Mãi cho đến một ngày cách đây 10 năm, trong chuyến từ thiện về Bến Tre, tôi được bà con đưa đi thăm mộ phần của anh, nằm giữa vườn cây xanh ươm. Chẳng còn lả lướt sóng đôi. Không phải chọc giận, bỏ đi. Nhưng là lời xin lỗi của tôi, thốt ra, với anh, bởi sự vô tình… cố ý mà cả quãng thanh xuân tôi luôn dành riêng cho anh. Và sự hàm ơn của một đứa em, một người bạn diễn, một “lớp sóng thần” đã được anh cuồn cuộn nâng niu, ào ạt nâng đỡ, cho cả hai chúng tôi nồng nhiệt, đắm say theo từng khúc thức, trong mỗi trình thức.
Hơn 50 năm rồi, tiếng ca anh vẫn nồng nàn trong tôi. Chất tenor nam cao, quãng giọng dramatic, độ vang dày, hào sảng mà vẫn giữ chất trữ tình, mềm mại của light lirico. Anh mang theo cơn sóng thần ấy, từ tân nhạc sang cải lương, sự nức tiếng lẫy lừng không phải vì lạ lẫm, bởi sau phút tò mò hẳn công chúng sẽ tỉnh rụi, để họ càng nhận rõ cái hào hoa, phóng khoáng, bay bổng, mạnh mẽ trong giọng ca ấy, chất hiện đại, văn minh và rất… xi-nê trong diễn xuất ấy là cộng hưởng của một tài năng thực thụ.
Nghệ sĩ Hùng Cường
Sóng đôi với Tenor Hùng Cường, Soprano - Bạch Tuyết, một sobourette đúng nghĩa, nữ cao trữ tình nhưng… hơi mỏng - là tôi, không dại gì mà không nương vào anh, trôi theo anh, cứ thế rồi thành sóng, thành bão. Cũng có khi làm “nát” cả chính trái tim mình.
Không phải vì lọt lòng từ tân nhạc mà Hùng Cường ca cải lương một cách rất… mới, đậm chất phiêu lưu. Nhất là lối ca chẻ ngược nhịp vào những câu cuối khiến không ít thầy đờn run tay, người nghe hồi hộp; nhưng rốt cuộc anh “về đích” rất êm, rất độc đáo. Bản tính anh, cái chất “đàn ông” trong anh, nó cứ sôi nổi, bộc trực, quyết liệt và cơ bản, anh chẳng thích làm màu. Dù mọi nốt nhạc thăng giáng, cú bỏ nhỏ thần sầu vào mỗi chữ đờn hay vài ba bước di chuyển trên sàn diễn cũng luôn được anh tính toán, sắp đặt, tuân thủ triệt để. Như cái cách anh nốt vào từng trang của rôn tuồng: “Chỗ này tay mặt đặt lên vai Bạch Tuyết, tay trái vuốt tóc nhưng mắt không nhìn thẳng vào mắt Bạch Tuyết mà chỉ nhìn lướt qua trán…” hay “Từ giữa câu vọng cổ đứng lên, đi xa hẳn Bạch Tuyết, chừng ba thước rồi bất thần chạy thật nhanh, đối mặt với Bạch Tuyết, nắm hai vai lắc mạnh, không rời cho đến khi dứt câu…”. Trong buổi tập tuồng, đang ca say sưa, bỗng anh dừng lại, chỉ thẳng anh chàng ôm cây đờn nguyệt: “Sợi dây trên lên còn thiếu nửa cung, nghe sống nhăn, kỳ cục lắm”…
NSND Bạch Tuyết
Chiều, tôi ngồi trên xe máy, chạy từ đất nhà anh ra lộ lớn. Dọc theo con sông Hàm Luông lộng gió, mà mơn man nghĩ về dòng chảy Bạch Ðằng tận đất cảng quê anh. Hùng Cường mang theo cái dọc ngang hào hiệp của vùng biển Hải Phòng, hòa cùng con nước Cổ Chiên - Ba Lai, nồng nàn, nghĩa khí, vào trong chất giọng lẫn tính cách. Ngày biết tôi trở lại sân khấu, trước giờ tôi đến rạp diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga, qua điện thoại, anh nghèn nghẹn chúc mừng tôi và dặn, em phải diễn luôn cả phần của anh nữa…
Ðó là cuộc nói chuyện sau cùng của tôi và anh.
Hồi ông Sáu Tuấn (Giám đốc Ðài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang) còn sống, vì quý nhau cái tình dành cho cải lương, ông già Sáu Tuấn là bầu Ấu, trồng củ ấu, mở gánh hát, nuôi giấu người kháng chiến nên tôi thường nhận lời hát chương trình đón giao thừa cho nhà đài. Hát xong ở Vị Thanh, trên đường về nhà, tôi lại tranh thủ ghé quê, chủ yếu là thăm mộ má tôi và bà nội của con trai tôi nằm trong chùa Tây An, dưới chân núi Châu Ðốc.
Thả bộ từ triền dốc Tây An, băng qua mấy con lộ, chẳng mấy chốc đã ôm trọn vào tầm mắt mình cái ngã ba sông Bảo Giang - Châu Ðốc - Long Xuyên, từ đây, con nước chảy xuyên qua tới Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Bất giác, tôi rung giọng theo điệu Lý con sáo: “Bông ô môi/ Gió cuốn rụng đầy trên sông/ Nhìn mây trời mênh mông/ Kẻ ly hương nay đã quay về/ Sao trong dạ não nề…” (soạn giả: Viễn Châu), như có một Tấn Tài đang chảy trong cảm âm tôi, trong tiềm thức cội nguồn tôi và anh.
“Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài mãi ngự trị trong lòng khán giả và đồng nghiệp
Cũng là bài vọng cổ Bông ô môi, tôi nghĩ ông già Bảy Bá hiểu từng chữ đờn trong giọng ca Tấn Tài nên mới để soạn giả Viễn Châu gieo vần đặt dấu không trật vào đâu được. Ở câu 5, ông viết: “Bác Sáu giăng câu cho xuồng cập bến ngước mắt nhìn tôi thay tiếng hỏi câu chào. Giây lâu bác mới nhẹ nhàng lên tiếng cháu ở xa về tự hồi nào…”. Tấn Tài cứ thế đặt giọng cho mỗi chữ hò, từ hò 8, hò 12, hò 20, anh tung tẩy nhịp lẫn phách trong lòng bản cực kỳ bay bướm nhưng thanh thoát. Cái thần sầu ở cách gieo âm cho 4 chữ “về tự hồi nào” thành “về từ hội nào”, ca như giỡn, quãng âm giữa các ký tự trở nên lung linh, bay nhảy, mượt mà là vậy.
Ðâu khoảng năm 2010, anh đã ngoài bảy mươi, tôi cũng hơn sáu chục, vậy mà anh em tái hợp ca diễn trích đoạn Tiếu ngạo giang hồ. Vì yêu mà thể tất cho Lệnh Hồ Xung lẫn Doanh Doanh luống tuổi, nhưng nhìn cách khán giả chào đón anh, và tự bản thân tôi cũng mong chờ nghe lại anh, mới thấy tiếng ca Tấn Tài đã nằm lòng tiềm thức khán giả lẫn đồng nghiệp thế nào.
Tôi mãi là con Tám - Bạch Tuyết cạnh thằng Tư - Tấn Tài như thuở 50 năm về trước; và anh - sẽ không ai thay thế được chàng Kiều Phong của A Tỷ - tôi hay một An Lộc Sơn trong trái tim các thế hệ. Ðể đêm giao thừa năm ấy, đứng giữa ngã ba sông An Giang hay tối cuối cùng tôi đến thăm anh ở quận 8, năm 2011, đường trở ra gập ghềnh, hiu hắt, tiếng ca anh, nụ cười dung dị, nhân cách mực thước, ôn hòa của anh như dẫn tôi đi, rồi tiễn nhau qua một chặng đường ca kỹ.
NS Tấn Tài và con trai năm 2009
Trong số những danh ca cải lương, NSND Thanh Tuấn là người miền Trung, Quảng Ngãi, có lẽ vì vậy mà làn hơi anh nặng hơn, đậm đà hơn; cái cách anh luyến láy cũng có phần hoa mỹ, bay bướm như chính miền đất - khúc ruột dằng dặc này. Nghe Thanh Tuấn ca qua sóng phát thanh truyền hình, qua băng đĩa, cho đến ngày cùng chung một phòng thu audio trong Kim Vân Kiều thì chính tôi, ngây người ra mà nuốt trọn cái thanh âm đa tình, nồng nàn, không thể có trường hợp thứ hai.
Ngọt, mùi, vang và ấm, bốn yếu tố ấy hòa hợp, quyện chặt vào nhau để khi vào bài vọng cổ thì đẩy làn hơi lên cao gấp đôi, gấp ba cái dây đờn bình thường. Ca vọng cổ bằng dây xề thì chỉ có thể là Thanh Tuấn, tôi dám chắc với quý vị như vậy. Và anh - đến thời điểm này, may là cuối cùng người ta cũng “chịu” trao danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho anh (cùng sự cố “xét lại” hồ sơ NSND Minh Vương, NSND Giang Châu) là một báu vật sống của cải lương, đích thị.
Nghệ sĩ Thanh Tuấn
Nhớ một thời Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được các tỉnh bạn mời về biểu diễn liên tục, dẫn đầu đoàn là nghệ sĩ Lê Thiện, có lần chúng tôi về Quảng Ngãi. Xe đưa chúng tôi đi dọc những con đường bên bờ sông Trà Khúc, ngó lên đã thấy cái hình thang - núi Ấn, không cách xa mấy là biển. Mon men tìm đường lên núi, chúng tôi bắt gặp một ngôi giếng cổ ngay trong lòng đỉnh. Tôi ngước nhìn bầu trời trước mặt, nước chảy từ trời mà rơi xuống giếng hay nước từ biển ngấm vào lòng núi, qua từng khe mạch mà đội nước lên đỉnh. Chẳng biết. Ngu ngơ mãi cho tới khi lắng tai nghe từng câu ngâm Kiều, ca Kiều, nói lối Kiều do chính người con xứ Quảng thể hiện, tôi tự mình “giải mật”: đất ấy, núi ấy, biển trời ấy đã tạo nên cái tần số âm thanh khi cao vút tới mây xanh, thong thả về bình nguyên rồi lại ẩn vào trong đất.
Nói không quá, nếu miền đất quê cha ấy đã được Niêm Ấn Thiên Hà, thả một quả (núi) Ấn của trời vào cho đất thì cải lương cũng đã nhận một Niêm Ấn từ danh ca Thanh Tuấn. Cảm giác, tiếng hát ấy tự mình rao đờn, tự mình gõ song lang, tự mình chuốt những nốt thăng lẫn giáng. Nghĩa là âm điệu nằm sẵn trong hơi, anh cất giọng là nhạc trỗi, trỗi theo cung bậc nào, anh không phải theo đàn mà ngược lại, dây nào (ca) cũng tới, chữ nào (ca) cũng chín, bản nào (ca) cũng hay. Có lúc, đang thu tiếng, tôi trố mắt nhìn ông bạn, hỏi ngây, ủa chớ sao anh ca thần sầu dữ vậy anh Tuấn, ông bạn dướn mắt rồi cười xòa.
Trong chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội, anh là một trong ba khách mời đặc biệt. Anh xuất hiện với một bài vọng cổ và một trích đoạn. Tối ấy, anh bị khan tiếng, cứ rào trước đón sau với khán giả vì áy náy ca không tròn. Vậy mà vừa cất giọng, bao nhiêu cảm hàn như bay biến, tuổi tác cũng chẳng màng, từng tiếng về xang, dứt câu 2 hay ra cống ở câu 6, xuống hò ở câu 4, anh hút hồn từng khán giả. Tôi đứng từ cánh gà, ngóng theo từng nhịp phách. Kính trọng một tài năng. Nâng niu một tài danh. Nếu có kiếp sau, cũng chỉ xin được làm người ca hát mà vui cho đến tàn canh…
Hình tượng thầy Ba Ðợi qua khắc họa của NSND Thanh Tuấn (hợp diễn cùng NSƯT Hồ Ngọc Trinh)
________________
NSND Bạch Tuyết
Kỹ thuật: Minh Duy