Ho khàn tiếng
Bé nhà bạn phải đi ngủ với một cái mũi nghẹt nước nhưng may là bé vẫn ngủ yên trong một vài giờ. Đột nhiên, bạn nghe thấy tiếng ho văng vẳng của bé. Bạn thấy con đang rất khó khăn trong mỗi nhịp thở của mình.
Nguyên nhân là do viêm thanh khí phế quản, một căn bệnh do virus gây viêm ở thanh quản và khí quản. Bệnh này phổ biến nhất là giữa tháng 10 và tháng 3, thường ảnh hưởng đến trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Cơn ho này thường trở nên dịu hơn vào ban ngày nhưng sẽ quay trở lại vào ban đêm. Tiếng ho đôi khi cũng nghe như tiếng thở rít. Một vài trẻ cũng thường mắc bệnh này khi bị cảm lạnh.
Khi con thức giấc vì mắc ho, khoác áo vào cho bé rồi dẫn bé ra ngoài, vì không khí lạnh sẽ giúp thư giãn đường hô hấp. Hoặc là bật vòi nước nóng và ngồi với con trong phòng tắm khoảng từ 15 đến 20 phút, khi đó không khí ẩm ướt nhưng ấm có thể giúp con hít thở dễ dàng hơn. Đưa con đi khám ngay nếu con thực sự khó thở hoặc nếu tiếng thở rít tăng dần theo từng nhịp và kéo dài hơn năm phút.
Sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm trong phòng nếu có, và cho bé uống nhiều nước.
Ho có đờm
Ho có dịch nhầy, ngoài ra bé còn bị sổ mũi, đau họng, chảy nước mắt, và chán ăn.
Chỉ là chứng cảm lạnh thông thường, có thể kéo dài 1-2 tuần, nặng nhất (và dễ lây nhất) là thời gian vài ngày đầu tiên. Một thông tin thêm là trẻ thường bị cảm lạnh trung bình từ 6-10 lần một năm.
Vì cảm lạnh là do virus nên thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng gì. Nếu bé còn quá nhỏ không thể hỉ mũi được, mẹ hãy dùng nước muối nhỏ mũi chuyên dụng và ống hút mũi để giúp lấy đi các chất nhầy, giúp bé bớt ngứa mũi, ngứa họng gây ho.
Máy phun sương tạo độ ẩm và tắm nước ấm cũng rất có ích lúc này. Ngoài ra, bạn phải hỏi ý bác sĩ trước khi cho con uống bất kỳ loại thuốc không cần bán theo đơn nào, và đừng quên hỏi ở tuổi của bé thì có thể ngậm thuốc ho được hay chưa.
Ho khan vào ban đêm
Suốt cả mùa đông, bé bị ho rất khó chịu. Vào ban đêm hoặc mỗi khi chạy nhảy nhiều, cơn ho lại càng nặng hơn.
Nguyên nhân là do hen suyễn, một căn bệnh mãn tính khi đường dẫn khí trong phổi bị viêm và hẹp lại, tiết ra chất nhầy. Bố mẹ thường nghĩ rằng thở khò khè là dấu hiệu ban đầu của bệnh hen suyễn, nhưng thật ra ho khan (đặc biệt vào ban đêm) mới là triệu chứng duy nhất có ở trẻ con.
Một điểm cần chú ý khác là cơn ho được "kích hoạt" do vận động, dị ứng, cảm lạnh, hoặc không khí lạnh. Nếu con bạn còn nhỏ hoặc gầy quá, bạn có thể thấy ngực của bé hóp lại rõ ràng trong khi hít thở.
Hãy đưa trẻ đi khám nếu bạn nghi ngờ bệnh hen suyễn. Với các trường hợp nhẹ có thể uống thuốc giãn phế quản dạng hít ngay trong cơn ho. Tình hình nghiêm trọng hơn nếu con bạn khó thở nhiểu, không thể nói chuyện, ăn uống.
Ho rất khổ sở
Lần này bé đau ghê gớm, không còn sức mà chơi nữa. Bé cứ ho liên tục, sốt cao, đau mỏi cơ bắp, và sổ mũi.
Có lẽ bé đã bị cúm. Bệnh cúm ở trẻ có thời gian ủ bệnh kéo dài, do đó các bé vô tư mang vi rút đi loanh quanh vài ngày trước khi phát bệnh, làm lây nhiễm cho bạn bè và gia đình. Vi rút lan truyền qua các giọt nhỏ, vì vậy khi một người hắt hơi, virus cúm sẽ bay khắp căn phòng.
Cách chữa trị là cho bé uống thật nhiều nước và acetaminophen. Đối với trẻ trên 6 tháng, cho uống ibuprofen với thức ăn hoặc sữa để hạ sốt và giảm đau. Năm tới, đừng quên đưa trẻ đi tiêm vaccine ngừa cúm.
Ho khò khè, ùng ục
Bé đã bị cảm lạnh vài ngày nay rồi, bây giờ cơn ho của bé trở nên mệt nhoài, nghe hết hơi như tiếng huýt sáo. Hình như bé đang thở nhanh gấp và còn rất dễ cáu kỉnh.
Nguyên nhân có thể là viêm phế quản, nhiễm trùng tiểu phế quản. Khi cổ họng sưng lên, đầy chất nhờn thì rất khó thở. Bệnh này thường tấn công các em bé sơ sinh vào mùa đông. Liên hệ bác sĩ nhi khoa ngay nếu con có dấu hiệu khó thở hoặc khó uống.
Ho gàCon đã bị cảm lạnh hơn một tuần và bây giờ đang bị các cơn ho hành hạ, có lúc ho nhiều hơn 20 lần trong một hơi. Giữa các cơn, con thấy khó thở, có tiếng ho khúc khắc khi hít vào.
Ho gà chính là tên của thủ phạm. Vi khuẩn ho gà tấn công niêm mạc đường hô hấp, gây viêm nhiễm nặng làm thu hẹp đường hô hấp. Trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ có nhiều nguy cơ mắc ho gà. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh là nguy cơ cao nhất.