Bé Bắp, con trai chị, mới được 10 tháng tuổi. Hà Thu đã cố gắng chiến đấu với căn bệnh quái ác từng ngày một, gượng đến ngày được chứng kiến con trai học xong mầm non và có ký ức về mẹ.
"Nhanh thì 1-2 tháng, lâu thì được 1-2 năm"
Hà Thu tốt nghiệp Trường trung cấp An ninh nhân dân và bắt đầu công tác tại Công an huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) từ năm 2012. “Lúc phát hiện bệnh thì phổi đã bị di căn, tiên lượng xấu, chỉ có thể truyền hóa chất duy trì định kỳ mỗi 3 tuần”.
Luôn mạnh mẽ và cứng rắn, Hà Thu nhanh chóng xác nhận tình hình: “Tôi biết rằng mắc án tử này, nếu nhanh thì 1-2 tháng, may mắn lâu hơn thì được vài năm là ra đi nên tôi chuẩn bị tinh thần. Tôi làm những điều có thể như tổ chức sinh nhật sớm cho con, chụp ảnh gia đình và chụp ảnh chân dung để nhỡ có chuyện thì làm ảnh thờ”.
|
Ngày mới phát hiện bệnh, Hà Thu tổ chức sinh nhật sớm cho con - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nguồn năng lượng lớn nhất chị nhận được là từ bé Bắp chưa tròn 1 tuổi. Mỗi khi được thoải mái ôm hôn, cầm tay, vuốt tóc, hít hà mùi thơm của con, trong lòng chị lại trào dâng một cảm xúc thật khó diễn tả. Chị càng quyết tâm phải nỗ lực để con có được ký ức về mẹ.
Ngày con trai hoàn thành bậc mầm non, chị viết: “Điều mẹ chưa từng dám mong cũng đã tới. Quãng thời gian 5 năm qua thật dài. 5 năm dài đằng đẵng, chưa một ngày sống khỏe mạnh, chưa một ngày ngừng điều trị; nhiều lúc mẹ cũng đau đớn, mệt mỏi muốn gục ngã, muốn từ bỏ. Nhưng nghĩ đến con, mẹ lại cố gắng. Con còn quá nhỏ và con cần có mẹ. Mẹ không cần sống khỏe mạnh, mẹ chỉ cần được sống và được nhìn con trưởng thành, bình an mỗi ngày là mẹ mãn nguyện rồi”.
Năm học mới này, con trai chuẩn bị bước vào lớp Một, chị Thu hồi hộp mong chờ, đếm từng ngày. Chị muốn được tận tay dắt con tới trường vào ngày khai giảng, nhưng sức khỏe hiện tại không còn cho phép.
Nằm trên giường bệnh, chị vẫn cùng con tập đọc chữ. Chị dạy con đi học phải cố gắng học tốt, gọn gàng, sạch sẽ, lễ phép thì thầy cô và các bạn trong lớp mới yêu quý con.
Chị Thu tâm sự: “Từ bé, con đã thua thiệt so với các bạn. Không được mẹ đưa đi học, không được ngủ cùng mẹ, không được mẹ chăm sóc, dạy bảo nhiều như các bạn khác. Mai kia tôi mất, con còn thiệt thòi hơn. Không có mẹ bên cạnh là sự mất mát quá lớn. Con sẽ dễ tự ti, mặc cảm, dễ tủi thân và cảm thấy cô đơn. Tôi lo con sẽ bị tổn thương nên luôn mong con được mọi người yêu quý để có thể bù đắp lại phần nào đó việc thiếu đi tình yêu của mẹ”.
Chiến đấu từng ngày
Vợ chồng Hà Thu - Trung Nghĩa cưới nhau vào tháng 3/2017. Hơn 2 năm sau, Hà Thu phát hiện bị bệnh. Trung Nghĩa vẫn một lòng yêu thương, đồng hành với vợ trong mọi mặt. Đôi vợ chồng trẻ vẫn luôn sống rất tình cảm, thường xuyên nói lời yêu thương và không bao giờ nặng lời với nhau.
“Mẹ chồng tôi kể, lúc biết tôi bị bệnh, anh đã ôm con lén khóc trong phòng, bà nhìn thấy rất đau lòng. Nhưng anh chưa bao giờ để tôi thấy anh buồn hay khóc, lúc nào cũng đem đến cho tôi những điều tích cực. Anh hay cười, chọc cho vợ cười, pha trò trước mặt vợ, miễn là vợ vui. Chưa bao giờ anh coi vợ như một người bệnh. Dù tôi có xấu xí bao nhiêu, anh cũng không hề chê nửa lời; luôn để tôi làm những điều tôi muốn, cho tôi sự thoải mái nhất có thể” - Hà Thu nói về chồng, ánh mắt lộ vẻ yêu thương.
|
Mỗi lần được gặp con trai, Hà Thu lại thấy mình như được “tiêm một liều hạnh phúc” - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Hà Thu cũng chia sẻ về may mắn có được một người mẹ chồng tuyệt vời nhất trên đời. Sức khỏe Hà Thu quá yếu, lại thường xuyên phải đi bệnh viện nên bé Bắp ở cùng bà nội. Bà yêu thương Hà Thu và bé Bắp còn hơn con đẻ, chăm sóc cả gia đình không nề hà việc gì. Nhờ vậy, Hà Thu rất yên tâm mỗi lần đi viện điều trị mà không phải lo lắng gì cho con.
Được cơ quan tạo điều kiện, ngoài thời gian đi viện, Hà Thu vẫn đi làm giờ hành chính. Thời gian đầu, mẹ ruột thường đến bệnh viện cùng chị, nhưng rồi dịch COVID-19 bùng phát, vào viện thường phải cách ly nên từ đó chị đi một mình, không muốn làm phiền người thân phải chăm sóc. Chị tâm sự rằng, muốn tự chịu tất cả những đau đớn, tự động viên bản thân phải cố gắng vì con trai, vì gia đình.
Bệnh viện Hà Thu đang điều trị là Bệnh viện 19-8, Bộ Công An, cách nhà 300km. Chị vừa kết thúc đợt truyền hóa chất thứ 75. Trước đó, chị từng phải chịu đựng 2 lần xạ phẫu khối u não bằng gamma knife, 20 mũi xạ trị khối u vú cùng vô số hóa chất khô, thuốc kháng sinh và vẫn đang tiếp tục chiến đấu.
Vài tháng trở lại đây, sức khỏe Hà Thu kém hơn nhiều, phải nhờ mẹ đi viện cùng và chăm sóc. Hiện tại, giai đoạn cuối của ung thư vú đã di căn vào phổi, não, xương. Khối u vú không phẫu thuật được nên đang bị loét, hoại tử. Chân bị liệt và sức khỏe rất kém. Chị chỉ nằm một chỗ, không thể đi lại được. “Điều trị chỉ là truyền hóa chất duy trì, cứ thuốc nhờn lại đổi thuốc; khi nào yếu quá, cơ thể không tiếp nhận thuốc nữa thì bệnh viện trả về” - Hà Thu nói về tình trạng sức khỏe của mình.
Điều trị liên tục suốt 5 năm qua, gánh nặng Hà Thu chịu đựng không chỉ về thể chất mà còn về kinh tế.
“Năm 2012, gia đình tôi phá sản, nợ nần nhiều. Ba mẹ tôi phải chuyển xuống ở trọ tại Hà Nội để đi làm, vì ở đây dễ kiếm việc hơn ở quê. Còn ba mẹ chồng tôi đều đã về hưu, lương hưu rất thấp. Năm vợ chồng tôi cưới nhau, ông bà có cho căn nhà ông bà đang ở. Khi tôi phát bệnh thì đã phải cầm sổ đỏ để lấy tiền đi viện. Năm 2023, con trai tôi bị thoát vị bẹn, phải phẫu thuật. Tháng Tư năm nay, chồng tôi bị ngã đứt dây chằng, cũng phải phẫu thuật rồi nghỉ làm mất mấy tháng. Anh vừa mới đi làm lại từ tháng Bảy này thôi” - Hà Thu bộc bạch về khó khăn chồng chất.
Chồng Hà Thu hiện làm thợ sửa chữa, đổ mực, mua bán máy tính, máy in, laptop nhưng thu nhập không đủ để sinh hoạt và chi trả tiền thuốc cho vợ. Mỗi tháng, tiền thuốc và tiền đi viện của Hà Thu hết khoảng 24 triệu đồng. Dù gia đình đã hợp sức cùng chị chiến đấu, chị vẫn nợ ngân hàng gần 1 tỉ đồng.
Hành trình của người mẹ trẻ càng lúc càng nhiều chông gai. Lắm lúc chị nghĩ, chỉ cần mình nhắm mắt ngủ một giấc dài là bỏ lại tất cả đau đớn trong đời. Nhưng ánh mắt con đã níu chị lại, tiếp thêm sức mạnh để chị tiếp tục chiến đấu. Chỉ mong có một phép màu…
Cát Tường