Mặc cảm lép vế

12/04/2013 - 16:28

PNO - PN - Chào chị Hạnh Dung!

Em là con gái một, gia đình cũng giàu có nên được cưng chiều từ nhỏ. Năm học lớp 12 em yêu anh ấy, hơn em 10 tuổi.

Mac cam lep ve

Lúc đó ba má em phản đối vì anh làm tận thành phố, mà nhà em thì ở Vĩnh Long, ba má không cho em đi xa nhà. Nhưng, cuối cùng ba má em cũng đồng ý. Cưới nhau xong, em lên thành phố ở với anh được hai năm thì cấn bầu, lại về quê ở với ba má. Thời gian này anh lên xuống thường xuyên tuần một lần. Em cứ nghĩ anh cưới được em rồi sẽ rất thỏa mãn vì em cũng có nhan sắc, lại đang mang thai con trai của anh. Vậy mà bất ngờ em phát hiện anh cặp bồ với một chị làm cùng công ty, vừa xấu vừa già. Em làm dữ, đòi anh bỏ chị ta, đòi anh về quê sống. Sau mấy tháng dằn vặt anh chấp thuận. Nhưng, từ khi về ở nhà ba má em, anh thay đổi hẳn. Anh không còn hiền và cưng chiều em như trước mà hay lớn tiếng với em, trả treo với cả ba má em. Nhà chỉ có năm người, lẽ ra có con thì cả nhà sẽ vui hơn, nhưng suốt hai năm qua, lúc nào cũng có chuyện không vui, cứ một-hai ngày lại giận hờn, cãi vã. Mới đây, anh tra hỏi cả chuyện tiền bạc, hỏi em xài bao nhiêu, để dành bao nhiêu. Em cự lại thì anh lớn tiếng, ba má can cũng không nghe. Em nói, nếu anh không xin lỗi ba má thì muốn đi đâu cứ đi. Không ngờ anh xếp quần áo định bỏ đi thật, còn đòi ly hôn. Em khóc quá anh mới ở lại, nhưng trở nên khó chịu và không nói năng gì với ai, đi nhậu suốt. Em thấy trong nhà ngột ngạt quá, không biết phải làm sao…

minhgia05@...

Em minhgia... mến,

Chồng em đang bị ức chế tâm lý. Nếu em không khéo giải tỏa sớm tâm trạng đó, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn. Tiếc thay, chính em là người gây ra sự ức chế này. Bây giờ, cũng chỉ có em mới có thể làm cho yên chuyện.

Chồng em hơn em 10 tuổi, khi lấy em, em chỉ là một cô gái mới lớn, con một, nhà giàu, quen được cưng chiều, còn người ta đã ổn định nghề nghiệp ở thành phố. Nói gì thì nói, khi em lên thành phố sống với chồng, cùng chia sẻ khó khăn, cái mặc cảm trai nghèo cưới vợ nhà giàu cũng được xí xóa đôi chút. Còn bây giờ, em đã về lại nhà em. “Giang sơn nhà vợ” dù có sung sướng bao nhiêu thì khi bắt người đàn ông phải về ở rể, người ta cũng mang mặc cảm nhất định. Khi ở quê, việc nhà mình thua kém nhà vợ cũng bày ra sờ sờ trước mắt. Thêm nữa, em quen được cưng chiều, muốn gì được đó, lại có ba má hậu thuẫn, chồng em nhiều khi cảm thấy mình ở thế yếu. Lâu dần, cái mặc cảm yếu thế này tích tụ lại thành nỗi bực dọc, hay so sánh xét nét. Chuyện anh hỏi em về tiền bạc tiêu xài, dành dụm… có thể là một dấu hiệu cho thấy anh muốn vợ chồng ra riêng, muốn thoát khỏi cái “lồng son” nhà vợ.

Càng hơn chồng, em càng phải nhún nhường. Huống hồ, nay em chưa hơn gì chồng, chỉ có ba má em giàu hơn người ta thôi, mà đã lớn giọng “muốn đi đâu cứ đi” là xúc phạm đến tự ái đàn ông rồi. Đừng bao giờ hành xử như vậy nữa. Nếu bây giờ còn thương chồng, em nên tìm cách nhỏ nhẹ nói chuyện với anh, có xuống nước năn nỉ cũng phải chịu. Con em còn nhỏ, nên ở nhà ba má vài năm nữa, trong thời gian đó lo dành dụm tiền bạc để ra riêng. Ở quê hay ở thành phố tùy vợ chồng quyết định. Có thể, khi có lối ra rồi, có viễn cảnh rồi, tính tình anh ấy sẽ dịu hơn, biết đâu theo thời gian sẽ thay đổi quyết định. Em ở trong nhà ba má, cũng phải hết sức giữ gìn, tôn trọng chồng, đừng cư xử kiểu đành hanh muốn gì được nấy. Nay mình đã lớn, có gia đình rồi, không còn là đứa trẻ quen đòi cưng chiều trong mọi chuyện. Con lớn, em cũng phải tìm học lấy một nghề, chỉ có lao động mới cho mình niềm vui sống tích cực, mới làm cho mình biết thông cảm và chia sẻ được với mọi người. Ở không hoài, hư người đi, em ạ. Chúc em gìn giữ được tình cảm gia đình và ngày một trưởng thành hơn.

Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI