… Mùi trảng cỏ hăng hắc nắng lửa rát má cao nguyên xa, mùi cá khô mặn trong gió lúc tàu trưa đi ngang Cà Ná… Nuốt nước miếng, ứa nước mắt. Nhớ nhà.

Sài Gòn. Là mùi hơi đất hầm hập mặt đường khi mưa vừa ướt, mùi khét nhớt cháy không hết của khói xe lam lùa ngang mặt, mùi hoa dại gỗ rừng ngọt mềm, động lòng trai của nước hoa Opium trong thang máy cao ốc, là mồ hôi dầu sạm mùi nắng gió của bác xe ôm râu bạc đầu hẻm. Là mùi tái bắp ngậy nước béo hành chần của phở Dậu trong hẻm lúc 5g sáng. Sài Gòn của tôi còn là mùi hoa lài ngào ngạt lặng thầm thoảng một khúc quanh trên đường Trường Sa mỗi khuya tôi chạy ngang, chậm lại.

Với ngôi nhà ở, nơi có khí hậu bốn mùa rõ rệt, xuân hạ thu đông luôn có việc để làm. Ấy là xuân trồng cây, hạ cắt cỏ, thu hốt lá, đông xúc tuyết. Người ta chỉ có thể sống theo hướng tử tế, trong đó có việc phải tích cực chăm sóc cỏ cây, không được lười, không lười được. Vì sẽ bị phạt. Người dân nơi đây quen sống quy củ, thành nếp từ lâu. Ví dụ: mùa hè là mùa của đổi thay - nghỉ ngơi, di chuyển: chuyển trường, chuyển vùng, đổi chỗ làm, du lịch, cưới hỏi... Ông bạn Mỹ kể rằng, già nửa dân Mỹ có sinh nhật vào mùa hè.

Trong các gia đình bận rộn, các bà nội trợ chỉ có thể nấu nướng hai lần một tuần, nói vui là nấu ăn cho ngày nay, cho ngày mai, cho ba ngày sau. Chuyện của hàng bữa là hâm cho nóng sốt với các kỹ năng dùng microwave từ đơn giản đến điêu luyện. Các cha mẹ này dành thì giờ nhiều hơn để nghỉ ngơi và chăm con học. Trẻ em Việt như nhiều người biết, thường là học khá trở lên. Ngoài việc hiếu học có trong máu, luôn là chí vượt khó của từng nhà. Chỉ có học, ít vui chơi. Nên có thể nói, nơi đâu có cộng đồng nhỏ người Việt sinh sống, nơi đó có học sinh phổ thông Việt trong top của trường. Với nhóm gốc Á, “công thức” trong top quen thấy là Việt, Tàu, Ấn, Hàn. Chung cuộc thường là Việt và Tàu. Được vinh danh xuất sắc, ít khi không có con em chúng ta - Vietnamese.

Người Mỹ thường thán phục thiếu niên gốc Á và Việt về sức học. Nhưng họ nuôi dạy con theo cách của họ - đó là không chỉ học, mà còn phải sống và chơi. Trong các trường phổ thông không có môn kiểu như "đạo đức", mà chỉ có môn Social Study, và đạo đức được đánh giá qua các việc tham gia thể thao, các hoạt động xã hội, thiện nguyện... như cách phát triển toàn diện. Đó là một phần lý do con em Việt, nhất là số không sinh trưởng tại đây, ít còn được nhắc đến thành tích khi học đại học...

Michelle Cao từng mơ ước làm tổng thống Mỹ, bởi khả năng hùng biện cùng sức học đứng đầu lớp nhiều năm liền của mình. Hiện đang học lớp 11, cô đã học xong vài môn của năm đầu đại học, với kỳ vọng tìm được học bổng toàn phần của trường top liên bang. Hôm qua gặp cháu, thấy đang cặm cụi viết, hỏi ra mới biết, là đang dịch lời khấn qua tiếng Anh, để bà ngoại đọc, cầu xin ông bà phù hộ cho đậu loại giỏi. Thần linh Mỹ thì phải nghe tiếng Mỹ. Đấy là việc của hai bà cháu trước mỗi kỳ thi.

Bạn tập Hồng quyền chung, tên là Giao lại dạy con và cháu bằng cách của mình: một cộng đồng vài gia đình bà con anh em, mỗi khi các cháu tụ tập lại nhà, hay cùng đi chơi chung xe, đều bắt buộc nói tiếng Việt. Buột miệng nói tiếng Mỹ, phạt 1 USD, cả buổi nói tiếng Việt, được thưởng trò game mới. Rặn một câu tiếng Việt hiểu được với các bạn này vất vả hơn thuyết trình một ý tưởng trên lớp. Thế là cả bọn phải đi nhà thờ, lên chùa theo các lớp học Việt ngữ. Nay thì "thu nhập" của chú Giao bằng tiền phạt đã héo hon hẳn. Vì các bạn đã có thể cãi nhau bằng tiếng mẹ đẻ.

Với người Việt nơi đây, bốn mùa phải sống “theo” người Mỹ cũng là bốn mùa cần sống “như” người Việt, và cũng chính là việc quanh năm gìn giữ nếp nhà hai văn hóa. Với đa số những người đang học để trở thành cha mẹ, các suy tư quen thuộc, là tỷ lệ pha trộn thuần Việt với thuần Mỹ ra sao và thế nào là phải cho mình vẫn luôn là chuyện không nghỉ, suốt bốn mùa...

Mùa tết ta ở đây bắt đầu từ chợ. Rực rỡ sắc đỏ, vàng, bánh chưng bánh tét, trái cây, kẹo bánh, nhang đèn đầy ắp. Mỗi tết về, nhà tôi có niềm vui nhỏ, là thích nghe tiếng giật mác ra khỏi đồ mới pực pực, để diện trước giao thừa. Tinh khôi xuân mới. Sau các lệ bộ cúng kiếng, là uống trà ăn mứt và gọi điện thoại về Việt Nam. Ngày má còn khỏe, tết luôn phải có dưa món, mâm cúng giao thừa có thịt kho đông và chè kho bà làm. Giờ thì bên kia màn hình thấy hai cụ cười cười gật gật, không còn nghe được, đằng này thì huơ tay qua lại, gào to trong nhà vắng... Gọi hỏi thăm cô cháu “đã có gì chưa” - Cháu lo kiếm tiền đã chú ơi, lo gì.

Với tôi, mùa xuân là mùa của hoa, mùa hạ là của quả, mùa thu của khói và mùa đông - mùa của nhang. Tết thì đủ bốn mùa: hoa quả khói nhang.

Mùa xuân và quê nhà thường sống đẹp trong nỗi u hoài bốn mùa thay lá. Không chỉ thế, nó còn là nhớ thương qua lại đi về, là bình an chờ đợi, là mong ước trở về, là gắng gỏi cho từng giọt sương thu hết mênh mông...

Nguyễn Tri Phương Đông
Ngô Tới
Nguyễn Tri Phương Đông
Chia sẻ bài viết: