Má về ngủ yên…

27/03/2019 - 11:00

PNO - Ít ai ngờ, người phụ nữ nhỏ nhắn, có đôi mắt đen láy, to tròn và ánh nhìn hiền hậu ấy lại đảm nhận cái công việc ngàn cân treo sợi tóc.

Nhớ cái ngày con gặp ba trên đất Bắc, trong nỗi nhớ người vợ tảo tần xa cách gần 20 năm, ba nói cho con nghe hay ba đang thầm thì với chính mình: “Má con như cành liễu trước gió, mặc cho giông bão, cành liễu ấy vẫn cố vươn những nhánh lá mỏng manh mà che chắn con, rồi lần lượt đưa các con vào bầu trời cao rộng, dù má biết không dễ dàng gì để mỗi đứa con mình sống được nơi bầu trời Nam lúc ấy, đầy quạ và chim ưng”. 

Cái dáng nhỏ gầy, liêu xiêu, tay cặp nón lá, má đang đi giữa đường quê Bình Ân, ghé về xóm Dinh tảo mộ… Cả cuộc đời má là Những chuyến gần xa tảo tần vất vả/ Má lo toan cho tất cả mọi người/ Sau chuyến đi cuối cùng năm ấy/ Má/ Người con ngoan cường của đất mẹ Bình Ân/ Mới về ngủ yên bên cạnh mộ chồng (Trương Chính Tâm). Những dòng thơ nặng trĩu của anh Năm cứ nối dài trong con theo những chặng đường mà má đã đi qua…

Ma ve ngu yen…
Má đã sống trọn một đời tận trung với đất nước, với nhân dân, tận nghĩa với gia đình và quê hương Bình Ân.

Và nó hiện lên thật rõ trong cái buổi sáng 17 tháng 4, của chín năm về trước, khi tên má trang trọng vang lên giữa hội trường lớn, tại Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho các tập thể và cá nhân tại TP.HCM. Má là một trong ba cán bộ Thành đoàn được truy tặng.

Nhớ cái ngày con gặp ba trên đất Bắc, trong nỗi nhớ người vợ tảo tần xa cách gần 20 năm, ba nói cho con nghe hay ba đang thầm thì với chính mình: “Má con như cành liễu trước gió, mặc cho giông bão, cành liễu ấy vẫn cố vươn những nhánh lá mỏng manh mà che chắn con, rồi lần lượt đưa các con vào bầu trời cao rộng, dù má biết không dễ dàng gì để mỗi đứa con mình sống được nơi bầu trời Nam lúc ấy, đầy quạ và chim ưng”. 

Ma ve ngu yen…
Khi chồng tập kết ra Bắc, má Sáu Hòa ở lại một mình nuôi các con và hoạt động cách mạng

Bởi không ai khác, chính má đã trải qua những thời khắc sống giữa chim ưng, tồn tại trong hang của bầy quạ mà chiến đấu, sinh tồn. Mùa hè, con được dì Bảy đưa lên Sài Gòn ở chơi với má. Má hay mặc áo dài, đội khăn the, bữa dẫn con theo ra chợ, bữa lại cho con đi chơi. Lúc nào má cũng mang theo cái giỏ xách, con cũng vác theo cái cặp, má giấu vũ khí vào đó để qua mặt lính xét. Đứa con nít như con cảm giác như ai cũng đang nhìn mình, trong khi má cứ tự nhiên bước, vậy mà trót lọt. Có hôm, dắt ra chỗ chợ, má dặn tụi con ngồi chơi đợi má rồi đi đâu đó thiệt lâu. Lúc trở lại, má vội vàng hơn, xách cả mấy đứa lẹ làng, tụi con ngơ ngác sấp ngửa bước theo. Mãi tới sáng hôm sau, bà con kháo nhau, báo chí đăng tải, hôm qua có một vụ nổ lớn cách chợ không xa. Con dần hiểu ra công việc của má ngay giữa lòng Sài Gòn là thế đó.

Ít ai ngờ, người phụ nữ nhỏ nhắn, có đôi mắt đen láy, to tròn và ánh nhìn hiền hậu ấy lại đảm nhận cái công việc ngàn cân treo sợi tóc. Má vận chuyển súng đạn, thuốc nổ, lựu đạn. Má nghi trang chúng dưới các chậu mai, ghe chở dừa, trên bộ dưới sông, từ vùng ven vào nội đô Sài Gòn. Ngay tại nội thành, má dùng tủ hai đáy để ngụy trang và vận chuyển từ “kho” này đến “kho” khác được nghi trang bằng nhiều hình thức - giỏ xách, gánh rau quả, xe đạp, xe máy... gầy dựng và hình thành nên nhiều kho vũ khí giữa lòng Sài Gòn, tiếp tế cho nhiều trận đánh táo bạo làm rung chuyển trung tâm đầu não chế độ Sài Gòn thập niên 70. 

Lần ấy, má bị đánh ghen, con còn nhỏ nhưng kịp hiểu sự im lặng nhẫn nhịn của má. Má dùng xe taxi vận chuyển vũ khí, chú tài xế là cơ sở của mình. Những xì xầm to nhỏ, rồi hò hẹn tối khuya, sáng sớm khiến vợ của chú tài xế ghen tuông. Con đau xót nhìn cảnh má bị người phụ nữ kia lao vào đánh và con cũng đủ hiểu mà nín lặng để cho má “tròn vai”. Sau đợt đó, má phải nhờ người đóng giả làm chồng - là sĩ quan về thăm nhà, má làm cơm mời hàng xóm đến ăn để nghi trang. 

Ma ve ngu yen…
Má Sáu Hòa trong một chuyến về thăm căn cứ cách mạng.

Sau này, khi đất nước thanh bình, con được đọc, được xem những trang sách, thước phim về các anh hùng thời chiến, con vẫn thầm nhớ những tháng ngày ấy để hiểu và tin rằng, trong con, bên con luôn có một người mẹ anh hùng. Thầm lặng mỗi ngày, dù không còn phải tính toán, hồi hộp, lo sợ đi về như ngày xưa, nhưng má vẫn rảo chân ra chợ, rồi vất vả với xưởng bột giấy nhỏ. Tụi con khuyên má nghỉ, má nói: “Má làm việc quen rồi, ngồi không má không chịu được, mà má làm vậy, lấy tiền làm công tác xã hội”. Ở Q.9, các em học sinh nghèo, nhà xa, hay chuyện, má mua cho tụi nhỏ xe đạp. Thấy má vui, lại có ích cho mọi người, tụi con cũng yên lòng chiều ý má, rồi công việc cuốn chúng con đi về một phía. 

Cho đến ngày, qua mấy bận má lần lữa giấu bệnh, tụi con ép má phải vào Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic, rồi qua các kỳ hội chẩn ở bệnh viện Nguyễn Trãi, Chợ Rẫy cho đến khi cái khối u quái ác kia hiển thị. Mắt con mờ đi. Lòng con thắt lại. Con đưa tay níu má, thì tay con đã… ngắn mất rồi! 

Lòng dặn lòng phải giữ bình tĩnh trước má, con ký giấy trước khi chích thuốc cản quang, chụp CT để xác quyết khối u nguyên phát và đang lan dần thứ phát. Bác sĩ nói, sẽ ráng hết sức để giữ má qua được ba tháng. Một trăm ngày. Quãng thời gian khắc nghiệt ấy, tụi con chỉ biết quanh quẩn bên má, níu giữ từng khắc, từng giây quý giá bên cạnh người mang nặng đẻ đau ra mình, thảng thốt, sợ hãi khi sáng mai thức giấc sẽ nhìn nhau bằng ánh mắt mồ côi. 

Rồi cũng đến ngày má lặng lẽ đi xa, đi một mình, “về ngủ yên bên cạnh mộ chồng”. Vẫn nụ cười hiền phấp phới nhưng gương mặt má sao không lúc nào tươi. Bà ngoại đã chẳng nói, “má mày chỉ cười tươi cái hôm vừa sanh mày”. Bình Ân, chợ Bến, xóm Dinh của xứ Gò Công hiện lên ngập lòng con giữa những ngày tháng Tư nhớ nhung quay quắt. 

Có lần, má cười cười nói đùa, “con Út nó vết cái này cái kia sao chưa thấy nó viết một dòng về má…”. Má ơi, con đang viết những dòng về má. Những dòng chữ muộn màng này con xin gửi theo má, là lời yêu thương, là lời ân hận, là lời biết ơn sâu nặng của cháu con, xin má hãy yên lòng. 

Má Sáu Hòa tên thật là Nguyễn Thị Tư, bí danh Tư Hạnh, người Bình Ân, Gò Công. Bà sinh năm 1918, trong một gia đình trung lưu. Tháng 8/1945, bà cùng chồng là ông Trương Văn Đẩu, một công chức tốt nghiệp Trường Bá Nghệ (nay là Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) tham gia cướp chính quyền ở Gò Công. Năm 1954, khi chồng tập kết ra Bắc, bà ở lại nuôi 6 đứa con và hoạt động cách mạng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của bà là xây dựng kho vũ khí bí mật trong nội thành để phân phối cho các đội biệt động và cánh vũ trang nội đô của Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bà hai lần bị địch bắt giam, mặc cho mọi khảo tra, đánh đập tàn bạo, bà vẫn một lòng một dạ kiên trung bảo vệ tổ chức, đồng đội. 

Ngày 17/4/2010, má Sáu Hòa là một trong ba cán bộ Thành đoàn thời chống Mỹ được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Trương Thị Hiền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI