Cuối tuần, nhà tôi đông như hội - gần chục người nhưng vẫn thấy buồn. Bữa cơm tối ngồi kín chỗ nhưng cứ thấy trống vắng. Cũng-bởi-tại “cô thôn nữ” từ Chợ Mới, An Giang lên chơi nửa tháng làm căn nhà luôn ấm áp, rộn ràng tiếng cười. Giờ cô về, mang theo cả hồn và niềm thương nỗi nhớ của chúng tôi.
|
“Cô thôn nữ” và hai cháu ngoại, con tôi |
Tôi nói dẫn “cô thôn nữ” đi Thảo Cầm Viên chơi, cô nhất quyết không chịu, chỉ đòi đi… Sở thú. Nhìn cổ hiền vậy chớ toàn đòi đi coi cọp, sư tử, gấu. Thôn nữ gặp 3 “ông ba mươi” bự chà bá đang nằm im lìm, cổ kêu lớn: “Ông cọp ơi, mở mắt ra nhìn tui nè”. Vậy mà ông cọp không đoái hoài lời người đẹp.
“Cô thôn nữ” của tôi là người tự tin nhất thế giới. Hai hôm trước, tôi đưa cổ đi khu du lịch Suối Tiên để cổ tìm lại ký ức từng đi với bạn trai hơn chục năm trước. Cổ nghe người ta xuýt xoa: “Đẹp quá, rộng quá” thì quay qua tôi nói nhỏ: “Mấy người này chắc ở quê lên nè”. Tôi chưa kịp hỏi, cổ tự nói: “Đây đỡ hơn nghen, đây ở xã lên à”.
Rời chuồng cọp, “cô thôn nữ” đi qua chuồng sư tử, đúng lúc sư tử đực đang ve vãn sư tử cái, thôn nữ đỏ mặt bỏ đi một nước, qua hướng chuồng cá sấu. Khu đó leo lên những bậc thang và chiếc cầu dài. Tôi đưa tay nắm tay cổ, cổ đổ người nghiêng ngả qua tôi với bước chân xiêu vẹo, chậm chạp, nhưng miệng luôn dặn: “Nhớ nắm chặt tay má nghen, coi chừng té đó con!”.
Câu nói này như luồng điện chạy khắp người tôi. Tôi sực nhớ ở một góc vùng quê của hơn 40 năm trước, mỗi lần đi qua cầu khỉ, hay lên những bậc thang gồ ghề như thế này, má luôn nắm chặt tay tôi và dặn “nhớ nắm chặt tay má nghen, coi chừng té đó con!”. Khi đó, tôi thả im bàn tay nhỏ bé trong bàn tay rắn chắc của má. Và tôi nghịch ngợm, nghiêng ngả, tựa vào má để má kéo tôi đi.
Giờ đây, bàn tay tôi cũng chợt nhỏ bé, nằm gọn trong bàn tay khẳng khiu, gân guốc của má. Má vẫn siết chặt tay tôi như ngày xưa, nhưng cánh tay run lẩy bẩy. Đôi tay quyền lực một thời với tôi.
Dù đi bất cứ đâu, thậm chí có lần hai má con băng đồng về trong đêm tối và phải đi ngang một khu mộ - nơi tôi rất sợ - nhưng chỉ cần má chìa tay là tôi vững tin bước. Và bao giờ tôi cũng nghiêng ngả đổ vào người má, để má phải kéo tôi đi.
Giờ đây, trong hai chiếc bóng này, cũng có một bóng nghiêng ngả và tôi chợt nhận ra, đến hơn 40 năm sau - khi má ở tuổi 85 - tôi mới được một lần làm “cây tùng” của má. Đàn con 7 đứa, một tay ba má cực khổ, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để nuôi khôn lớn, ăn học nên người - vẫn chưa một lần tựa vào các con - cả nghĩa đen lẫn bóng.
Lần này thuyết phục, dụ dỗ mãi má mới chịu lên ở chơi gia đình tôi hai tuần. Những gì ký ức xưa cũ đi qua giờ tái hiện trở lại, nhưng gió đã xoay chiều.
Ngày xưa, mỗi lần má đi ruộng, chiều chiều là tôi ra sân ngồi ngóng má về. Thấy bóng người xuất hiện từ cuối làng là tôi nhỏm dậy nhìn ngút mắt. Cảm giác buồn bã khi người đến gần không phải là má, và tôi nhảy tưng tưng, chạy đến ôm chầm má với chiếc áo bà ba lấm lem bùn đất.
Giờ đây, tôi đi làm, nghe đứa cháu kể: “Từ 2g chiều là ngoại ngóng ra cửa, hỏi: khi nào út bây mới về, út bây sắp về chưa?”. Nghe tiếng bước chân ai trước cửa cũng bật ngồi dậy “chắc út bây về”. Và đúng 4g là má bắc ghế ra ngồi ngay cửa, ngóng ra thang máy chờ tôi. Tôi về. Má nắm tay hỏi liên tục: “Đi làm mệt dữ không con, sao về trễ vậy con?”.
Mấy nay, có hôm Sài Gòn mưa sáng. Tiếng mưa lộp độp xuống mái hiên làm tôi nhớ quay quắt những ngày xưa cũ. Ngày đó, mỗi sáng - nhất là khi trời mưa, tôi nằm quấn kén trong chiếc mền lắng nghe tiếng dầm khua nước của má về. Hôm nào má bỏ mối được cho bạn hàng thì về sớm (nhà tôi trồng rau cải, dưa leo, bầu bí), hôm nào dội hàng thì ngồi chợ đến trưa. Tôi ở nhà đói bụng, ra ngồi thu lu ngay cửa để chờ má về.
Xuồng má vừa cập bến là tôi chạy ào ra, hờn dỗi: “Sao lâu dữ má?”, rồi miệng hỏi “má mua gì cho con vậy?”, tay lục giỏ tìm bánh. Khi thì mấy cái bánh bèo, da lợn, khoai lang, hôm nào má bán hút hàng thì được ổ bánh mì, bịch cháo. Giờ đây, sáng má ngồi ở sofa chờ tôi mua đồ điểm tâm về. Có hôm để tìm món ngon cho má tôi chạy xe hơi xa, về má buồn thiu (chắc vừa đói, vừa trông con gái), hỏi “sao lâu dữ vậy con?”.
|
"Cô thôn nữ" của tôi |
Tôi ngỏ ý đút má ăn. Má xua tay, lắc đầu: “Thôi thôi, để má tự ăn. Má còn tay còn chân chứ bộ”. Vậy mà khi tôi sinh đôi Gạo Nếp, hai bé quá khó, suốt ngày tôi xoay mòng mòng với hai đứa nên không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. Vậy là một buổi sáng, khi tôi hai tay cầm hai bình sữa cho hai bé bú, thì má bưng tô cơm ngồi bên cạnh tôi, đút cho tôi ăn. Tôi không chịu nói “để chút con ăn”, nhưng má biết một chút có thể đến tối, đến khuya nên má bắt tôi hả miệng và ngồi đút tôi từng muỗng.
Giờ đây, tôi ngồi nhìn má ăn. Khi má lên trên này, tôi mới có thời gian lặng yên ngắm má. Má ăn chậm chạp, tay cầm đũa run run, nên thỉnh thoảng sợi bún, miếng thịt văng ra ngoài, má lại bốc bỏ vào tô. Vậy mà có những lần về quê, khi nhìn má lượm đồ ăn rơi bỏ vào chén tôi đã cự “đồ ăn rớt dơ rồi má lượm lại chi? Sao má ăn lần nào cũng đổ trắng trời”. Khi đó má im lặng, và thật sự tôi chưa từng nhìn, và chưa từng biết má thường làm rơi thức ăn vì đôi tay đã yếu.
Sự chăm sóc đến từng miếng ăn, giấc ngủ của má dành cho đàn con làm tôi quên má đã quá già và má có quyền yếu đi, tay má có quyền run rẩy, cầm nắm không chắc và rơi vãi thức ăn. Có lần về quê ngồi cạnh má, tôi nghe ngai ngái mùi nước tiểu và tôi lại cự má “má đi tắm đi, sao người má có mùi nước tiểu vậy?”.
Hay khi tôi gọi điện thoại về nói chuyện với má, nhưng gào khản cổ, lặp lại câu hỏi cả chục lần má vẫn bình thản nói chuyện khác, nên tôi đã nổi cáu “sao con hỏi một đường, má cứ trả lời một nẻo vậy?”. Bởi tôi quên rằng, má tôi đã 85 tuổi, đã qua 7 lần sinh nở nên các cơ quan trong cơ thể của má cũng già nua theo. Và khi đó tôi đã quên, người ngồi đó từng là cả bầu trời, quả đất của tuổi thơ tôi.
Cái mùi cơ thể má cũng từng là mùi hương kỳ diệu nhất, quyến rũ nhất của tuổi thơ tôi. Đã không biết bao lần, tôi rúc vào người má hít lấy hít để mùi hương ấy và khi đi học, đi chơi tôi cứ nhớ da diết mùi hương của má rồi ước ao rằng tôi được sống trong mùi hương đó đến suốt đời.
Vậy mà có lúc tôi lại quên, lại khó chịu, lại bực bội.
Cảm ơn má đã cho con nửa tháng được bé bỏng, hồn nhiên và cả sự dằn dỗi của một đứa con gái... tóc bắt đầu điểm sương. Thương lắm, nhớ lắm hình ảnh má đứng chụp hình bên gốc cổ thụ trong Thảo Cầm Viên. Mà chị em con ví là: “Cổ đa bên cổ thụ”.
Đó là tấm hình mà Gạo Nếp - hai cháu ngoại của má cứ tấm tắc: “Bà ngoại đẹp quá hà!”. Và cũng cảm ơn lời ước hẹn của hai cô con gái 7 tuổi của tôi: “Sau này mẹ “lớn” như bà ngoại, Gạo Nếp sẽ dẫn mẹ đi Sở thú, Suối Tiên, Đầm Sen chơi nha”.
Út Tứ của má