Ấy thế mà ban đầu chẳng ai nghĩ cô sẽ làm được gì xuất chúng.
Sinh ở Michigan, Mỹ năm 1958, Madonna Louise Ciccone là con thứ ba trong 6 người con của một gia đình lao động gốc Italy. Không ai lường được là chỉ với tên gọi của mình, cô bé đó một ngày sẽ nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng cô đã ghi danh vào sử sách.
Có lẽ là từ sau cái chết của mẹ khi chỉ mới 5 tuổi, cô bé đã nuôi trong mình một quyết tâm lớn, một khát khao cao độ muốn thoát ra khỏi cái thị trấn tỉnh lẻ và gia đình đông đúc. Hoặc đơn giản là cô bé sinh ra để tỏa sáng. Nhưng dù là động lực nào thì sau 60 năm, Madonna đã trở thành người phụ nữ giàu nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc và cũng là một trong những biểu tượng gai góc nhất của âm nhạc thế giới.
Hành trình từ vùng ngoại ô đến vùng đất hứa của Madonna bắt đầu năm 1978 khi cô đặt chân đến New York mà trên người chỉ có một cái áo ấm và 35 USD – “Đó là việc táo bạo nhất mà tôi từng làm”, cô từng tâm sự. Đến năm 1983, sau hàng năm trời khổ luyện, cô ra mắt thế giới một cách hoàn thiện.
Hoà mình vào âm hưởng không thể khác được của thập niên 80 với những bộ đồ nilon bóng bẩy và máy nghe nhạc Walkman, cô vẫn biết mục tiêu của mình là gia nhập hàng ngũ những minh tinh bất tử. Trước khi tự biến bản thân thành biểu tượng tóc vàng nổi tiếng nhất trong lịch sử, cô đã luôn ngầm bắt chước minh tinh Marilyn Monroe.
|
Madonna với hình tượng tóc vàng nổi tiếng trong video bài hát Papa Don't Preach năm 1986. Ảnh: YouTube/Warner Bros. Records |
Các ngôi sao nữ dường như khó tránh số phận bi thảm, từ Judy Garland đến Amy Winehouse, nhưng Madonna đã lèo lái danh tiếng của mình một cách tài tình, phăng phăng tiến lên phía trước không gặp trở ngại gì.
Khi phơi bày cuộc sống riêng tư trước thế giới, cô làm đều có tính toán. Sau vụ li dị với tài tử Sean Penn năm 1989, cô “biến đau thương thành hành động" khi đem chính những vết thương và cuộc sống tù túng vào album Like a Prayer, với những ca khúc tiêu biểu về những trục trặc trong quan hệ gia đình, nạn bạo hành và đại dịch AIDS. Cảm xúc chân thật được bày tỏ tinh tế.
Sau một thập kỷ được tôn vinh như một tượng đài của tuổi trẻ, tình dục và khoái lạc, những tác phẩm cô cống hiến cho công chúng lại không thể xem nhẹ. Cô đã tái sinh bản thân, không còn chỉ là một cô nàng nổi tiếng, mà là một nghệ sĩ thực thụ, đại diện cho nữ quyền trong một ngành công nghiệp thuộc về đàn ông.
Trong tour diễn Blond Ambition năm 1990, Madonna đem đến một hình ảnh gây kinh ngạc khi xóa mờ ranh giới giới tính: kiểu tóc và trang điểm giống Marilyn Monroe hơn bao giờ hết, nhưng bộ áo ngực nhọn của hãng Gaultier danh tiếng đã phát tiết bản năng tình dục đầy tự tin và quyết liệt. Và cũng chẳng ngẫu nhiên là cô chọn mặc quần.
|
Madonna biểu diễn tại lễ trao giải BRIT Award năm 2015. Ảnh: PA |
Ngay trong lời bài hát của mình, cô cũng không bao giờ là nạn nhân, phá cách cái truyền thống của các danh ca nhạc disco là luôn rên rỉ về trái tim tan vỡ trên sàn nhảy. Cô sống không phụ thuộc vào ai. Trải qua bao nhiêu mối tình và các cuộc hôn nhân, những người đàn ông chỉ đóng vai phụ – không ai có thể vươn tới được tới tầm của cô.
Dấu ấn của Marilyn Monroe ở Madonna là không thể phủ nhận, nhưng cô làm vậy vì mục đích nghệ thuật. Mượn dáng hình của biểu tượng tình dục hàng đầu thế kỷ 20, nhưng nếu Monroe đoan trang, đỏm dáng và ngây thơ, Madonna lại hừng hực lộ liễu. Vì vậy công chúng không khỏi khó chịu.
Khi những bức ảnh ngực trần thời trẻ của Madonna bị rò rỉ năm 1985, chúng nhanh chóng xuất hiện trên các ấn bản cháy hàng của tạp chí Penthouse và Playboy. Nhưng đến năm 1992, khi chính cô tự chụp ảnh khoả thân để làm sách ảnh thì tất thảy lại sỉ nhục cô.
Cô đã tự mình bóc trần cái tiêu chuẩn kép mà xã hội áp đặt lên cơ thể và dục tính của phụ nữ. Nếu là dành cho đàn ông thưởng thức, chừng nào họ còn trong vòng kiểm soát, thì là vui vẻ và chơi bời. Nhưng nếu phụ nữ tự chèo lái, thì sự hấp dẫn tình dục của họ lại bị cho là không thể chấp nhận.
Khi chống lại xã hội gia trưởng đó, Madonna thu nạp quanh mình sự ngưỡng mộ của hàng triệu đàn ông đồng tính, những người thấy cô đang chìa tay ra với họ qua âm nhạc, hình ảnh và những hoạt động tích cực. Đối với nhiều người, cô chính là bà mẹ bao dung mà họ chưa bao giờ có.
|
Madonna trình diễn trong tour Reinvention năm 2004. Ảnh: PA |
Trong suốt sự nghiệp của mình, cô cộng tác với không ít vũ công đồng tính, luôn thoải mái thể hiện sự khêu gợi mà những người khác thường kiềm chế, và viết những lời bài hát đầy hy vọng và thứ tha như trong album Ray Of Light.
Nữ hoàng nhạc Pop luôn kêu gọi người hâm mộ sống thật, nổi loạn và đấu tranh. Cô là anh hùng trong câu chuyện của chính mình và của nhiều người khác. Không hề có khóc lóc ỉ ôi.
Giờ đây, khi thế kỷ 21 sắp bước sang thập kỷ thứ ba, Madonna vẫn không ngừng đạp lên các giới hạn, phá vỡ những trở ngại đối với phụ nữ lớn tuổi trong ngành công nghiệp âm nhạc và trong xã hội.
Các tour diễn của cô vẫn đông nghịt khán giả, vẫn vô cùng sôi động. Là một tiền bối kỳ cựu trong làng nhạc, cô vẫn thoải mái bắt tay với các tài năng đương đại. Và đương nhiên, cô mặc hay không mặc cái gì vẫn là theo ý mình.
Những người không ưa vẫn mong nhìn thấy ngày tàn của Madonna nhưng ngày đó sẽ không đến, di sản của cô quá vững chắc. Cơ nghiệp của cô đồ sộ và trường tồn. Đến năm 2018 người ta vẫn nhắc đến Madonna, mỗi bước cô đi đều có truyền thông theo sát.
Dù không đứng ngoài mạng xã hội và thể hiện khiếu hài hước đáng kể trên đó, với công chúng cô vẫn là một ngôi sao có những khía cạnh “thực”. Nhưng kể cả khi cô cho phép bản thân bình dân, gần gũi trong những bức ảnh không trang điểm hoặc bay hàng không giá rẻ, thì ở cô vẫn toả ra khí chất ngôi sao không phai mờ.
Cô ấy là một biểu tượng. Cô ấy là Madonna.
|
Madonna cùng 6 người con, gồm cả con cả con đẻ và con nuôi, trong ngày sinh nhật lần thứ 59 năm ngoái. Ảnh trên Instagram của Madonna |
Đại An (theo Independent)