Người nghệ sĩ già ấy bao năm rồi vẫn vậy, vẫn nở nụ cười hề hà dù câu chuyện của ông đau đến thắt lòng người đối diện. Rồi, ông vẫn những câu bông đùa lắt léo dù người đối diện có tỏ ra nghiêm túc vấn đề đến thế nào. Mà ông bảo, ông thích vậy. Vì cuộc đời này đã đủ gian truân và nhọc nhằn rồi…
Bên trong Mạc Can là một chuỗi những nỗi buồn mà nghe qua có vẻ rất vô lý, như thấy một đứa bé chào đời cũng buồn, gặp một người trẻ cũng buồn, ngồi giữa trời trưa lại càng buồn hơn, buồn đến quẫn trí mà chẳng thể hiểu vì sao…
Ông già… 27 tuổi
Mạc Can của hai năm trước phải nhập viện bất ngờ vì bị “lủng bao tử” trong lúc đang đóng phim đến bây giờ vẫn xem bệnh viện là nhà, bác sĩ là người thân còn bệnh nhân thành người bầu bạn. Ông nói: “Bác sĩ không cho tui ra ngoài ở, ổng kêu dù còn bệnh hay không cũng nên ở lại để tiện bề theo dõi, thuốc thang...”. Ông kể mà cười hề hề như thể kể chuyện vui, dù giờ ông đi phải có người dìu, ăn uống phải kiêng dè đủ thứ.
Mà, ông nói thế thôi, chứ cuộc đời Mạc Can rày đây mai đó đâu còn lạ gì. Lúc thì người ta gặp ông ở bệnh viện, khi lại thấy đến phim trường, thỉnh thoảng ghé sang con hẻm nhỏ kế bên Hội nhà văn Thành phố để gặp gỡ mua vui cùng những ông bạn nhà văn, nhà thơ… Rồi đến hẹn lại xuôi theo đoàn từ thiện về tận miệt xa xôi để làm ông hề.
Mạc Can vẫn viết truyện, đóng phim, làm hề… Vẫn tự mình chòng chành trên chiếc xe cũ, ngang dọc thách mưa thử nắng dù đôi chân đã bao bận run run không vững. Ông cười tỉnh rụi nhắc mình chỉ mới 27 tuổi, dù ai đó nghe qua cũng biết ông đang “chơi chữ” điều gì…
Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, ông chỉ cười phơ phơ: “Chuẩn bị xuất cảnh… không cần hộ chiếu”. Rồi tần ngần một lúc, ông nói bâng quơ, kiểu như sống thác là lẽ đương nhiên, ở tuổi này làm sao tránh khỏi chuyện “đi – về”. Đã sống một đời phong sương, vượt qua bao thăng trầm, giông gió, cũng từng rút hết gan ruột ra yêu thương và hết lòng với lựa chọn của cuộc đời nên giờ đây, ông nhủ rằng không còn gì để mong mỏi, cũng chẳng điều chi hối tiếc, trở trăn…
Dẫu thế, vẫn thấy dường như có một nỗi lo âu đang vẫy vùng trong đáy mắt mờ đục xa xăm của người nghệ sĩ tuổi 72 ấy... Ai mà không hiểu, ở cái tuổi này, ông còn mong gì hơn một cuộc sống bình an, nên dù thường ngày có bông đùa rằng chuyện sống thác là hiển nhiên, thì đêm về, nằm hiu hiu ngó vào hư vô vẫn sợ lắm cái ngày tàn một hơi thở.
Cứ đến buổi trưa là muốn…tự tử
Là người bình thường, họ còn dễ buồn vui vô cớ thì một người nghệ sĩ, chuyện nắng mưa mủi lòng lại càng là điều dễ hiểu hơn… Mạc Can cũng vậy, chỉ có điều, cảm xúc ấy ở lại trong ông bao lâu và bằng cách nào để bản thân đón nhận hay vượt qua nó mà thôi.
Dù trước đó bảo rằng cuộc đời có gì đâu để buồn, nhưng… Ông làm bộ nghiêm trọng: “Tui có một nỗi buồn kỳ cục lắm nghen!”. Là kiểu, thấy một đứa bé mới sinh cũng buồn, bởi ông sợ một ngày nó lớn lên, già đi rồi chết… Hay thấy một người xinh đẹp cũng buồn, vì sợ nhan sắc ấy đến hồi héo hon, tàn rụng… Buồn cả khi nghĩ đến chuyện một ngày nào đó mình không còn ngồi đây cùng mọi người trong con hẻm nhỏ này.
Mặc cho người ta đang cảm thấy tâm tư của ông sao quá đỗi nhọc nhằn, mâu thuẫn, ông vẫn nheo mắt ngó nghiêng: “Đời người như vở tuồng, rồi cũng đến lúc vãn hát mà… Nhưng có cái kết thúc nào lại không buồn đâu”.
Nỗi buồn ấy không chỉ đơn giản là để buồn không thôi, mà có lúc ông còn cảm thấy tệ đến nỗi muốn…tự tử. Ông bảo, khoảng mười mấy năm trở lại đây, cứ mỗi khi đến giữa trưa là lòng lại thấy buồn, nhìn quanh rồi nghĩ quẩn. Ông hướng mắt về phía mông lung: “Buổi trưa thời tiết kỳ lắm, nó cứ có cảm giác trơ trọi sao đó, mọi thứ trở nên vô lý mà không hiểu vì sao nữa…”.
Chẳng lẽ vì sống trong cảnh không gia đình, không con cái bên cạnh khiến ông cảm thấy đơn độc đến mức…giận cả buổi trưa chăng? Nhưng khi được hỏi thì ông lại gạt đi, kiểu: “Tui thấy quen rồi…”, “Bình thường thôi mà, có gì đâu”… Như đó là lẽ đương nhiên, là số phần mà ông tự tạo cho mình vậy…
Dẫu vậy, vẫn phải dặn lòng vui lên!
Nhắc đến vợ con, ông bảo: “Tui sợ đàn bà. Nhưng tui có một đứa con trai đang sống bên Mỹ, lâu lâu nó gửi về cho tui năm chục…”. Người con ấy của ông đã mười mấy năm chưa về Việt Nam. Trước đó, có một thời gian con trai đưa ông qua Mỹ sống cùng, nhưng rồi nơi đất khách quê người lạ hơi nhớ tiếng, chịu không đặng ông lại phải trở về. Ông bảo, thà sống kiếp đơn độc trên mảnh đất quê mình chứ nhất định không để lòng hoang hoải, quay quắt nơi xứ người.
Về, là ông chấp nhận sống một cuộc đời đơn chiếc. Nhưng đổi lại, ông có được rất nhiều tình thương của mọi người, của khán giả, của hàng bao đứa trẻ luôn miệng gọi mình là ông ngoại, là ông bụt, ông tiên… dù lúc này, ông chỉ đơn giản là một người tên Mạc Can chứ không phải nhập vào bất cứ vai diễn nào. Đó chính là niềm vui, là sự an ủi lớn nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật mà ông đã trải qua.
Ông chia sẻ, sắp tới được tham gia một bộ phim truyền hình, “Tui đóng vai lớn lắm… vai bán vé số” – ông cười ngoắt nghẻo. Rồi, ông nói, vài bữa lại theo đoàn từ thiện ra Phan Thiết. “Người ta có tiền cho tiền, còn mình không có tiền thì cho tiếng cười, chớ biết sao giờ…” - ông đưa mắt nhìn mông lung.
Đối với ông bây giờ, niềm vui cũng nhẹ nhàng lắm, như được gặp gỡ mấy ông bạn là nhà báo, nhà văn, nhà thơ… ngồi nói chuyện “trên trời dưới đất”, uống ly trà, hút điếu thuốc, cũng tàn một cuộc vui. “Nhưng phải ngồi ở đây nghen! Tui thích ngồi vỉa hè, có người đi qua đi lại, chào nhau khều khào mà vui, chứ vào quán cà phê kín bưng, có gì đâu mà thích…” – ông thẳng tưng một ruột.
Ông còn khoe hay trúng vé số, mà mỗi lần chỉ trúng được 100 ngàn. Lần nào trúng ông cũng dặn bà vé số đừng rêu rao làm gì, nhưng ngay sau đó ông lại không giấu được niềm vui “trời ban”, ngó nghiêng bên này ông ra bộ khoe khoang: “Tui vừa trúng vé số nha cha nội”, quay ngoắt bên kia ông lại cười hề hà: “Tui vừa trúng trăm triệu… Hôm nay tui lo nước nghen!”. Thế thôi mà dậy một cái góc nhỏ giữa lòng thành phố.
Chợt thấy, một sáng tháng 5 trong veo những giọt nắng, ngọt mềm môi với tách trà, gói xôi… rồi lại loáng thoáng đâu đó cái câu: Thở đi nhẹ một kiếp người/ Vui đi để có nụ cười thênh thang.
Như viết để dành cho anh hề Mạc Can vậy…
Oanh Thủy
Ảnh: Đinh Quang Tuấn