Mắc bệnh hiểm nghèo, người phụ nữ dân tộc rơi vào bế tắc

09/08/2024 - 06:17

PNO - Ngày 31/7, nghe bác sĩ nói sẽ chuyển chị sang khoa chăm sóc giảm nhẹ vì những khối u đã xuất hiện trong miệng lẫn trong não, chị Ksor H’Ple - 41 tuổi, người dân tộc Gia Rai, ngụ xã Ia Tul, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai - khóc nức nở. Nghĩ đến đứa con ở nhà còn ngây ngô chưa biết gì, chị thấy trái tim mình như bị ai bóp nghẹt.

“Vợ chồng tôi có 3 đứa con. Đứa lớn học xong lớp Chín thì nghỉ đi làm rẫy. Đứa giữa tốt nghiệp lớp Mười hai, vào được đại học, nhưng cũng phải nghỉ vì gia đình không có khả năng. Thôi thì chúng cũng đã lớn. Nhưng còn thằng nhỏ, mới học lớp Năm, còn khờ lắm, không biết mình chết rồi đời nó sẽ ra sao!” - chị Ksor H’Ple nghẹn ngào.

Chị Ksor H’Ple  rơi vào bế tắc khi biết bệnh tình đã nghiêm trọng
Chị Ksor H’Ple rơi vào bế tắc khi biết bệnh tình đã nghiêm trọng

Năm 2011, chị Ksor H’Ple bị ung thư đại tràng giai đoạn IV. Vợ chồng chị gom góp vào TPHCM hóa trị được 8 lần thì ngưng, vì không vay mượn thêm được ai nữa. Cứ nghĩ về nhà chờ chết, nhưng trời thương, chị thấy khỏe lại. Sức khỏe dù không được như trước nhưng hằng ngày chị vẫn làm việc. Hết việc nhà lại đi làm thuê. Không có người thuê thì chị lên núi bẻ măng về bán kiếm tiền mua muối, bột ngọt. Còn chồng đi chặt củi đổi gạo. Làm đủ thứ việc, vợ chồng họ cũng dành dụm để trả nợ dần.

Tháng 11/2022, thấy người mệt, khó thở, không thể làm được gì, chị Ksor H’Ple trở lại Bệnh viện Chợ Rẫy khám thì khối u đã di căn và đang trong tình trạng tràn dịch màng phổi. Chị được chuyển qua Bệnh viện 30/4 phẫu thuật lần thứ nhất rồi sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch phẫu thuật lần hai. Sau 2 lần phẫu thuật, chị được chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu TPHCM để điều trị. Nghe bác sĩ báo uống thuốc mỗi tháng 10 triệu đồng, chị xin bác sĩ chọn thuốc rẻ nhất có thể. Nhưng mỗi toa thuốc dù rẻ nhất cũng 4-5 triệu đồng.

Nhà có 1 miếng rẫy trên núi, chỉ trồng được cây sắn. Mấy năm bệnh tình ổn định, vợ chồng chị vay nhà nước 15 triệu đồng để nuôi bò. Rồi từ ngày bệnh tái phát, bò phải bán để có tiền thuốc men. Tiền sắn thu hoạch được cũng gom vào chữa bệnh. Nợ nần lại ngày càng chồng chất.

Sau gần 3 năm cầm cự, chị Ksor H’Ple rơi vào bế tắc khi biết bệnh tình đã nghiêm trọng. Chị tâm sự: “Tôi như muốn điên rồi, không biết phải làm gì nữa. Còn miếng rẫy không lẽ bán đi? Nếu bán cũng chỉ được 100 triệu đồng, không biết có đủ để mua lấy sự sống của tôi không? Miếng rẫy làm kế sinh nhai, mất rẫy rồi, không biết đời con sẽ sống nhờ vào cái gì?”.

Mọi đóng góp của bạn đọc giúp chị Ksor H’Ple chữa bệnh, xin gửi trực tiếp đến Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3; qua đường bưu điện hoặc tài khoản từ thiện: Báo Phụ nữ TPHCM, số 1800676768, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Kỳ Hòa, hoặc 0071001049165, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh TPHCM. Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay gia đình.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI