Madam Nhu Trần Lệ Xuân-quyền lực Bà Rồng: Góc nhìn khác về Trần Lệ Xuân

19/02/2016 - 10:43

PNO - NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành quyển Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng, vợ của Ngô Đình Nhu - cố vấn chính quyền Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm.

Madam Nhu Tran Le Xuan-quyen luc Ba Rong: Goc nhin khac ve Tran Le Xuan

NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành quyển Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng. Quyển sách này, Mai Sơn dịch từ nguyên tác Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam’s Madame Nhu của tác giả người Mỹ Monique Brinson Demery. Dư luận quan tâm vì ai cũng biết bà Trần Lệ Xuân (1924-2011), là vợ của ông Ngô Đình Nhu - cố vấn chính quyền Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm.

Về bà Nhu, năm 1975 Hoàng Trọng Miên đã viết Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân; gần đây, Lý Nhân viết Trần Lệ Xuân thăng trầm quyền - tình và rất nhiều tài liệu liên quan đã được công bố. Vậy Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng có gì mới hơn so với trước?

Phải thừa nhận rằng, góc nhìn về bà Nhu đã khác so với những sách, tài liệu đã công bố trước. Sau khi anh em Ngô Đình Diệm bị giết, do căm phẫn “chế độ gia đình trị” cũng như vì nhiều mục đích khác, không ít tác giả đã cố tình “vẽ” lên diện mạo của “đệ nhất phu nhân” với gam màu xám xịt.

Và cũng chính từ đó, hình ảnh bà Nhu nói nôm na là “không ra gì”, tất nhiên kể cả chuyện tình ái. Nhưng ở đây, từ năm 2005, Demery có điều kiện tiếp xúc qua điện thoại với bà Nhu, đặt mối quan hệ khá thân thiết để khai thác thông tin nên cách nhìn không hẳn như lâu nay người ta đã nghĩ.

Chỉ xin nêu một chi tiết, dù nhỏ, nhưng ít nhiều phản ánh được con-người-gia-đình của “Bà Rồng”, tác giả viết lại lời của bà Nhu kể lúc chăm con: “Tôi cho mỗi đứa bú ít nhất sáu tháng” và “Thật ra đây không phải ý của bà mà là của chồng và gia đình ông ấy”… Giữa những hồi tưởng ấy là tiếng thở dài của bà trong ống nghe, “Tôi rất yêu những đứa trẻ” (tr.85).

Cũng qua tập sách, ta biết thêm suy tư của bà lúc cuối đời: “Lẽ ra tôi nên khiêm tốn hơn một chút khi nói về sự cao cả của gia đình tôi” (tr.315). Đóng góp của cuốn sách, theo chúng tôi chính là những suy tư thầm kín ấy, mà nhiều tập sách khác không có được.

Tuy nhiên, khi đọc kỹ, dễ dàng nhận ra Demery đã tham khảo nhiều nguồn tư liệu khác nhau, trên cơ sở đó đã có cái nhìn theo quan điểm cá nhân. Cái hay, cái dở của quyển sách là chỗ đó.

Nhiều tài liệu đã từng đặt vấn đề bà Chương - mẹ của Trần Lệ Xuân sinh năm 1910, nhưng năm 1924 lại sinh ra bà, trước đó chừng hai năm đã sinh con gái Lệ Chi. Vậy hóa ra, năm 12 tuổi bà Chương đã có thể sinh con? Bố mẹ Trần Lệ Xuân cưới nhau năm 1912 (tr.32), chẳng lẽ hai tuổi bà Chương đã lấy chồng? “Trong số nhiều tình nhân của bà Chương ở Hà Nội có người đàn ông tên Ngô Đình Nhu” (tr.53). Dù là “lời đồn thổi” nhưng viết một câu “chết người” như thế (vì về sau Ngô Đình Nhu là con rể), liệu có cần thiết, vì nếu gia đình bà Chương kiện thì lấy gì chứng minh?

Trong văn hóa Á Đông, những gì liên quan đến giá trị đạo đức, dòng tộc gia đình đều được xem trọng. Nếu cuốn sách hư cấu, lấy Trần Lệ Xuân làm nhân vật “ký sự lịch sử” gì đó, còn khả dĩ châm chước, nhưng một quyển sách có tính học thuật, nghiên cứu chu đáo thì sự cẩn trọng là không thừa.

Cũng có thể do không rành lịch sử Việt Nam nên cách nhìn của Demery đôi chỗ loạc choạc. Chẳng hạn về nạn đói năm 1945, tác giả viết “Người Nhật đã áp dụng chế độ trưng thu lương thực với cường độ gấp hai ba lần người Pháp, hủy hoại nguồn nhân lực và tài nguyên nông thôn. Nhân dân sắp đói ăn cả vốn liếng hạt giống, có nghĩa họ gieo trồng ít hạt hơn” (tr.68). Nếu đọc công trình khoa học Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam (Nhã Nam - NXB Tri thức) GS Văn Tạo và GS Furuta Moto chủ biên, ta sẽ nhìn thấy không chỉ đơn giản như thế.

Do tá  giả nhìn vấn đề theo góc độ chủ quan nên có khá nhiều chi tiết khiến bạn đọc ngờ ngợ.

Chẳng hạn, “Tôi biết khi người Mỹ gọi bà là Rồng Cái, nhưng người Việt Nam cả gan công khai chống lại bà Nhu lại nhắc đến bà với biệt danh Cọp Cái - xuất phát từ sự tôn trọng trong văn hóa dành cho rồng” (tr.176). Kết luận ở cuối câu nghe ra thật lạ. Tâm thức củ a người Việt về hai con vật rồng và cọp chưa bao giờ có chung quan niệm đó.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI