Mắc kẹt trong ngôi nhà to

05/08/2023 - 05:47

PNO - “Em thật tình không muốn ly hôn, mà vì xây cái nhà quá sức nên nợ đầm đìa, bây giờ người ta lại đồng loạt đòi” - Vân buồn bã thú nhận với người hòa giải của tòa án quận.

 

Xây nhà to mà mộng ước của rất nhiều người (ảnh minh họa)
Sống trong ngôi to rộng, thoáng mát là mộng ước của rất nhiều người (ảnh minh họa)

Vân là dân Sài Gòn, 10 năm trước, cha mẹ cô xuất cảnh theo con trai, để lại căn nhà cũ cho vợ chồng Vân. Khi con đường trước nhà được nâng cấp cao hơn nửa mét, nhà vợ chồng Vân bị thấp so với mặt đường. Những trận mưa lớn cộng với xe hơi chạy “hỗn” làm nước bẩn tạt vào nhà, dọn dẹp đồ đạc đến khổ.

Ban đầu, Vân chỉ dự tính vay mượn chừng 200 triệu đồng để nâng nền căn nhà cấp 4. Nhưng tới lúc “sờ đâu cũng thấy mục”, chưa kể nâng cao nền thì trần nhà thấp lại, rất bí; cô và chồng đánh liều tính chuyện “đập đi xây lại”.

Xây nhà là việc lớn trong đời. Với vợ chồng công chức, đời sống càng đắt đỏ khó khăn thì cơ hội mỗi lúc mỗi khó. Vân xác định lần xây nhà này chính là lần cuối, vậy nên “căn nhà cuộc đời” này phải đủ các công năng, nhu cầu; khi con cái lớn lên thì phải có phòng riêng, khi nhà có xe hơi thì phải có tầng trệt để đậu xe…

Hỏi ý bạn bè, đồng nghiệp, xóm giềng một vòng, đều được động viên, cổ vũ phương án xây nhà lớn; Vân đứng ra vay mỗi người 100-200 triệu đồng, ai nấy vui vẻ giúp.

Đó là thời điểm trước dịch COVID-19, nhiều người, trong đó có tôi nói đấy là tiền nhàn rỗi, Vân cứ cầm, không cần nghĩ tới lời lãi, khi nào có điều kiện thì trả.

Thế rồi căn nhà hoàn công trong niềm vui của vợ chồng Vân. Họ thế chấp nhà cho ngân hàng, vay một món tương đối để trang trải một phần vay nợ người quen.

Nhà mới có 1 trệt 3 lầu, Vân dành tầng trệt (nơi dự tính sau này là chỗ đậu xe hơi) để cho thuê mở quán cà phê, mỗi tháng cũng có được 15 triệu đồng. Số tiền này giúp cô trả gốc và lãi cho món nợ ngân hàng.

Tính toán của Vân sẽ suôn sẻ nếu đại dịch và ảnh hưởng kinh tế hậu đại dịch không khiến chủ quán cà phê phải trả mặt bằng. Đường nhà Vân cũng vắng người, nên treo bảng cho thuê hơn 1 năm nay chưa có khách mới.

Lúc chúng tôi cho Vân vay xây nhà thì đó là cục tiền nhàn rỗi, nhưng rồi ai cũng lần lượt gặp vấn đề tài chính liên quan đầu tư, việc làm, thu nhập… nên kẹt trước kẹt sau. Ví như tôi, sau nhiều lần gồng hết nổi, đã phải hỏi lấy lại số tiền 200 triệu đồng cho Vân mượn.

Có người nói “cho mượn tiền thì đứng, khi đòi tiền thì phải quỳ”, tôi cũng lường trước việc không dễ lấy được tiền của mình, nhưng còn buồn hơn khi nghe Vân chia sẻ những giông tố từ khi cô xây nhà mới.

Đầu tiên là phí “vận hành tòa nhà”. Đừng tưởng nhà ở thì chi phí này nhỏ. Điện nước cho căn nhà nhiều phòng tăng bất ngờ, thời gian cho việc dọn rửa cũng tăng. Sau đó là thái độ thiếu xây dựng của chồng Vân. Chồng cô là dân tỉnh, vất vả ở trọ bao năm tuổi trẻ nên khi có nhà đẹp, anh có tâm lý muốn khoe bạn bè thành quả của mình.

Căn nhà đón hết nhóm bạn này tới nhóm đồng nghiệp khác của anh kéo tới ăn uống, nhậu nhẹt. Họ mang chai rượu, ký trái cây tới, thì Vân phải lo “mồi”, xất bất xang bang tính toán ở chợ và quần quật chế biến dọn rửa ở bếp…

Trong số các nhóm tới ăn nhậu, cũng có “đội ngũ chủ nợ”. Tuy cho mượn tiền không lãi, nhưng vợ chồng Vân cũng phải lại quả sao cho xứng. Vân từng nói với tôi ý ấy khi cô mời tôi tới ăn uống cuối tuần, lễ tết.

Chưa hết, nhà rộng nên liên tục đón khách nội ngoại ở quê tới tá túc khi họ có việc tại thành phố. Lúc là khám chữa bệnh, khi đưa con em đi thi cử, học hành, hay chờ xin việc… Căn nhà tiếp chưa hết lượt khách này thì lượt khách khác đã bấm chuông cửa. Có những người gặp nạn nằm viện nửa năm thì thân nhân nuôi bệnh cũng thay nhau ra vô tá túc nhà Vân 6 tháng.

Khổ nhất là chuyện từ khi có nhà to, vợ chồng Vân bị xếp vào nhóm người giàu. Ai cũng gõ cửa vay tiền, xin tiền từ thiện, quà cho người nghèo… mà không biết vợ chồng cô chỉ là công chức lương ba cọc ba đồng.

Những cuộc gọi, tiếng gõ cửa xin đồ liên miên, từ họ hàng tới bạn bè, mà nhiều hoàn cảnh thương tâm, nhiều thế kẹt, đâu thể cứ nhắm mắt làm ngơ hay từ chối. Bản thân Vân cũng là người thoáng tính, lại lớn lên từ điều kiện tốt, nên cô không đủ bản lĩnh nói không, cũng chẳng biết cách quản tiền chặt chẽ. Rất nhiều nguyên nhân gây nên việc chi nhiều - thu ít và mỗi năm Vân thêm ngập trong nợ nần.

Không kiểm soát được thu chi, họ ngập trong nợ nần (ảnh minh họa)
Không kiểm soát được thu chi, họ ngập trong nợ nần (ảnh minh họa)

Đáng nói, trước nay chồng Vân chỉ việc đưa tiền lương cho vợ rồi… vô sự. Bây giờ, anh đổ hết lỗi lầm chi tiêu vung tay quá trán cho vợ. Lúc bị đòi nợ, Vân lúng túng 1 thì anh lúng túng 10.

Chủ nợ dọa dẫm, quấy rối điện thoại và tin nhắn, anh về nhà trút hết bực dọc vào vợ. Chẳng biết anh nghe ai mà bày cách vợ chồng ly hôn, để bán nhà chia đôi tài sản, giúp anh giữ được ít nhất 50% giá trị căn nhà, coi như giữ tiền nuôi con.

Người cán bộ hòa giải tòa án vốn nhiều kinh nghiệm. Chị hứa sẽ tìm thêm luật sư rành rẽ chuyện nhà cửa nợ nần, để giúp vợ chồng Vân từng bước tháo các vòng dây nợ.

Theo bà, có thể cũng phải bán nhà to, thay bằng nhà nhỏ, nhưng vợ chồng nên hủy đơn ly hôn, để bình tĩnh cùng nhau gỡ rối, chứ theo cách của anh chồng, có khi vừa mất nhà vừa tan nát gia đình.

Vân và chồng nghe phân tích thì gật đầu trong hy vọng. 

Hoàng Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI