Một tình cờ thú vị, hai vị khách mà Báo Phụ Nữ TP.HCM hân hạnh được trò chuyện về đề tài “khô như ngói” nhưng lại rất hệ trọng này - một ông tên Sơn, ông kia tên Hải - cùng lan tỏa những tâm nguyện đong đầy về một đô thị mơ ước cho người dân Việt. Điều tốt đẹp họ sẻ chia được ấp ủ bằng tất cả sở học, lương tri và chắc chắn nó không hề tình cờ.
Chúng tôi chọn qua cầu Thủ Thiêm, rẽ tay trái bờ bên kia là một quán cặp sông thuộc quận 2 (TP.HCM) cho buổi “mạn đàm đô thị” với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn và chuyên gia đô thị Nguyễn Vĩnh Hải.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn
“Cái đẹp và không đẹp”, vừa nói ông Hải vừa đưa mắt sang tòa nhà cao lênh khênh Landmark 81 bờ đối diện cũng là nơi ông đang cư trú. “Nó là một câu chuyện dài và lớn về đô thị. Bên cạnh những cái bất hợp lý đang khiến dân tình choáng ngợp bởi sự sang cả của những công trình như thế, tôi còn thấy phát triển không gian đô thị hiện nay chưa chú trọng đến sự cảm nhận về nơi chốn vốn dĩ được hình thành từ ngàn xưa khi chúng ta bắt đầu biết cảm nhận về quê hương thanh khiết của mình. Ðấy mới là vấn đề. Chính điều đó làm tôi thấy vẫn không phù hợp dù đang sống trong quần thể được xem là “luxury” đó”, ông nói.
Chuyên gia đô thị Nguyễn Vĩnh Hải
“Phải coi đô thị là một cơ thể sống”, người đàn ông tự nhận “ngoài nghiên cứu đô thị ra chả biết làm gì”, quả quyết như thế khi chúng tôi bảo nhau: cứ nói đến phát triển đô thị thì y như rằng nhiều người sẽ bị ám ảnh bởi sự bê tông hóa…
Hiện tượng bê tông hóa thể hiện hai vấn nạn lớn của đất nước: chất lượng quy hoạch chưa cao, cộng với tình trạng phá bỏ hoặc không theo đúng quy hoạch.
“Có đến hai cái sai chồng lên nhau. Ta chưa có được quy hoạch tốt rồi, nhưng lại không làm theo nữa, thế là nó cứ lung tung cả lên. Ví dụ TP.HCM có tiềm năng mặt nước với hệ thống kênh rạch và các con sông lớn quá đẹp. Thế mà, bằng cái cách quản lý kém, chúng ta đánh mất dần, mặc cho bờ sông Sài Gòn đang bị các doanh nghiệp mạnh ai nấy “xí” từng cụm, từng cụm”, giọng ông Hải ngắt quãng bởi ông vẫn tin thành phố có quy hoạch, chỉ là không tuân thủ, không làm theo mà thôi. Nghe tham mưu chưa đủ, mà hãy… xuống phố nghe dân, các chuyên gia tâm huyết nói gì, từ đó may ra bày được “bữa tiệc” quy hoạch ngon-đẹp-chất lượng.
Dinh Thượng Thư, một công trình cổ đã được giữ lại giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh - ẢNH: INTERNET
Tôi ngắt lời ông vì muốn nêu một kinh nghiệm. Trước đây, TP.Ðà Nẵng hằng quý tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến chuyên gia và kết cục là có phần bị “bội thực” ý tưởng. Ông Hải cho rằng, để tránh hoang mang trước ý kiến chuyên gia, người lãnh đạo nên tự bổ sung kiến thức về đô thị cho mình để khi nghe tham mưu vẫn có thể kiểm soát được đúng sai, đồng thời, phải đủ bản lĩnh coi thường… vật chất trước những ý kiến “phá hoại”.
Chỗ chúng tôi ngồi trò chuyện lọt thỏm giữa các dự phóng của TP.HCM đang hướng phát triển về các phía đông, tây bắc, lấn biển… để hình thành các đô thị vệ tinh. Bài học thất bại của Nhật Bản, Hàn Quốc khi muốn làm đô thị vệ tinh như châu Âu, Mỹ cho tôi một gợi ý thưa với các chuyên gia. Ðó là họ nhận ra, phải làm thật tốt việc phân tầng ngay tại nội đô cũ thì mới có thể giải quyết được vấn đề đô thị, hơn nữa, kinh nghiệm cải tạo cái sai cũ ở nội đô sẽ cho ra những vùng đô thị mới tiếp theo tốt hơn.
“Chuyện này thuộc về triết lý phát triển đô thị với hai cách thức thực hiện. Theo phương pháp cũ là quy hoạch tổng thể đã xuất hiện từ năm 1950-1960. Tức là neo đậu tất cả ý tưởng, mục tiêu vào trong một bản vẽ mà không có chiến lược. Ðến thập niên 1980, thế giới đã bỏ cách tiếp cận này, thay bằng phương pháp quy hoạch tích hợp, không những chú trọng phát triển cơ sở vật chất đô thị mà còn vạch ra chiến lược về tài chính, nguồn lực, kế hoạch, cách thực hiện rất cụ thể. Bản chất của quy hoạch này là người ta không làm dàn trải nữa, tập trung đi vào cái gì đã làm mà bất cập như tắc đường, ngập nước, ô nhiễm… thì sẽ chữa cái đó trước, rồi mới làm cái mới. Ðầu thập niên 1990, triết lý đô thị nén ra đời cùng với nhận định về môi trường. Thế giới ý thức sâu xa môi trường đang “chết” và ra sức tác động làm sao để cấp bách cải thiện. Ưu điểm của đô thị nén là không đô thị hóa tràn lan để tạo dựng lại những mảng xanh, gây dựng lại môi trường”.
Nghe đến mảng xanh và môi trường, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn lập tức nhổm dậy, đặt tách trà xuống bàn, tha thiết. Không gian xanh - mặt nước rất quan trọng đối với một thành phố và phải đi đôi với nhau, bổ sung cho nhau vì tính bền vững. Quá trình phát triển từ khi đổi mới trước năm 1990 đến giờ, mọi thứ đều ưu tiên cái khác, thậm chí người ta có thể lấp kênh rạch, xóa bỏ các không gian xanh để phát triển đô thị.
Hệ lụy là ô nhiễm nghiêm trọng, nhiệt độ nóng dần lên, tình trạng ngập nước nặng, đặc biệt, những khu có công trình mới mọc lên càng ngập nặng bởi đã bê tông hóa hết mặt đất, không dành đất cho không gian xanh, cho nước thoát. Tôi như thấy mình nóng người lên khi nghe con số so sánh từ ông: “Các thành phố lớn của ta có tỷ lệ không gian xanh - mặt nước rất thấp, chỉ 0,5-1m2/người. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc, không gian xanh - mặt nước tối thiểu phải 10m2/người và những đô thị được cho là xanh thường phải đạt tới 25-30m2/người hoặc hơn.
Chúng ta đang ở vị trí dưới 1m2 không gian xanh - mặt nước mà muốn nâng lên tiêu chuẩn 10-20m2/người tức là phải gấp 20 lần buộc phải có kế hoạch triệt để”. Vậy là đường còn xa lắm, nên theo ông Sơn, thì trước hết, phải bảo vệ không gian xanh - mặt nước hiện hữu, không thể để tiếp tục xảy ra tình trạng chiếm công viên, lấp kênh rạch, lấn sông ngòi làm công trình nữa. Giọng ông như thắt lại khi nhắc về hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Ðức Thắng bị đốn hạ để phát triển dự án.
- Thực ra thiết kế cây cầu ở đó là cần thiết, nhưng vẫn có thể dịch chuyển lên 20-30m thì vẫn giữ được hàng cây phải không thưa ông? Tôi nói.
“Vâng đúng thế. Và điều tôi muốn nói là theo dõi dự án này, suốt quá trình phê duyệt, đấu thầu không ai nêu hay đề cập chuyện chặt cây. Ðến lúc đấu thầu xong rồi mới “xì” ra phải chặt hàng trăm cây cổ thụ. Do đó, chúng ta phải đưa ra chủ trương triệt để là tất cả dự án phát triển nào liên quan đến chuyện xâm hại cây xanh hay không gian xanh - mặt nước buộc phải có đánh giá kỹ lưỡng ngay từ đầu trước khi phê duyệt”.
Vẫn là cây, chưa hết đau đáu tiếc nuối đến bực bội từ ông: “Một số chuyên gia cho biết đa số cây trồng ở thành phố sau này đều không đúng kỹ thuật. Lẽ thường trồng cây con chờ lớn hơi lâu, nên để nhanh, người ta phải cắm cây trưởng thành xuống. Nhưng các đơn vị cây xanh lại thực hiện không đúng ở chỗ khi bứng từ vườn ươm ra trồng ở phố, đáng lý phải giữ cho được rễ chính (rễ đuôi chuột) cắm sâu xuống để cây trưởng thành sống tốt, tránh bị gãy đổ. Nhưng kiểu làm “ăn xổi ở thì” lười đào lấy rễ đuôi chuột mà cắt ngang, chỉ còn các rễ phụ. Khi trồng thiếu rễ chính, cây sẽ phát triển không bền vững, gặp gió bão sẽ trốc gốc”.
Buồn quá. Liệu nội đô có còn đất cho cây xanh một vương quốc riêng như kỳ vọng không? Câu trả lời từ ông Sơn, là có: “Phải phát triển dự án mới cho cây xanh. Riêng TP.HCM, rà soát những khu vực đang có tiềm năng phát triển dự án hay đất công và mạnh dạn dành đất đó cho không gian xanh - mặt nước. Ðó là quận 4 gần như một thành phần của khu trung tâm, nhưng nhà cửa đang xây cất nhếch nhác, lộn xộn. Nếu có chỉnh trang, thành phố nên dành diện tích nhất định cho không gian xanh - mặt nước. Tôi cũng đề xuất thêm khu cảng Sài Gòn sắp di dời. Dù cho có tạo dự án đô thị gì ở đó thì thành phố cũng nên mạnh dạn dành ít nhất 60% khu đất này cho không gian công cộng với những công trình văn hóa như nhà hát, bảo tàng, công viên. Cái đó là đất công mà không làm được thì đừng mong tư nhân họ làm”, ông Sơn nheo mắt dõi theo những chiếc xà lan chạy về phía Thanh Ða. Hình như ý tưởng xanh ở Thanh Ða của ông thêm một kênh thoát cho cái “thắt cổ chai” quá ngột ngạt này…
Sông Sài Gòn có một món quà dành cho người thành phố mà lâu nay nó như bị chê, đó là những cù lao dễ thương và cách biệt giữa thành phố, và biết đây sẽ là một trong những điểm tựa để giải bài toán quy hoạch xanh đầy lãng mạn. Chuyên gia đô thị Nguyễn Vĩnh Hải như được dò… trúng đài: “Tôi cho rằng phải kiện toàn lại hiệu quả sử dụng đất đai, sau nữa là giảm cự ly dịch chuyển của người dân trong đô thị. Ðây là hai yếu tố hàng đầu. Còn cái thứ ba là khi đã nén lại một chút thì ta sẽ hở ra nhiều khoản để dành cho những lá phổi xanh của đô thị”. Ông Hải ước ao: “Sao Sài Gòn không có được một hồ Xuân Hương của Ðà Lạt ở những khu đô thị mới? Ðó là không gian mở cho cả thành phố, một khoảng trống không có công trình, chỉ nước và đường chạy quanh. Một hình mẫu mà Sài Gòn nên có. Hoặc cảnh quan bờ tây sông Hàn ở Ðà Nẵng, cũng nên là một điển hình để thành phố phát triển khu Ðông hoặc Tây Bắc”.
Tôi vòng lại sắc xanh như định mệnh với nhà nông lâu nay bị khuất lấp bởi khói bụi thành phố. Một định nghĩa nông nghiệp là gì, vẫn treo lơ lửng đâu đó. Theo ông Hải, xu thế phát triển trên thế giới hiện nay chính là mỗi đô thị phải tự nuôi sống mình, bằng hai lĩnh vực tài chính và an toàn thực phẩm. “Một đô thị được quy hoạch, xây dựng tốt và quản lý, khai thác hiệu quả sẽ làm gia tăng tài chính rất lớn. Ðất nước này đang cố gắng theo đuổi con đường đô thị hóa cũng không nằm ngoài mục đích là tiền. Nhắc lại, một đô thị càng tốt càng sản sinh ra nhiều tiền, nhưng thực phẩm cho con người trong đô thị đó lại mang tính sinh hiệu của phát triển bền vững”. Ông cho rằng, truyền thống đưa thực phẩm từ ngoại tỉnh về nội đô nên lui vào quá khứ, bởi cùng với định hướng phát triển TP.HCM thông minh, sáng tạo, thì người ta không cần đưa thực phẩm từ ngoài vào nữa mà sản xuất nông nghiệp ngay tại thành phố hòng đạt được “cú đúp”: giảm bớt cự ly di chuyển, đồng thời, nông nghiệp đô thị cũng là một lá phổi tạo môi trường xanh và dễ dàng bảo đảm quản lý thực phẩm theo chuỗi xanh sạch, an toàn.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn gật đầu và dắt tiếp câu chuyện thời sự đang được nhiều người quan tâm là TP.HCM đang đề xuất Chính phủ cho chuyển đổi mục đích sử dụng một lượng lớn đất nông nghiệp. “Trong chuyện này, theo tôi, mình nên dành đất cho những khu đô thị nông nghiệp theo mô hình đô thị xen lẫn với vành đai xanh nông nghiệp. Chúng ta có khu nội thành vây quanh bởi một vành đai xanh, rồi lại đến một khu đô thị mới, rồi lại có một vành đai xanh khác. Ðó chính là các vành đai xanh nông nghiệp mà ta có thể trồng cây, trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái… Ngoài giải quyết một phần nhu cầu thực phẩm của chính người dân thành phố, nó còn mang ý nghĩa tạo ra không gian xanh đệm giữa khu đô thị này sang khu đô thị kia”, ông nói.
Ngoài kia, nắng tràn mặt sông, gió mát rượi. Bao năm rồi, người Sài Gòn mơ xanh về trong mắt, hiện diện, sờ nắm được, chứ không phải phập phù hy vọng. Tương lai là gì nếu hiện tại không can đảm đặt cược nhiệt huyết, niềm tin, sự tỉnh táo và tình yêu. Sẽ không khó khi mọi thứ quá đủ, chỉ còn chờ tấm lòng…
________________
Quốc Ngọc
Ảnh: Trung Thanh
Kỹ thuật: Minh Duy