Mặc cảm tội lỗi của bác sĩ trước cái chết của trẻ bệnh tim

30/09/2014 - 17:23

PNO - PN - Hai giờ sáng ngày 27/9, khi công việc của một ngày dồn lại đã được giải quyết xong, lúc này, hình ảnh của những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tím không có thuốc Prostaglandin E1 điều trị lại tiếp tục lởn vởn trong đầu tôi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Các cháu nhập viện chỉ vài ngày sau sinh; thân hình bé nào cũng dặt dẹo, tím tái, hơi thở yếu dần... Có bé bệnh nặng không còn cách cứu chữa thì bác sĩ (BS) và gia đình đành chấp nhận. Nhưng nhiều trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ chỉ cần có thuốc sẽ qua được cơn nguy kịch, và phẫu thuật tim xong sẽ được sống bình thường, thì việc thiếu thuốc luôn khiến BS mang mặc cảm tội lỗi, cùng với nỗi ám ảnh không ngừng về cái chết đầy ẩn ức.

Mac cam toi loi cua bac si truoc cai chet cua tre benh tim

Đó là một đêm giữa ca trực, tôi bất lực nhìn đứa trẻ chỉ mới chào đời vài ngày đã vĩnh biệt trần gian. Bé nhập viện với tình trạng tim bẩm sinh nặng, nếu có thuốc chúng tôi sẽ truyền để giúp trái tim của bé khỏe hơn và phục hồi tốt sau mổ. Nhưng vì không có thuốc cấp cứu nên chúng tôi buộc lòng phải mổ ngay để cứu cháu. Và dù đã cố gắng hết sức nhưng cuối cùng… cháu cũng ra đi.

Cháu ra đi có thể nhẹ nhàng, nhưng mẹ cháu thì như đang nhận một sự bất công lớn, bởi đã mang nặng đẻ đau và ngập tràn hy vọng khi đón cháu chào đời. Nhìn người mẹ trẻ ấy đau đớn, chúng tôi tê buốt lòng, thầm oán trách bản thân đã khoanh tay không thể cứu được cháu bằng biện pháp đơn giản - đó là truyền thuốc Prostaglandin E1.

Đêm nào tôi cũng mơ về cháu với những dấu hỏi lớn trong đầu: thiếu thuốc - lỗi thật sự do ai? Do công ty nhập khẩu thuốc chỉ quan tâm đến lợi nhuận của những loại thuốc bán được số lượng nhiều? Hay do cơ chế, chính sách nhập khẩu thuốc của chúng ta chưa thật sự quan tâm tới người bệnh? Hay do các cấp quản lý không hay biết có những tình huống như vậy xảy ra?

Kể từ lúc thiếu thuốc, khi gặp những trường hợp cấp cứu, chúng tôi phải tiến hành thông tim can thiệp khẩn cấp. Người lớn, cha mẹ của trẻ nào có hay biết, đây là một kỹ thuật xâm lấn gây đau đớn. Nếu trẻ biết nói, có lẽ sau khi thực hiện thủ thuật sẽ thốt lên “con đau lắm BS ơi”; nhưng vì tất cả những trẻ mắc bệnh đều chỉ vừa chào đời vài ngày, làm sao thốt lên được về sự đau đớn thể xác đầu đời phải gánh chịu.

Chưa kể, bao nhiêu may rủi từ cuộc gây mê trước khi thông tim, mất máu khi làm thủ thuật, biến chứng nhiễm trùng phải chích kháng sinh… Và, đôi khi thông tim cũng thất bại. Tôi lại nhói lòng khi làm một phép so sánh, một lọ thuốc nhỏ giá chỉ 1,8 triệu đồng, cứu được hai-ba trẻ mà không cần thông tim; trong khi việc đặt stent ống động mạch qua thông tim chi phí lên đến vài chục triệu đồng…

Hiểu được giá trị của thuốc Prostaglandin E1 liên quan đến việc cứu mạng khoảng 30% trẻ bệnh tim bẩm sinh, các BS nhi và người làm công tác quản lý bệnh tim mạch nhi trên cả nước đã trình bày lên các hội, ngành, cơ quan quản lý các cấp, nhưng đi tới đâu cũng vẫn chưa có biện pháp gì để giải quyết triệt để, cấp này nói tại cấp kia, từ cơ sở tới trung ương, từ Bắc chí Nam đều như vậy.

Để cứu được cháu nào hay cháu đó, chúng tôi đã nhờ những đồng nghiệp nước ngoài hỗ trợ thuốc, nhưng khi có khi không. Số lượng thuốc này quá ít, không đủ cho người bệnh. Để rồi, những giấc mơ hằng đêm về các bệnh nhi tim bẩm sinh vẫn xuất hiện ám ảnh những người BS chúng tôi.

Bác sĩ tim mạch nhi N.K.N. (Q.5, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI