Ở xã Ðất Mũi này, lớp cố cựu chứng kiến thuở nổi nênh con nước, cọp khỉ vào nhà tìm thức ăn, người ta nói sót lại mình ông. Tám mươi bảy tuổi rồi, vẫn dáng ngồi như cây đước đã qua thuở trai tráng giờ chỉ còn ròng lũa bóng màu thời gian. Hai bàn tay ông, những ngón đen, trầy y chang đước, trong lúc nói cứ cắm quặp xuống ván đước như bộ rễ sinh từ giấc mơ của đất và cây.

… Hồi đó, tôi được 10 tuổi thì ông già tôi mất. Ông tôi nói chôn ở rừng chứ đâu, rừng là nhà mình mà. Lớn lên tôi mới hiểu lời ông nói, nên sau này thấy rừng bị người ta phá, xót lắm. Chỗ nhà tôi đây, hồi đó là rừng đước. Ngay chợ Ðất Mũi cũng là rừng. Chỗ mũi con tàu cũng là rừng. Rừng mút chỉ cà tha. Ai mà nhớ được ở đây bao nhiêu đời rồi, chỉ biết tôi sinh ra thì còn ông cố bà cố, ông bà nội ngoại. Sống cực mà ai cũng thọ.

Hồi đó, khi giặc Pháp chưa tới, nhà tôi ở kinh Vàm Xoáy, sau hòa bình lập lại mới dời về ấp Rạch Tàu. Hồi đó, chỉ có 60 nóc nhà thôi, quây chụm, còn chỗ khác không có người đâu. Ðây là gốc của xóm nhà không cửa chứ không phải xóm chỗ gần mũi tàu. Của cải có chi mà cửa nẻo, cũng chẳng ai ăn cắp, có đâu như bây giờ… Hồi đó, cả xóm làm nghề đóng đáy, đi xuồng chèo, ghe buồm, không tạo sóng ầm ầm như vỏ lãi; con nước cũng không dữ như bây giờ. Không có chuyện lở. Bãi bồi bùn lút tới gối. Dân ít, ghe ít, phù sa ít bị khuấy nên nó cũng ít bị trôi đi.

Cá tôm đặc nước, đẩy cái ghe ra, đóng năm cái đáy là khẳm be, chia cả xóm ăn. Biết bán cho ai, lớp phơi khô, lớp đổi lúa chứ tiền bạc không có. Lúa đem về, giã ở cối được khoét bằng thân cây. Ðồ ăn thì để trong bội chứ làm chi có tủ mà đựng. Bãi bồi thì chim cò bay mát mặt. Cứ thế mà sống. Cực bao xiết, nhưng bình yên lắm. Chỉ thời chiến tranh chống Mỹ là khổ không chi bằng. Nó rải chất độc hóa học. Trốn vô rừng cũng không xong. Hồi đó, đi làm đáy ban đêm chỉ sợ con nước xoáy nhấn chìm; lúc Mỹ đến thì ngán hải thuyền bắn chết. Ðói vàng mắt vì ăn bí là chính chứ làm chi có gạo.

Hết bí thì ăn trái mắm. Lột vỏ, bỏ nhụy, luộc tám - chín nước, nó trắng như lát thịt heo. Không có trái mắm, chắc chết hết rồi. Cây mắm, cây đước to một người ôm không xuể. Mỹ phun chất độc, rụng tơi bời, nhưng nó không chết. Nước ngọt không có, phải hấp nước lấy từng giọt uống qua ngày. Hồi đó làm chi có đốt than. Rừng đầy củi. Cái vụ làm than chỉ có từ thời ông Diệm…

Hồi đó… những trường đoạn thay nhau trồi lên trước mắt ông già ngổn ngang như sóng tạt bờ. Thời gian gay gắt phủ lên xứ sở phù sa cuối cùng ở châu thổ Cửu Long này bấy nhiêu câu hỏi như vết lở không hàn kín miệng, như trăm sông đổ về một biển với những cú giật ùm, uỳnh gói trong đó nước mắt bao đời cần lao, chết trân ngơ ngác: vì sao lở dữ, sông ơi? Tôi về Ðất Mũi, đất vẫn ca điệu buồn lở theo sông, ùm một cái tan tành, thắt tim những số phận chới với trên bờ.

Lở ngay chợ ở ấp Rạch Tàu, Rạch Gốc, Vàm Xoáy, Xóm Mũi. Chỗ tượng mũi con tàu bây giờ, không phải là chỗ lâu nay đứng, mà nó cũng mã hồi một đoạn dài, nếu không chỉ thấy sóng bạc trắng bãi. Ông Nguyễn Văn Ðược, nguyên Phó bí thư Ðảng ủy xã, nói: “Nhà tôi hồi trước ở ngoài biển, chạy lở ba lần rồi đó. Lui thì lui chứ bỏ đi luôn là không à nghen. Ông nội tôi là Nguyễn Văn Nhạc, chính là người nuôi ông Lê Duẩn thuở xứ ủy đóng nơi đây, ông hay dặn đừng bỏ làng mà đi nghen con, nhờ rừng nhờ sông mà nhà mình có được như bây giờ.

Thời cố tôi là ông Nguyễn Văn Như, đóng đáy, làm than, mở kênh từ xóm Mũi xuống chỗ Vàm Xoáy bây giờ, đến ông nội tôi thì đào dẫn từ sông vô rừng để nếu giặc có đuổi thì chèo xuồng vô kênh trốn. Thấy lở mà sợ, nhưng Trung ương đang cho làm kè, thì hy vọng sóng không nuốt đất nữa. Nhà thằng Bảy Hên mới sụp xuống sông hôm qua đó. Hồi đó ngay chợ muốn thấy biển thì vỏ lãi phải qua hai cái cua, chừ đứng nhìn thấy biển rõ ràng”.

Cả miền Tây chạy lở chứ riêng chi Cà Mau, nhưng cớ sao vẫn đong đưa hạt phù sa mắc trên rễ cây đước như cái kéo tay tôi rằng, lở thì chạy chứ không phải chạy vì lở. Nếu chạy vì lở thì đó là chấp nhận như thói thường vốn dĩ, nhưng lở phải chạy thì nó giùng giằng như hạt mưa không chịu ra biển. Hạt mưa hay hạt phù sa đã đọng máu thành đêm trong mắt người xứ Mũi như ông Mười Hố, Tám Ðá hay Hai Ðước này. “Chạy đi đâu chứ, dù mồ mả ông bà tôi rồi cũng sẽ tính di dời. Hồi đó - giọng ông già Mười phá tan không khí ngưng lặng như căn nhà vừa rơi ùm xuống sông, nổi bọt, chỉ còn đôi mắt sững sờ chết đứng của chủ nhân - ông bà tôi làm nhà bằng lá, lát ván bằng đước; giặc càn, hốt bộ ván xuống xuồng đẩy đi, trốn vô rừng đước ngả bộ ván làm chỗ nằm; áo quần không có, tự dệt vải ta mà mặc, nó dày cứng, chỉ đóng quần cộc. Cực như vậy mà có bỏ làng đâu. Tôi nhớ ông cố tôi dặn: con à, ông bà tha hương tới đây lập nghiệp. Rừng thương, đất thương nuôi mình, thì ráng mà giữ làng, sống có nghĩa với đất, đừng vì cực mà bỏ đi. Ðừng phụ đất, thì nó không phụ mình đâu. Cả đời lớp tôi cực, nhưng chưa một lần phụ đất phụ rừng, giặc bắn cháy nhà, chết người cũng không bỏ, hà cớ sao con người bây giờ nay dời mai đổi, phá rừng, bỏ đất là sao? Tại mình hay tại đất? Sóng đẩy thì mình lui, trồng rừng rồi kè”. Rồi ông lẩm bẩm, giọng rưng rưng: “Có thương đất thì đất mới thương mình…”.

Hai bàn tay ông già như bấu chặt bộ ván, lún xuống như thể mười quả đước lao thẳng xuống bùn, để rồi nó mọc thành rừng giữa mênh mông bờ bãi. Như không thèm đếm xỉa những câu trả lời phân tích tại sao lở triền miên và dữ dội, mắt ông già như muốn nhảy dưới hàng lông mày lưỡi mác, quyết liệt thề sống chết. “Anh nghĩ sao mà bỏ được - ông nhìn đứa con trai út da nâu đen tựa vảy cây đước như gửi gắm và buộc ràng - Hơn 15 năm rồi, cứ nửa đêm là nhớ thuở lên mười, rừng ngút mắt kín trời, tôm cá đầy sông, đất đai lành hiền, ao ước khi chết được nhìn thấy người - đất - sông - rừng như ngày xưa, nguyên vẹn.

Không giữ được, là bất hiếu với tổ tiên, bạc nghĩa với đất”. Ông quay mặt đi, mái đầu bạc và đôi vai gầy rung lên. Hình như có hạt phù-sa-máu đang trồi sụt trong ông, trong lớp lớp con dân xứ sở thuở mới đến đây dựng chòi, nổi lửa, men theo kênh rạch mà sống, bám cây đước cây mắm mà lấn biển, sinh nhai, đời nối đời xem rừng xem sông xem đất như vị thần cứu khổ tốt bụng, như Mai An Tiêm sống trên đảo hoang tìm ra dưa hấu thả biển để một ngày bao người biết đến, kéo nhau quần tụ lập làng, giữ đất, tạc vào câu ca “mắm trước đước sau tràm theo sát/ bên hàng dừa nước mái nhà ai”.

Người như mắm như đước như phù sa, cần mẫn, thủy chung và lì lợm với biển. Sẽ dễ hiểu, hình như thế, ở những người như lớp ông, con cháu ông, khi phù sa muối mặn là máu, khi khói đước khói mắm là hơi thở đã nuôi buồng phổi phổng phao qua tháng năm, để bất kỳ ai, mỗi lần ngó lên bản đồ, thấy nơi chót vót biển cực nam kia, một dấu nhọn nhô như mỏ chim muốn xé gió lao ra biển, là Ðất Mũi. Nếu họ đi hết, đất ở với ai?

Bùn lút bàn chân tôi, phải khéo léo né chi chít cây mắm non như bãi chông dày mịt đã mọc lên hai gang tay. Cầm quả đước như con dọi bằng chì màu xanh nâu, thuôn dài như lưỡi giáo thời tiền sử, tôi nghĩ về cú lao đột ngột mà không hề bất ngờ của nó khi thoát thai từ bụng mẹ, cắm thẳng xuống bùn, và từ đó, bùn, nước thành người bảo bọc để nó lại bảo bọc người như giao ước từ tiền kiếp. “Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng”. Câu hát của Hoàng Hiệp về Cà Mau như giấu kín người tình của phù sa chính là đước, mắm, sú, vẹt để một đêm trở dạ thành chồi non lành hiền và ngạo nghễ trước biển. Có ai đếm được bao bước chân của phù sa vạn dặm, của rừng đước mắm mênh mông cuối trời tổ quốc mang gương mặt người ròng rã và kiên gan thuở khẩn hoang cơ cực trăm bề, để đến bây giờ ùn lên bao lo âu, vốc phù sa trên tay hỏi trời hỏi đất. Ngay bờ kè phía bên đông của mũi tàu, chồi của đước, mắm mọc lên, như chen chỗ ở với bùn, lấn ra biển.

Câu chuyện lở đất và trị nó, theo ông Dương Tiến Dũng - nguyên Phó chủ tịch tỉnh Cà Mau, rất tình cờ. “Tau xuống khu mũi tàu, thấy lở sợ quá, thắt ruột, có du khách đến thăm, nói y như bị xâm lăng anh ơi, không giữ được thì mũi Cà Mau không còn nữa. Thiêng liêng lắm. Tỉnh bỏ ra 200 tỷ đồng làm. Sóng hốt ra như con nít bốc cát ném. Công văn ra Trung ương. Chờ miết không thấy trả lời. Viện Thủy lợi Bộ Xây dựng vào cũng lắc đầu thua. Một bữa có thằng thầu xây dựng gặp tau, nói giờ làm thế này nè anh ơi, đóng cọc sưa ra, bên trong bỏ đá hộc, làm ngay chứ không thì mất hết.

Tau gật, nhưng cho làm cọc ly tâm, đóng ra cách bờ cả cây số. Sóng vào, gặp hàng cọc là vỡ trận, rúc vào trong tới bờ là hết đập xô rồi. Khi nước tháo lui thì phù sa còn lại đó chứ mất đi đâu, thêm cát nữa. Quả đước, quả mắm cũng không thể bị cuốn cái ào mà bám vào kè đá. Vừa làm vừa hồi hộp. Hai tháng sau, thấy nó bồi ra 200m. Trời đất, mừng ơi là mừng! Có vậy mới giữ được khu mũi tàu bây giờ. Mày đến thì thấy rồi đó, kè vững chắc, bãi bồi kéo dài ra. Lối kè này, bây giờ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn áp dụng đại trà phía biển tây như Phú Tân, Trần Văn Thời. Cái thằng thầu đó dân Ðất Mũi, chẳng có bằng cấp chi đâu, chỉ vì lo đất quê lở…”.

Ôi, ông kỹ sư dân gian nào đó, nhờ ông mà giữ được mũi con tàu. Bùn khóa cổ chân tôi, lạnh và dịu êm như câu hò nửa đêm ai cất lên giữa mùa chướng. Chỉ có kè mới giữ được đất, bởi không thể duy ý chí. Nhưng kè cũng chỉ là động tác cơ học, khi con người không quay mặt với đất. Thằng con ông Mười Hố đi đâu về, trầm ngâm nhìn con sông Rạch Tàu chuyển màu xám sẫm khi mặt trời đã khuất sau cánh rừng đước. Dáng lòng khòng của nó như đước tuổi cập kê. Nó không đi Bình Dương, Ðồng Nai làm công nhân, “em ở nhà, ba em già rồi, với lại đâu có bỏ làng mà đi được anh, sống quen rồi, dẫu buồn lắm”. Giọng nó như nghẹn. Ông nội, ông cố đến ông già nó là cây mắm một thuở. Nó như thằng Cộc cô đơn thèm khan cổ tiếng người trong Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc. Xóm Ô Heo một thuở hay cái làng thuở nhà không cửa của cha ông hiện diện đến giờ. Lời tiền nhân dặn, đâu có quên được. Hai tay nó bất giác nắm chặt. Tôi như thấy có cây mắm con mọc từ ngón tay nó, phù sa theo đó ứa ra, màu nâu xám… 

________________

Mộc Miên - Quang Thư

Kỹ thuật: Minh Duy

Chia sẻ bài viết: