Bữa cơm gia đình từng là một điều xa xỉ, là một khái niệm gợi nỗi cô đơn, chờ đợi và cả những háo hức dội vào vách ngăn thực tế. Khi đó, họ phải làm nhiệm vụ chống dịch, phải trở thành “người mẹ thiếu sót” hay “đứa con bê trễ" trong những bữa cơm nhà. Trong những căn nhà trống vắng đó, bữa cơm sum vầy mới bộc lộ đủ đầy cái quý giá của nó.
Hai tấm lưng đứng bên nhau ở căn bếp hẹp. Đồ đạc xếp kín, rồi treo đầy hết những kệ, tủ. Đó là một căn bếp kinh điển của những người đàn bà U60, 70: nhỏ, nêm kín đồ đạc và… không thiếu thứ gì.
Bà Trần Thị Dung (73 tuổi) nhón nhìn vào nồi rau chị Trần Thị Phượng (54 tuổi) đang xào rồi chừng như đã vừa ý, bà lui ra ngồi bên cái bàn tròn inox gần đó. Bà đập nhẹ bàn tay xuống mặt bàn, nói với khách: “Chỗ này là chỗ của tui, sớm trưa tối gì mà nghe nó ra trực là tui cũng ngồi đây, chờ nó về. Nó về rồi tui cũng ngồi đây coi nó nấu. Không thì cũng ngồi, nhìn nó ăn”.
Cụ bà nói dài và chậm, thâu thái toàn bộ câu chuyện xung quanh cái bàn ăn của gia đình một nữ hộ lý thời COVID-19. Gần 2 tháng nay, kể từ ngày Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một bệnh nhân COVID-19, chị Phượng “lặn vào công việc". Đó là từ dùng của bà Dung, vì bệnh nhân đã âm tính khi chuyển về khoa nên chị Phượng không được yêu cầu cách ly tập trung. Nhưng những ngày “chống dịch" vẫn bội phần khác biệt.
Vì quy trình y khoa đặc thù đối với bệnh dịch, chị không được vào phòng bệnh, mọi việc bên trong đều do điều dưỡng lo liệu. Nhiệm vụ của chị là xử lý toàn bộ vật dụng, chất thải được đưa ra từ phòng bệnh nhân. Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt: mỗi một món vật dụng cần sát khuẩn hay đem thải bỏ đều phải xử lý qua hàng chục công đoạn được quy định chi tiết.
Đến đúng giờ, chị phải đi đúng lối, vào đúng vị trí được quy định từ trước để nhận y phẩm từ điều dưỡng. Công việc lặng lẽ nhưng đòi hỏi sự chính xác, không giao tiếp nhiều và cũng không có thời gian để giao tiếp - ngoài những giờ huấn luyện chuyên môn.
Những ngày đó không có “cơm nhà". Lúc mới nhận nhiệm vụ, chị vội tính chuyện “đem đồ vào ở luôn tại bệnh viện" để toàn tâm toàn ý với công việc và giữ an toàn cho người thân. Ở nhà, đứa con gái duy nhất của chị chỉ còn vài ngày là đến ngày dự sinh. Người mẹ ngoài 70 tuổi vốn đã vò võ chờ con mỗi chiều tối. Cả hai đều cần có chị.
Tin vào quy trình kiểm dịch và khuyến cáo của các bác sĩ về tình trạng âm tính của bệnh nhân - chị quyết định vẫn về nhà mỗi lần tan ca. Nhưng chị rời bệnh viện về đến nơi thì có khi căn nhà đã tắt đèn, người thân đã ngủ.
Sau gần 2 tháng, việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở khoa đã vào giai đoạn ổn định hơn. Trong thời gian đó, con gái chị đã sinh con đầu lòng. Hai tháng con gái về “ở cữ nhà đẻ" thì người mẹ đẻ bận… đi chống dịch. Chị Phượng chỉ xuất hiện trong những “bữa cơm sau sinh" chị tranh thủ nấu được, rồi đậy đệm cẩn thận, nhắn tin dặn dò phần con.
Hôm nay, cả nhà “ăn cơm offline" - đúng như lời nói vui của cô con gái, tức là một bữa cơm mà mọi người ngồi bên nhau, nói chuyện trực tiếp, không cần nhắn tin, gọi điện, hay chờ đợi. Chị Phượng chọn nấu cơm chay. Mâm cơm nhìn thịnh soạn nhưng đạm bạc, nguyên liệu thuần thực vật. Lúc mâm cơm dọn xong, bà Dung chậm rãi bước vào chiếc ghế đặt sát tường, khoảng tường có treo bộ áo lam như một “gia sản". Bà nói với khách: “Sắp nhỏ ăn bình thường, còn tui ăn chay trường".
Lúc này, chúng tôi chợt hiểu, bữa cơm chay kỳ công và nhiều món này, là một món quà của đứa con vừa tạm trút bỏ tấm áo hộ lý, làm tặng mẹ. Vừa hay, chị Phượng nói: “Bình thường chị và Hằng (con gái chị - PV) ăn mặn, má chị ăn chay. Nhưng lâu lâu có được một bữa cơm chung, chị nấu cơm chay để mẹ con, bà cháu ngồi với nhau”.
Lo liệu bàn ăn tươm tất, chị Phượng đón đứa cháu ngoại từ tay con gái, biểu: “Con ăn trước đi, mẹ dỗ em ngủ cho". Vừa bế đứa nhỏ gọn gàng trên tay, chị cất một điệu ca cổ. Câu hát ru cháu vang lên trong mâm cơm của những người phụ nữ, mỗi người là một thế hệ trong gia đình. Chị Phượng cúi mắt nhìn vào đứa trẻ. Cái nhìn âu yếm và phấn khởi nhưng không phủ lấp được điệu buồn (có lẽ) từ lời hát ru.
Hằng, con gái chị Phượng phụ hoạ bằng ánh nhìn nựng nịu vào đứa trẻ. Cụ bà thủng thỉnh dùng bữa, thỉnh thoảng cười ghẹo cháu cố một câu. Tất cả những chi tiết quá đỗi bình thường đó, lại là một “sự kiện" trong căn nhà này.
Bởi, theo bà cụ Dung “từ hồi ‘cô vít cô rô gì đó' (COVID-19 - PV) nó đi tối hù mới về, tui đi nằm trước nhưng cũng đợi nghe được tiếng xe nó về mới ngủ. Còn ăn cơm nhà hả…”, bà cười thành tiếng như tự trêu mình rồi nói tiếp: “Cơm nhà thì hổm nay mới có đó!”. Câu nói như một lời thú nhận, rằng bà đã chờ bữa cơm này rất lâu...
Căn nhà có 4 tầng, nằm trong một con hẻm siêu nhỏ của đường Phạm Thế Hiển. Hẻm chỉ vừa một người đi. Nếu gặp người đi ngược chiều thì một người phải đứng lách vào ô cửa nhà nào đó để người còn lại đi qua.
Vừa được một người đàn ông lạ mặt đứng nép vào cửa căn nhà đầu hẻm để tránh đường, tôi đã nghe tiếng cười nói lao xao trong căn nhà mình sắp bước vào. Đó là nhà của Trần Hoàng Nam, dân quân tự vệ thuộc Ban chỉ huy quân sự phường 3, quận 8 - một trong những chiến sĩ tình nguyện đã trở về sau đợt chống dịch ở khu cách ly Đại học Quốc gia TPHCM.
“Hồi đó, mỗi lần gọi điện, mẹ lại nói: con có chỗ nghỉ không, khiêng vác có nặng lắm không. Rồi mẹ dặn, có mệt thì kiếm hành lang ngồi nghỉ, đừng phơi nắng, phơi mưa… Sau rồi em mới biết, thì ra mẹ coi hình đồng đội của em ngủ dưới sân, khiêng vác nặng nề nên mẹ xót. Mà mẹ đâu có biết em chống dịch cũng cực nhưng không thiếu thốn gì, chỉ có thiếu cơm nhà mẹ nấu!”. Vừa đón mâm cơm được em gái chuyển từ tầng 3 xuống qua chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp, Nam kể.
Lúc này, bữa cơm đã nhanh chóng được dọn ra. Hôm nay Nam về đột xuất giữa lúc cả nhà đang ăn cơm ở tầng 3. Có thêm người, mâm cơm phải dời xuống tầng 2 cho… rộng chỗ. Căn nhà có 4 tầng, là chỗ ở của một đại gia đình, gồm cả bà nội, cô Tư, gia đình Nam và gia đình cháu gái của ba Nam - anh Trần Trọng Hiếu. Mỗi tầng là một gia đình nhỏ. Vì làm việc vào những khung giờ khác nhau nên tối đến, bữa cơm nhà thường chỉ có ba mẹ và em gái của Nam.
Những lần Nam “bất thần xuất hiện", tầng 2 của bà nội lại được “trưng dụng" để ăn cơm, vì phòng ít đồ, rộng rãi. Nói là “tầng rộng nhất nhà”, nhưng diện tích cũng chỉ chừng 4 mét vuông. Căn nhà siêu nhỏ này chắc là một trong những nơi có “mật độ dân số" cao nhất Sài Gòn.
Cô em gái đã ăn xong, xuống ngồi ghẹo anh hai mấy câu rồi rút lên tầng trên học bài. Bữa cơm còn lại ba người. Có lẽ, đây là “bữa cơm kinh điển" trong một gia đình có một đứa con trai lớn. Chị Anh Thư và anh Trọng Hiếu như vào vai những đứa trẻ, cứ ngồi đó lắng nghe rồi hướng mắt chờ đợi về phía đứa con trai đang kể đủ thứ chuyện trên đời. Hai vợ chồng đã ăn xong bữa từ trên tầng 3, nhưng thấy con về, anh Hiếu cũng “ráng ăn chén nữa cho thằng Nam có bạn".
Người mẹ trẻ măng, ngồi xới miếng cơm, nhón chút rau cho chồng con. Lúc Nam kể chuyện đi làm trong khu cách ly, chị Thư mê chuyện mà… ôm luôn nồi cơm vào lòng, rồi hưởng ứng mấy chi tiết con kể như một “chị đại thứ thiệt”.
Đợt tình nguyện giúp sức trong khu cách ly cũng cho Nam những trải nghiệm khác về những bữa cơm nhà. Nam nhận nhiệm vụ với tinh thần là đi cho đến khi hết dịch, không giới hạn thời gian. Ngày thường, Nam sống nội trú trong đơn vị, cách nhà chỉ vài phút chạy xe nhưng đã gần 2 năm nay, Nam chỉ ăn được chừng 3 bữa cơm nhà.
Vậy nên với Nam, nhiệm vụ tại khu cách ly chỉ khác ngày thường một điểm là phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm - điều Nam đã chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng đối mặt. Đến khi nhận nhiệm vụ, Nam mới tiếp cận nhịp điệu sống mình chưa từng được thấy khi người ta cách ly vì bệnh dịch, những nguy cơ nhiễm bệnh và có thể là cả nguy cơ không-thể-trở-về.
Công việc của Nam ở khu cách ly là dọn dẹp, trang bị phòng ốc để đón người cần cách ly. Ngày qua ngày, Nam cùng đồng đội cắm cúi khuân vác, lau chùi, dọn dẹp. Lúc này, những nét sinh hoạt gia đình bắt đầu lởn vởn trong đầu Nam những lúc ngồi nghỉ mệt, hay trong những đêm thức giấc giữa chừng ở khu cách ly. Và láy đi láy lại nhiều nhất là những bữa cơm nhà. Đứa con trai to xác cười cười nói: “Hồi đó nghĩ tới món gì mẹ nấu cũng thèm. Thèm thịt ram tép, nui xào, mỳ Ý. Thèm tá lả.”
Công việc khác, không gian khác, lại diễn ra giữa một trong những tâm điểm của cuộc chống dịch đã cho cho cậu thanh niên 20 tuổi những trải nghiệm tinh thần đặc biệt. Lúc đó, niềm vui thường xuyên nhất của những chiến sĩ tình nguyện như Nam là nhận những món ăn do người dân gửi vào với những lời nhắn nhủ, dặn dò thân tình.
Nam ngồi kể lại từng món ăn mình đã nhận được, đọc lại từng lời nhắn, rồi hỏi mẹ: “Lúc cực nhọc nhất người ta cũng tặng đồ ăn, mẹ thấy một bữa ăn có sức mạnh ghê không?”. Cả nhà cùng bật cười. Có lẽ cũng chính sức mạnh của một bữa ăn đã khiến cậu con trai sau 2 năm vắng nhà bất ngờ nhắn tin cho mẹ, đặt hàng: “Mẹ làm cho con món mì Ý!”. Lúc đó, Nam nhận được thông tin đã hết nhiệm vụ ở khu cách ly và lập tức nghĩ đến việc phải về nhà dùng bữa cùng ba mẹ.
Nhắc đến “bữa mì Ý đoàn tụ" đó, Nam nói: “Em thèm đồ mẹ nấu, nhưng 2 năm đi nghĩa vụ không ăn cơm nhà cũng thấy bình thường. Nhưng đến khi đi chống dịch, thấy mình xa xôi và không biết ngày về mới thấy thèm cơ hội ăn một bữa cơm nhà”.
Có lẽ, những bữa cơm thường nhật vẫn dọn ra mỗi ngày dễ làm người ta thấy quen, thấy “bình thường". Còn bữa cơm Nam tha thiết thèm ăn, hay là bữa cơm mà gia đình chị Phượng hộ lý cứ ngóng trông nhau để được ăn cùng đó… đã trở thành một “cơ hội”. Trong nghịch cảnh, người ta mới nhận ra mỗi bữa cơm với người thân đều là một “cơ hội” - điều mà họ lẽ ra đã phải trân quý và nỗ lực để có được nó.
Lúc xin phép cả nhà để trở về đơn vị, Nam lách qua mâm cơm và ba mẹ để xuống cầu thang. Quả thực, ngôi nhà hơi nhỏ cho một bữa cơm chung hay một cuộc đoàn tụ. Nam bước xuống cầu thang rồi nói đùa với mọi người: “Nhà nhỏ mà bữa cơm thì… khổng lồ”.
Rồi đứa con trai nọ len qua con hẻm hun hút để về đơn vị - nơi nó đang làm nghĩa vụ của một công dân trưởng thành và “có nhiều sức mạnh".
________________
Bài: Thuỳ Dương, Thanh Tân
Ảnh, clip: Tam Nguyên
Kỹ thuật: Ngô Tới