“Mạch đập” hạnh phúc trong tổ ấm ông Nguyễn Văn An

19/05/2023 - 12:52

PNO - Đưa nén hương cho chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Thống bồi hồi: “Ba tôi là người mạnh mẽ, ý chí; còn mẹ tôi thì tình cảm và luôn đồng lòng với ba”.

Ba tôi cũng rất biết chuẩn bị cho tuổi già, vì không muốn sau này làm gánh nặng, khổ cho các con. Ông giữ gìn, rèn luyện sức khỏe để không phải nằm liệt giường, phiền người khác chăm sóc. Ông kiên trì với điều đó đến những ngày sau cùng ở tuổi 99.

Ông Nguyễn Quốc Thống

Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM Lý Việt Trung dâng nén hương lên bàn thờ. Bà đáp: “2 bác hẳn có rất nhiều câu chuyện đáng học tập”.

Trước hương linh ông Nguyễn Văn An và vợ - những “hậu bối” Báo Phụ nữ TPHCM chúng tôi được nghe một câu chuyện rất khác về người đàn ông có công lớn khai sinh tờ báo nữ giới đầu tiên của Sài Gòn - giải phóng. 
Ông Thống chậm rãi: “Chuyện thành lập báo thì đúng là không tưởng. Đó cũng là bài học ba tôi có lẽ vô tình để lại cho đời, cho lớp trẻ rằng không thể cứ chuyện dễ thì làm, còn chuyện khó chưa làm đã nhụt chí”.

Trước di ảnh ông bà Nguyễn Văn An, một câu chuyện khác về nhân cách của ông được người con trai Nguyễn Quốc Thống kể lại đầy xúc động - ẢNH: PHÙNG HUY 
Trước di ảnh ông bà Nguyễn Văn An, một câu chuyện khác về nhân cách của ông được người con trai Nguyễn Quốc Thống kể lại đầy xúc động - Ảnh: Phùng Huy

Mấy mươi năm đã trôi qua, giữa cuộc sống cuộn chảy, Báo Phụ nữ TPHCM đã có một chỗ đứng rất riêng. Qua bao thế hệ, báo đã giữ gìn, phát huy bản sắc như một truyền thống từ sứ mệnh những ngày đầu tạo dựng: là tiếng nói và đề cập tất cả các vấn đề liên quan đến nữ giới. 

Ít ai ngờ, những nhịp đập đầu tiên của báo về nữ quyền, bình đẳng giới, hòa khí gia đình - vốn

Ngày 17/5/1975, ông An được gửi gắm tìm cách giúp ra đời một tờ báo phụ nữ của Sài Gòn - giải phóng, sao cho đúng ngày 19/5 để kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ. Giữa những ngược xuôi trong 48 giờ đồng hồ và không có gì trong tay, ông An về bàn với vợ bán gấp 10 cây vàng để giúp báo làm vốn. Ngày 19/5/1975, 50.000 bản báo Phụ nữ Sài Gòn được xuất bản, là tiền thân của Báo Phụ nữ TPHCM bây giờ.

khởi thủy như một cơ duyên khi gắn với hình ảnh của ông “đỡ” Nguyễn Văn An. Ông Thống xúc động, khi đó, đất nước mới giải phóng, gia đình cũng khó khăn, vậy mà ông An đã thuyết phục được vợ đem bán mấy cây vàng. Đó đâu chỉ là sự tôn trọng người đầu ấp tay gối, ở đó cũng không có bóng dáng của người chồng áp đặt, uy quyền hay tự quyết bất chấp tâm ý vợ.

Mới hay bí quyết của 2 chữ “bạn đời” - là để đồng lòng và đồng hành - trước mọi khó khăn.
Ở nếp nhà đó của ông An, không thiếu những tâm tình, dịu dàng của ông để mỗi cá nhân, trong bổn phận, đều hướng đến việc giữ cho “mạch” hạnh phúc không ngừng đập. 

Bà này, bà nhớ phải thương con dâu hơn con trai mình, bởi đó là đứa sau này lo cho bà chứ mấy thằng không lo đâu. Bà phải nịnh con dâu chứ có mấy chuyện đàn bà con trai không biết đâu” - lời ông nói với vợ, trước khi con cưới vợ. “Các con phải tôn trọng mẹ chồng, thương chồng thì thương mẹ chồng để chồng không khổ tâm, khó xử giữa bên hiếu bên tình” - lời ông nói với dâu.

Những lời khuyên tựa như… “cuộc đón đầu” của người đàn ông đầy am tường, dày lẽ sống khi chúng tôi trở về gia phong của thời điểm cách đây nửa thế kỷ, nơi cuộc sống và quan niệm vẫn nặng những khắt khe. Nhưng đâu dừng lại đó, “chúng tôi lớn lên, đi học, đi làm đều đúng với sở thích. Hồi đó, ba chưa từng bắt con cái theo ý mình. Ông chỉ định hướng bằng những phân tích, chúng tôi tự chọn lựa, rồi khôn nhờ, dại tự rút kinh nghiệm. Hồi nào ba thấy dại nghiêm trọng quá mới nói sâu, nói nhiều lần” - ông Thống nhìn di ảnh cha, mỉm cười.

“Có lẽ không cần những lời răn lớn lao, mà tự cách sống và hành xử của bác đã đủ dạy các con” - một người trong chúng tôi nhận định. Ông Thống đáp: “Đúng vậy! Anh em tôi đều rất có hiếu với ba mẹ, đến lúc này, các con chúng tôi cũng hiếu thuận với mình”. Ông kể thêm, hồi Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông nhận lệnh nhập ngũ, biết ngày đi nhưng không biết ngày về. Mẹ ông xót con, u sầu, buồn bã. Ông An không thể hiện gì nhiều, dẫu bấy giờ, tin rằng nếu có những can thiệp của ông, con trai có thể được ở nhà.

Mãi sau này, ông Thống vô tình tìm thấy cuốn nhật ký của cha, xúc động khi đọc về quãng đó: “Là con trai thì không được hèn” - lời ông An đã viết cho chính mình.

Đâu phải lòng người cha không chút gì xáo trộn, muộn phiền - một lẽ rất thường tình trước lựa chọn dữ nhiều, lành ít cho đời con, nhất là lúc này ông Thống đậu đại học, tương lai đang mở rộng. Nhưng người cha ấy lo lắng những yếu lòng nếu thể hiện ra ngoài, có thể thành xúc tác, cộng hưởng những cảm xúc của vợ, tạo nên một quyết định không đúng với kêu đòi của thời cuộc, đất nước.

“Đi bộ đội 10 năm, ngày về tôi trở lại trường lớp. Thú thật, thầy cô bấy giờ rất sợ “tụi này”, chữ nghĩa thì mất hết, học thì dở sẽ… xin điểm. Họ khuyên tôi nên đi học tại chức. Tôi cam kết sẽ học hành đàng hoàng” - ông Thống chia sẻ, khi ngày qua ngày, đã thấm cách sống với tinh thần ngay chính, đúng đắn trong từng quyết định của cha.

Và mạch chảy tự nhiên đó, đúng hơn, là sự phản chiếu - trao truyền cho các con, cho người khác về giá trị, cái đẹp của tử tế, văn minh từ người đàn ông đầu tiên gắn với Báo Phụ nữ TPHCM, được Tổng biên tập Lý Việt Trung đồng tình, bằng một cam kết: “Ở báo không có những bài viết câu view, đào sâu mâu thuẫn chỉ mang lại sự nặng nề cho bạn đọc. Chúng tôi hướng đến lan tỏa sự tích cực, truyền cảm hứng sống để qua đó, lòng tốt nhân lên, người với người thương yêu, hành xử văn minh nhằm định hình một cách sống đẹp, nơi cái xấu, cái ác bị đẩy lùi”… 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI