Mặc cảm con nuôi

24/05/2014 - 19:23

PNO - PNCN - Tôi 47 tuổi, có con ruột 23 tuổi và con nuôi 14 tuổi. Tôi xin cháu lúc còn nhỏ từ một gia đình đồng hương nghèo khó, đông con, lúc đó cháu mới thôi nôi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mac cam con nuoi

Tôi và cha mẹ cháu cam kết không liên hệ với nhau 13 năm nay. Dù giấu kín thân phận của cháu và đối xử với cháu như con ruột nhưng cháu vẫn biết và sinh buồn chán, mặc cảm. Lúc khoảng sáu tuổi, cháu sang hàng xóm chơi rồi chạy về khóc, méc: “Chú Tư nói con là đồ không cha không mẹ, là con nuôi”. Tôi bất ngờ, bối rối nên tìm cách xoa dịu. Rất nhiều lần, cháu bị hàng xóm, bạn học dè bỉu, hắt hủi, phân biệt. Cháu lại hỏi sự thật, tôi thừa nhận đã xin cháu về nuôi vì cha mẹ cháu quá nghèo; nhưng dù không là ruột thịt, tôi vẫn yêu thương cháu. Càng lớn, cháu càng ít chia sẻ, tâm sự với mẹ; cứ lầm lì, thu vào “vỏ ốc” của mình. Tôi không biết làm sao để mối quan hệ cha mẹ - con gắn bó hơn. Đọc trộm nhật ký của cháu, tôi thấy cháu rất cô đơn, mất phương hướng. Cháu tự hỏi mình là ai, vì sao cha mẹ bỏ, vì sao cha mẹ không tìm mình? Tâm trạng cháu rất hoang mang, yếm thế. “Tương lai nào sẽ đến với thằng con xin như mình” - cháu viết. Tôi nên làm gì để cháu bỏ đi mặc cảm con nuôi, để sống tự tin, lạc quan, tập trung vào việc học? Tôi có nên giúp cháu tìm lại cha mẹ ruột không? Việc tìm lại nguồn cội liệu có tốt cho sự phát triển của cháu, giúp cháu giải tỏa tâm lý hay có thể dẫn đến những nguy hại khó lường?

Ngọc Diễm (Q.3, TP.HCM)

Chị Ngọc Diễm mến,

Cháu đang có hai vấn đề trùng vào một thời điểm. Thứ nhất là vấn đề thường gặp ở tuổi dậy thì: khao khát tìm hiểu bản sắc cá nhân, mình là ai, mình đến từ đâu và mình sẽ đi đến đâu…? Cháu đang có những dấu hiệu nổi loạn như lầm lì, ít nói, phản ứng lại cha mẹ, đi chơi ở qua đêm nhà bạn không điện báo. Thứ hai là vấn đề mặc cảm con nuôi. Hai vấn đề này có liên quan nhau. Cháu đã biết một chút về chuyện cháu là con nuôi từ năm sáu tuổi. Nhưng chỉ cho đến khi 14 tuổi cháu mới bột phát những ẩn ức, những mặc cảm, lo lắng. Mong chị hiểu cháu và cảm thông cho cháu trong giai đoạn khó khăn này.

Anh chị đã giấu, không cho cháu biết cháu là con nuôi, và cũng không liên lạc với gia đình cháu. Điều này nhiều gia đình khi xin con nuôi thường làm. Họ làm như vậy vì nghĩ là sẽ tốt cho đứa trẻ, nhưng đây là việc chúng ta cần nhìn nhận lại. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có quyền được biết về nhân thân của mình. Sớm hay muộn trẻ cũng biết sự thật. Biết càng muộn, sự đau buồn càng lớn. Việc cho đứa con nuôi biết về cha mẹ đẻ nên làm càng sớm càng tốt. Khi đứa trẻ còn bé, cháu sẽ tiếp nhận việc này nhẹ nhàng, tự nhiên và không nặng lòng về điều đó. Khi đứa trẻ biết qua người khác, không phải từ cha mẹ nuôi, cháu sẽ càng đau lòng. Sự mù mờ về nhân thân, sự che giấu của cha mẹ nuôi sẽ càng khiến trẻ hoài nghi về bản thân, mặc cảm, mất lòng tin vào cha mẹ nuôi lẫn cha mẹ đẻ.

Đây là thời điểm cần thiết để anh chị thu xếp nói chuyện riêng một cách rõ ràng cho cháu biết về gia đình cha mẹ đẻ của cháu, về lý do anh chị nhận nuôi cháu và cả lý do anh chị đã giấu cháu. Khi cháu biết rõ ràng sự thật, cháu sẽ thêm hiểu tấm lòng của anh chị. Quan trọng hơn là cháu có thể cảm nhận được anh chị tôn trọng và tin tưởng cháu. Chuyện có tìm lại cha mẹ đẻ của cháu hay không, anh chị có thể bàn với cháu để cháu được quyết định khi nào cháu sẵn sàng. Việc tìm lại nguồn cội rất quan trọng với cháu, cả cho hiện tại và tương lai. Tôi tin cách giáo dục thành công của anh chị với cháu đầu, sẽ có ảnh hưởng tốt cho cháu thứ hai khi cháu hiểu mình là ai trong gia đình anh chị. Cháu là con nuôi nhưng cháu luôn là con anh chị.

Chuyên gia tham vấn Phạm Thị Thúy

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI