Dù rời xa sân khấu khi tên tuổi vẫn còn rất thu hút, thậm chí đã trở thành một tượng đài trong lòng khán giả, nhưng NSND Kim Cương vẫn cho rằng quyết định dừng lại đó hoàn toàn đúng lúc. Nhưng khán giả vẫn còn tiếc nuối xót xa.
Tròn 20 năm rời xa sân khấu, Kim Cương vẫn giữ được vẻ ngoài tươi tắn, rạng rỡ cùng giọng nói sang sảng, đậm chất Nam bộ, vô cùng tình cảm. Từng câu, từng chữ khiến người đối diện cứ như được quay trở lại những ngày xưa cũ, ngày Kim Cương còn dọc ngang trên khắp các sân khấu với Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Bông hồng cài áo...
Mấy mươi năm ăn cơm Tổ nghiệp, sống chết vì lý tưởng nghệ thuật, Kim Cương thành công và trở thành một tượng đài trong lòng khán giả. Nhưng, chẳng có danh vọng nào không phải đổi bằng nước mắt và cả sự nhọc nhằn của một thời trẻ.
Sân khấu, ánh đèn cho người nghệ sĩ những giây phút thăng hoa nhưng cũng lấy đi của họ không ít thứ, chị có nghĩ như vậy không?
Những nghề khác, người ta có thể bắt đầu từ con số 0, đi dần đến nấc thang số 10. Càng lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm càng được trọng dụng. Trong khi đó nghệ sĩ luôn phải bắt đầu ở nấc thang số 10 rồi lùi ngược lại. Ở tuổi mười chín, đôi mươi, trẻ đẹp, hát hay thì làm đào chính. Lớn hơn một tí thì làm chị hai, chị ba. Đi thêm một đoạn nữa thì lên vai má, vai bà.
Cứ thế, những vai diễn sẽ dần tiễn biệt người nghệ sĩ ra khỏi thế giới lung linh, huyền ảo của sân khấu. Họ nhận được gì ngoài con số 0 tròn trĩnh kèm theo những năm tháng hiu quạnh? Tôi gọi đây là sự nghiệt ngã của những phận tằm nhả tơ.
Gần đây, tôi có được vinh danh top 50 người phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất tại Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn. Tôi vui và hạnh phúc lắm nhưng tôi nghĩ đây không chỉ là vinh dự của cá nhân, mà hơn hết là danh dự cho cả một lớp nghệ sĩ.
Ngày má tôi còn sống (nghệ sĩ Bảy Nam – PV), bà luôn mang nỗi buồn khi nghề hát bị xem rẻ, không được coi trọng. Thực tế, phải thừa nhận có những con sâu làm rầu nồi canh, hoặc thậm chí một nồi sâu, sót lại 2, 3 cọng rau nhưng mỗi người phải biết sống sao cho hợp đời, hợp đạo để dư luận đừng xem rẻ bản thân mình và cái nghiệp mà mình đang mang.
Có bao giờ, chị nghĩ quyết định dừng lại của mình quá vội bởi dường như Kim Cương vẫn còn là nguồn ánh sáng rực rỡ trong mắt khán giả?
Người nghệ sĩ tỉnh táo phải biết điểm dừng. Bởi vậy, cho đến bây giờ, có người vẫn nhắc Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo... Nếu tôi còn núm níu sân khấu, huyễn hoặc về những ngày vàng son hoặc chạy theo thời cuộc để diễn tấu hài thì đâu còn là Kim Cương nữa. Tôi muốn ở một khoảng trời nào đó, khán giả vẫn còn nhớ đến Kim Cương, vẫn còn thương Kim Cương với những vở diễn trên sân khấu.
Một phần nữa, tình hình sân khấu ở Việt Nam không giống như những quốc gia phát triển. Người nghệ sĩ càng già lại phải chạy theo thời cuộc chứ khó giữ được cái riêng cho mình, từ đó cái thiêng liêng của sân khấu cũng dần mất đi. Từ cuộc đời, sự nghiệp cho đến tình yêu, tôi luôn quan niệm “Tận nhân lực, tri thiên mạng”, cứ làm hết sức mình, nếu không được thì thôi. Với Kim Cương, chưa bao giờ biết sống nửa vời, tôi trung thành, hết lòng và hết dạ vì mọi thứ. Tôi chưa bao giờ biết ngồi đong đếm, so bì thiệt hơn của mình với bất kì ai.
Một thời tung hoành trên sân khấu, những ngày quyết định dừng lại chắc cũng chẳng dễ dàng gì...
Nghệ sĩ, khó khăn nhất không phải là khi không có show, gặp trục trặc trong sự nghiệp hay đối diện với những buồn đau, hỉ, nộ, ái, ố của nghề, mà là khi rời sân khấu. Cả một cuộc đời, cả một quãng trời thanh xuân họ sống trọn vẹn cho ánh đèn, cho màn nhung, cho khán giả nên khi lui về hậu trường, đó sẽ là những ngày hụt hẫng, lắm lúc khó vượt qua.
Ở nước ngoài, không hiếm những trường hợp nghệ sĩ tự tử vì không chịu được những ngày tháng cô quạnh đó. Đó là sự thay đổi ở hai cực mà khoảng cách rất lớn, một nơi hào nhoáng, rầm rộ với khán giả, một nơi là những chuỗi ngày cô đơn, quạnh hiu, thậm chí nghèo khổ, bệnh tật.
Nhưng, sướng khổ ở đời đều do mỗi người lựa chọn. Điều gì trong cuộc đời này rồi cũng sẽ đổi thay. Một ngôi nhà kiên cố lắm, trăm năm cũng đổ nát, huống chi lòng người - là điều vô thường và hay đổi thay nhất. Tôi chấp nhận vì đây là quy luật của đời, của nghề, đã là phận con người thì làm sao tránh khỏi.
Ngày ở đỉnh vinh quang sự nghiệp, chị có bao giờ nghĩ xa xôi đến việc dọn đường để lui về hậu trường hay không, bởi như chị nói thời gian nổi tiếng của một người nghệ sĩ không kéo dài?
Tôi không hề chuẩn bị bất kì kịch bản nào cho cuộc đời mình. Khi tôi rời sân khấu, hoàn cảnh đẩy đưa cũng khá nhiều. Má tôi thuở ấy bị bệnh, mà mỗi lần đi hát phải hàng tháng trời, để má một mình tôi không yên tâm. Phần nữa, sức khoẻ của tôi không đảm bảo để tiếp tục đứng trên sân khấu. Thôi thì chọn cách lui về, chứ còn đứng diễn mà nửa vời, tôi có tội với mọi người lắm.
Thời đó, một mình tôi vừa phải diễn, viết kịch bản, đạo diễn, chạy lo tiền nong cho anh em trong đoàn... mọi thứ đều quá sức với một người phụ nữ. Tôi còn nhớ như in những năm sau giải phóng, hoá trang anh em toàn lấy sơn màu pha xong rồi vẽ lên, da mặt lở lói. Đến giờ, mỗi khi nhớ lại vẫn còn thương và xót lòng xót dạ lắm. Một quãng đời, tôi dành cho sân khấu, cho khán giả rồi, phần còn lại tôi dành cho công việc thiện nguyện và một ít cho mình.
Những giá trị về nghệ thuật ít nhiều đã bị thay đổi trong mắt người trẻ bây giờ. Có bao giờ nghệ sĩ Kim Cương đau lòng khi phải nhìn, phải nghĩ về thực tế như thế hay chưa?
20 năm rồi, tôi không còn đứng trên sân khấu nữa, mà nghệ thuật thì thay đổi hàng giờ, hàng ngày nên tôi không dám bình phẩm, nhận xét về ai, càng cấm kị chuyện lên án, chê bai một cá nhân nào đó.
Khổng Tử có một câu rất hay “Làm một người thầy thuốc dở chết một mạng người/ Làm một người lãnh đạo dở chết một nước/ Làm một nhà văn hoá dở chết cả thế hệ”. Đến nay, câu nói này vẫn còn nguyên giá trị. Nghề viết, sai một dấu, một chữ, thay đổi cả vận mạng một con người. Nghề hát cũng tương tự như vậy. Lên sân khấu, người nghệ sĩ phải chỉn chu, đứng đắn, đừng có chuyện hát bậy, nói tục. Làm một điều gì đó có ảnh hưởng đến xã hội, phải nghĩ cho người và nghĩ cả cho mình.
Khán giả trẻ lớn lên, chúng chẳng biết điều gì là đúng, là sai cả, như một cục bột, một tờ giấy trắng vậy. Mở tivi lên, toàn thấy những cảnh không hay nhưng người ta lại ngồi cười hả hê. Vô hình trung, các hành động lệch lạc, tiêu cực ấy lại trở thành quy chuẩn chung trong cách nhìn đời của những người trẻ, hư cả một thế hệ.
Trách nhiệm của người nghệ sĩ quan trọng lắm trong việc định hướng xã hội đi lên. Nhưng, thực tế làm người xấu bao giờ cũng dễ hơn làm người tốt, đưa xã hội đi lên bao giờ cũng khó hơn việc đẩy xã hội đi xuống.
Sân khấu những năm gần đây khó sáng đèn, theo chị, có phải sức cạnh tranh của sân khấu không còn đủ giữa guồng quay khá mạnh của những cái mới như truyền hình, gameshow...?
- Vấn đề này tôi nghĩ người nghệ sĩ cũng khó lòng mà trả lời cho tròn vẹn dù tuổi đời, tuổi nghề của tôi không phải ít. Ngày xưa, dù hoàn cảnh có khó khăn đến mấy, sân khấu vẫn sáng đèn, thậm chí diễn viên không được đào tạo. Ngày nay, thế hệ trẻ được nhiều thứ hơn chúng tôi lắm, điều kiện gì cũng thuận lợi, quan trọng là họ được mở tầm mắt nhiều hơn. Lẽ ra, họ phải hơn chúng tôi ngày xưa chứ!
Ngày xưa, sân khấu đúng như một thánh đường. Hiện tại, tôi vẫn nghe những đồng nghiệp mình ao ước được trở lại những năm tháng đó. Dù có cực khổ nhưng cứ đứng trên sân khấu là hạnh phúc vô bờ bến. Ngày đoàn Kim Cương còn hoạt động, tôi kỹ đến từng chút một, từ khâu bán vé, hậu đài đến diễn viên, cái gì cũng phải chỉn chu, mực thước. Sân khấu chẳng bao giờ ồn ào, bát nháo như hiện tại. Nghệ thuật là từ tâm hồn đến tâm hồn, nếu bị phân tâm, người nghệ sĩ diễn không xong, thông điệp đến khán giả cũng không tròn vẹn.
Đã bao giờ chị nghĩ bản thân mình phải đứng ra để đào tạo một lớp nghệ sĩ mới chưa, bởi tinh thần của Kim Cương ít nhiều sẽ nhen nhóm trong lòng những người trẻ một niềm hy vọng nào đó?
- Tôi nghĩ giấc mộng này không chỉ riêng tôi. Tôi nghỉ hưu 20 năm rồi nhưng tình hình sân khấu thế nào, tôi cũng quan tâm, cập nhật. Tôi đau lòng khi biết những đoàn diễn nghiêm túc nhưng không có khán giả. Thời cuộc bắt buộc cái gì cũng phải có hài, sân khấu dần mất đi nguyên bản vốn có của nó.
Thành Lộc hay biết bao nhiêu người nghệ sĩ ngoài kia, đâu phải họ không hết lòng nhưng những buổi diễn làm sao để chỉn chu, trở thành một nét văn hoá thì trách nhiệm nằm ở những người lãnh đạo về văn hoá. Nghệ thuật như tình yêu, như một con mèo, chúng không chết vì một vết thương mà bởi những vết thương cộng lại.
Sau đêm diễn "Tạ ơn đời" vào năm 2012, khán giả vẫn còn vấn vương một kỳ nữ Kim Cương trên sân khấu. Chị sẽ tái ngộ trong một ngày gần nhất chứ?
- Đến bây giờ tôi vẫn có một điều ân hận. Khi được vinh danh 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam, tôi hiểu đây là điều mà công chúng, khán giả dành tặng mình sau bấy nhiêu năm hoạt động miệt mài. Tôi muốn làm điều gì đó để đền đáp nhưng sức tôi để tổ chức một đêm hát thì không thể. Việc diễn xuất với tôi không quá khó khăn nhưng mọi thứ còn lại phải có người phụ giúp như khâu bán vé, thông tin.
Một đơn vị đã hứa với tôi rằng sẽ tổ chức đêm diễn cho tôi. Tôi đi mời Thành Lộc, Hữu Châu... để cùng dựng lại vở Lá sầu riêng và một số trích đoạn khác. Chúng tôi mong muốn số tiền kiếm được sẽ giúp đỡ những đồng bào miền Trung bị lũ lụt xây nhà kiên cố. Thông tin này tôi đã công bố với báo chí cả rồi nên tôi ân hận vô cùng khi chưa thực hiện được. Nhưng chắc chắn đêm diễn này sẽ diễn ra dù tôi biết sức mình cũng không thể gánh vác quá nhiều việc.
Cuộc đời mỗi con người đều có sự nuối tiếc, Kim Cương thì sao, thưa chị?
- Tôi được nhiều may mắn trong cuộc sống, nhưng thất bại duy nhất trong cuộc đời chính là đường tình duyên. Mấy mươi năm qua, tôi vẫn lẻ bóng. Người phụ nữ, trách nhiệm, cuộc sống của họ là với chồng, với con, với gia đình nhưng tôi thì suốt ngày cứ cầm ca hát xướng. Một người đàn ông dù yêu thương mình đến mấy họ cũng khó lòng chấp nhận. Vì thế, họ gặp người khác và rời bỏ mình, cũng là lẽ thường tình. Đây là cái giá tôi phải trả cho danh vọng và lý tưởng của cuộc đời.
Cái giá phải trả, đắt không thưa chị?
Đắt hay không tôi chẳng rõ, chỉ biết yêu đến cuồng nhiệt và đau đến tận cùng. Trái tim Kim Cương rồi cũng vỡ thành trăm mảnh sau mỗi lần chia ly. Với một người nghệ sĩ làm sao phân tách được tình yêu. Mối tình đầu tiên, anh là con trai của một Đốc phủ sứ ở Mỹ Tho làm trong ngành tư pháp, tôi lại là một nghệ sĩ trẻ nổi tiếng đầy danh vọng. Tình yêu của chúng tôi được báo chí quan tâm rất nhiều. Nhưng sau đó, chuyện lại không thành vì anh không muốn tôi tiếp tục đi hát nếu cả hai kết hôn. Thậm chí, anh và em trai của anh cũng từng tranh cãi rất dữ dội vì sự hiện diện của tôi trong gia đình với thân phận một cô đào hát.
Anh Trần Trọng Thức, nhà báo lừng lẫy thời bấy giờ cũng ra đi vì không chịu được cái nghiệp mà tôi đang mang. Kết hôn và sống với nhau 15 năm ròng nhưng tôi cứ đi hát miết, rày đây mai đó, còn thời gian đâu cho gia đình, cho chồng con. Gánh nặng trên vai đến tận 70 gia đình khiến tôi cứ quần quật với gánh hát. Còn người đàn ông, họ mong chờ một bữa cơm, một ly nước,… của người phụ nữ nhưng tôi đâu thể nào làm được. Thế rồi, tình cũng nhạt, anh tìm được người mới và tôi lại lẻ bóng.
Ban đầu, tôi có giận anh nhưng về sau, tôi thấy mình có lỗi vì không làm tròn bổn phận của một người vợ. Người ta vẫn hỏi vì sao tôi như vậy mà anh Thức lại bỏ tôi, tôi vẫn hay đùa rằng mười mấy năm là còn dài, chứ lẽ ra bỏ từ lâu lắm rồi. Đôi ba người đàn ông khác đi qua đời tôi, vì những lý do nào đó họ cũng chẳng thể ở lại.
Âu mọi thứ cũng là số trời, trời định cho tôi là Kim Cương, là người phải sống cho người khác. Chứ nếu bây giờ tôi làm vợ một ai đó, tôi đâu còn thời gian cho những người quanh mình.
Có bao giờ, nghệ sĩ Kim Cương hối tiếc về việc hy sinh hạnh phúc để đổi lấy sự nghiệp và nỗi cô đơn hay không?
- Tôi không dùng từ hối tiếc. Cuộc đời mỗi con người, luôn có những từ giá như, phải chi... Nhưng nếu không có những ngày trong quá khứ đau khổ ấy thì làm sao có được Kim Cương hiện tại. Quá khứ đã ngủ yên rồi, tôi cũng bình an sau bao nhiêu sóng gió, đổ vỡ. Thôi thì yêu cũng đã yêu, hết lòng cũng đã hết lòng, đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn chưa bao giờ biết đến hai từ hối hận. Những thất bại, đổ vỡ trong đường tình duyên, hôn nhân, tôi nghĩ đó là kinh nghiệm để bản thân mình trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn.
Chị từng kể về những ngày gánh cả đoàn hát, thực sự trách nhiệm đó phù hợp với một người đàn ông hơn thì phải?
- Ngày đó, gánh cả đoàn hát, đâu chỉ lo miệng ăn mà còn rất nhiều vấn đề khác, cả an ninh, tương lai cho các anh, chị, em nghệ sĩ. Dù có những người phụ tá nhưng kỳ thực bao nhiêu trách nhiệm đổ cả lên đôi vai tôi, đến 70 gia đình chứ không ít. Nhưng cuối cùng, Kim Cương cũng làm được đấy thôi.
Thật lòng, có bao giờ trong những giờ phút ấy, chị cần một điểm tựa, cần một người đàn ông?
- Ánh đèn sân khấu tắt, tôi là Kim Cương, một người đàn bà đơn thuần. Vì thế, lẽ nào tôi không nghĩ đến việc mưu cầu hạnh phúc. Nhưng số trời cũng đã an bài rồi nên tôi chấp nhận cái khổ thuộc về mình. Tôi nặng về tình chung để rồi tình riêng lỡ làng.