Made in... xó bếp có đáng tự hào?

20/05/2020 - 17:15

PNO - Xin đừng quàng cho nhau những định kiến để có người cứ phải gồng mình mà cố suốt cả đời.


- Quỷ thần, thời buổi này mà bà đeo túi thế kia!
- Hí hí, Mị may đó.
- Đừng nói cái áo đang mặc bà cũng may luôn nhé. Ối giời ơi, chứ còn gì nữa. Túi với áo tông xuyệt tông đây này!

Cả đám phá lên cười và buổi cơm trưa cùng đồng nghiệp cũ hôm đó trở nên rôm rả, chủ yếu tập trung về cuộc sống "ở ẩn" của tôi. Đứa nói: "Tôi muốn bà vẫn đi làm như trước". Đứa chất vấn tôi về tần suất ăn uống, giải trí xa xỉ của gia đình. Đứa bảo: "Thấy cô, tui rầu quá!".

Cũng dễ hiểu tại sao mấy chị em ngỡ ngàng thương cảm cho sự "xuống cấp trầm trọng" của tôi. Thời còn đi làm, sáng sáng tôi cũng như ai, phấn son khắp mặt, đầm này váy kia tung tẩy vào văn phòng "chôn chân" đến tối. Giờ trước mặt họ là một bà nội trợ quần đen ống túm, giày thấp gót đế bằng.

Chỉ mỗi việc nhìn cái túi vải tựa ngả nghiêng vào hai cái túi hiệu của bạn thì cũng đã thấy khập khiễng rồi. Nhưng có điều tôi không thấy buồn phiền, trái lại, còn bằng lòng với hiện tại và ưng ý với các "phụ tùng" tự chế của mình nữa.

Khoảng năm cuối đại học, thầy giáo đang trong tiết giảng về tác phẩm Kiêu hãnh và định kiến của nhà văn Jane Austen, đoạn thầy dụng hết "công lực" khuyến khích nữ giới đóng góp nhiều hơn cho công việc bên ngoài, tôi buột miệng phát biểu ngon ơ: "No, don't they work enough at home?" (Không thầy, bộ ở nhà họ làm chưa đủ sao?). Cả giảng đường im thin thít. Thầy chuyển đề tài còn tôi xấu hổ muốn chui xuống gầm bàn. Mà cũng kể từ đó, tôi thuyết phục mình đi theo típ phụ nữ xông pha.

Khi mọi thứ đã định vị ở một tọa độ tạm gọi là - một ngôi nhà nhỏ, tấm chồng biết lo, hai đứa con ngoan và một chỗ ngồi không tồi trong tập đoàn tài chính Bắc Mỹ, tất bật nhưng lương gấp ba gấp năm lần so với một công nhân - thì người phụ nữ trong tôi cũng bắt đầu "trở chứng".

Tôi tự hỏi còn bao nhiêu quyển sách nằm chờ chưa đọc, bao cái bánh chưa hấp nướng cho gia đình và còn nhiều điều chỉ nằm trong ao ước. Ước gì những sớm mai vợ cùng chồng thủng thẳng dắt con đến lớp, mỗi chiều về mẹ cầm tay con nắn nót mấy chữ ê a... Thì ra, bản năng người phụ nữ thích lon ton việc nhà vẫn đang tồn tại trong tôi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bỏ lại "quần là áo lượt", bỏ lại công việc bao người hằng mong ước, tôi chọn lùi về làm hậu phương trong sự tiếc ngơ tiếc ngẩn của nhiều người. "Ở nhà suốt ngày biết làm gì, chán chết!", "không làm ra tiền lấy gì mà ăn?"... đại loại những câu như thế thường đến tai tôi mỗi khi gặp bạn bè. "Khéo co vừa ấm" mà. Tiêu xài linh tinh, thuê bao dịch vụ này nọ thì nhiều, chứ ăn uống so ra chẳng bao nhiêu.

Sống đơn giản, hạn chế mua sắm nhiều khi lại thấy nhẹ nhàng. Bù lại, vui chi bằng những sáng chiều bếp nhà đỏ lửa, rồi cả nhà quây quần lúi húi dọn lên hít hà. Hạnh phúc nào hơn khi chồng xuýt xoa chiếc quần đùi vợ may tặng, hai đứa nhỏ hí hửng chạy ra chạy vào chờ mẹ làm mẻ đất sét mới để nặn hình.

Lúc nghe tin con thôi việc, mẹ tôi là người ngăn cản quyết liệt nhất. Mẹ lo con gái rơi vào cảnh "tiền phát gạo đong", rồi mẹ chồng sẽ nghĩ thế nào. Thật ra nghỉ ở nhà thì danh sách công việc không tên cứ dài ra thườn thượt, nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng nhận dịch cabin cho có thêm đồng ra đồng vào. Tôi có thể cắt thời gian đi phát cơm cùng mẹ. Đóng góp cho cộng đồng đâu nhất thiết chỉ bằng vật chất. Nhưng điều quan trọng là chồng tôi yêu thương, trân quý cuộc sống gia đình. Không phải mừng vì nhà có sẵn "gia sư kiêm bảo mẫu" trong mùa dịch, nên anh chẳng dè dặt nhìn ngó chuyện chi tiêu, mà trước nay, anh vẫn là người "biết điều", và anh hiểu tôi đang đặt lợi ích gia đình lên trên.

Tối hôm trước vô tình đọc lướt qua đoạn hội thoại của cô bạn với chồng của cô ấy:

- Vợ: Chẳng có nhiều phụ nữ làm được như em.

- Chồng: Đúng.

- Vợ: Có thể họ làm được nhưng không là nhân viên toàn thời gian như em. (Hai vợ chồng có một bé gái hơn một tuổi).

- Chồng: Ừ. Họ lười biếng. Chỉ ở nhà...

Dĩ nhiên thấy bạn hài lòng với khả năng của cô ấy, mình vui chứ. Nhưng giả rằng nếu có ai đó đang dự định làm nội trợ mà đọc đoạn thoại này thì có lẽ sẽ phân vân, đơn giản vì ngại mình thuộc loại "rớt" hoặc "không làm được".

Đành rằng có nhiều phụ nữ không may mắn, vẫn đang bôn ba bươn chải mưu sinh. Nhưng cũng có nhiều phụ nữ có cuộc sống khá giả, muốn ở nhà chăm lo cho gia đình thì lại ngại vận vào người hai chữ "nội trợ", vì thói đời thường đồng hóa nó với "ăn bám" hay "vô công rỗi nghề".

Đấu tranh bao nhiêu năm chị em mới có được cái quyền bước ra xã hội, giờ tôi lại phong kiến cổ hủ nói chuyện trở vào nhà. Ô không, tôi vẫn trân trọng và ngưỡng mộ những ai đang ngược xuôi bên ngoài đấy chứ. Nhưng với tôi, phụ nữ chỉ thật sự được bình đẳng khi họ có cơ hội sống thật với lòng mình, để việc "đi" hay "ở" chỉ lựa chọn, để mỗi cá nhân đều có thể ngẩng cao đầu mà tự hào về đóng góp của mình.

Xin đừng quàng cho nhau những định kiến để có người cứ phải gồng mình mà cố suốt cả đời. 

Thu Hằng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI