Mặc áo dài là góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

05/03/2024 - 18:47

PNO - Ngày 5/3, Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM đã phối hợp với Hội LHPN quận 7 tổ chức tọa đàm “Áo dài – Niềm tự hào của người Việt”.

 

Sự kiện thu hút đông đảo những người yêu áo dài
Sự kiện thu hút đông đảo những người yêu áo dài

Sự kiện có sự tham gia của Tiến sĩ Tâm lý Lý Thị Mai và Thạc sĩ Nghệ thuật Lê Sỹ Hoàng – Nhà thiết kế, Nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài.

Tại buổi tọa đàm, Thạc sĩ Nghệ thuật Lê Sĩ Hoàng đã chia sẻ những câu chuyện thú vị, đầy cảm xúc trong hành trình bảo tồn và quảng bá áo dài ra thế giới.

Theo ông, đời sống của áo dài vận động theo thời gian, và hòa cùng dòng chảy văn hóa Việt Nam, áo dài trở thành loại trang phục chứa đựng hồn cốt và niềm tự hào dân tộc của người Việt.

Từ đó, ông gởi gắm thông điệp: “Mặc áo dài không chỉ là góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, mà còn là trách nhiệm công dân. Mặc áo dài không chỉ cho mình, mà còn thể hiện chủ quyền trang phục nước mình, thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc.

Càng thương áo dài, tôi càng cẩn trọng trong các thiết kế. Tôi mong chúng ta ai cũng hiểu và thương áo dài như một người có kiến thức về văn hóa mặc. Hiểu để khi khoác lên người, chúng ta tự hào trở thành người Việt Nam. Văn hóa mặc là điều chúng ta cần lan tỏa thật nhiều trong đời sống xã hội hôm nay”.

Tiến sĩ Tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ, bà cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được đồng hành với Ban tổ chức Lễ hội áo dài thành phố, trong vai trò đại sứ áo dài của Lễ hội Áo dài năm 2024, nhằm lan tỏa tình yêu áo dài đến với cộng đồng.

Một trong những điều bà tâm đắc là ngày nay, áo dài không còn xa lạ với cộng đồng của chúng ta. Hay nói khác hơn, áo dài đã đi vào đời sống, và điều tự hào hơn, đó là áo dài không phải chỉ gắn liền với phụ nữ, mà ngày càng trở nên quen thuộc với nam giới, đặc biệt là các cháu thiếu nhi ở đủ mọi lứa tuổi.

Tiến sĩ - Chuyên gia Tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ tại sự kiện
Tiến sĩ - Chuyên gia Tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ tại sự kiện

“Là một cô giáo, là một chuyên gia tâm lý nên áo dài luôn luôn là trang phục mà tôi lựa chọn khi đi làm cũng như khi xuất hiện ở cộng đồng. Nay làm đại sứ, tôi càng ý thức hơn khi lựa chọn trang phục cho mình.

Trong chuyến đi Úc thăm con cháu vừa rồi, hành trang tôi mang theo là những chiếc áo dài. Khi nhìn thấy chúng tôi mặc áo dài đi trên đường phố, nhiều người reo lên: “Chào Việt Nam! Áo dài!”. Điều đó khiến tôi rất tự hào, bởi áo dài của chúng ta hiện nay đã lan tỏa rất xa”, bà Lý Thị Mai chia sẻ.

Tham dự sự kiện, các đại biểu có chung ý kiến rằng, cuộc sống ngày càng phát triển và đổi thay từng ngày, chiếc áo dài cũng đa dạng về kiểu dáng để phù hợp với phong cách thời trang của từng giai đoạn. Thế nhưng, dẫu thay đổi thế nào đi chăng nữa, áo dài vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp, văn hóa, và là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt.

Cùng với tọa đàm, Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM cũng đồng thời tổ chức hoạt động Triển lãm ảnh nghệ thuật Duyên dáng áo dài do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ Hải Âu sáng tác, nhằm giới thiệu những khoảnh khắc đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong trang phục áo dài.

Triển lãm được trưng bày tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM từ nay đến hết ngày 29/3, nhằm góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, gắn liền với hình ảnh chiếc áo dài trong đời sống, con người Việt Nam qua các thế hệ.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI