Mắc kẹt trong cuộc chiến giữa cha mẹ và vợ

09/11/2024 - 12:03

PNO - Tôi sợ ấu thơ của con bị đầu độc bởi những lời lẽ tiêu cực, thái độ thù địch giữa mẹ và ông bà nội, nhưng tôi không hóa giải được và chẳng biết làm sao tháo nút thắt quá lớn này?

Vợ không cho và không nghe tôi giải thích. Ảnh Freepik.com
Vợ không cho và không nghe tôi giải thích. Ảnh Freepik.com

Tôi kết hôn lúc 24 tuổi. Huyền - vợ tôi là bạn học. Cô ấy thu hút tôi vì cả lớp học ngành điện lạnh 25 người chỉ vợ tôi là nữ, nhưng khi thực hành cô ấy không thua kém ai, thậm chí nắm bắt kỹ thuật, thao tác nhanh, chuẩn xác hơn nhiều bạn nam khác. Tôi và vợ ngồi gần nên thân nhau và tình yêu đến rất tự nhiên.

Tình yêu của chúng tôi gặp sự phản đối quyết liệt của ba mẹ tôi. Mẹ muốn tôi kết hôn với một giáo viên mầm non - con của bạn mẹ. Ba mẹ không thích vợ tôi vì cha mẹ cô ấy đã ly hôn.

Ngoài ra, mẹ tôi cho rằng con gái học nghề sửa chữa điện lạnh thì thô ráp như đàn ông, không phù hợp để làm vợ, làm mẹ. Khi biết ba mẹ tôi không đồng ý và bắt chúng tôi chia tay, Huyền rất buồn, cô ấy tổn thương nặng nề và cũng không thích ba mẹ tôi. Trong khi đó, gia đình Huyền lại rất thương tôi.

Niềm vui, nỗi buồn, sự căng thẳng cứ đan xen trong tình yêu của chúng tôi. Tôi đấu tranh với gia đình để được cưới Huyền, thậm chí phải dùng chiêu “bầu trước cưới sau” ba mẹ tôi mới miễn cưỡng cho chúng tôi lấy nhau.

Qua ải khó khăn nhất, tôi nghĩ hạnh phúc đã mỉm cười. Nhưng chung sống một nhà thì mẹ và vợ tôi như nước với lửa. Mẹ tôi không ưa con dâu, nên vợ tôi làm gì mẹ cũng xét nét, không vừa ý. Con dâu kho cá, mẹ chê tanh, chê mặn. Con dâu quét dọn nhà, mẹ chê chưa sạch. Mẹ còn so sánh vợ tôi với sự dịu dàng, học thức của cô dâu hụt.

Vợ tôi uất ức cãi lại và bị mẹ đuổi khỏi nhà. Cô ấy ra khỏi nhà chồng sau khi buông lời thề: “Ba mẹ đuổi con ra đường khi bụng mang dạ chửa, con cũng xin phép từ nay không coi ba mẹ là ba mẹ nữa”.

Trong lúc vợ bụng bầu vượt mặt, nặng nề tay xách nách mang hành lý, ba mẹ không cho tôi phụ đỡ, mẹ tuyên bố: “Nếu con theo nó, ba mẹ từ con luôn”. Vợ tôi cũng tuyên bố: “Nếu anh ở lại thì đừng bao giờ tìm em và con”.

Ngay lúc đó, tôi đứng như tượng, không biết làm sao khi một bên vợ - một bên cha mẹ. Vợ tôi đi trong sự đau đớn, xót xa của tôi. Sau đó, tôi đã nói chuyện nghiêm túc với ba mẹ. Tôi mong ba mẹ hiểu tôi không thể bỏ vợ con trong tình cảnh này. Tôi không muốn con của tôi chào đời như một đứa trẻ mồ côi cha, thiếu vắng nhà nội.

Tôi về ở bên nhà vợ. Mẹ vợ rất buồn, bà khuyên chúng tôi đừng nản lòng, chỉ cần hai đứa yêu thương nhau thì ba mẹ tôi sẽ suy nghĩ lại. Nghe vậy, vợ tôi giận đùng đùng: “Con không muốn ai nhắc 2 người đó nữa”.

Hơn 1 năm trôi qua, vợ tôi vẫn giữ thái độ thù địch với ba mẹ tôi. Vợ không cho tôi nhắc nhà nội, không được nói con tôi giống ông nội - dù thằng bé giống ông như tạc. Mỗi khi tôi giải thích cho vợ hiểu thì cô ấy bỏ đi hoặc bịt tai không nghe.

Vợ cũng cấm không cho tôi gọi video call cho ông bà nội nhìn cháu. Tôi sống với vợ mà như ở cạnh miệng núi lửa, dung nham có thể tuôn tràn bất cứ khi nào nếu tôi lỡ miệng nhắc “ông bà nội", "nhà nội…”.

Tương tự, khi tôi về nhà cha me ruột, từ "vợ con” cũng bị cấm. Ba mẹ tôi rất thương cháu và đòi "bắt" cháu nội về nuôi. Nhưng vợ tôi thì bị cấm cửa.

Tôi thấy ba mẹ mình thật vô lý. Và vợ tôi cũng vô lý khi cắt đi nguồn cội của con cái. Tôi thương và hiểu vợ chịu nhiều ấm ức, thiệt thòi khi bị cha mẹ chồng ghẻ lạnh, hắt hủi. Nhưng tôi cũng thương cha mẹ mình, tuổi xế chiều ốm đau bất chợt mà phải sống cô đơn và không được tự do gặp con cháu.

Hơn 2 năm qua tôi bị mắc kẹt trong cuộc chiến giữa cha mẹ và vợ. Tôi quá mệt mỏi, nặng nề khi phải nghe người này chỉ trích, chê bai người kia.

Tôi sợ ấu thơ của con bị đầu độc bởi những lời lẽ tiêu cực, thái độ thù địch giữa mẹ và ông bà nội, nhưng tôi không hóa giải được và chẳng biết làm sao tháo nút thắt quá lớn này?

Minh Thành (quận 12, TPHCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • TRANG ĐÀO 10-11-2024 16:45:23

    Tôi thấy vợ bạn đúng hơn là sai.
    Thứ nhất, nếu bạn nói cha mẹ già xế chiều mà cô đơn và không tự do gặp con cháu. Thì bạn là con, bạn hãy chạy về hoặc ngủ lại với cha mẹ bạn vài hôm. Còn nói "cháu" ư? Cha mẹ bạn đã đuổi vợ bạn đi khi cô ấy mang bầu, nếu lỡ vì đau buồn uất hận mà cô ấy bị hư cái bầu đó, thì còn cháu để ông bà nhìn hay "bắt" không? Với phụ nữ, ai đối tốt với họ lúc bầu bì sinh nở 1 phần, thì sau này họ sẽ đền đáp 10 phần. Những ai đối xấu, đối ác với họ lúc yếu thế như vậy, họ cũng sẽ đáp lại 100 lần thờ ơ.
    Bạn đã biết làm chồng, làm cha, nhưng từ đầu đã không dung hòa được mối quan hệ cha mẹ - nàng dâu, ngay cả cha mẹ bạn còn đuổi bạn, thì nếu không có vợ cho ở nhà vợ, thì 2 năm qua, bạn ở nhà trọ sao? Bạn đã 1 lần đặt ví dụ đổi vai trò mình là vợ bạn chưa? Bầu bì, bị cha mẹ chồng đuổi, còn không cho chồng mang xách đồ đạc phụ...Thực sự nói có tội chứ cha mẹ bạn rất ác, không đáng có được con cháu sum vầy, hoặc ít nhất là đứa cháu của cô dâu (vợ hiện tại của bạn) sinh ra.
    Đừng oán thán cô ấy nữa, có giỏi thì về năn nỉ ỉ ôi cha mẹ mình và làm cầu nối giữa cha mẹ và vợ

  • Đan Nguyễn 09-11-2024 14:21:29

    Trước tiên bạn hãy đặt bạn vào vị trí của vợ bạn, nếu ngược lại gia đình vợ đối xử với bạn y hệt cha mẹ bạn đang đối xử với vợ bạn thì bạn sẽ xử sự thế nào?
    Bạn có phải là thánh nhân để chịu đựng tất cả những uất ức và có phải ngớ ngẩn để xem những uất ức ấy không là gì cả và vẫn phải nhịn nhục đu bám cha mẹ như không có chuyện gì xảy ra không?
    Vấn đề xuất phát từ cha mẹ bạn thì cha mẹ bạn phải là người đi giải quyết vấn đề. Đừng kiểu vô lý: không chấp nhận dâu nhưng đòi bắt cháu; nên nhớ cháu là cháu của đôi bên nội ngoại và là con của 2 vợ chồng bạn chứ không phải là cháu riêng của bên nội mà có quyền bắt.
    Ai mang nặng, ai đẻ đau, ai banh da xẻ thịt để có đứa bé; ai thức đêm thức hôm để nuôi đứa bé cứng cáp mà muốn bắt là bắt sao?
    Bạn cũng quá là nhu nhược, đúng là làm con phải có hiếu nhưng không đồng nghĩa với việc để cha mẹ mình gây gổ, hàm oan cho vợ mình mãi như vậy được và thậm tệ là anh đã để vợ 1 mình bụng mang dạ chửa ra khỏi nhà khi cha mẹ anh đuổi vợ anh, thật thậm tệ; chứng tỏ anh không yêu thương gì vợ anh cả.
    Với người đàn bà khác họ đã không nhìn mặt anh từ cái thời điểm đó, đây là vợ anh vẫn còn thương anh nên anh mới được sống chung và gần vợ con, lại được bên vợ cảm thông, thương anh mà không hờn trách. Như vậy đã là quá đủ, đừng đòi hỏi thêm gì ở người phụ nữ này cả.
    Nếu muốn cha mẹ anh có cháu, hãy bắt đầu từ cha mẹ anh. Không phải cứ làm cha mẹ là có quyền được làm sai và phận con dâu phải cam chịu.
    Đừng vô lý khi trách móc vợ, vô lý lắm lắm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI