Má xin mang... dao lên máy bay

19/07/2022 - 16:48

PNO - Trên chiếc máy bay vừa cất cánh, một bác gái lấy ra một… con dao rồi gọt trái cây ngon lành. Khi bị phát hiện, tịch thu, bác lo lắng, hỏi xuống máy bay có được nhận lại con dao không?

Câu chuyện này mấy hôm nay gây xôn xao dư luận. Người ta nghi vấn: “Vì sao con dao - vốn thuộc danh mục vật phẩm nguy hiểm, cấm mang vào khu vực hạn chế, khoang hành khách của máy bay; lại được bác gái… trót lọt mang qua cửa an ninh lên máy bay?”.

Chuyện một bác gái mang được con dao lên máy bay gây xôn xao dư luận
Chuyện một bác gái mang được con dao lên máy bay gây xôn xao dư luận

Thôi thì câu hỏi đó cứ dành cho các cơ quan hữu trách. Điều khiến tôi rưng rưng, chính là sự hồn nhiên rất thương của bác gái. Hình ảnh bác khiến tôi nhớ đến má, cũng trong một tình huống tương tự.

Ba tôi mất sớm, má một mình nuôi đàn con khôn lớn, vất vả không sao đong đếm được. Tôi nhớ, ai kêu gì má cũng làm, kể cả chuyện nặng nhọc vốn cần sức đàn ông. Từ làm ruộng, nấu đám tiệc đến đi phụ hồ, cưa gỗ, đào mương dẫn thủy… má đều nhận miễn có tiền đong gạo. Hàng ngày, trước khi rời nhà đi làm, bữa sáng của má là một phần ba gói mì, tức một gói mì chia thành ba bữa sáng hoặc một vắt cơm độn khoai, sắn…

Hoàn cảnh khó khăn, phần lớn anh chị tôi tốt nghiệp lớp 12 rồi nghỉ, dù học rất giỏi. Tôi là con út, được má và các anh chị “yêu cầu” đại diện gia đình học đến nơi đến chốn; thiếu đến đâu, vay mượn đến đó.

Nỗi vất vả của má không sao đong đến được kể từ ba tôi mất (ảnh minh họa)
Nỗi vất vả của má không sao đong đến được kể từ ba tôi mất (Ảnh minh họa)

Năm 2010 - tròn hai năm tôi tốt nghiệp, có việc làm ổn định - công ty tôi lên kế hoạch tổ chức chuyến du lịch Phú Quốc. Thông tin công ty cho nhân viên được đăng ký “tứ thân phụ mẫu” đi cùng khiến tôi rất vui. Đó là dịp tôi thực hiện lời hứa của chính mình: hễ có điều kiện, sẽ đưa má đi đây đó cho biết.

Má tôi lúc này đã hơn 60 tuổi, sức khỏe kém do cả đời lao lực. Bà vốn ít khi đi đâu ra khỏi huyện, ngại ngùng nên từ chối chuyến đi. Tôi và các anh chị ra sức thuyết phục, động viên “có đi máy bay” nên bà đổi ý. Tôi nhớ hoài câu nói của má: “Thôi đi máy bay thử một lần cho biết rồi về… chết cũng vui”.

Từ quê, lần đầu má đón xe vượt hơn 500 cây số vào TPHCM. Như mọi bà mẹ quê, má không chỉ mang vào cho tôi mà còn mang cho các đồng nghiệp của tôi đủ thứ bánh mứt; có cả giỏ trái cây má gom mua trong làng.

Giỏ trái cây đó, má định đãi cả đoàn suốt chuyến đi du lịch. Má đặc biệt mang theo con dao bằng thiếc, có khắc rõ tên má (hình thức con dao giống dao Thái Lan cán vàng bán ở chợ). Con dao ấy, là kỷ vật của ba tôi tặng cho má. Sinh thời, ba tôi là thợ thiếc, chuyên làm gàu, dao, xoong nồi... bán ngoài chợ.

Nhờ có giỏ trái cây và con dao của má, cả công ty tôi... đỡ buồn trên suốt chặng hành trình, từ lúc xe khởi hành ở TPHCM về Rạch Giá - Kiên Giang, rồi đi tàu ra Phú Quốc và những ngày vui chơi ở nơi này.

Má tôi lần đầu vào TPHCM, mang theo giỏ trái cây và con dao kỷ vật dùng cắt gọt, đãi cả công ty tôi
Má tôi lần đầu vào TPHCM, mang theo giỏ trái cây và con dao kỷ vật dùng cắt gọt, đãi cả công ty tôi (Ảnh minh họa)

Cho đến ngày cuối cùng của chuyến đi, theo lịch trình, công ty về lại thành phố bằng máy bay. Với nhiều người trong đoàn, kể cả tôi, đó cũng là lần đầu được đi máy bay nên không nắm hết luật lệ, quy định của hàng không; chủ yếu phụ thuộc hướng dẫn viên của đoàn.

Lúc đó, má đến cửa an ninh, "bắt chước" mọi người đặt túi xách lên băng chuyền để kiểm tra thì bỗng đâu, một tràng “te te te” vang lên khiến tất cả ngoái nhìn bà - thứ âm báo có vật dụng cấm mang lên máy bay khi qua cửa an ninh.

Má hốt hoảng, tôi chưa kịp trấn an thì một nhân viên sân bay vội bước đến, mời má sang một bên, nhờ mở túi, lấy ra con dao kỷ vật. Người đó nêu quy định của hàng không, yêu cầu má để lại con dao.

Má năn nỉ được mang con dao trở về. Với bà, con dao đó là tình cảm và hình ảnh những ngày ba tôi ngồi cắt gọt, đục đẽo đến phồng rộp bàn tay làm món quà tặng vợ.

Nhưng quy định thì cần phải chấp hành. Má để lại con dao.

Tôi rưng rưng, chạy đến ôm má khi nhìn vào mắt bà - đôi mắt đỏ hoe đang nhìn theo con dao được người khác mang đi.

Ở những nơi công cộng, người lớn luôn cần sự giúp đỡ
Ở những nơi công cộng, người lớn luôn cần sự giúp đỡ (Ảnh minh họa)

Thi thoảng, tôi trách mình sau chuyến đi, đã không tìm cách đưa con dao trả về lại cho má, dù bà không yêu cầu (tính má tôi rất ngại làm phiền các con mình).

Chuyện bác gái mang con dao lên máy bay, ngon lành gọt trái cây, có lẽ cũng như tôi, “chạm” vào rất nhiều người hình ảnh một bà mẹ quê mùa, hiền lành, đôn hậu trong những lần “bước ra thế giới”, được đi đó đi đây và phần lớn không biết nhiều về nội quy, nguyên tắc nơi mình đến.

Thương họ rất nhiều.

Có lẽ, câu chuyện ít nhiều cũng nhắc nhở chúng ta - những người làm con hoặc lắm khi, chỉ là người qua đường rằng, hãy giúp đỡ, quan tâm hơn đến cha mẹ, người lớn tuổi trong bất cứ trường hợp nào. Thương biết bao vẻ lóng ngóng, túng túng trước một chốn mà mẹ cha không thân thuộc…

Đông Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI