Mắc bệnh hiểm nghèo khi mang thai: Nguy mẹ, hiểm con

30/07/2016 - 06:46

PNO - Chuyện một thai phụ ở Hà Tĩnh từ chối điều trị ung thư phổi để dưỡng thai và hạ sinh em bé mới đây, vừa làm cộng đồng xúc động, vừa gây nên cuộc tranh cãi về quyết định này của người mẹ.

Trên thực tế có khá nhiều phụ nữ khi mang thai mới phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo. Bất hạnh chồng chất khi các chị buộc phải đứng trước lựa chọn: trị bệnh hay giữ con, nhất là việc mang thai này đặt mẹ và con trong tình trạng nguy kịch.

Hầu như bà mẹ nào cũng muốn giữ lại giọt máu của mình, bất chấp tính mạng hiểm nguy. Quyết định này cũng gây lắm tranh cãi - ngay cả với người thân trong gia đình. Bởi dù được xem là quyết định nhân văn, sự hy sinh cao cả của người mẹ, nhưng việc vừa thực hiện thiên chức làm mẹ vài ngày, vài tháng mà mẹ qua đời thì tội con và không công bằng cho trẻ khi từ một thiên thần hạnh phúc, được chờ đợi, thoắt chúng trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ.

Án tử bất ngờ

Kết hôn ba năm chưa có con và phải đi điều trị hiếm muộn, nhưng ngay sau niềm vui có thai thì chị Nguyễn Thị P. 25 tuổi, ở TP. Cần Thơ phát hiện bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2B đã di căn lúc thai chín tuần tuổi. Chưa tin chẩn đoán ở cơ sở y tế địa phương, chị đến BV Từ Dũ khám, kết quả không thay đổi. Chị giấu chồng, giấu gia đình hai bên, âm thầm chịu đựng những cơn đau hành hạ với ước mơ thực hiện thiên chức làm mẹ. Chị bỏ qua lời khuyên của BS, đình chỉ thai kỳ để hóa trị, vì đó là cách duy nhất có thể giữ tính mạng chị. Nhưng chị chấp nhận đánh cược với tính mạng của mình: từ chối điều trị để không ảnh hưởng đến con.

Đến tháng thứ sáu của thai kỳ, những cơn đau bụng làm chị ngất lịm, chồng và gia đình mới phát hiện bệnh của chị khi được BS thông báo. Nhiều người khuyên chị nên dành cho mình một cơ hội và sau này vẫn có thể có con, nhưng chị vẫn cương quyết không điều trị. Trong khi chồng và gia đình hai bên lo lắng, hồi hộp và day dứt vì sự hy sinh củ a chị P., thì chị vẫn tỏ ra an nhiên, mua sắm quần áo, bình sữa, sữa… để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn. Tuy nhiên, khi thai được 29 tuần, chị bị thai lưu. Đau tột cùng, chị suy sụp và trầm cảm khiến bệnh tình càng nặng hơn. Nhiều người tiếc xót vì chị P. mất con, còn cơ hội chữa bệnh gần như hết hy vọng.

Sau nhiều năm kết hôn và bị sẩy thai hai lần khi thai mới bảy - tám tuần nên vợ chồng chị Phạm Thị Ngọc Giàu (SN 1983) ở H.Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi rất khao khát có một mụn con. Vì vậy, khi biết tin đậu thai lần thứ ba và nhất là qua “dớp” tuần bảy - tám của thai kỳ, vợ chồng chị mừng đến trào nước mắt. Thế nhưng, khi khám thai định kỳ ở tuần thứ 10, chị Giàu nhận tin sét đánh: BS cho biết chị bị suy thận giai đoạn cuối. Chị vào BV Từ Dũ khám, kết quả cũng tương tự. Cách điều trị duy nhất là chạy thận nhân tạo, nhưng với thai phụ thì chưa có tiền lệ vì rủi ro rất cao: sẩy thai, nhau bong non, sinh non, xuất huyết, thiếu máu, nhiễm trùng, tăng huyết áp khó kiểm soát… Còn biến chứng với thai nhi: chậm phát triển trong tử cung, suy thai cấp hoặc mạn tính, suy hô hấp sơ sinh, chết trong tử cung hoặc sinh non có tỷ lệ đến 83%.

Chị Giàu tìm đến BV Chợ Rẫy khi thai được 24 tuần trong tình trạng toàn thân bị phù, dư nước, khó thở, tăng huyết áp khó kiểm soát… BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Thận nhân tạo - BV Chợ Rẫy kể: “Khi đó, sức khỏe bệnh nhân khá xấu, nếu không chạy thận nhân tạo kịp thời thì mẹ con đều nguy kịch. Nhưng việc lọc máu cho thai phụ chưa từng có, mà chị luôn cầu xin cứu thai nhi nên chúng tôi quyết định làm với mục đích cố duy trì đến khi thai 32 tuần.

Mac benh hiem ngheo khi mang thai: Nguy me, hiem con
Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, mẹ con chị Giàu là trường hợp may mắn hiếm có của bệnh nhân phát suy thận khi mang thai

Với những bệnh nhân khác, chỉ lọc máu ba lần/tuần và màng lọc thay sau mỗi ba lần, nhưng đây là trường hợp đặc biệt buộc chúng tôi phải lọc máu đến sáu lần/tuần và chỉ dùng màng lọc một lần dù chi phí tăng. Nhìn khát vọng sống và khát khao mong chờ đứa con của bệnh nhân, của gia đình, chúng tôi quyết tâm đi đến cùng. Sau khi được chạy thận, sức khỏe của bệnh nhân tốt hơn hẳn, còn em bé phát triển bình thường. Đến tuần 29 thai kỳ thì chị chuyển dạ, sinh bé trai nặng 850g, dù nhẹ cân nhưng bé vẫn phát triển đúng chuẩn. Hiện em bé đã hơn một tuổi, sức khỏe mẹ con đều ổn định, tuy mẹ vẫn phải chạy thận nhân tạo ba lần/tuần. Đây là trường hợp may mắn khi mẹ mắc bệnh nặng lúc mang thai mà vẫn được mẹ tròn con vuông”.

Mới đây, các BS khoa Sản và Ngoại tiêu hóa BV Đại học Y Dược TP.HCM mổ cắt khối u, nạo hạch và mở hậu môn nhân tạo cho chị Phan Thị K. 32 tuổi, ở Tiền Giang do ung thư đại trực tràng khi thai kỳ 19 tuần. Hiện chị dưỡng thai và theo kế hoạch chờ đến khi thai kỳ được 34-36 tuần sẽ đưa em bé ra ngoài và mẹ đượ c tiến hành hóa trị ngay. Tuy nhiên, ThS-BS Nguyễn Thị Tố Thư - Phòng khám Sản phụ khoa BV ĐH Y Dược - người tham gia điều trị cho chị T. cảnh báo: “Nội tiết tố của thai tiết ra có thể làm tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn, khi mổ lấy thai có thể phải cắt cả tử cung của thai phụ”.

Một quyết định, liên quan đến nhiều người

Khi lâm vào tình trạng này nhiều thai phụ và gia đình bị buộc vào tình thế nan giải: giữ con hay cứu mẹ. Hầu như bà mẹ nào cũng muốn giữ lại giọt máu của mình, bất chấp tính mạng hiểm nguy. Quyết định này cũng gây lắm tranh cãi - ngay cả với người thân trong gia đình. Bởi dù được xem là quyết định nhân văn, sự hy sinh cao cả của người mẹ, nhưng việc vừa thực hiện thiên chức làm mẹ vài ngày, vài tháng mà mẹ qua đời thì tội con và không công bằng cho trẻ khi từ một thiên thần hạnh phúc, được chờ đợi, thoắt chúng trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ.

Đây là nỗi đau khó lấp đầy trong suốt cuộc đời của trẻ. Hơn nữa, đứa trẻ vừa ra đời đã mang sứ mệnh và áp lực “mẹ đã hy sinh cho mình được sống”. Có thể trẻ sẽ sống có trách nhiệm hơn, nhưng cũng có thể trở thành rào cản, áp lực khiến trẻ dễ trở nên tự ti, mặc cảm. Anh Trần K., 19 tuổi, thợ tiện ở Q.6 là một ví dụ. Mẹ anh qua đời vì bệnh ung thư vú sau khi sinh anh được năm tháng, anh vẫn nhớ những vết “cứa” từ bao lời nói vô tình về sự ra đi của mẹ.

Quyết định nào trong hoàn cảnh này cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Chị Lê Thanh H., ở H.Mỏ Cày, Bến Tre phát hiện bị ung thư cổ tử cung khi mang thai 24 tuần, cũng là trường hợp bất chấp hiểm nguy để sinh con. Sau khi sinh được một năm, chị qua đời vì ung thư di căn. Nhìn vòng khăn tang chít trên đầu đứa trẻ vừa chập chững, ai cũng xót xa khi nghĩ đến tương lai, cuộc đời phía trước của bé thiếu vắng hơi ấm, tình thương của mẹ.

Tầm soát sản phụ khoa và phải khám tổng quát

Một trong những nguyên nhân khiến thai phụ dễ nhiễm bệnh hay bùng phát bệnh nặng trong lúc mang thai, theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc BV Phụ sản Hùng Vương, là do khi mang thai, sức đề kháng giảm. Khi đó những bệnh do nhiễm trùng như Zika, H5N1… dễ xâm nhập và những bệnh tiềm ẩn có cơ hội bùng phát trên cơ địa đang suy giảm miễn dịch của bà bầu. Về mặt chuyên môn, đạo đức của người thầy thuốc, hầu như chẳng ai khuyến khích thai phụ chẳng may bị bệnh nặng làm phép thử với tính mạng của mình.

Tuy nhiên, việc BS đưa ra lời khuyên bỏ thai hay giữ thai phải căn cứ vào kết luận hội chẩn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi thai, số lượng con đã có, tình trạng bệnh của người mẹ… Thai phụ được giải thích cặn kẽ, rõ ràng, nếu giữ thai sẽ được gì, gặp nguy cơ gì và bỏ thai để theo phác đồ điều trị của BS được gì/gặp nguy cơ gì… BS chỉ đưa ra lời khuyên, còn quyết định là quyền của thai phụ. Dù mỗi thai phụ có lý do khác nhau khi quyết định tiếp tục thai kỳ hay dừng lại, nhưng có một điều chắc chắn rằng dù chọn lựa nào thì các chị cũng đều vì con.

Để bà bầu có sức khỏe tốt và để có một thai kỳ khỏe mạnh, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết nhấn mạnh: “Lâu nay dân mình không có thói quen phải khám tiền sản trước khi mang thai hoặc chỉ khám qua loa. Nhiều người đi chích ngừa rubella, uốn ván… thì nghĩ mình đã chuẩn bị sức khỏe tốt để mang thai. Hầu hết trường hợp khi thấy trễ kinh, thử que lên hai vạch rồi mới đi khám, hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước - dù có kế hoạch sinh con hẳn hoi. Đây là điều không nên.

Để đảm bảo sức khỏe khi mang thai, phải khám sản phụ khoa xem có viêm nhiễm, u… và cả khám tổng quát cẩn thận xem có tăng huyết áp, có bệnh lý tim mạch, chức năng gan, thận có tốt, có viêm loét, u ở đâu… Vì không khám cẩn thận, nếu thế hệ tương lai, trụ cột của gia đình, đất nước là những trẻ đẻ non, khiếm khuyết tâm thần, vận động… thì sẽ ra sao? Chưa kể, nguy cơ thai nhi cũng dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh tật của mẹ và tác động của thuốc điều trị khiến sẩy thai, thai lưu, thai nhi dị tật… Trên thực tế, có những trường hợp sau khi dừng thai kỳ, bệnh nhân điều trị ung thư thành công nhờ phát hiện sớm và sau khi sức khỏe ổn định, vẫn mang thai và sinh con khỏe mạnh”.

Khát khao làm mẹ là thiêng liêng. Tuy nhiên, có nên bất chấp, thử thách tính mạng mình để sinh con là vấn đề cần được suy xét thấu đáo. Không chỉ dựa trên nhu cầu, khát khao của mẹ, gia đình, mà điều quan trọng là phải tính đến cả sức khỏe, tương lai của con - một chặng đường rất dài ở phía trước.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI